Adenovirus là một nhóm virus gồm hơn 50 loại đã được xác định và có thể gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau. Mặc dù Adeno không phải là loại virus mới, nhưng gần đây một số trường hợp viêm gan bí ẩn ở trẻ em có kết quả dương tính với virus này đã thu hút sự sự chú ý trở lại của các chuyên gia sức khỏe cũng như cộng đồng. Hiện nay, mối liên hệ giữa Adenovirus và viêm gan bí ẩn ở trẻ vẫn đang được nghiên cứu và chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể.
Tuy nhiên, đây chỉ là một phần đáng chú ý liên quan đến Adenovirus. Thực chất, bạn có thể chưa hiểu rõ virus Adeno gây ra những bệnh gì? Virus lây lan qua những con đường nào? Chẩn đoán và điều trị bệnh do nhiễm Adenovirus ra sao? Do đó, hãy cùng theo dõi bài viết sau của Hello Bacsi để có thêm những thông tin quan trọng liên quan đến loại virus phổ biến này nhé!
Tổng quan về Adenovirus
Adenovirus là một nhóm virus có thể gây ra một loạt các bệnh nhiễm trùng giống như cảm lạnh hoặc cảm cúm. Theo ghi nhận, các nhà nghiên cứu đã xác định được khoảng 50 loại Adenovirus có thể lây nhiễm sang người. Nhiễm virus Adeno thường xảy ra quanh năm chứ không theo mùa. Nhiễm trùng có thể diễn ra từ nhẹ đến nặng nhưng các trường hợp bệnh nghiêm trọng do nhiễm virus Adeno không xảy ra thường xuyên. Về đối tượng dễ nhiễm bệnh, bất cứ ai cũng có thể nhiễm Adenovirus nhưng thường phổ biến nhất là trẻ em dưới 5 tuổi.
Adenovirus gây ra những bệnh gì?
Adenovirus có thể gây ra nhiều loại bệnh như:
- Cảm lạnh thông thường hoặc các triệu chứng giống như cúm
- Viêm họng
- Viêm phế quản cấp tính
- Viêm phổi (nhiễm trùng phổi)
- Viêm kết mạc (đau mắt đỏ)
- Viêm dạ dày ruột cấp tính.
Trong một số trường hợp hiếm hơn, Adenovirus có thể gây thêm một số bệnh như:
- Viêm hoặc nhiễm trùng bàng quang
- Bệnh liên quan đến thần kinh như viêm não hoặc viêm màng não.
Adenovirus có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng nhưng bệnh nghiêm trọng do virus này thường không phổ biến. Ngoại trừ một số trường hợp người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu, đang mắc bệnh hô hấp hoặc bệnh tim thì thường có nguy cơ cao bị bệnh nặng do nhiễm virus Adeno.
Các triệu chứng sau khi nhiễm Adenovirus là gì?
Các triệu chứng sau khi nhiễm Adenovirus thường phụ thuộc vào việc virus đang gây ảnh hưởng đến cơ quan, bộ phận nào. Cụ thể:
- Virus Adeno thường phát triển ở đường hô hấp trên. Do đó, việc nhiễm phải virus này thường khiến bạn gặp các triệu chứng như cảm lạnh thông thường hoặc cúm. Trong đó, các triệu chứng phổ biến bao gồm sốt, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi và ho. Ngoài ra, tình trạng sổ mũi hoặc nghẹt mũi đôi khi có thể dẫn đến nhiễm trùng tai.
- Adenovirus ảnh hưởng đến mắt sẽ gây viêm kết mạc với các triệu chứng như đau mắt, sưng đỏ mắt.
- Adenovirus ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa sẽ gây ra một số triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…
- Trong một vài trường hợp hiếm hơn, virus Adeno gây nhiễm trùng bàng quang sẽ khiến bạn đau rát khi đi tiểu, tiểu ra máu, tiểu thường xuyên… hoặc nếu virus ảnh hưởng đến hệ thần kinh thì có thể gây đau đầu.
Thông thường, các triệu chứng của bệnh có thể phát triển trong vòng từ 2 đến 14 ngày sau khi bạn nhiễm Adenovirus. Tuy nhiên, nhiễm trùng nặng có thể kéo dài hơn mức thời gian trên và cần được thăm khám, điều trị.
Adenovirus có lây không? Những con đường lây nhiễm nào cần chú ý?
Adenovirus rất dễ lây lan. Những con đường lây nhiễm phổ biến của virus bao gồm:
- Tiếp xúc gần: Virus có thể lây từ người sang người thông qua các hành động như bắt tay, ôm hoặc hôn.
- Đường hô hấp: Virus có thể lây lan qua việc hắt hơi và ho. Có thể nói, các giọt bắn nhỏ khi người bệnh hắt hơi hoặc ho có thể chứa virus và truyền sang người khác qua đường hô hấp.
- Tiếp xúc bề mặt đồ vật: Sau khi chạm vào bề mặt bị ô nhiễm bởi virus, bạn có thể bị nhiễm bệnh nếu đưa tay chạm vào mắt, mũi hoặc miệng mà trước đó chưa rửa tay.
- Virus lây qua phân của người bệnh: Một số trường hợp như thay tã em bé, cho người già cũng có thể tạo điều kiện để Adenovirus lây lan. Chẳng hạn như phân của bé, người già có chứa virus nhưng sau khi thay tã bạn không rửa tay đúng cách thì sẽ có nguy cơ nhiễm virus khi dùng tay chạm lên mắt, mũi, miệng.
- Lây lan qua đường nước: Adenovirus có thể lây lan qua một số nguồn nước, chẳng hạn như bể bơi, ao hồ… Nếu bạn bơi lội ở vùng nước bị ô nhiễm thì cũng có nguy cơ nhiễm Adenovirus nhưng con đường lây truyền này thường không quá phổ biến.
Nhìn chung, Adenovirus rất dễ lây lan ở những nơi đông người như trường học, bệnh viện, trại hè… Hơn nữa, bạn cần lưu ý rằng:
- Adenovirus có khả năng chống lại nhiều chất khử trùng thông thường nên chúng có thể tồn tại và lây nhiễm thông qua các bề mặt trong thời gian dài.
- Loại virus này có thể được đào thải ra khỏi cơ thể và tiếp tục lây lan trong nhiều ngày kể cả khi người bệnh không có triệu chứng.
Nhiễm Adenovirus được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Phương pháp chẩn đoán
Các triệu chứng do nhiễm Adenovirus rất giống với một số bệnh truyền nhiễm thông thường khác. Vì vậy, ở mức độ nhẹ thì người nhiễm virus Adeno thường không cần làm xét nghiệm. Ngược lại, đối với bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, các bác sĩ có thể đề xuất lấy mẫu xét nghiệm từ chất nhầy của mũi, họng; mẫu phân; mẫu máu hoặc nước tiểu để làm kiểm tra và chẩn đoán bệnh.
Ngoài ra, nếu có một đợt bùng phát đáng chú ý, nghĩa là khi nhiều người trong một nhóm/ cộng đồng có các triệu chứng giống nhau, thì cũng cần được xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân và chẩn đoán xem có nhiễm Adenovirus hay không.
Phương pháp điều trị nhiễm Adenovirus
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với Adenovirus. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh nhẹ đều có thể được điều trị, chăm sóc tại nhà. Trong đó, để giúp bệnh thuyên giảm thì người bệnh nên:
- Nghỉ ngơi nhiều
- Uống nhiều nước, đặc biệt là khi có triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy
- Dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau không kê đơn để giúp giảm các triệu chứng
- Sử dụng nước muối sinh lý, thuốc nhỏ mũi, có thể dùng thêm máy tạo độ ẩm trong phòng để giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi (nếu có).
Mặt khác, đối với người lớn hoặc trẻ nhỏ mắc bệnh nặng do nhiễm Adenovirus thì có thể cần được điều trị tại bệnh viện bằng thuốc kháng virus, truyền dịch qua đường tĩnh mạch hoặc dùng máy trợ thở nếu cần thiết.
Khi nào nên nhập viện do nhiễm virus Adeno?
Hầu hết các trường hợp nhiễm Adenovirus đều tự khỏi khi được chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu bạn hoặc trẻ có những triệu chứng sau đây thì cần nhập viện nhanh chóng:
- Sốt cao trên 40 độ C hoặc sốt kéo dài hơn 5 ngày
- Khó thở
- Có dấu hiệu mất nước như miệng khô, mắt trũng sâu, mệt mỏi, lờ đờ, tiểu ít hoặc đối với trẻ sơ sinh thì có ít tã ướt…
- Thay đổi thị lực, đau mắt đỏ
- Giảm sự tỉnh táo, ngủ không ngon
- Đối với trẻ nhỏ dưới 3 tháng hoặc người có hệ miễn dịch kém, có các vấn đề về hô hấp thì nên nhập viện thay vì điều trị tại nhà.
Phòng ngừa lây nhiễm như thế nào?
Bạn và gia đình có thể phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh do nhiễm Adenovirus bằng một số giải pháp được khuyến nghị sau đây:
- Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng, mỗi lần nên rửa tay trong ít nhất 20 giây. Đồng thời, bạn hãy cố gắng dạy trẻ thói quen rửa tay ngay từ khi còn nhỏ.
- Tránh dùng tay chạm vào miệng, mũi hoặc mắt đặc biệt là nếu bạn chưa rửa tay.
- Tập thói quen ho, hắt hơi vào khuỷu tay hoặc khăn giấy.
- Khử trùng, khử khuẩn đồ chơi của trẻ cũng như các bề mặt chung (quầy bếp, bàn ghế, tay nắm cửa…) thường xuyên.
Nếu trong gia đình có người nhiễm Adenovirus thì cần lưu ý:
- Nên ở nhà nếu bị ốm, người bệnh nên ở nhà cho đến khi các triệu chứng biến mất
- Hắt hơi, ho vào khăn giấy hoặc khuỷu tay
- Không dùng chung khăn, cốc, gối… với người khác
- Giữ khoảng cách với người khác và tránh tiếp xúc gần như ôm, hôn…
- Rửa tay thường xuyên, bao gồm cả người bệnh và người chăm sóc.
Hiện chưa có thuốc và vaccine phòng bệnh do nhiễm Adenovirus. Do đó, việc nhận biết và phòng ngừa lây nhiễm virus bằng cách rửa tay thường xuyên, đảm bảo vệ sinh… là điều rất quan trọng. Nhìn chung, trẻ nhỏ thường là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất nên bạn cần chú ý đến con của mình và cho trẻ đi khám nếu có dấu hiệu bệnh nặng do nhiễm virus Adeno nhé!