backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Hỏi đáp bác sĩ: Bị hở van tim 2 lá có nguy hiểm không?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 28/02/2022

    Hỏi đáp bác sĩ: Bị hở van tim 2 lá có nguy hiểm không?

    Bạn đọc hỏi:

    Chào bác sĩ.

    Tôi năm nay 53 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh hở van tim 2 lá. Bác sĩ có kê đơn thuốc để uống nhằm giúp làm giảm nhẹ triệu chứng nhưng sao tôi vẫn còn cảm thấy mệt mỏi và khó thở. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi bị hở van tim 2 lá có nguy hiểm không và các rủi ro có thể gặp phải là gì? Xin cám ơn!

    Bạn đọc ẩn danh

    Bác sĩ trả lời:

    Chào bạn,

    Với câu hỏi “Bị hở van tim 2 lá có nguy hiểm không?”, Thạc sĩ – Bác sĩ CKI – Ngô Võ Ngọc Hương (Chuyên khoa Nội Tim mạch, BV Nhân dân 115) giải đáp như sau:

    Tim có 4 lá van. Các van tim giúp máu lưu thông qua 4 buồng tim, đi vào hệ tuần hoàn phổi và hệ tuần hoàn lớn theo một chiều nhất định. Van 2 lá nằm giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái. Bình thường, sau mỗi chu kì bơm máu, van 2 lá đóng kín lại để ngăn máu chảy ngược từ tâm thất trái trở lại tâm nhĩ trái. Tuy nhiên, khi bị hở van tim 2 lá, van tim không đóng hoàn toàn khiến máu bị rò rỉ ngược trở lại.

    Nếu tình trạng rò rỉ ngược dòng 2 lá xảy ra nghiêm trọng, thất trái sẽ không có đủ máu di chuyển qua tim để co bóp đưa đến các phần còn lại của cơ thể. Song song đó, dòng máu thậm chí sẽ còn bị ứ đọng tại phổi. Vì vậy, bệnh lý hở van tim 2 lá có thể khiến bạn cảm thấy rất mệt mỏi hoặc khó thở.

    Về vấn đề bị hở van tim 2 lá có nguy hiểm không sẽ tùy thuộc vào các yếu tố sau đây:

    1. Bệnh là cấp tính hay mãn tính

    Với tình trạng cấp tính, van tim đột ngột không còn đảm bảo chức năng, cơ tim không có thời gian để thích nghi với dòng máu trào ngược này nên các triệu chứng thường đột ngột và nghiêm trọng. Người bệnh thường phải nhập viện cấp cứu do các tình trạng bao gồm: khó thở, mệt mỏi, thở nhanh, da nhợt nhạt, mất ý thức, nhịp tim bất thường. 

    Đối với dạng mãn tính, van 2 lá dần dần bị hở ra theo thời gian. Điều này khiến tim có thời gian thích nghi với bất thường chức năng van 2 lá nên các triệu chứng có thể xuất hiện dần dần từ nhẹ đến nặng. Hầu hết những người bị hở van tim 2 lá mãn tính sẽ không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong thời gian đầu. Sau này, mệt mỏi, khó thở, giảm khả năng vận động, phù, tim đập nhanh mới dần xuất hiện và ngày càng nặng hơn nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách.

    2. Các biến chứng có thể xảy ra

    Trong trường hợp mãn tính, bị hở van tim 2 lá có nguy hiểm không phải xem xét đến biến chứng mà người bệnh phải đối diện. Biến chứng xuất hiện thường phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

    Hở van tim 2 lá nhẹ, không có vấn đề nào khác về tim mạch, nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thường không gây ra vấn đề gì.

    Khi tình trạng hở van tim 2 lá không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến các biến chứng sau đây:

  • Rung nhĩ, là một dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm, làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối trong tim
  • Tăng huyết áp động mạch phổi do máu tích tụ trong phổi
  • Phì đại cơ tim và sau đó dãn buồng tim
  • Suy tim sung huyết do cơ tim bị suy yếu đi.
  • Hở van tim 2 lá hầu như chưa phải phẫu thuật sửa chữa hay thay thế van tim nếu mức độ hở nhẹ và bạn không có triệu chứng. Nếu bạn đã dùng thuốc được kê đơn mà tình trạng vẫn không thuyên giảm thì cần đi khám lại để kiểm tra kỹ hơn, điều chỉnh thuốc cho phù hợp nhé! Ngược lại, nếu van tim 2 lá bị hở nặng và kèm theo các tổn thương khác trên bộ máy van, có nguy cơ gây suy tim, chỉ định phẫu thuật cần được đặt ra càng sớm càng tốt, để giúp người bệnh hồi phục chức năng tim mạch một cách nhanh chóng và an toàn.

    Hi vọng đã giải đáp được cho bạn thắc mắc bị hở van tim 2 lá có nguy hiểm không. Chúc bạn điều trị tốt, sớm hồi phục!

    Bạn có thể xem thêm các bài viết:

    Hở van tim: Thay van có giúp bạn trở lại cuộc sống bình thường?

    [Hỏi đáp cùng bác sĩ] Hở van tim 3 lá có nguy hiểm không?

    [Hỏi đáp cùng bác sĩ] Bệnh hở van tim 1/4 nên điều trị thế nào?

    Trân trọng!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

    Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 28/02/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo