backup og meta

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Bạn chắc hẳn đã từng nghe nhiều đến căn bệnh tăng huyết áp và mối nguy hiểm của nó. Thế nhưng, không nhiều người biết rõ về tình trạng tăng huyết áp tâm thu đơn độc. Lúc này, nguyên nhân và cách điều trị căn bệnh này ra sao có thể là điều lạ lẫm với không ít người.

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc không còn là một tình trạng hiếm gặp và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu và khám phá về căn bệnh này trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là gì?

Khi đo huyết áp, người ta dùng 2 số đo là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu (số trên cùng) và huyết áp tâm trương (số phía dưới) thường được viết dưới dạng một tỷ lệ, ví dụ: 120/80mmHg. Kết quả đo chỉ số huyết áp cao hơn 140/90mmHg sau nhiều lần đo đúng cách có thể cho thấy tình trạng tăng huyết áp.

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là tình trạng huyết áp tâm thu tăng (trên 140mmHg), nhưng huyết áp tâm trương vẫn bình thường hoặc thấp (dưới 90mmHg).

Nguyên nhân

Nguyên nhân tăng huyết áp tâm thu đơn độc là gì?

Trong hầu hết các trường hợp người cao tuổi, nguyên nhân tăng huyết áp tâm thu đơn độc là do suy giảm tính đàn hồi của hệ thống động mạch. Tiến trình lão hóa tự nhiên gây vôi hóa sợi elastin, tăng độ cứng của cơ trơn thành động mạch, rối loạn chức năng nội mô, phóng thích chất tiền viêm và khiến động mạch không còn nhạy cảm với các chất giãn mạch do cơ thể tiết ra nữa. Hậu quả là thành mạch trở nên xơ cứng và dày hơn, từ đó kích thước lòng mạch nhỏ lại khiến cho áp lực dòng máu đi qua động mạch tăng lên. Kết quả là huyết áp tâm thu tăng lên nhưng huyết áp tâm trương không bị ảnh hưởng.

Những thay đổi này chủ yếu xảy ra ở động mạch chủ và các động mạch lớn của cơ thể.

Ngoài ra, huyết áp tâm thu đơn độc có thể tăng thứ phát do là hậu quả của những tình trạng sau:

Việc xác định nguyên nhân tăng huyết áp tâm thu đơn độc thứ phát đặc biệt quan trọng đối với trường hợp bệnh nhân còn trẻ (dưới 30 tuổi), trong bệnh cảnh tăng huyết áp kháng trị, tăng huyết áp tiến triển hoặc ác tính.

Yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh

nguyên nhân tăng huyết áp tâm thu đơn độc

Ngoài ra, một số bệnh lý hoặc các yếu tố về tim mạch cũng khiến bạn có nhiều khả năng mắc phải tăng huyết áp tâm thu đơn độc. Cụ thể là:

  • Mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu
  • Có microalbumin niệu hoặc mức lọc cầu thận dưới 60 mL/phút
  • Tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch sớm (nam giới trước 55 tuổi, nữ giới trước 65 tuổi)
  • Thừa cân, béo phì
  • Hút thuốc lá, thuốc lào
  • Lối sống ít vận động
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh bao gồm: ăn nhiều muối, các thực phẩm chế biến sẵn; ít rau quả; nhiều chất béo và uống rượu thường xuyên
  • Stress hoặc căng thẳng tâm lý.

Biến chứng

Các biến chứng do tăng huyết áp tâm thu đơn độc gây ra

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc vẫn là một mối quan tâm lớn về sức khỏe cộng đồng vì nếu những bệnh nhân này không được kiểm soát huyết áp đúng mức sẽ có tỷ lệ tử vong cao và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Cụ thể, huyết áp tâm thu cao không kiểm soát được có thể dẫn đến các biến chứng sau:

  • Đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua, sa sút trí tuệ, hẹp động mạch cảnh
  • Nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực
  • Suy tim, phì đại tâm thất trái
  • Bệnh mạch máu ngoại vi
  • Bệnh suy thận mãn tính, protein niệu, tăng creatinin huyết thanh
  • Xuất huyết hoặc xuất tiết võng mạc, phù gai thị
  • Rối loạn cương dương.

Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc

điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc

Huyết áp tâm thu cao là tình trạng diễn tiến mạn tính và nguy hiểm. Vì vậy, bệnh nhân nên cần được điều trị lâu dài, đúng và đủ hằng ngày, đồng thời theo dõi đều đặn. Mục tiêu điều trị là nhằm duy trì huyết áp mục tiêu (chỉ số huyết áp dưới 140/90mmHg và thấp hơn nữa nếu có thể; với người có nguy cơ tim mạch thì cần duy trì dưới 130/80mmHg) và giảm tối đa các nguy cơ biến chứng khác trên tim mạch.

Tùy thuộc vào mức độ cao huyết áp, các nguy cơ biến chứng và khả năng bệnh nhân đã có tổn thương cơ quan đích hay chưa để bác sĩ xem xét chỉ định các thuốc kiểm soát huyết áp phù hợp.

Trong các thuốc để hạ huyết áp dùng điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc, ưu tiên sử dụng đầu tay là thuốc lợi tiểu giống thiazide và thuốc chặn canxi. Thuốc hàng thứ hai gồm thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II. Đa số bệnh nhân cần phối hợp hai hoặc nhiều thuốc để giảm được áp huyết hiệu quả.

Tuy nhiên, điều quan trọng trong việc điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc là không ảnh hưởng hay làm cho huyết áp tâm trương giảm xuống quá thấp. Nếu tình trạng đó xảy ra, bệnh nhân có thể mắc phải các biến chứng nguy hiểm khác.

Cuối cùng, bệnh nhân cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được kiểm tra tình trạng huyết áp và đảm bảo việc điều trị đang phát huy hiệu quả như mong muốn. Đồng thời, thói quen tự theo dõi huyết áp tại nhà cũng cần được khuyến khích nhằm giúp bệnh nhân tự theo dõi tình trạng sức khỏe của mình tốt hơn.

Phòng ngừa

Những biện pháp phòng ngừa bệnh tiến triển

phòng ngừa tăng huyết áp tâm thu đơn độc

Ngoài việc dùng thuốc để điều trị, thay đổi lối sống cũng có thể giúp cải thiện chỉ số huyết áp tâm thu và nhất là phòng ngừa từ sớm. Bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo đủ kali và các khoáng chất. Bạn nên ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, cá và các sản phẩm từ sữa ít béo; hạn chế món ăn nhiều cholesterol và axit béo bão hòa như mỡ, da, nội tạng động vật, thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ đóng hộp…
  • Giảm ăn mặn, hạn chế dưới 1 thìa cà phê muối mỗi ngày.
  • Cố gắng giảm cân lành mạnh nếu đang trong tình trạng thừa cân hoặc béo phì.
  • Tăng hoạt động thể chất lên ít nhất 150 phút/tuần với các hình thức và mức độ vừa phải phù hợp. Hãy giảm cân để có chỉ số khối BMI ở mức từ 18.5 – 22.9 kg/m2, vòng bụng nam dưới 90cm, vòng bụng nữ dưới 80cm.
  • Hạn chế uống rượu không quá 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly đối với nam giới.
  • Bỏ thuốc lá, thuốc lào hoàn toàn.
  • Tránh lo âu căng thẳng về mặt tinh thần, thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Không để cơ thể bị lạnh đột ngột, bỏ thói quen tắm ban đêm nếu có.

Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã biết rõ hơn về căn bệnh tăng huyết áp tâm thu đơn độc, cũng như biết cách phòng ngừa và điều trị tình trạng này một cách hiệu quả nhé!

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Isolated systolic hypertension: A health concern? https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/expert-answers/hypertension/faq-20058527. Ngày truy cập: 10/08/2021

Isolated Systolic High Blood Pressure. https://www.uofmhealth.org/health-library/aa46579. Ngày truy cập: 10/08/2021

Isolated Systolic High Blood Pressure. https://www.healthlinkbc.ca/health-topics/aa46579. Ngày truy cập: 10/08/2021

Systolic Hypertension. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482472/. Ngày truy cập: 10/08/2021

The Natural History of Borderline Isolated Systolic Hypertension. https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/nejm199312233292602. Ngày truy cập: 10/08/2021

Isolated Systolic Hypertension Is Characterized by Increased Aortic Stiffness and Endothelial Dysfunction. https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/hypertensionaha.107.089391. Ngày truy cập: 10/08/2021

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp https://kcb.vn/wp-content/uploads/2015/07/huong_dan_chan_doan_dieu_tri_tha.pdf Ngày truy cập 10/08/2021

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Cập nhật sau nghiên cứu Sprint http://timmachhoc.vn/tang-huyet-ap-tam-thu-don-doc-cap-nhat-sau-nghien-cuu-sprint/ Ngày truy cập 10/08/2021

Phiên bản hiện tại

18/08/2021

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Nguyên nhân làm tăng huyết áp: biết để phòng ngừa

Hướng dẫn giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 18/08/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo