backup og meta

Suy tim tâm thu: Tất tần tật thông tin bạn cần biết

Suy tim tâm thu: Tất tần tật thông tin bạn cần biết

Suy tim tâm thu cùng với suy tim tâm trương là hai dạng suy tim chính được phân loại dựa trên chức năng của tim. Trong đó, suy tim tâm thu được cho là tình trạng nguy hiểm hơn mặc dù hiện nay việc điều trị đã có nhiều tiến bộ vượt trội.

Vậy nguyên nhân do đâu làm xuất hiện bệnh lý này? Có thể nhận biết bệnh qua các triệu chứng gì? Bệnh gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? Tất cả các vấn đề liên quan sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Tìm hiểu chung

Suy tim tâm thu là gì?

Bình thường, khoảng thời gian từ khi bắt đầu một nhịp đập cho đến khi bắt đầu nhịp đập tiếp theo được gọi là một chu kỳ hoạt động tim. Mỗi chu kỳ sẽ có hai giai đoạn, bao gồm: 

  • Giai đoạn tâm thu (giai đoạn co bóp): cơ tim co thắt mạnh để tống máu vào động mạch đưa đến các cơ quan khác của cơ thể.
  • Giai đoạn tâm trương (giai đoạn thư giãn): có sự giãn nở và mở rộng cơ tim để bắt đầu quá trình nạp máu từ tĩnh mạch vào tâm thất. Ngay sau khi đổ đầy tâm thất, giai đoạn co bóp lại tiếp tục diễn ra. 

Suy tim tâm thu là tình trạng được xác định khi chức năng bơm máu của tim bị suy giảm, kèm theo đặc điểm phân số tống máu EF nhỏ hơn 40%. Hậu quả làm giảm lượng máu đi vào tuần hoàn để nuôi cơ thể, đồng thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời

Triệu chứng

Triệu chứng suy tim tâm thu

triệu chứng suy tim tâm thu

Các triệu chứng suy tim tâm thu có thể xuất hiện dần dần hoặc đột ngột xảy ra khi gắng sức. Khi đó, người bệnh thường có các biểu hiện sau:

  • Tức ngực và khó thở, đặc biệt là khi về đêm
  • Ho kéo dài hoặc ho có đờm bọt màu hồng 
  • Cơ thể suy nhược, mệt mỏi ngay cả khi nằm
  • Sưng ở bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân hoặc bụng
  • Tăng cân đột ngột do cơ thể tích nước
  • Nhịp tim đập nhanh hoặc không đều
  • Chóng mặt, đau đầu, kém tỉnh táo do thiếu máu lên não
  • Tăng tần suất đi tiểu về đêm 
  • Chán ăn, ăn không ngon miệng
  • Buồn nôn

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây suy tim tâm thu

Suy giảm chức năng tim có thể gặp trong một số bệnh lý, đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến suy tim tâm thu. Các nguyên nhân khác có thể là:

  • Tăng huyết áp. Làm tăng áp lực động mạch gây cản trở cho việc bơm máu từ tim vào các động mạch.
  • Bệnh động mạch vành. Lòng động mạch bị thu hẹp làm giảm lượng máu tới cơ tim và làm suy yếu chức năng của tâm thất trái.
  • Bệnh cơ tim nguyên phát (bẩm sinh) khiến tim không thể bơm máu như bình thường. 
  • Các vấn đề về van tim. Tim buộc phải làm việc nhiều hơn để tống máu đi khắp cơ thể khi các van tim bị hẹp hoặc rò rỉ.
  • Rối loạn nhịp tim. Nhịp tim không đều, quá nhanh hoặc quá chậm.
  • Nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim
  • Hẹp van động mạch chủ gây áp lực cho tâm thất trái.
  • Nhiễm trùng gây tổn thương và viêm các tế bào cơ tim.
  • Rối loạn chuyển hóa: bệnh cường giáp hoặc rối loạn dinh dưỡng (ví dụ: Beriberi)

Bên cạnh đó, một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc khiến tình trạng bệnh nặng thêm:

  • Uống nhiều bia rượu hoặc đang mang thai.
  • Tác động của một số loại thuốc.
  • Tình trạng nhiễm trùng, thiếu máu, huyết áp tăng cao không được kiểm soát tốt.

Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán suy tim tâm thu

chẩn đoán suy tim tâm thu

Chẩn đoán sớm suy tim tâm thu có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc điều trị và kiểm soát bệnh. Để thực hiện điều đó, bác sĩ sẽ kết hợp khai thác thông tin về bệnh sử, các triệu chứng cùng với việc chỉ định một số xét nghiệm chuyên khoa như:

Điều trị suy tim tâm thu

Suy tim tâm thu là bệnh lý mạn tính, do đó mục tiêu chính của việc điều trị là làm giảm bớt triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống cho người bệnh. Các mục tiêu này có thể đạt được thông qua các phương pháp điều trị như sau:

Sử dụng thuốc

Dựa vào triệu chứng và nguyên nhân của từng tình trạng cụ thể, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc điều trị suy tim khác nhau:

  • Thuốc làm tăng lực co bóp cơ tim: các glycosid trợ tim (digoxin) có tác dụng giảm bớt một số triệu chứng của suy tim.
  • Thuốc lợi tiểu: hỗ trợ loại bỏ chất lỏng dư thừa bị tích tụ trong cơ thể do suy tim, tránh nguy cơ phù chi, phù phổi. 
  • Thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II: làm giãn mạch máu, giảm áp lực cho tim, làm tăng hiệu quả bơm máu và tăng phân suất tống máu.
  • Thuốc chẹn thụ thể beta: giúp giảm nhịp tim, huyết áp, giảm nhu cầu oxy của cơ tim và chậm quá trình tiến triển của suy tim tâm thu.

Phẫu thuật

Trường hợp suy tim tâm thu tiến triển nặng, việc điều trị bằng thuốc không có hiệu quả, người bệnh có thể phải cần đến các biện pháp phẫu thuật can thiệp để ngăn chặn biến chứng:

  • Cấy máy tạo nhịp tim: nhằm khôi phục khả năng co bóp, bơm máu của tim.
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, đặt stent: nếu nguyên nhân gây suy tim tâm thu là do bệnh mạch vành.
  • Cấy máy khử rung tim: để theo dõi và điều chỉnh rối loạn nhịp tim bất thường.
  • Đặt thiết bị hỗ trợ thất trái (máy bơm tim nhân tạo): hỗ trợ co bóp để đẩy máu đi khi thất trái suy yếu.
  • Sửa chữa hoặc thay thế van tim: mục đích kiểm soát lưu lượng máu.
  • Ghép tim: là giải pháp cuối cùng để tăng khả năng sống sót và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người bị suy tim tâm thu nặng. Người bệnh có thể phải chờ đợi một thời gian dài để có tim hiến tặng thích hợp và sau khi ghép tim cần phải uống thuốc chống thải ghép cả đời.

Xây dựng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh

Để việc điều trị đạt được hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần phải kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ có thể làm suy tim tiến triển bằng cách:

  • Duy trì chế độ ăn giảm muối: lượng khuyến cáo là không nên quá 2g muối mỗi ngày. Nếu bạn bị suy tim nặng, cần phải ăn nhạt hoàn toàn. Ngoài ra, nên chú ý tránh ăn món chứa nhiều muối như dưa cà, cá khô, thịt hộp, bánh mặn,…
  • Hạn chế uống nhiều nước để tránh gia tăng tích trữ dịch trong cơ thể. 
  • Giảm chất béo trong khẩu phần ăn: hạn chế các loại thịt mỡ, thịt đỏ, nên ăn thịt nạc, cá và ưu tiên các món ăn chế biến bằng cách hấp, luộc, thay vì chiên, xào, rán…
  • Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ và kali như rau xanh, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi, cần tây, súp lơ, cà rốt, dưa chuột, bắp cải…
  • Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn: chỉ nên dùng 1 – 2 ly rượu vang mỗi ngày.
  • Luyện tập thể dục đều đặn 20 – 30 phút/mỗi ngày với các bài tập như đi bộ, thể dục nhịp điệu, thái cực quyền,… và nghỉ ngơi ngay khi thấy mệt. 
  • Làm việc với cường độ phù hợp, không nên gắng sức, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
  • Tránh lo lắng, căng thẳng hoặc xúc động mạnh vì sẽ ảnh hưởng tới hệ giao cảm, gây rối loạn nhịp tim.
  • Bỏ hút thuốc lá: khói thuốc lá chứa nhiều chất độc có thể hủy hoại tế bào cơ tim và làm tăng nhịp tim.

Biến chứng

Biến chứng suy tim tâm thu

Tình trạng suy tim tâm thu khiến lượng máu ra khỏi tim bị giảm sút và không đủ để cung cấp cho nhu cầu hoạt động của cơ thể, từ đó khiến cho người bệnh gặp phải một loạt các biểu hiện nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh còn có thể xuất hiện biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng như:

  • Suy giảm chức năng thận. Rất thường gặp ở bệnh nhân suy tim tâm thu. Bệnh thận cũng có thể làm suy tim nặng hơn. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể cần phải lọc máu.
  • Tổn thương gan. Lượng chất lỏng tích tụ ở tim tạo áp lực lên gan có thể dẫn đến sẹo, khiến gan khó hoạt động bình thường.

Suy tim tâm thu không có nghĩa là tim ngưng hoạt động, người bệnh hoàn toàn vẫn có thể cải thiện được tình trạng bệnh. Muốn như vậy thì ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, người bệnh cần tích cực phối hợp thêm các biện pháp thay đổi lối sống. Quan trọng nhất là phải luôn giữ được tinh thần lạc quan để đẩy lùi bệnh tật.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What’s the Difference Between Systolic and Diastolic Heart Failure? https://www.healthline.com/health/heart-failure/systolic-vs-diastolic. Ngày truy cập 03/04/2021

What Is Systolic Heart Failure? https://www.webmd.com/heart-disease/heart-failure/what-is-systolic-heart-failure. Ngày truy cập 03/04/2021

SYSTOLIC HEART FAILURE. https://www.baptisthealth.com/services/heart-care/conditions/systolic-heart-failure. Ngày truy cập 03/04/2021

Phiên bản hiện tại

30/03/2023

Tác giả: Ngân Châu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: [email protected]


Bài viết liên quan

Thuốc điều trị suy tim và tất cả những điều bạn cần biết

Suy tim cấp có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa và điều trị suy tim cấp


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 30/03/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo