backup og meta

Sốt phát ban ở người lớn có lây không? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị

Sốt phát ban ở người lớn có lây không? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị

Sốt phát ban là bệnh được cho rằng chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ. Thế nhưng, ít ai biết được người lớn vẫn có thể bị sốt phát ban. Thậm chí, sốt phát ban ở người lớn còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.

Để biết được vì sao người lớn cũng bị sốt phát ban, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị là gì, cũng như hiểu rõ sốt phát ban có lây không, kéo dài bao lâu… mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

Sốt phát ban ở người lớn là gì?

Sốt phát ban (Roseola) là bệnh truyền nhiễm lành tính, do virus gây ra, rất thường gặp ở trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi. Bệnh gây sốt cao đột ngột kéo dài nhiều ngày. Sau khi cơn sốt qua đi, tình trạng phát ban sẽ xảy đến.

Hầu hết trẻ em bị sốt phát ban có thể hồi phục tại nhà sau khoảng 1 tuần. Mặc dù người lớn rất hiếm khi bị sốt phát ban, nhưng nếu gặp điều kiện thuận lợi thì virus vẫn có thể tấn công và gây bệnh.

Nguyên nhân khiến người lớn bị sốt phát ban

Như đã đề cập, sốt phát ban là tình trạng nhiễm trùng cấp tính do virus gây ra. Cụ thể, virus Human Herpes 6 và 7 (HHV6 và HHV7) là những tác nhân gây bệnh. 

Ở người lớn, sốt phát ban thường gặp ở những người chưa từng bị bệnh này trước đây hoặc những người có sức đề kháng kém. Nguyên nhân là do sau khi bị sốt phát ban, cơ thể sẽ hình thành các biện pháp “phòng thủ” để chống lại. Chính vì vậy, ít có ai bị sốt phát ban 2 lần.

Triệu chứng sốt phát ban ở người lớn 

Thời gian ủ bệnh khi bị sốt phát ban là khoảng 10 ngày. Các biểu hiện sốt phát ban ở người lớn điển hình nhất là: 

  • Sốt cao: Người bệnh có thể bị sốt cao đột ngột, có thể cao hơn 39,5 độ và kéo dài từ 3 – 7 ngày.
  • Phát ban: Tình trạng nổi ban ở bụng, lan ra lưng, cổ và tay xảy ra sau khi hết sốt. Ban có màu hồng đỏ hoặc đỏ, xuất hiện thành từng đốm nhỏ hoặc nổi thành từng mảng, có thể mờ dần sau vài giờ nhưng cũng có thể kéo dài 1 – 2 ngày. Đối với vấn đề “Sốt phát ban ở người lớn có ngứa không?”, thực chất là các nốt ban này sẽ không gây ngứa.
  • Sưng hạch: Một biểu hiện khác của sốt phát ban là nổi hạch, sưng ở quai hàm, cổ dễ xảy ra với ở người lớn vì hệ miễn dịch phản ứng lại với các tác nhân gây bệnh.
  • Các triệu chứng khác: Ngoài các triệu chứng kể trên, khi bị sốt ban, bạn còn có thể bị xổ mũi, ho nhẹ, đau họng, tiêu chảy, co giật do sốt…

Biến chứng do sốt phát ban ở người lớn

Mặc dù sốt phát ban thường nhẹ và không thường gây ra những vấn đề nghiêm trọng, nhưng trong một số trường hợp, người bệnh nặng có thể gặp phải các biến chứng như:

  • Sốt cao kéo dài gây co giật 
  • Thở khó, thở gấp
  • Viêm não
  • Viêm phổi
  • Các vấn đề khác ảnh hưởng đến não hoặc tủy sống.

Điều trị sốt phát ban ở người lớn

sốt phát ban ở người lớn

Sốt phát ban ở người lớn là bệnh nhiễm trùng nhẹ nên có thể tự khỏi mà không cần điều trị y tế. Cách xử lý tốt nhất khi bị sốt phát ban là dùng thuốc để giảm nhẹ các triệu chứng, nghỉ ngơi đầy đủ và bù nước cho cơ thể.

1. Người lớn bị sốt phát ban thì uống thuốc gì?

Một số loại thuốc thường được sử dụng khi bị sốt phát ban:

  • Các loại thuốc giảm đau hạ sốt như paracetamol, ibuprofen để giảm nhanh cơn sốt
  • Thuốc giảm ho, đau họng do tình trạng nhiễm trùng có thể gây ho, cổ họng sưng viêm và đau rát 
  • Thuốc chống viêm sử dụng trong các trường hợp đau nhức do sốt phát ban. Khi sử dụng cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. Điều trị sốt phát ban tại nhà

Ngoài việc dùng thuốc, khi bị sốt phát ban, bạn cần:

  • Nghỉ ngơi, tránh làm việc căng thẳng vì có thể làm cho hệ miễn dịch suy yếu, khiến bệnh lâu lành  
  • Uống nhiều nước do sốt cao có thể khiến có thể mất nước, gây mất cân bằng điện giải, làm phát sinh các triệu chứng như mệt mỏi, uể oải, đau nhức cơ… 
  • Ăn uống đầy đủ với các thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá… Nếu bị sốt phát ban kèm tiêu chảy hoặc ăn không ngon, bạn có thể ăn các món loãng như súp, cháo, nước hầm xương… Đừng quên ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng sức đề kháng, đồng thời cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể.   
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, có chất liệu thấm hút để làm giảm thân nhiệt do virus gây ra 

Những câu hỏi thường gặp

1. Sốt phát ban ở người lớn nên kiêng gì?

Nhiều người thắc mắc người lớn bị sốt phát ban kiêng gì? Sốt phát ban ở người lớn có được tắm không? Dưới đây là những điều mà người bệnh cần nhớ:

  • Không gãi hoặc chạm vào vết ban: Tình trạng nổi ban thường không gây đau hoặc gây ngứa. Tuy nhiên, nếu bị ngứa hoặc khó chịu, bạn nên tránh gãi, chà xát hoặc lấy tay sờ, động chạm vào các vết phát ban vì có thể gây kích ứng, tổn thương da.
  • Không kiêng tắm khi bị sốt phát ban: Đối với vấn đề sốt phát ban ở người lớn có được tắm không, thực chất, bạn không cần kiêng tắm, kiêng gió. Bạn nên vệ sinh cơ thể đều đặn bằng nước ấm, tuy nhiên, nên tránh tắm lâu. Sau khi tắm xong nên lau người bằng khăn lông có độ thấm hút tốt cho khô rồi mới mặc quần áo.
  • Kiêng đi ra ngoài: Khi bị sốt phát ban, bạn nên tránh đi ra ngoài để tránh lây lan cho những người xung quanh.
  • Kiêng các món cay nóng, nhiều dầu mỡ: Bạn cũng nên tránh ăn những món cay nóng, nhiều dầu mỡ vì có thể làm cho các triệu chứng về tiêu hóa của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, khiến cơ thể càng suy nhược, mệt mỏi.  

2. Sốt phát ban ở người lớn có lây không?

Câu trả lời là sốt phát ban rất dễ lây nhiễm. Virus có thể lây lan ngay cả khi người nhiễm bệnh chưa xuất hiện triệu chứng. Bạn có thể bị nhiễm khi tiếp xúc với nước bọt hoặc các giọt tiết đường hô hấp khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.

Lưu ý

Người lớn bị sốt phát ban cũng có thể lây cho trẻ nhỏ nên cần hết sức chú ý trong sinh hoạt. 

3. Sốt phát ban ở người lớn kéo dài bao lâu? 

sốt phát ban ở người lớn

Các triệu chứng sốt phát ban ở người lớn thường nhẹ hơn so với trẻ nhỏ. Thời gian từ khi khởi phát đến khi dứt điểm có thể mất khoảng 5 – 7 ngày. Các dấu hiệu sốt phát ban ở người lớn cho thấy bạn sắp khỏi:

  • Không còn sốt cao 
  • Các nốt ban lặn dần và biến mất 
  • Cơ thể thoải mái hơn, không còn đau nhức 
  • Các triệu chứng như đau họng, sổ mũi… giảm dần 
  • Hạch ở cổ không còn sưng đau. 

4. Khi nào người lớn bị sốt phát ban cần đi khám? 

Nếu đã thực hiện các biện pháp điều trị tại nhà kể trên mà các triệu chứng không thuyên giảm, bạn cần đi khám ngay. Ngoài ra, bạn cũng nên đi khám nếu có các triệu chứng như: 

  • Sốt cao liên tục trên 40 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt hay các phương pháp hạ sốt khác 
  • Hô hấp khó khăn, thở nhanh, mạnh 
  • Co giật, mất ý thức 
  • Suy nhược cơ thể, hôn mê sâu 
  • Nôn và buồn nôn 
  • Các nốt phát ban không lặn mà ngày càng lan rộng.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về tình trạng sốt phát ban ở người lớn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Clinical Features and Etiology of Adult Patients with Fever and Rash https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3505772/ Ngày truy cập: 27/11/2023

Evaluating the Febrile Patient with a Rash https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2000/0815/p804.html Ngày truy cập: 27/11/2023

RASH 101 IN ADULTS: WHEN TO SEEK MEDICAL TREATMENT https://www.aad.org/public/everyday-care/itchy-skin/rash/rash-101 Ngày truy cập: 27/11/2023

Roseola https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15785-roseola-infantumsixth-disease Ngày truy cập: 7/7/2021

Roseola https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/roseola Ngày truy cập: 7/7/2021

Roseola  https://www.nhs.uk/conditions/roseola/ Ngày truy cập: 7/7/2021

Roseola https://dermnetnz.org/topics/roseola/ Ngày truy cập: 7/7/2021

Phiên bản hiện tại

27/11/2023

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Sốt phát ban ở trẻ nhỏ: Bố mẹ cần làm gì để bé nhanh khỏi?

10 nguyên nhân sốt phát ban phổ biến ở trẻ em cần lưu ý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 27/11/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo