backup og meta

Nhiễm trùng bệnh viện: Phòng ngừa đúng cách sẽ không mắc bệnh

Nhiễm trùng bệnh viện: Phòng ngừa đúng cách sẽ không mắc bệnh

Bệnh viện là nơi giúp bạn nhanh chóng hồi phục sức khỏe, nhưng cũng có thể khiến bạn tăng nguy cơ khác như “nhiễm trùng bệnh viện’.

Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu nhiễm trùng bệnh viện là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa nhé!

Nhiễm trùng bệnh viện là gì?

Nhiễm trùng bệnh viện hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc y tế (Healthcare Associated Infection – HAI). Đây là loại nhiễm khuẩn xảy ra trong quá trình người bệnh được chăm sóc, điều trị tại cơ sở y tế, bệnh viện mà không xuất hiện triệu chứng hoặc ủ bệnh trước khi nhập viện. Tình trạng nhiễm trùng xảy ra sau nhập viện khoảng 48 giờ thường được coi là nhiễm khuẩn bệnh viện.

Một trong những nơi phổ biến nhất gây nhiễm khuẩn bệnh viện là phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) – nơi các bác sĩ điều trị các bệnh nghiêm trọng. Trung bình 10 người nhập viện sẽ có khoảng 1 người mắc phải nhiễm trùng. Điều này còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, nguy cơ tử vong và điều kiện nơi ở tại bệnh viện.

Khi các khâu chăm sóc y tế ngày càng phức tạp hơn và tình trạng đề kháng kháng sinh tăng lên sẽ khiến nhiễm trùng tiến triển nặng hơn.

Triệu chứng nhiễm trùng bệnh viện

Triệu chứng nhiễm trùng bệnh viện 

Các triệu chứng nhiễm trùng thường xuất hiện:

  • Khoảng 48 giờ sau khi nhập viện
  • Khoảng 3 ngày sau khi xuất viện
  • Khoảng 30 ngày sau khi phẫu thuật

Các triệu chứng của nhiễm trùng sẽ thay đổi theo loại. Các loại nhiễm trùng phổ biến nhất là:

  • Viêm phổi
  • Viêm màng não
  • Viêm dạ dày ruột
  • Nhiễm trùng do vết mổ
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

Các triệu chứng nhiễm trùng do những tình trạng này có thể bao gồm:

  • Sốt
  • Đau đầu
  • Ho, khó thở
  • Buồn nôn, nôn, tiêu chảy
  • Dịch chảy ra từ vết thương
  • Nóng rát khi đi tiểu hoặc khó tiểu

Nguyên nhân gây nhiễm trùng bệnh viện

Nguyên nhân gây ra nhiễm trùng bệnh viện thường do vi khuẩn, nấm và virus. Vi khuẩn gây ra khoảng 90% của những trường hợp này. Nhiều người bị tổn thương hệ thống miễn dịch trong thời gian nằm viện cũng có khả năng cao mắc phải nhiễm trùng. Một số vi khuẩn phổ biến gây nhiễm trùng bao gồm:

  • Staphylococcus aureus (S. aureus): gây nhiễm trùng máu.
  • Escherichia coli (E. coli): gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Enterococci: gây nhiễm trùng máu, đường tiết niệu và nhiễm trùng vết thương, vết mổ.
  • Pseudomonas aeruginosa (P. aeruginosa): gây nhiễm trùng thận, đường tiết niệu, hô hấp.

Trong số các loại nhiễm trùng bệnh viện, P. aeruginosa chiếm đến 11%, đồng thời có tỷ lệ tử vong và mắc bệnh cao.

Vi khuẩn, nấm và virus lây lan chủ yếu qua tiếp xúc giữa người với người. Điều này xảy ra do không rửa tay sạch sẽ, sử dụng chung các dụng cụ y tế như ống thông, máy hô hấp… Các trường hợp nhiễm trùng bệnh viện cũng tăng lên khi sử dụng kháng sinh quá mức và dùng không đúng cách. Điều này có thể khiến vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh.

Yếu tố nguy cơ mắc nhiễm trùng bệnh viện

Yếu tố nguy cơ mắc nhiễm trùng bệnh viện

Bất cứ ai khi được chăm sóc tại cơ sở y tế, bệnh viện đều có nguy cơ cao mắc phải nhiễm trùng. Đối với một số vi khuẩn, bạn có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này nếu:

  • Sử dụng ống thông tiểu
  • Bị hôn mê hoặc trải qua cú sốc
  • Gặp phải bất kỳ chấn thương nào
  • Hệ thống miễn dịch bị tổn thương
  • Thời gian sử dụng thuốc kháng sinh
  • Độ tuổi cao, đặc biệt là nếu hơn 70 tuổi
  • Tiếp xúc với bạn cùng phòng trong bệnh viện
  • Nằm kéo dài tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU)

Thông thường, rủi ro mắc nhiễm trùng sẽ tăng lên khi bạn ở phòng ICU. Nguy cơ mắc phải nhiễm trùng phòng ICU cho trẻ em từ 6,1% đến 29,6%. Một nghiên cứu cho thấy gần 11% trong số khoảng 300 người trải qua các hoạt động y tế cũng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này. Các khu vực bị ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gần 10%.

Tình trạng nhiễm trùng bệnh viện xảy ra phổ biến ở các nước đang phát triển. Các nghiên cứu cho thấy 5 – 10% ca nhập viện ở châu Âu và Bắc Mỹ dẫn đến nhiễm trùng. Ở các khu vực như châu Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á, tình trạng này xảy ra đến hơn 40%.

Cách chẩn đoán nhiễm trùng bệnh viện

Bác sĩ có thể chẩn đoán nhiễm trùng chỉ bằng mắt và triệu chứng từ người bệnh. Dấu hiệu viêm hoặc phát ban tại vị trí nhiễm trùng cũng có thể là yếu tố chẩn đoán nhiễm trùng. Khi bạn bị nhiễm trùng trước khi ở lại bệnh viện sẽ không được tính là nhiễm trùng bệnh viện. Tuy nhiên bạn vẫn nên chú ý và trao đổi với bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng mới nào xuất hiện trong thời gian lưu trú.

Bạn cũng có thể được yêu cầu xét nghiệm máu và nước tiểu để xác định tình trạng nhiễm trùng.

Việc phát hiện và điều trị sớm là điều vô cùng quan trọng đối với tình trạng nhiễm trùng bệnh viện. Nhiều người được điều trị kịp thời có thể phục hồi hoàn toàn. Những người bệnh mắc phải tình trạng này thường phải ở bệnh viện lâu hơn 2,5 lần.

Cách điều trị nhiễm trùng bệnh viện

Cách điều trị nhiễm trùng bệnh viện

Phương pháp điều trị cho các nhiễm trùng này phụ thuộc vào loại nhiễm trùng mà bạn đang mắc phải. Bác sĩ có thể sẽ khuyên dùng kháng sinh và nghỉ ngơi tại giường cho đến khi cải thiện triệu chứng. Ngoài ra, họ sẽ loại bỏ bất kỳ thiết bị bên ngoài như ống thông tiểu ngay khi bạn đã ổn định sức khỏe.

Để hỗ trợ quá trình điều trị nhiễm trùng bệnh viện tự nhiên và ngăn ngừa mất nước, bác sĩ sẽ khuyến khích bạn xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước và nghỉ ngơi đầy đủ.

Trong một số trường hợp, tình trạng nhiễm trùng có thể làm tăng tính nghiêm trọng đối với các tình trạng đe dọa tính mạng, bệnh lý mà bạn đang gặp phải. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính có khoảng 2 triệu người mắc nhiễm trùng, trong đó khoảng 100.000 trường hợp dẫn đến tử vong.

Thuốc kháng sinh cũng mang lại lợi ích trong việc chống nhiễm trùng bệnh viện đối với nhiễm trùng ngoại và nội khoa. Đặc biệt với nhiều loại phẫu thuật có nguy cơ rủi ro cao, nếu dùng thuốc kháng sinh đúng cách sẽ có tác dụng hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, nếu lạm dụng và sử dụng thuốc sai cách sẽ khiến cho tình trạng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn gia tăng, gây khó khăn cho việc điều trị. Vi khuẩn đề kháng thuốc càng nhiều sẽ càng nguy hiểm.

Cách phòng ngừa nhiễm trùng bệnh viện

Việc phòng ngừa nhiễm trùng bệnh viện là trách nhiệm quan trọng đối với các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Các bệnh viện và nhân viên y tế nên tuân theo các hướng dẫn khử trùng được khuyến nghị. Việc thực hiện các bước này nhằm ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng và có thể giảm 70% nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, do tính chất của các cơ sở chăm sóc sức khỏe, nên điều này không thể loại bỏ 100% các bệnh nhiễm trùng.

Một số biện pháp chung để kiểm soát nhiễm trùng bao gồm:

  • Đảm bảo phòng được thông thoáng
  • Làm sạch bề mặt vật dụng đúng cách với tần suất được đề nghị
  • Mặc đồ bảo vệ phù hợp bao gồm găng tay, quần áo kín và đồ bảo vệ mặt
  • Vệ sinh tay, bao gồm rửa tay đúng cách trước và sau khi chạm vào người trong bệnh viện
  • Sàng lọc phòng ICU để xem những người bị nhiễm trùng có cần phải cách ly không
  • Xác định loại cách ly cần thiết, có thể giúp bảo vệ người khác hoặc giảm khả năng nhiễm trùng thêm

Để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu, bác sĩ có thể chỉ định:

  • Chỉ đặt ống thông khi cần thiết
  • Thay đổi ống thông hoặc túi khi có chỉ định y tế
  • Thực hiện theo các kỹ thuật chèn vô trùng để giảm thiểu nhiễm trùng
  • Đảm bảo ống thông tiểu đặt trên đùi và treo bên dưới bàng quang cho dòng nước tiểu không bị cản trở

Bệnh viện sẽ giúp bạn khám và điều trị các vấn đề sức khỏe nhưng cũng là nơi tụ tập các nguồn lây nhiễm. Để giảm thiểu rủi ro bị nhiễm trùng bệnh viện, bạn cũng nên luôn chú ý mặc quần áo kín, đeo khẩu trang y tế và rửa tay sạch sau khi rời khỏi nhé!

Hoàng Trí HELLO BACSI

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What Are Nosocomial Infections?
https://www.healthline.com/health/hospital-acquired-nosocomial-infections
Ngày truy cập 17.02.2020

Medical Definition of Nosocomial
https://www.medicinenet.com/script/main/art.asp?articlekey=4590
Ngày truy cập 17.02.2020

Nosocomial infections: Epidemiology, prevention, control and surveillance
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2221169116309509
Ngày truy cập 17.02.2020

Phiên bản hiện tại

20/04/2020

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Không chỉ sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm do muỗi như virus Zika, sốt rét, viêm não Nhật Bản cũng cần phòng ngừa!

Nhiễm trùng não


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 20/04/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo