Bạn không nhất thiết phải dùng thuốc để điều trị rối loạn nhịp tim. Nếu bị rối loạn nhịp tim mức độ vừa và nhẹ, bạn chỉ cần thay đổi lối sống và có một chế độ dinh dưỡng hợp lý là có thể hỗ trợ kiểm soát được bệnh. Nếu biết cách xây dựng chế độ ăn uống tốt cho tim mạch, bạn không những cải thiện bệnh mà còn tăng cường sức khỏe. Vậy, bị rối loạn nhịp tim nên ăn gì hay ăn uống gì để ổn định nhịp tim?
Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng cố định trong tất cả các giai đoạn và mức độ của rối loạn nhịp tim. Vì thế, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu người bị rối loạn nhịp tim nên ăn gì để cải thiện sức khỏe nhé!
1. Bị rối loạn nhịp tim nên ăn gì? Thực phẩm giàu khoáng chất
Magie, natri, canxi, kali là những khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể. Tình trạng thiếu hụt các khoáng chất này có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim. Đặc biệt, magie còn có vai trò quan trọng trong việc ổn định dẫn truyền tín hiệu thần kinh và sự co cơ tim, từ đó giúp tim đập bình thường.
Bạn nên bổ sung đầy đủ các loại khoáng chất có lợi cho nhịp tim thông qua các loại thực phẩm như các loại đậu, hạt điều, sữa đậu nành, đậu đen, bơ, ngũ cốc, rau bó xôi, chuối, sữa ít béo, rau lá xanh…
2. Thực phẩm giàu axit béo omega-3 giúp ổn định nhịp tim
Nếu bạn thắc mắc người bị rối loạn nhịp tim nên ăn gì thì thực phẩm giàu axit béo omega-3 chính là câu trả lời chính xác nhất. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc bổ sung omega-3 vào chế độ ăn hàng ngày có thể giúp bạn cải thiện tình trạng bệnh:
- Giảm nhịp tim
- Hạ triglyceride máu
- Ngăn chặn rối loạn nhịp tim
- Chống viêm, chống oxy hóa, làm chậm sự tích tụ xơ vữa động mạch
- Giảm nguy cơ tử vong do đau tim, đột quỵ ở người có tiền sử bệnh tim
Ăn gì để tim không đập nhanh? Để làm giảm nhịp tim đập nhanh, bạn nên chọn các thực phẩm giàu axit béo omega-3 nguồn gốc động vật bao gồm cá thu, cá trích, cá chim trắng, cá hồi, cá ngừ. Bạn cũng có thể bổ sung omega-3 nguồn gốc thực vật có trong hạt óc chó, hạt lanh, hạt chia, hạt bí ngô, hạt điều, việt quất, hạt óc chó, súp lơ, rau bó xôi…
Bạn nên lưu ý axit béo omega-3 có thể khiến bạn dễ bị chảy máu hơn, đặc biệt là ở người đang dùng thuốc chống đông máu như aspirin hoặc warfarin. Vì vậy, bạn nên thảo luận cùng bác sĩ trước khi sử dụng nếu gặp trường hợp tương tự.
Có thể bạn quan tâm: Cách giảm nhịp tim nhanh “cấp tốc” và lâu dài: Đề phòng mối nguy hại!
3. Bị rối loạn nhịp tim nên ăn gì? Chất xơ và vitamin
Nhiều người vẫn thắc mắc rằng ăn gì để giảm nhịp tim hay uống gì để giảm nhịp tim? Trái cây và rau quả là nguồn thực phẩm giàu chất xơ tốt cho sức khỏe. Chất béo xấu trong máu cao là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến nhịp tim. Vì vậy, người bệnh cần bổ sung chất xơ để giảm hấp thu lượng chất béo có hại, nhờ đó giảm bớt các yếu tố nguy cơ gây rối loạn nhịp tim. Bạn nên ăn nhiều loại rau và trái cây với nhiều màu sắc khác nhau bao gồm rau bó xôi, bông cải xanh, cà chua, ớt chuông, cà rốt, măng tây, táo, chuối, cam quýt, kiwi, nho…
Các loại rau có màu xanh đậm rất giàu vitamin K gây đông máu, làm giảm tác dụng thuốc chống đông. Vì thế, nếu đang dùng thuốc chống đông, bạn nên cân nhắc hạn chế ăn các loại rau này.
4. Bổ sung thực phẩm làm tăng độ bền thành mạch
Tình trạng tăng huyết áp, mỡ máu cao là nguyên nhân gây tổn thương mạch máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, trong đó có rối loạn nhịp tim. Do đó, khi tìm hiểu bị rối loạn nhịp tim nên ăn gì, bạn nên lưu ý bổ sung các thực phẩm giúp tăng độ bền thành mạch sau:
- Bạn nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, beta caroten vì những thực phẩm này có khả năng chống viêm, chống oxy hóa, giảm stress hiệu quả. Mà đây lại là một trong những lý do dẫn đến rối loạn nhịp tim. Đồng thời, bạn cũng cần loại bỏ chất béo, giảm đường, tinh bột tinh chế để giảm xơ vữa.
- Bạn nên tập thói quen ăn nhạt hơn để ổn định huyết áp. Bạn có thể sử dụng các gia vị thảo mộc như quế, hồi, thảo quả… thay muối khi chế biến thức ăn. Cách chế biến này vừa tốt cho tim mạch vừa giúp bạn ngăn ngừa nhiều bệnh. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), mỗi người chỉ nên ăn dưới 5g muối mỗi ngày.
Rối loạn nhịp tim không nên ăn gì? Nếu không sớm thay đổi chế độ ăn, không nhanh chóng giảm muối, giảm bột ngọt khi chế biến thực phẩm thì nguy cơ mắc bệnh do ăn mặn sẽ ngày càng trầm trọng.
Có thể bạn quan tâm: 8 cách trị tim đập nhanh tại nhà đơn giản, hiệu quả
Hy vọng những gợi ý trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc bị rối loạn nhịp tim nên ăn gì. Để hỗ trợ kiểm soát nhịp tim, bạn hãy lựa chọn cho mình những nhóm thực phẩm tốt cho tim để bổ sung vào chế độ ăn và tập thể dục đều đặn hàng ngày nhé!
[embed-health-tool-heart-rate]