backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Chỉ số HDL cholesterol cao có nguy hiểm không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 02/02/2021

    Chỉ số HDL cholesterol cao có nguy hiểm không?

    Chỉ số HDL cholesterol cao có thể giúp chống lại nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch. Tuy nhiên, có phải HDL càng cao thì càng tốt không? Nếu chỉ số này ở mức quá cao thì liệu có nguy hiểm gì không?

    HDL (lipoprotein tỉ trọng cao) cùng với LDL (lipoprotein tỉ trọng thấp) là hai thành phần cholesterol chính có trong máu. Trong đó, chỉ có LDL cholesterol được xem là cholesterol xấu do có tác động tiêu cực đến sức khỏe. Riêng HDL cholesterol thì lại có lợi cho tim mạch.

    Chỉ số HDL cholesterol cao có phải lúc nào cũng tốt?

    Hầu hết những bệnh nhân rối loạn lipid máu đều có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch. Nguyên nhân là do có quá nhiều LDL cholesterol và triglyceride (chất béo trung tính) trong máu, dẫn đến việc chúng có thể tích tụ lại tạo thành các mảng bám bên trong lòng động mạch. Theo thời gian, các mảng bám sẽ dày lên, cứng lại và làm hẹp các động mạch. Đôi khi chúng có thể nứt vỡ gây xuất huyết mạch máu và hình thành nên các cục máu đông (huyết khối), dẫn đến tắc hoàn toàn động mạch, gây nên một loạt các biến chứng nghiêm trọng như cơn đau tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,… thậm chí là tử vong.

    Để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tình trạng này, việc cần làm là phải “dọn dẹp” sạch sẽ lượng LDL và triglyceride dư thừa trong máu. Nhiệm vụ quan trọng đó sẽ do HDL cholesterol thực hiện, bằng cách vận chuyển các chất béo từ trong máu về lại gan để xử lý và đào thải ra khỏi cơ thể qua đường mật. Chính vì vậy mà HDL còn được gọi là cholesterol tốt và chỉ số HDL cholesterol thường được khuyến cáo nên ở mức cao. Trên thực tế, cần phải xem xét một số yếu tố khác mới có thể kết luận được HDL cholesterol cao có thật sự tốt không.

    cholesterol

    Bình thường HDL cholesterol trong máu sẽ ở mức > 40 mg/dL, chỉ số này có thể khác nhau tùy thuộc vào giới tính, độ tuổi,… nhưng nhìn chung HDL được xem là tối ưu nhất nếu ≥ 60 mg/dL. Nói như vậy không có nghĩa là HDL càng cao sẽ càng tốt. Mặc dù không có quy định nào về mức giới hạn trên, nhưng nếu chỉ số HDL cholesterol > 95 mg/dL thì có thể được coi là cao bất thường. 

    Nồng độ HDL cholesterol cao thường tương ứng với khả năng mắc các bệnh tim mạch thấp. Tuy nhiên, trường hợp HDL tăng cao bất thường có thể dẫn đến điều ngược lại. Một vài nghiên cứu đã cho thấy, sự bất thường có thể làm thay đổi cách thức hoạt động của HDL và chính điều đó làm tăng khả năng xảy ra các vấn đề về tim mạch. Đặc biệt, nguy cơ sẽ lớn hơn ở những người có mức độ protein phản ứng C (CRP) trong máu cao. Đồng thời, nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người có mức HDL quá cao hoặc quá thấp sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn những người có mức HDL vừa phải.

    Đâu là nguyên nhân khiến mức HDL cholesterol quá cao?

    Mức HDL không tự nhiên tăng lên cao ở đa số những người có quá trình chuyển hóa bình thường. Mà thay vào đó, chỉ số HDL cholesterol quá cao thường có liên quan đến các bất thường bên trong cơ thể. Cụ thể, nguyên nhân chính khiến HDL tăng cao là do các rối loạn di truyền làm gia tăng việc sản xuất hoặc làm giảm độ thanh thải của HDL. Một số rối loạn điển hình có thể kể đến là:

    • Biến thể di truyền hiếm gặp trong phân tử SR-BI
    • Thiếu protein vận chuyển cholesteryl ester (CETP)
    • Tăng alpha lipoprotein máu tính chất gia đình

    Ngoài ra, HDL cholesterol cao cũng có thể là kết quả của một vài nguyên nhân thứ phát khác như: nghiện rượu mạn tính không đi kèm xơ gan, cường giáp, xơ gan ứ mật tiên phát, sử dụng một số loại thuốc (ví dụ như estrogen, corticoid, insulin, phenytoin,…)

    Làm sao để giảm mức HDL cholesterol về mức an toàn?

    giảm HDL cholesterol cao

    Mặc dù HDL cholesterol cao có thể gây ra nhiều biến cố cho sức khỏe, nhưng may mắn là tình trạng này rất hiếm gặp. Trong khi đó, mức HDL cholesterol quá thấp và LDL cholesterol cao mới là vấn đề phổ biến ở mọi người. Để đảm bảo cho sức khỏe của hệ tim mạch, các chuyên gia khuyên nên giữ HDL cholesterol ở mức an toàn bằng cách thực hiện các biện pháp sau:

    • Không hút thuốc
    • Xây dựng một chế độ ăn nhiều rau, trái cây, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt
    • Hạn chế ăn chất béo bão hòa, thực phẩm chiên rán, muối và đồ ngọt
    • Sử dụng rượu với lượng vừa phải (hoặc hoàn toàn không uống rượu)
    • Tập luyện thể dục từ 15 – 30 phút, đều đặn bốn đến năm lần mỗi tuần
    • Kiểm tra cholesterol ít nhất 5 năm một lần, hoặc theo chỉ định của bác sĩ
    • Kiểm soát và điều trị hiệu quả các tình trạng sức khỏe khác như bệnh đái tháo đường, huyết áp cao hoặc bệnh tuyến giáp,… để không ảnh hưởng đến mức cholesterol.

    Cũng cần lưu ý là ngay cả khi bạn có lối sống lành mạnh, HDL vẫn có thể tăng cao bất thường do di truyền. Trường hợp này, cần phải thực hiện thêm một số xét nghiệm bổ sung để tìm kiếm các vấn đề di truyền và các yếu tố nguy cơ khác, khi đó mới có thể quyết định biện pháp khắc phục hiệu quả.

    Như vậy, có thể nói HDL cholesterol cao là một biểu hiện tích cực đối với sức khỏe. Thế nhưng, điều đó không hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp. Vì vậy, tốt hơn hết là chúng ta nên thường xuyên kiểm tra cũng như là chủ động duy trì mức cholesterol ổn định để bảo vệ sức khỏe.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 02/02/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo