Chảy máu khớp nếu không được điều trị có thể nhanh chóng làm hư khớp. Do đó, Hello Bacsi khuyến khích bạn nên tham gia một số hoạt động thể chất và xây dựng chế độ dinh dưỡng để ngăn chặn các triệu chứng bệnh.
Tại sao bạn nên vận động để ngừa bệnh?
Hoạt động thể chất có lợi cho tất cả mọi người. Thể thao và tập thể dục đem lại nhiều lợi ích cho trẻ em và người lớn bị bệnh rối loạn đông máu (máu khó đông). Thể dục và luyện cơ bắp là nền tảng quan trọng để chữa bệnh vì cơ bắp phát triển tốt sẽ hỗ trợ khớp tốt hơn, bảo vệ khớp khỏi những va chạm hằng ngày tốt hơn, và phục hồi sau khi chảy máu khớp nhanh hơn.
Tập thể dục thường xuyên thậm chí còn giúp giảm số lần chảy máu tự phát (chảy máu mà không phải do chấn thương). Không những thế, tập thể dục đều đặn vài lần mỗi tuần tại một trung tâm thể dục hoặc ở nhà sẽ giúp duy trì tầm vận động và sự linh hoạt của cơ thể. Vận động sớm sau khi chảy máu khớp cũng hạn chế cứng khớp và “đóng băng” khớp.
Ngoài ra, cải thiện thể chất đem lại nhiều lợi ích tích cực cho cuộc sống, chẳng hạn như:
- Tăng sức khỏe của xương và thúc đẩy quá trình canxi hóa xương
- Tăng tương tác xã hội
- Phát triển độc lập, tự chủ
- Tăng cường năng lượng
- Cải thiện việc học hành và làm việc
- Giảm cân và giảm nguy cơ béo phì
- Phòng chống trầm cảm và lo âu
- Giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tiểu đường.
Bạn nên chú ý điều gì khi vận động?
Trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục hay thể thao, bạn cần phải có sự thay thế yếu tố đông máu thích hợp. Bạn cần phải tập các bài tập phù hợp và tập đúng. Một số quy tắc chung cho hoạt động thể chất bạn cần nhớ là:
- Bạn nên tránh các bài tập cơ độc lập với tạ nặng, vì các bài tập này sẽ gây áp lực lên khớp, nên bạn cần sử dụng các băng kháng đàn hồi để thay thế.
- Bạn không nên tập các môn thể thao mạo hiểm như bóng đá, đi xe máy, boxing… Đừng thách thức hệ thống đông máu của bản thân bằng chấn thương, nhất là khi các chấn thương gây nguy hiểm cho bạn.
- Nếu bạn là một bệnh nhân điều trị dự phòng: Khi bạn tập thể dục ban ngày, hãy dùng thuốc dự phòng đó đều đặn vào buổi sáng để bảo vệ bạn suốt cả ngày. Nếu bạn tập thể dục vào buổi tối, dùng thuốc dự phòng vào buổi chiều tối để đảm bảo bảo vệ cơ thể tối đa sau đó. Bạn nên cố gắng phối hợp tập thể dục với việc truyền chất đông máu.
- Nếu bác sĩ xác định tình trạng bệnh của bạn cần nhiều thuốc, hãy dùng một liều ngay trước khi chơi thể thao.
Chế độ dinh dưỡng có thể giúp bạn ngừa bệnh như thế nào?
Điều quan trọng chính là giữ cho trọng lượng được kiểm soát, vì trọng lượng dư thừa và béo phì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe chung. Thừa cân, thậm chí chỉ mức độ trung bình, sẽ tác động đến trọng lượng mà khớp phải gánh chịu và có thể làm tăng đau khớp. Khi đi bộ, đầu gối và mắt cá chân thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bệnh rối loạn đông máu do các cơ quan này cần phải gánh chịu gấp 5 lần tổng trọng lượng cơ thể của một người.