backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bật mí cách tăng hồng cầu đơn giản và hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 08/06/2021

    Bật mí cách tăng hồng cầu đơn giản và hiệu quả

    Nếu tình trạng thiếu máu xảy ra, tăng hồng cầu là việc cần được ưu tiên hàng đầu. Để thực hiện điều này, bạn có thể bắt đầu từ việc xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đồng thời áp dụng một số lối sống lành mạnh. 

    Theo các chuyên gia, tăng hồng cầu bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp cùng với lối sống lành mạnh là biện pháp đơn giản nhất giúp ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng thiếu máu. Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu thiếu máu vẫn tiếp tục diễn ra, bạn sẽ cần đến gặp bác sĩ và tiếp nhận điều trị y tế.

    Vậy, bạn đã biết mình cần ăn gì và sinh hoạt thế nào để tăng hồng cầu chưa? Hãy để Hello Bacsi mách bạn một số phương pháp hữu dụng sau nhé.

    Vai trò của hồng cầu trong cơ thể

    Tế bào hồng cầu chiếm số lượng lớn nhất trong máu. Chúng chứa hemoglobin, một loại protein giúp mang oxy đi khắp cơ thể. Đồng thời, hợp chất này cũng đóng vai trò tạo nên sắc tố đỏ của máu nên còn được gọi là huyết sắc tố.

    Tuổi thọ trung bình của một hồng cầu thường là 115 ngày. Tủy xương là cơ quan chịu trách nhiệm sản sinh hồng cầu liên tục. Nếu cơ thể không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu, những tế bào hồng cầu mới sinh ra có nguy cơ đột biến hoặc chết đi trước khi được thay thế.

    Nhiệm vụ của hồng cầu là vận chuyển oxy cùng chất dinh dưỡng đến toàn bộ các tế bào trong cơ thể. Điều này giúp mọi hoạt động sống diễn ra thuận lợi. Do đó, nếu số lượng hồng cầu bị hao hụt, cơ thể dễ bộc lộ dấu hiệu mệt mỏi và suy nhược.

    Bên cạnh đó, thiếu hụt hồng cầu cũng kéo theo một loạt các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng khác. Lúc này, việc thúc đẩy quá trình sản sinh tế bào máu là ưu tiên hàng đầu.

    Ăn gì để tăng hồng cầu?

    Dinh dưỡng giúp tăng hồng cầu

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết đem lại rất nhiều lợi ích đáng kể cho quá trình sản sinh tế bào hồng cầu khỏe mạnh.

    Mặt khác, bạn cũng có thể bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể bằng thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đánh giá cao việc cơ thể hấp thụ dưỡng chất từ chế độ ăn uống hơn.

    Các chuyên gia đã đề xuất một số nhóm thực phẩm sau đây để tăng hồng cầu hiệu quả, bao gồm:

    Thực phẩm giàu chất sắt thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu

    Tình trạng thiếu máu có thể xảy ra do thiếu chất sắt. Nguyên nhân là do loại khoáng chất này đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất hemoglobin. Thiếu sắt đồng nghĩa với việc hồng cầu có thể chết sớm hơn bình thường hoặc mất khả năng vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.

    Có thể nói rằng, bổ sung sắt chính là yếu tố quan trọng hàng đầu để tăng số lượng hồng cầu cũng như nuôi dưỡng các tế bào này. Bạn có thể bổ sung vào thực đơn hàng ngày của mình một số loại thực phẩm giàu chất sắt như:

    • Động vật có vỏ, ví dụ như hàu, sò, hến…
    • Ngũ cốc
    • Cải bó xôi
    • Chocolate với 45–69% ca cao
    • Các loại đậu như đậu gà, đậu trắng, đậu lăng…
    • Một số loại cá như cá ngừ, cá mòi…
    • Khoai tây nướng còn vỏ
    • Thịt bò
    • Đậu hũ
    • Gan bò và gà

    Thực phẩm giàu vitamin B12 đảm bảo hồng cầu phát triển hoàn toàn

    Vitamin B12 không chỉ quan trọng đối với chức năng não mà còn góp phần sản sinh hồng cầu mới. Do đó, hàm lượng vitamin B12 thấp có nguy cơ cản trở sự phát triển hoàn chỉnh của loại tế bào này. Đồng thời, nó còn có thể gây ra tình trạng thiếu máu hồng cầu khổng lồ.

    Bạn có thể tăng hồng cầu bằng cách bổ sung vitamin B12 với những loại thực phẩm như:

  • Thịt đỏ
  • Các loại cá
  • Động vật có vỏ
  • Sữa và những sản phẩm làm từ sữa
  • Hiện nay, các nhà sản xuất đang có xu hướng tăng cường vitamin B12 vào những sản phẩm như ngũ cốc ăn sáng và men dinh dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu của các đối tượng không ăn thịt hoặc uống sữa.

    Thiếu hồng cầu nên ăn gì? Thực phẩm giàu vitamin B9

    Mọi người còn biết đến vitamin B9 qua tên gọi axit folic hoặc folate. Đây là một dưỡng chất cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh cũng như tuyến thượng thận.

    Để tăng hồng cầu nên ăn gì? Thực phẩm giàu vitamin B9

    Đôi khi, nguyên nhân thiếu máu cũng có thể xảy ra do nồng độ folate thấp. Như vậy, để tăng hồng cầu bù đắp vào số lượng hao hụt, bạn cũng nên cân nhắc bổ sung một số thực phẩm giàu axit folic vào khẩu phần ăn thường ngày. Chúng có thể bao gồm:

    • Gan bò
    • Măng tây
    • Cải brussel
    • Các loại rau lá xanh như cải bó xôi, cải bẹ xanh…
    • Cam
    • Một số loại đậu như đậu phộng, đậu dải, đậu thận…
    • Bánh mì và ngũ cốc

    Tăng hồng cầu bằng thực phẩm giàu vitamin C: thực hư ra sao?

    Thực tế, vitamin C không ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất hồng cầu của cơ thể. Tuy nhiên, đối với việc tăng hồng cầu, loại dưỡng chất này vẫn đóng vai trò nhất định giúp hỗ trợ cơ thể hấp thụ chất sắt tốt hơn.

    Nguồn cung cấp vitamin C dồi dào nhất là các thực phẩm thuộc nhóm rau củ và trái cây, bao gồm:

    • Kiwi
    • Ớt chuông
    • Bông cải xanh
    • Cà chua
    • Trái cây họ cam quýt như bưởi, cam, quýt, chanh…
    • Các loại quả mọng gồm dâu tây, việt quất, phúc bồn tử…

    Hồng cầu thấp nên ăn gì? Thực phẩm chứa nhiều đồng

    Để sử dụng sắt trong quá trình sản xuất tế bào máu, cơ thể sẽ cần đến khoáng chất đồng. Điều này cũng có nghĩa rằng nếu thiếu hụt đồng, bạn có thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ sắt và nuôi dưỡng hồng cầu.

    Để bổ sung đồng cho cơ thể, bạn có thể cân nhắc một số thực phẩm như sau:

    • Gan bò
    • Động vật có vỏ
    • Một số loại hạt như hạt điều, hạt hướng dương, hạt mè…
    • Chocolate
    • Khoai tây
    • Nấm
    • Quả bơ
    • Đậu xanh
    • Đậu hũ

    Mối liên hệ giữa vitamin A và quá trình gia tăng hồng cầu

    Tương tự khoáng chất đồng, retinol (vitamin A) cũng góp phần gia tăng số lượng tế bào hồng cầu trong cơ thể.

    Mối liên hệ giữa vitamin A và quá trình gia tăng hồng cầu

    Nếu muốn bổ sung retinol vào thực đơn hàng ngày, bạn có thể cân nhắc một số loại thực phẩm như:

    • Gan bò
    • Một số loại cá béo, ví dụ như cá hồi
    • Khoai lang
    • Cà rốt
    • Một số loại rau xanh sẫm màu như cải xoăn, cải bó xôi hay rau bina…
    • Bông cải xanh
    • Bí đao
    • Một số trái cây như dưa vàng, mơ, xoài…
    • Dầu gan cá

    Bạn nên xây dựng lối sống lành mạnh như thế nào để tăng hồng cầu?

    Kết hợp cùng chế độ ăn uống khoa học, một số thói quen sinh hoạt tốt có thể ảnh hưởng đáng kể trong việc tăng số lượng hồng cầu, bao gồm:

    Hạn chế dùng thức uống chứa cồn

    Mặc dù rượu vang đỏ được đánh giá là có lợi cho sức khỏe, nhưng nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng nếu muốn tăng mật độ tế bào máu vận chuyển oxy, bạn nên hạn chế hoặc bỏ hẳn thức uống này. Theo họ, uống nhiều bia, rượu… có thể làm suy giảm số lượng tế bào này.

    Theo một hướng dẫn về chế độ ăn uống lành mạnh ở Hoa Kỳ, nhằm đảm bảo sức khỏe, đàn ông chỉ nên uống tối đa hai ly rượu mỗi ngày. Trong khi đó, phụ nữ chỉ nên uống một ly.

    Rèn luyện thể chất giúp tăng hồng cầu

    Rèn luyện thể chất giúp tăng hồng cầu

    Hoạt động thể chất góp phần làm tăng nhịp tim cũng như nhu cầu oxy của cơ thể và não. Nhu cầu oxy tăng lên sẽ kích thích tủy xương sản sinh nhiều hồng cầu hơn. Đồng thời, kết hợp với việc ăn uống đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp nuôi dưỡng và phát triển toàn diện những tế bào máu mới này.

    Đối với trường hợp thiếu hồng cầu, các bài tập phù hợp với tất cả mọi người gồm:

    • Chạy bộ
    • Đi bộ
    • Đạp xe
    • Bơi lội
    • Thể dục nhịp điệu

    Thực tế, những hoạt động thường ngày cũng được xem là bài tập luyện phù hợp để giúp tăng hồng cầu, chẳng hạn như:

    • Đi thang bộ, thay vì sử dụng thang máy
    • Đi dạo quanh công viên hoặc khu vực gần nhà
    • Làm vườn

    Ngoài ra, theo khuyến nghị từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA),bạn nên dành 150 phút mỗi tuần để tập các bài tập thể chất với cường độ từ trung bình đến cao.

    Khi nào bạn cần đi gặp bác sĩ?

    Trong trường hợp chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh không đem lại kết quả như mong đợi, bạn sẽ cần nhờ đến sự giúp đỡ y tế từ các chuyên gia để khắc phục tình trạng này.

    Phần lớn trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc dùng để kích thích tủy xương sản sinh hồng cầu. Bên cạnh đó, liệu pháp điều trị nội tiết tố cũng có thể được tiến hành nếu nguyên nhân thiếu máu là do:

    • Ung thư
    • Các bệnh về thận
    • Đái tháo đường
    • Bất kỳ bệnh lý nào gây mất cân bằng nội tiết tố

    Ngoài ra, nếu bạn được chẩn đoán suy giảm hồng cầu do một hoặc nhiều tình trạng sức khỏe khác, bác sĩ sẽ tập trung điều trị các bệnh lý này. Thêm vào đó, bạn vẫn cần tiếp tục áp dụng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cũng như thói quen sinh hoạt lành mạnh nhằm đạt kết quả điều trị tốt nhất có thể.

    Sau khi thực hiện tất cả biện pháp trên, người bệnh sẽ cần truyền máu gấp nếu số lượng hồng cầu không có dấu hiệu cải thiện.

    Thiếu máu có nguy cơ kéo theo hàng loạt vấn đề sức khỏe không mong muốn. Đối với trường hợp này, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất cũng như tập thói quen sống lành mạnh là cách tăng hồng cầu đơn giản và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu tình trạng sức khỏe không cải thiện, bạn nên tìm gặp bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 08/06/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo