backup og meta

Nhiễm Enterovirus: Tất tần tật những thông tin cần biết!

Nhiễm Enterovirus: Tất tần tật những thông tin cần biết!

Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm Enterovirus và mắc bệnh do loại virus này gây ra. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng có nguy cơ cao nhất vì không được bảo vệ từ sự phơi nhiễm virus trước đó. Bên cạnh đó, do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên các triệu chứng bệnh từ tình trạng nhiễm Enterovirus thường có xu hướng trầm trọng hơn. 

Tuy hầu hết các trường hợp mắc bệnh do nhiễm Enterovirus thường không quá nghiêm trọng nhưng vẫn có thể dẫn đến biến chứng xấu lên hệ hô hấp, hệ thần kinh, mắt… thậm chí là đe dọa đến tính mạng người bệnh. Hiện tại không có vaccine chủng ngừa Enterovirus và không có loại thuốc nào có hiệu quả cao để loại bỏ virus khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Do đó, theo các chuyên gia y khoa thì Enterovirus sẽ tiếp tục là mối “bận tâm lớn” đối với sức khỏe con người trong tương lai gần. Việc nắm được những thông tin cơ bản về Enterovirus sẽ giúp bạn biết cách phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe tốt hơn nếu chẳng may bị lây nhiễm. Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau của Hello Bacsi.

Enterovirus là gì?

Enterovirus là một chi virus phổ biến với hơn 100 chủng khác nhau với khả năng lây truyền nhanh, bao gồm coxsackievirus (virus gây bệnh tay chân miệng thường gặp), echovirus, poliovirus và virus gây bệnh viêm gan A

Enterovirus chủ yếu cư trú trong dịch đường hô hấp và phân của người bị nhiễm loại virus này. Tình trạng nhiễm Enterovirus là nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng ở mọi lứa tuổi, với các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp nhiễm Enterovirus xảy ra vào mùa hè và mùa thu.

Hầu hết những bệnh truyền nhiễm do Enterovirus gây nên không quá nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tay chân miệng hay herpangina. Tuy nhiên, trong một số trường hợp Enterovirus cũng có thể tấn công đến hệ thần kinh trung ương, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Viêm màng não do virus, viêm đường hô hấp nặng và bại liệt là những ví dụ cụ thể cho trường hợp hy hữu này.

Đôi khi, một số loại Enterovirus cụ thể có thể gây bùng phát dịch bệnh, gây ra các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp ở trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ nhỏ hoặc trẻ mắc bệnh hen suyễn hoặc hệ miễn dịch yếu. Hiếm khi, nó cũng có thể gây viêm tủy mềm cấp tính , có thể dẫn đến tình trạng yếu tay hoặc chân nghiêm trọng.

Nhiễm Enterovirus có những triệu chứng gì?

Sau khi nhiễm Enterovirus, thời gian ủ bệnh thường là khoảng 2-10 ngày. Enterovirus gây ra khá nhiều dấu hiệu trên cơ thể. Các triệu chứng phụ thuộc vào loại Enterovirus bị nhiễm và bộ phận nào của cơ thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tùy vào độ tuổi mắc bệnh mà các dấu hiệu này sẽ có sự khác nhau:

1. Triệu chứng nhiễm Enterovirus ở trẻ em

Triệu chứng nhiễm enterovirus

Nhiều bậc phụ huynh thường thắc mắc Enterovirus gây bệnh gì ở trẻ em? Theo các chuyên gia sức khỏe, so với người lớn, hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện nên các triệu chứng nhiễm Enterovirus thường nghiêm trọng hơn. Thông thường, trẻ bị nhiễm Enterovirus chỉ bị sốt hoặc có các triệu chứng giống với bệnh cảm lạnh nhẹ như sổ mũi, hắt hơi, ho hoặc đau cơ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tình trạng nhiễm khuẩn này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe sau:  

  • Viêm kết mạc (đau mắt đỏ)
  • Bệnh tay chân miệng
  • Viêm màng não
  • Viêm não
  • Viêm cơ tim
  • Viêm màng ngoài tim (nhiễm trùng túi bao quanh tim)

Khi chăm sóc trẻ bi bệnh tại nhà, nếu nhận thấy trẻ có các biểu hiện sau cần đưa bé đến bệnh viện ngay:

  • Khó thở, thở khò khè hoặc thở nhanh
  • Đau ngực
  • Môi tím tái
  • Chảy xệ một bên mặt
  • Suy yếu cơ, khó đứng vững
  • Đau đầu dữ dội
  • Giật mình/co giật

Có thể bạn quan tâm

Do số ca đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện ở TP.HCM tăng nhanh nên y tế thành phố đã gấp rút truy tìm tác nhân gây bệnh để có giải pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Đầu tháng 9/2023, Sở Y tế TP.HCM cho biết căn cứ từ kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (OUCRU), Enterovirus và adenovirus là hai tác nhân chính gây đợt bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) hiện nay. Trong đó, chiếm ưu thế là Enterovirus (86% ca bệnh), còn tác nhân thường gặp trước đây là Adenovirus chỉ chiếm số ít (14%).

2. Triệu chứng ở người trưởng thành

Phần lớn trường hợp nhiễm Enterovirus, đặc biệt ở người trưởng thành, không có dấu hiệu đặc trưng để nhận biết. Những triệu chứng thường có phần tương tự cảm lạnh hoặc cảm cúm và tự hồi phục sau vài ngày, ví dụ như:

  • Chảy nước mũi, hắt hơi, ho
  • Đau họng
  • Nhức mỏi toàn thân
  • Nôn
  • Thân nhiệt tăng cao
  • Viêm kết mạc (đau mắt đỏ)
  • Phát ban nhưng không gây ngứa
  • Vết loét xuất hiện trên lớp niêm mạc miệng

Mặc dù các biểu hiện nhiễm Enterovirus thường có xu hướng cải thiện sau khi người bệnh nghỉ ngơi và áp dụng một số biện pháp khắc phục tại nhà, một số chúng sẽ cần sớm được chăm sóc y tế trước khi dẫn đến nhiều biến chứng khôn lường, bao gồm:

  • Tổn thương hệ thần kinh trung ương và não (viêm não, viêm màng bọc tủy sống…)
  • Các bệnh về tim (viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim…)

Vì vậy, bạn nên mau chóng tìm gặp bác sĩ nếu bắt gặp bất kỳ dấu hiệu nào như sau:

  • Hụt hơi, khó thở hoặc thở khò khè
  • Đau, tức ngực
  • Môi xanh, tím tái
  • Rối loạn nhịp tim
  • Sưng bàn chân hoặc mắt cá

Nguyên nhân nhiễm Enterovirus là gì?

nguyên nhân nhiễm Enterovirus

Dịch đường hô hấp, nước bọt hoặc phân là những nơi “cư trú” phổ biến của Enterovirus. Ngoài ra, đối với những người mắc bệnh tay chân miệng, các chủng vi sinh vật này còn cư ngụ trong chất dịch ở các nốt phồng, rộp. Người bị nhiễm bệnh có thể truyền virus sang người khác trong vài tuần, ngay cả khi họ không có triệu chứng.

Do đó, một người rất dễ nhiễm Enterovirus nếu vô tình tiếp xúc với các dịch trên thông qua các hoạt động thường ngày, chẳng hạn như:

  • Bắt tay với người bệnh
  • Đứng gần người nhiễm bệnh khi họ đang ho hoặc hắt hơi.
  • Chạm tay lên bề mặt đồ vật dính nước bọt hoặc dịch của người nhiễm Enterovirus.
  • Thay tã cho em bé bị nhiễm virus.

Đặc biệt, rủi ro virus tấn công càng cao nếu bạn không rửa tay ngay sau đó và để tay chạm vào mắt, mũi hoặc miệng mình. Ngoài ra, Enterovirus còn có khả năng xâm nhập cơ thể nếu bạn ăn nhầm thực phẩm nhiễm virus.

Đối tượng nào dễ nhiễm Enterovirus?

Theo các chuyên gia, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm do Enterovirus gây nên. Tuy nhiên, rủi ro mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn những người khác nếu bạn đáp ứng bất kỳ yếu tố nào như sau:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, do hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện.
  • Khả năng hoạt động của tế bào bạch cầu kém.
  • Có tiền sử mắc bệnh phổi hoặc hen suyễn.

Chẩn đoán và điều trị

chẩn đoán nhiễm Enterovirus

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nhiễm Enterovirus có nguy hiểm không?

Hầu hết các bệnh lý phát sinh bởi virus Entero không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn có thể chậm trễ trong việc điều trị.

Nếu không được chữa trị kịp thời, tình trạng nhiễm Enterovirus có nguy cơ tấn công một loạt bộ phận, cơ quan nội tạng như não, gan, tim, lá lách, tủy xương… từ đó kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm các bệnh về tim, não, viêm phổi hoặc viêm gan.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán nhiễm Enterovirus ?

Các triệu chứng nhiễm Enterovirus rất giống với các triệu chứng do các bệnh nhiễm trùng khác gây ra. Nếu bác sĩ nghi ngờ Enterovirus là tác nhân đứng sau những dấu hiệu bất thường, họ sẽ chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu trước khi đưa ra kết luận chẩn đoán cuối cùng. Chúng có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Xét nghiệm dịch nhầy trong mũi, họng hoặc mẫu phân
  • Chọc dò dịch não tủy.

Những phương pháp điều trị nhiễm Enterovirus

Theo các chuyên gia y tế, hiện không có cách điều trị cụ thể đối với nhiễm Enterovirus. Trọng tâm của việc điều trị là làm giảm các triệu chứng cho đến khi quá trình lây nhiễm diễn ra, thường chỉ mất vài ngày. Do đó, việc điều trị chủ yếu tập trung vào:

  • Kiểm soát tốt các triệu chứng đang diễn ra
  • Kìm hãm sự phát triển của vi sinh vật bằng thuốc kháng virus (chỉ có tác dụng với một số chủng chứ không bao gồm toàn bộ chi Enterovirus).

Thêm vào đó, mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm virus Entero thường không cao nên trong trường hợp này, người bệnh có thể nhận được nhiều lợi ích từ các biện pháp khắc phục tại nhà, chẳng hạn như:

  • Chủ động nghỉ ngơi nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho các tế bào bạch cầu chống lại virus.
  • Truyền dịch
  • Sử dụng thuốc OTC (không kê đơn) nhằm xoa dịu triệu chứng khó chịu, ví dụ như ibuprofen hoặc paracetamol.

Mặt khác, bạn cần lưu ý không dùng kháng sinh để trị bệnh do Enterovirus gây ra, vì thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng đối với bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn. Ngoài ra, tự ý dùng kháng sinh có nguy cơ kéo theo một loạt tác dụng phụ gây tổn hại đến sức khỏe.

Tuy nhiên, đối với trường hợp nghiêm trọng, các phương pháp trên không đem lại hiệu quả như mong đợi. Lúc này, bạn cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế từ các chuyên gia.

Đặc biệt, trẻ sơ sinh hoặc người có tiền sử hen suyễn hay bệnh phổi cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu có triệu chứng nhiễm Enterovirus. Người gặp vấn đề hô hấp nghiêm trọng có khả năng cần nhập viện điều trị nội trú.

Phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm Enterovirus như thế nào?

Phòng ngừa nhiễm enterovirus

Mặc dù nhiễm Enterovirus có nhiều triệu chứng tương đồng với bệnh cúm nhưng thực tế, đây là hai vấn đề sức khỏe hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, việc chủng ngừa vắc xin phòng bệnh cúm không giúp bạn miễn dịch được với các chủng vi sinh vật gây bệnh này.

Hiện nay các chuyên gia vẫn chưa tìm ra loại vắc xin hiệu quả cho chi virus trên. Do đó, nhằm ngăn chặn Enterovirus lây lan từ người này sang người khác, các chuyên gia sức khỏe thường khuyến nghị mọi người nên tập và áp dụng các thói quen sinh hoạt lành mạnh dưới đây, bao gồm:

  • Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt vào những thời điểm trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi từ bên ngoài về. Đừng quên hướng dẫn trẻ thực hiện tương tự.
  • Hạn chế đưa tay lên mặt, chạm vào mắt, mũi hoặc miệng, đặc biệt nếu bạn chưa rửa tay.
  • Hãy ở nhà nếu bạn có dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp trên. Trẻ nhỏ cũng cần tạm ngưng đến trường một thời gian nếu rơi vào trường hợp này.
  • Dùng mặt trong của khuỷu tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi nhằm bảo vệ những người xung quanh, đồng thời tránh để dịch cơ thể dính lại trên tay. Đừng quên tập cho trẻ thói quen tốt này nhé.
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân, đặc biệt nếu bạn có biểu hiện nhiễm bệnh.
  • Khử trùng toàn bộ bề mặt của những đồ vật mà người bệnh có thể đã chạm vào, ví dụ như đồ chơi, bàn phím, điện thoại, tay nắm cửa, nút ấn xả nước bồn cầu…

Hello Bacsi hy vọng rằng với những thông tin cơ bản về Enterovirus được chia sẻ trong bài, bạn đã biết cách phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe tốt hơn nếu chẳng may bị lây nhiễm.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Enterovirus / Enterovirus Infection with Severe Complications
https://www.cdc.gov.tw/En/Category/ListContent/bg0g_VU_Ysrgkes_KRUDgQ?uaid=zRqpJ3zn3lI6Tc0LgD0Clw Ngày truy cập 15/9/2023

Enterovirus Infections

https://kidshealth.org/en/parents/enteroviruses.html Ngày truy cập 15/9/2023

Enterovirus Infections (for Parents) – Nemours KidsHealth

https://www.who.int/emergencies/disease-outbreak-news/item/2023-DON469 Ngày truy cập 15/9/2023

Enterovirus Symptoms. https://www.everydayhealth.com/enterovirus/guide/symptoms/. Ngày truy cập 07/05/2020.

Enterovirus infections. https://www.gov.uk/government/collections/enterovirus-infections. Ngày truy cập 07/05/2020.

Factsheet about enteroviruses. https://www.ecdc.europa.eu/en/enteroviruses/facts. Ngày truy cập 07/05/2020.

Phiên bản hiện tại

15/09/2023

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Bệnh sốt do virus: Những nguyên nhân và triệu chứng cần để ý

Bệnh tay chân miệng có lây không? Lây qua những đường nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 15/09/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo