backup og meta

Bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường không khí

Bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường không khí

Bạn có thể mắc một số bệnh lý chỉ qua… hít thở. Những bệnh này được gọi là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường không khí.

Trong dịch tiết của người bệnh tồn tại virus hoặc vi khuẩn gây bệnh. Chỉ cần người bệnh ho hay hắt hơi, mầm bệnh có thể phát tán vào không khí, “đáp” xuống trên người hoặc bề mặt khác. Chính vì vậy, các bệnh lây qua đường không khí rất khó để kiểm soát. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nắm được những biện pháp bảo vệ để hạn chế lây nhiễm.

Định nghĩa bệnh nhiễm trùng đường không khí

Bệnh nhiễm trùng lây qua đường không khí (airborne infections) là bệnh do vi sinh vật mang mầm bệnh từ người bệnh xuất tiết vào môi trường không khí. Chúng có thể lây truyền qua người khỏe mạnh khi người bệnh hắt hơi, ho, khạc nhổ, trò chuyện, ca hát hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động nào có tạo ra các hạt dạng khí dung (mà không phải do các kỹ thuật chăm sóc sức khỏe tạo ra) và bị người khỏe mạnh hít vào hay chạm phải và đưa lên mắt, mũi hoặc miệng.

Hạt khí dung hay aerosol là các giọt nước có kích thước siêu nhỏ dưới 5 µm. Khi các hạt khí dung kết hợp với giọt bắn dịch tiết đường hô hấp từ người hay động vật nhiễm bệnh, mầm bệnh sẽ dễ dàng bị lây lan qua đường không khí. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, “Sự lây truyền các tác nhân truyền nhiễm qua đường không khí là sự lây truyền bệnh do phát tán các hạt khí dung vẫn có khả năng lây nhiễm khi lơ lửng trong không khí với khoảng cách và thời gian dài”. Khi phân loại một bệnh truyền nhiễm, bác sĩ có thể xác định con đường lây truyền duy nhất (ở đây là qua không khí) hoặc ưu tiên con đường lây nhiễm chủ yếu nhất nếu bệnh có thể lây qua nhiều đường.

Điều quan trọng cần lưu ý là các bệnh nhiễm trùng qua đường không khí không gồm các chứng rối loạn hoặc bệnh lý có nguyên nhân do ô nhiễm môi trường (không khí, chất độc, khói và bụi). Thực tế, các vi sinh vật mang mầm bệnh truyền nhiễm (vi khuẩn, virus và nấm) vẫn có thể tồn tại trong khí dung phân tán, lơ lửng và di chuyển trong sương mù, bụi hoặc chất lỏng, chất thải sinh học tích tụ trong thùng rác.

hắt hơi tạo ra hạt khí dung mang mầm bệnh

Một số bệnh phổ biến có thể lây lan qua đường không khí là:

  • Bệnh than

  • Bệnh do nấm Blastomycosis, Aspergillus

  • Nhiễm nấm Cryptococcus

  • Bệnh do phế cầu khuẩn

  • Bệnh do Adenovirus, Enterovirus, Rotavirus, Rhinovirus

  • Bệnh cúm

  • Thủy đậu

  • Bệnh viêm màng não mô cầu 

  • Bệnh legionellosis

  • Bệnh sởi

  • Quai bị

  • Bệnh đậu mùa

  • Bệnh lao

  • Ho gà

  • Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS)

  • Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS)

  • COVID-19 (đường lây truyền chủ yếu vẫn là qua giọt bắn)

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự lây truyền trong không khí của bệnh

tia cực tím trong ánh nắng có thể tiêu diệt một số virus và vi khuẩn

Khi khoảng cách giữa nguồn bệnh và các cá thể nhạy cảm tăng lên, tốc độ lây truyền giảm. Sự lây nhiễm cũng phụ thuộc vào khả năng miễn dịch của vật chủ, số lượng tiếp xúc và thời gian tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, mỗi mầm bệnh đều có những điều kiện môi trường lý tưởng để lây truyền trong không khí, trong đó có:

  • Nhiệt độ: Một số virus hoạt động mạnh hơn ở nhiệt độ thấp hơn. Bệnh cúm có xu hướng lây lan dễ dàng hơn trong điều kiện khí hậu lạnh. Ngược lại, khả năng lây nhiễm của mầm bệnh giảm ở nhiệt độ lạnh, chúng vẫn ở trạng thái “ngủ đông”.

  • Ánh nắng mặt trời: Cường độ và thời gian tiếp xúc với tia cực tím (UV) từ mặt trời có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại của các mầm bệnh truyền nhiễm trong không khí. Các quốc gia có số giờ nắng trung bình hàng ngày cao hơn thường ít bị bệnh lây truyền qua đường không khí hơn.

  • Độ ẩm: Tỷ lệ hơi nước trong không khí cũng quyết định mức độ lây lan bệnh từ người sang người. Nhiều nghiên cứu cho thấy độ ẩm cao có khả năng bảo vệ khí dung khỏi sự phá hủy của tia UV, khiến mầm bệnh tồn tại được lâu hơn ngoài vật chủ.

  • Gió: Sự lưu thông không khí có thể tăng khoảng cách di chuyển của các hạt khí dung. Tuy nhiên, gió cũng làm giảm nồng độ khí dung mang mầm bệnh. Vì vậy nếu hạt khí dung tồn tại trong môi trường kín, không đủ thông gió, tỷ lệ lây nhiễm thường sẽ cao hơn. 

Triệu chứng bệnh nhiễm trùng đường không khí

triệu chứng sốt do bệnh truyền nhiễm

Trong hầu hết các trường hợp, mầm bệnh trong không khí gây ra phản ứng viêm đường hô hấp trên ảnh hưởng đến mũi, xoang, cổ họng và phổi. Người bệnh có thể bị tắc nghẽn xoang, đau họng và xuất hiện cả các triệu chứng viêm ở đường hô hấp dưới.

Thông thường, các bệnh lây truyền qua đường không khí có thể gây ra một hoặc nhiều triệu chứng, tình trạng như sau:

  • Viêm mũi, viêm họng, viêm xoang hoặc viêm phổi

  • Ho

  • Hắt hơi

  • Sổ mũi

  • Đau họng

  • Nổi hạch

  • Đau đầu

  • Nhức mỏi cơ thể

  • Sốt

  • Mệt mỏi, mất vị giác, cảm giác ngon miệng

Điều trị các bệnh nhiễm trùng đường không khí

Đối với hầu hết các bệnh lây truyền qua đường không khí, trước hết bạn sẽ cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Tùy vào từng loại bệnh cụ thể mà bạn sẽ cần thực hiện theo phác đồ điều trị khác nhau.

Một số bệnh lây truyền qua đường không khí như bệnh thủy đậu không có phương pháp điều trị nhắm thẳng vào virus. Tuy nhiên vẫn có thuốc và những biện pháp chăm sóc hỗ trợ khác giúp làm thuyên giảm các triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, một số bệnh nhiễm trùng đường không khí vẫn có thể điều trị bằng thuốc kháng virus hoặc thuốc kháng sinh.

Kiểm soát và phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng đường không khí

Đối với nhân viên y tế tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế

kiểm soát nhiễm trùng bệnh viện

Việc kiểm soát và ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường không khí không đơn giản. Nhìn chung, cần kiểm soát luồng không khí với việc sử dụng hệ thống thông gió được thiết kế đặc biệt, thực hành các kỹ thuật khử trùng, đeo thiết bị bảo hộ cá nhân (nhân viên y tế phải mang khẩu trang N95) và thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng cơ bản như rửa tay với xà phòng diệt khuẩn.

Bên cạnh việc lây truyền từ các bệnh nhân, một số thủ thuật y tế và phẫu thuật cũng có thể tạo ra các hạt khí dung mang mầm bệnh – thường là trong quá trình điều chỉnh đường thở của phổi, chẳng hạn như đặt nội khí quản, nội soi phế quản, xông khí dung, xông hơi… Chính vì vậy, cần đặc biệt thận trọng khi thực hiện các thủ thuật y tế này trên những bệnh nhân mắc bệnh nhiễm trùng lây qua đường không khí hoặc khi cần di chuyển sang phòng khoa khác.

Tuy nhiên, khi bệnh nhân cấp cứu hoặc nhập viện, không thể xác định ngay là họ có mầm bệnh nhiễm trùng đường không khí hay không. Do đó, nhân viên y tế vẫn cần duy trì cảnh giác cao đối với những bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng bệnh nhiễm trùng. Các phương pháp phòng ngừa được áp dụng càng sớm thì nguy cơ lây truyền bệnh cho các bệnh nhân và nhân viên y tế khác càng thấp.

Đối với bệnh nhân và người thân

bệnh nhân bệnh nhiễm trùng đường không khí

Những bệnh nhân cần cách ly do nguy cơ lây nhiễm cần được tư vấn về tình trạng và khả năng lây truyền của họ. Các thành viên gia đình, người chăm sóc và khách đến thăm cũng cần nhận thức rõ và tuân thủ hướng dẫn phòng ngừa để đảm bảo bệnh không lây truyền qua đường không khí. Nên tránh những cuộc thăm khám không cần thiết và tất cả những người có hệ miễn dịch kém phải hạn chế vào phòng cách ly.

Bệnh nhân cần nắm được cách dùng thuốc để đảm bảo hạn chế tối thiểu sự lây lan của các hạt khí dung trong phòng cách ly. Tương tự, khăn mặt và khăn tay phải được xử lý đúng cách và thích hợp nhằm giảm khả năng lây truyền bệnh.

Bạn cũng cần lưu ý về thời gian ủ bệnh. Nếu không chắc chắn, hãy luôn tham khảo ý kiến ​​của chuyên gia về bệnh truyền nhiễm.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What Are Airborne Diseases? https://www.healthline.com/health/airborne-diseases Ngày truy cập 16/12/2020

Airborne Precautions https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK531468/ Ngày truy cập 16/12/2020

 

Phiên bản hiện tại

21/12/2020

Tác giả: Ngà Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: phuong le


Bài viết liên quan

Giải pháp hiệu quả phòng bệnh sốt xuất huyết cho bé sinh mổ vào mùa mưa

Không chỉ sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm do muỗi như virus Zika, sốt rét, viêm não Nhật Bản cũng cần phòng ngừa!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 21/12/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo