Giảm mỡ máu bằng tỏi không chỉ là kinh nghiệm dân gian mà đã được rất nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh hiệu quả. Bạn đã biết mẹo hay để dùng tỏi trị mỡ máu chưa? Cùng tìm hiểu ngay!
Ăn tỏi có giảm mỡ máu không?
Giảm mỡ máu bằng tỏi là có cơ sở khoa học. Các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu về tác dụng của tỏi từ hơn 30 năm trước và một trong những lợi ích tuyệt vời mà họ tìm thấy được là tỏi có khả năng giảm mỡ máu. Mời bạn tham khảo kết quả một số nghiên cứu điển hình sau đây:
- Theo thống kê đăng tải trên website của Tổ chức Y tế thế giới WHO, đánh giá rất nhiều tài liệu nghiên cứu về hiệu quả giảm mỡ máu bằng tỏi trên cả động vật và con người, hầu hết nghiên cứu đều ủng hộ việc sử dụng tỏi có tác dụng chống lại chứng xơ vữa động mạch. Người tăng mỡ máu bổ sung tỏi vào chế độ ăn hàng ngày trong nhiều năm giúp giảm cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, triglyceride (chất béo trung tính).
- Một phân tích tổng hợp kết quả của 39 thử nghiệm khác nhau cho thấy sử dụng tỏi liên tục trong 2 tháng giúp giảm cholesterol toàn phần trung bình là 17 điểm, giảm LDL cholesterol trung bình là 9 điểm ở người có chỉ số cholesterol toàn phần từ 200mg/dL trở lên.
- Ở bệnh nhân tiểu đường, việc kết hợp giữa tỏi và dầu oliu giúp điều chỉnh hiệu quả nồng độ cholesterol và chất béo trung tính trong máu, điều chỉnh rối loạn mỡ máu.
- Một số nghiên cứu cho thấy, sử dụng tỏi đen lâu năm hoặc viêm tỏi với liều 300mg hoặc 6g, hai lần mỗi ngày trong 4 hoặc 12 tuần làm giảm cholesterol toàn phần, chất béo trung tính và LDL cholesterol; tăng mức HDL cholesterol. Tỏi già làm giảm chất béo trung tính và cholesterol toàn phần ở bệnh nhân mắc bệnh mạch vành.
- Đã có nghiên cứu chứng minh việc kết hợp tỏi và chanh giảm mỡ máu khá hiệu quả.
- Bệnh nhân tăng huyết áp ăn kết hợp tỏi và rau mùi (ngò) với liều 2g mỗi ngày có cải thiện đáng kể chỉ số khối cơ thể, cholesterol toàn phần, LDL cholesterol giảm, đồng thời HDL cholesterol tăng và huyết áp giảm.
- Ngoài giảm mỡ máu bằng tỏi, loại củ này còn tốt cho người bệnh tim mạch nói chung nhờ khả năng điều hòa huyết áp, hỗ trợ điều trị huyết áp cao.
- Tỏi mang lại những giá trị sức khỏe khác bao gồm tăng sức bền và hiệu quả tập luyện, tăng cường khả năng miễn dịch, chống viêm, chống oxy hóa, ngăn ngừa ung thư.
Cách giảm mỡ máu bằng tỏi
- Ăn tỏi chung với rau mùi trong bữa ăn
- Sử dụng 4 tép tỏi mỗi ngày kèm theo 1 thìa nước cốt chanh
- Thêm tỏi tươi vào các món ăn khi chế biến. Tuy nhiên, nhiệt độ trên 60 độ C có thể làm mất hoạt tính của allicin – hoạt chất sinh học mang lại nhiều tác dụng tốt cho tỏi. Vì vậy, bạn chỉ nên thêm tỏi vào món ăn khi gần nấu xong.
- Người có tăng huyết áp có thể áp dụng cách lấy nửa cân tỏi bóc vỏ, thêm 50g muối để muối dưa. Sau 3 ngày, đem tỏi thu được ra hong cho khô, bỏ lọ thủy tinh và thêm giấm, chút đường ngâm trong 2-3 ngày là có thể lấy ra dùng. Mỗi sáng sớm khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ, bạn ăn 1-2 tép và uống ít nước tỏi ngâm giấm. Mỗi đợt ăn trong 15 ngày, nghỉ một đợt ngắn 3 ngày rồi lại sử dụng tiếp.
- Uống rượu tỏi có giảm mỡ máu không? Cũng có tài liệu ghi nhận rượu tỏi giảm mỡ máu. Tuy nhiên, lạm dụng rượu không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, bạn chỉ nên uống 1-2 ly rượu tỏi mỗi ngày.
- Nhiều người cũng quan tâm cách làm chanh, tỏi, gừng chữa mỡ máu. Cả 3 loại này đều có tác dụng giúp giảm mỡ máu nhưng hiện chưa có tài liệu nào ghi nhận hiệu quả khi kết hợp giảm mỡ máu bằng tỏi chanh gừng.
Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng tỏi kỵ mật ong. Vì vậy, dù uống gì để giảm mỡ máu nhanh thì bạn cũng không nên dùng tỏi ngâm mật ong.
Hợp chất allicin được hình thành khi tép tỏi được cắt, nghiền hoặc nhai. Bạn nên lưu ý điểm này khi giảm mỡ máu bằng tỏi nhé!
Có nên dùng tỏi mỗi ngày không?
Việc ăn tỏi hàng ngày như một loại gia vị là an toàn cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, tỏi có thể gây:
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Chán ăn
- Đau cơ
- Chóng mặt
- Phản ứng dị ứng như lên cơn hen suyễn hoặc phát ban trên da.
Nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu, tỏi có thể làm tăng tác dụng của thuốc và khiến máu khó đông hơn bình thường.
Bên cạnh đó, bạn không nên lạm dụng cách giảm mỡ máu bằng tỏi vì ăn tỏi nhiều (quá 5g/ngày) dễ gây khó chịu cho dạ dày, gây đầy hơi, tiêu chảy, làm cơ thể và hơi thở có mùi. Khoảng 1 hoặc 2 nhánh tỏi (hoặc 600-900mg) mỗi ngày là liều lượng phổ biến và rất tốt cho sức khỏe. Bạn có thể thêm tỏi tươi hay tỏi bột vào các món súp, thịt, rau hay salad, thậm chí ăn sống cũng tốt.
Tuy nhiên, nếu thuộc nhóm đối tượng hiếm hoi không hợp với tỏi thì bạn nên tham khảo mẹo ăn uống gì để giảm mỡ máu nhanh khác nhé! Hơn thế nữa, tỏi chỉ là biện pháp hỗ trợ, bạn bắt buộc cần thay đổi lối sống, duy trì chế độ ăn nhiều chất xơ và ít chất béo bão hoà, kết hợp dùng thuốc (nếu được chỉ định) theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất.
[embed-health-tool-bmi]