backup og meta

Tìm hiểu về những cách chữa trị bệnh giảm tiểu cầu

Tìm hiểu về những cách chữa trị bệnh giảm tiểu cầu

Bệnh giảm tiểu cầu mô tả chung cho những trường hợp số lượng tiểu cầu trong máu thấp hơn mức bình thường, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Người bệnh thường lo lắng và băn khoăn liệu bệnh giảm tiểu cầu có chữa được không hay bệnh này có nguy hiểm không? Tất cả sẽ tùy thuộc vào nguyên do và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Máu bao gồm huyết tương và các tế bào máu, gồm có:

  • Hồng cầu
  • Bạch cầu
  • Tiểu cầu

Khi có những vết thương xuất hiện trên da, tiểu cầu sẽ kết dính lại với nhau và tạo điều kiện cho cục máu đông hình thành để cầm máu tại chỗ. Tuy nhiên, nếu bạn không có đủ lượng tiểu cầu ở trong máu, máu sẽ không đông lại được và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Số lượng tiểu cầu bình thường ở người trưởng thành dao động từ 150.000–450.000 tế bào trên mỗi microlit máu. Số lượng tiểu cầu dưới 150.000 tế bào/µl máu được xem là thấp hơn bình thường và khi đó bạn sẽ được chẩn đoán mắc bệnh giảm tiểu cầu.

Tuy nhiên, nguy cơ chảy máu nghiêm trọng sẽ chưa xảy ra cho đến khi lượng tiểu cầu hạ xuống rất thấp, dưới 10.000 hoặc 20.000 tế bào/µl máu. Tình trạng xuất huyết nhẹ đôi khi xảy ra khi số lượng tiểu cầu ít hơn 50.000 tế bào/µl máu.

Thông thường, số lượng tiểu cầu thấp là kết quả từ một tình trạng y khoa khác, chẳng hạn như bệnh bạch cầu hoặc tác dụng không mong muốn từ thuốc sử dụng. Lúc này, tuân thủ theo điều trị của bác sĩ sẽ giúp giải quyết vấn đề gây giảm tiểu cầu.

Các nguyên nhân giảm tiểu cầu

Nguyên nhân gây giảm tiểu cầu có thể là:

Vấn đề ở tủy xương

Tủy xương là một mô xốp ở bên trong xương. Đó cũng là nơi mà các thành phần của máu, kể cả tiểu cầu, được sản sinh ra. Nếu tủy xương gặp vấn đề và không sản xuất đủ lượng tiểu cầu cần thiết, số lượng tiểu cầu sẽ giảm sút. Các vấn đề có khả năng xảy ra liên quan đến quá trình sản xuất tiểu cầu ở tủy xương bao gồm:

  • Thiếu máu bất sản
  • Thiếu vitamin B12
  • Thiếu folate
  • Thiếu sắt
  • Nhiễm virus bao gồm HIV, Epstein-Barr và thủy đậu
  • Tiếp xúc với hóa trị, xạ trị hoặc hóa chất độc hại
  • Tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn
  • Xơ gan
  • Bệnh bạch cầu
  • Rối loạn sinh tủy

Tiểu cầu bị tiêu diệt

Trong cơ thể khỏe mạnh, mỗi tế bào tiểu cầu sống được khoảng 10 ngày. Số lượng tiểu cầu hạ thấp cũng có thể là do cơ thể tiêu diệt quá nhiều tiểu cầu. Điều này có khả năng là do ảnh hưởng từ tác dụng phụ của một số thuốc, như là thuốc lợi tiểu hay thuốc chống động kinh. Đôi khi, giảm tiểu cầu là một triệu chứng của:

  • Cường lách hoặc lách to
  • Rối loạn tự miễn
  • Thai kỳ
  • Nhiễm trùng máu
  • Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn
  • Xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối
  • Hội chứng huyết tán tăng ure máu (HUS)
  • Đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC)

Bệnh giảm tiểu cầu có chữa được không?

Bệnh giảm tiểu cầu có chữa được không cũng như các cách để điều trị tình trạng này còn phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thế nhưng, mục tiêu chính trong chữa trị là ngăn ngừa tử vong và tàn tật xảy ra do chảy máu quá nhiều.

bệnh giảm tiểu cầu có chữa được không

Nếu tình trạng bệnh giảm tiểu cầu nhẹ, bác sĩ có thể tạm ngưng điều trị cho bạn và chỉ theo dõi cơ bản định kỳ. Bạn cũng nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để không xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng:

  • Tránh chơi các môn thể thao tiếp xúc mạnh
  • Tránh các hoạt động có nguy cơ gây chảy máu hoặc bầm tím cao
  • Hạn chế uống rượu, bia
  • Ngưng sử dụng hoặc thay đổi các loại thuốc gây ảnh hưởng đến tiểu cầu, như aspirin và ibuprofen

Số lượng tiểu cầu thường sẽ được cải thiện khi nguyên nhân cơ bản được điều trị. Tuy nhiên, những người mắc bệnh giảm tiểu cầu có yếu tố di truyền thì không cần điều trị, chỉ có thể thực hiện các biện pháp giúp làm tăng lượng tế bào máu này lên.

Trường hợp sử dụng thuốc khiến cho lượng tế bào tiểu cầu hạ thấp, bác sĩ sẽ thay đổi một loại thuốc khác và hầu hết người bệnh đều phục hồi số lượng tiểu cầu sau đó. Thế nhưng, giảm tiểu cầu do heparin gây ra thì ngưng sử dụng heparin là chưa đủ. Bạn sẽ cần dùng thêm một loại thuốc khác để ngăn ngừa hình thành huyết khối trong mạch.

Nếu lượng tiểu cầu hạ thấp đến mức nghiêm trọng, bạn sẽ cần phải điều trị y tế:

  • Truyền máu hoặc truyền tiểu cầu
  • Thay đổi các thuốc sử dụng khiến giảm lượng tiểu cầu
  • Sử dụng thuốc steroid
  • Dùng globulin miễn dịch
  • Dùng corticosteroid để chặn các kháng thể kháng tiểu cầu
  • Dùng thuốc ức chế miễn dịch
  • Phẫu thuật cắt bỏ lá lách

Bệnh giảm tiểu có nguy hiểm không?

Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh giảm tiểu cầu là tình trạng chảy máu quá nhiều khi bị thương dẫn đến xuất huyết nghiêm trọng và mất máu. Tuy nhiên, hiện tượng chảy máu tự phát (khi không có bất kỳ thương tổn hay vết cắt nào gây ra) do bệnh giảm tiểu cầu thì không phổ biến, trừ khi số lượng tiểu cầu trong máu ít hơn 10.000.

Những biến chứng khác có khả năng xảy ra thường liên quan đến một yếu tố hoặc tình trạng tiềm ẩn nào khác. Ví dụ như người bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch liên quan đến lupus có thể có những biến chứng khác của lupus. Xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối hoặc hội chứng tán huyết tăng ure máu có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng bao gồm thiếu máu nặng, ảnh hưởng đến thần kinh hoặc suy thận. Giảm tiểu cầu do heparin có khả năng gây ra những biến chứng nặng liên quan đến quá trình hình thành cục máu đông (huyết khối). Theo một nghiên cứu năm 2016, tỷ lệ tử vong của người bệnh giảm tiểu cầu do heparin (HIT) là khoảng 20–30%.

Nếu bạn mắc phải bệnh giảm tiểu cầu, hãy luôn theo dõi sức khỏe thường xuyên. Khi thấy có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng chảy máu bất thường nào, bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ. Các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột hoặc tăng dần theo thời gian. Số lượng tiểu cầu giảm quá thấp sẽ gây xuất huyết ở nhiều bộ phận cơ thể. Trường hợp này sẽ cần điều trị và hỗ trợ y tế khẩn cấp.

Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn những biện pháp cần làm để tránh những vấn đề sức khỏe có thể xảy ra từ bệnh giảm tiểu cầu. Chủ yếu là bạn cần tránh các hoạt động có khả năng gây chấn thương, chú ý đến những loại thuốc đang dùng và liên hệ ngay với bác sĩ khi bị sốt hay có dấu hiệu nhiễm trùng.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Low Platelet Count (Thrombocytopenia). https://www.healthline.com/health/thrombocytopenia. Ngày truy cập 07/10/2019.

Thrombocytopenia. https://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/thrombocytopenia. Ngày truy cập 07/10/2019.

Thrombocytopenia (Low Platelet Count). https://www.medicinenet.com/thrombocytopenia_low_platelet_count/article.htm#thrombocytopenia_low_platelet_count_definition_and_facts. Ngày truy cập 07/10/2019.

Phiên bản hiện tại

03/02/2020

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Thiếu máu do thiếu sắt ở nữ đang trở nên phổ biến

Lên kế hoạch du lịch cho người bị xuất huyết giảm tiểu cầu


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 03/02/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo