Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm siêu âm tim, siêu âm tim qua thực quản, chụp CT và chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá tim, các van tim và động mạch chủ.
Những xét nghiệm khác như đo điện tâm đồ hoặc chụp động mạch vành có thể giúp chẩn đoán các vấn đề khác liên quan đến tim và động mạch. Các vấn đề đó có thể liên quan đến bệnh van động mạch hai mảnh. Sau đó, khả năng bị phình động mạch, bệnh động mạch vành và rối loạn nhịp tim cũng được đánh giá.
Những phương pháp điều trị bệnh van động mạch chủ hai mảnh
Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, các triệu chứng xuất hiện ngay sau khi sinh hoặc từ rất sớm, người bệnh cần được phẫu thuật ngay. Nhiều trường hợp, người bệnh có thể sống cả đời mà không hay biết họ có van động mạch chủ hai mảnh.
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, các lựa chọn điều trị bao gồm:
Thay van động mạch chủ
Bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ van bị hỏng và thay thế bằng một van cơ học hoặc van làm từ mô tim của bò, lợn hay người (van mô sinh học).
Van mô sinh học sẽ thoái hóa theo thời gian và có khi cần được thay thế bằng van mới. Còn khi lắp van cơ học, bạn sẽ cần dùng thuốc chống đông máu suốt đời để ngăn ngừa cục máu đông hình thành. Bác sĩ sẽ trao đổi về lợi ích và rủi ro của từng loại và cùng bạn đưa ra lựa chọn phù hợp.

Phẫu thuật nong van bằng bóng (balloon valvuloplasty)
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng ống thông có gắn một bong bóng ở đầu và luồn vào động mạch háng, đưa đến van động mạch chủ. Tiếp theo, quả bóng được bơm phồng lên giúp van động mạch chủ mở rộng. Sau đó, quả bóng được rút hơi và bác sĩ sẽ đưa ống thông cùng bóng ra ngoài.
Cách này có thể dùng điều trị hẹp van động mạch chủ ở trẻ sơ sinh và trẻ em nhưng van có xu hướng hẹp trở lại khi trưởng thành, dù đã trải qua phẫu thuật. Ngoài giúp giảm hẹp van, một số người có khả năng bị hở van động mạch chủ sau khi phẫu thuật.
Bạn có thể xem thêm bài viết: “Phục hồi van động mạch chủ: Những điều cần biết“.
Sửa chữa van động mạch chủ
Đây không phải là lựa chọn thường dùng trong điều trị bệnh van động mạch chủ hai mảnh. Để sửa chữa van này, bác sĩ phẫu thuật sẽ tách lá van bị dính lại với nhau hoặc tái định hình hoặc loại bỏ mô phát triển quá mức ở van. Mục đích là để các lá van có thể đóng chặt lại.
Phẫu thuật gốc động mạch chủ
Bác sĩ sẽ loại bỏ phần phình to của động mạch chủ nằm gần tim. Tiếp đến, một ống ghép được khâu thay thế vào vị trí đoạn động mạch được cắt bỏ. Van động mạch chủ cũng sẽ được thay thế hoặc sửa chữa trong lúc thực hiện.
Biến chứng
Bệnh van động mạch chủ hai mảnh có thể gây ra những biến chứng gì?
Khoảng 30% người bệnh van động mạch chủ hai mảnh phát triển các biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng. Vậy nên, những người được chẩn đoán mắc phải căn bệnh này cần được chăm sóc, theo dõi liên tục những thay đổi ở tim, van và động mạch chủ theo thời gian.
Các biến chính bao gồm:
Suy tim
Sau một thời gian, hẹp van tim sẽ khiến cho thành tâm thất trái dày lên do phải bơm mạnh hơn để tống máu qua van này. Tâm thất phì đại và năng suất bơm không cao có thể dẫn đến suy tim.
Hút thuốc hoặc nồng độ cholesterol cao có khả năng góp phần đẩy nhanh quá trình này.
Phình động mạch chủ và bóc tách động mạch chủ
Rối loạn mô liên kết đang có gây ra bệnh van động mạch chủ hai mảnh cũng ảnh hưởng đến lớp mô hình thành nên thành động mạch chủ. Khi các lớp mô thoái hóa, thành động mạch chủ yếu đi và giãn ra, không còn hình dạng ban đầu. Cuối cùng, động mạch chủ có thể phình ra, có khi xuất hiện một túi phình tại vị trí thành động mạch quá mỏng và giãn nhiều.
Chỗ phình động mạch chủ có thể bị vỡ hoặc các lớp mô bên trong và bên ngoài động mạch bị tách rời nhau (bóc tách động mạch chủ). Các tình trạng này đều là trường hợp khẩn cấp gây đe dọa tính mạng.
Quản lý bệnh
Bạn nên quản lý bệnh van động mạch chủ hai mảnh như thế nào?
Sau khi chẩn đoán bị khiếm khuyết van tim này, bạn nên tìm một bác sĩ tim mạch để theo dõi, điều trị lâu dài. Hãy tái khám thường xuyên và tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ.
Tình trạng này có thể di truyền trong gia đình. Do đó, bác sĩ thường khuyến khích các thành viên trong gia đình có người mắc bệnh này phải sàng lọc bằng siêu âm tim.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!