backup og meta

Chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu nên lưu ý gì?

Chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu nên lưu ý gì?

Rối loạn lipid máu có thể gây ra hàng loạt các biến chứng tim mạch nguy hiểm, chẳng hạn như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim,… và thậm chí đe dọa đến tính mạng. Việc chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu đúng cách sẽ giúp kiểm soát mức độ cholesterol trong máu và ngăn ngừa được những biến chứng này.

Vậy, người bệnh rối loạn lipid máu và người chăm sóc cần lưu ý những gì? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây nhé!

Chế độ ăn cho người rối loạn lipid máu

Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu chủ yếu là do chế độ ăn uống mất cân bằng trong thời gian dài, làm tăng cholesterol xấu trong máu. Vì vậy, điều quan trọng nhất khi chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu chính là điều chỉnh chế độ ăn.

chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu thông qua chế độ ăn

Một số loại thức ăn mà người bệnh rối loạn lipid máu cần hạn chế bao gồm: 

  • Mỡ và da động vật
  • Thịt màu đỏ đậm như thịt bò, thịt cừu
  • Sữa béo nguyên kem và các sản phẩm từ sữa chưa tách béo (sữa chua, phô mai, bơ,…)
  • Lòng đỏ trứng
  • Bơ thực vật
  • Nội tạng động vật gồm gan, thận, óc, lá lách…
  • Các loại đồ ăn chế biến sẵn nhiều chất béo chuyển hóa như xúc xích, thịt xông khói, mì ăn liền… 
  • Dầu thực vật nhiều chất béo bão hòa: dầu dừa, dầu cọ, dầu hạnh nhân…
  • Các món ăn chiên rán sẵn, đồ ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên, pizza…
  • Các loại bánh ngọt, đồ uống ngọt chứa nhiều đường
  • Thực phẩm chứa nhiều muối hay đồ hộp có lượng natri cao.

Trong chế độ ăn cho người bệnh rối loạn lipid máu, các loại thực phẩm lành mạnh nên bổ sung bao gồm:

  • Rau xanh và trái cây
  • Các loại ngũ cốc nguyên cám như bánh mì đen, gạo lứt 
  • Sữa tách béo 
  • Thịt nạc hoặc thịt gia cầm không da 
  • Các loại cá béo chứa nhiều omega 3 như cá hồi, cá trích, cá mòi… ít nhất 2 bữa mỗi tuần
  • Các loại đậu, như đậu nành, đậu Hà Lan và các loại hạt
  • Quả bơ, oliu
  • Dầu thực vật không bão hòa như dầu oliu, dầu hướng dương, dầu đậu nành…
  • Ăn nhiều tỏi hơn, tỏi giúp hạ cholesterol toàn phần.

Chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu nên khuyến khích tập luyện thể dục

Lười vận động cũng là một trong những nguyên nhân khiến mức độ cholesterol xấu trong máu tăng cao và các triệu chứng của bệnh rối loạn lipid máu thêm trầm trọng. 

Tập thể dục là phương pháp đơn giản, hiệu quả giúp đốt cháy mỡ thừa, hỗ trợ giảm cân, ổn định huyết áp, đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm do rối loạn lipid máu.

Người bệnh nên cố gắng duy trì tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Bạn có thể lựa chọn bất kỳ bài tập yêu thích nào. Tuy nhiên, nếu đã có vấn đề về tim mạch, tiểu đường, thận,… thì nên hỏi ý kiến bác sĩ về cường độ cũng như thời gian tập luyện cho phù hợp. Dễ dàng nhất là đi bộ nhanh, không cần dụng cụ mà cực kỳ hiệu quả trong việc giảm mỡ, tăng cường sức khỏe tim mạch.

chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu khuyến khích tập thể dục

Hỗ trợ người bệnh loại bỏ các thói quen xấu

Người chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu nên khuyên và hỗ trợ người bệnh loại bỏ ngay những thói quen có hại sau đây:

  • Hút thuốc lá. Hút thuốc lá làm tăng tổn thương mạch máu và thần kinh, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tiểu đường tuýp 2.
  • Uống quá nhiều rượu. Rượu cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể. Hãy hạn chế rượu và các chất kích thích nói chung.
  • Lười vận động. Tăng cường vận động sẽ giúp giảm cân, giảm mỡ bụng và duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức lý tưởng (từ 19-23) với vòng bụng không quá 90 ở nam giới và 75 ở nữ giới. Với những bệnh nhân bị thừa cân, béo phì cần tiến hành giảm cân lành mạnh bằng cách giảm khẩu phần ăn hàng ngày và tập thể dục.
  • Lối sống căng thẳng. Nghỉ ngơi hợp lý, luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan sẽ góp phần rất lớn trong quá trình điều trị bệnh.
  • Tự ý tăng liều hoặc bỏ uống thuốc. Quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu cần kiên trì trong thời gian dài và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Người chăm sóc nên theo dõi việc dùng thuốc của bệnh nhân để tránh họn quên liều hay bỏ liều.

Chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu nên lưu ý đến dấu hiệu của biến chứng

chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu lưu ý gì?

Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu, bạn cũng nên thường xuyên theo dõi sức khỏe người bệnh để kịp thời phát hiện các dấu hiệu của biến chứng nguy hiểm. Chẳng hạn như:

  • Nhồi máu cơ tim. Các triệu chứng bao gồm đau thắt ngực hoặc cảm giác khó chịu, bị đè nén ở vùng ngực kéo dài từ vài phút đến vài chục phút. Cơn đau đôi khi có thể lan ra cánh tay, lưng, cổ, hàm,… Một số người gặp thêm tình trạng khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi…
  • Tai biến mạch máu não (đột quỵ). Các dấu hiệu bao gồm: đột ngột tê hay yếu một bên mặt, tay hoặc chân, choáng váng, nói khó hoặc không hiểu lời người khác nói, đột ngột đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.

Nếu xuất hiện một trong các triệu chứng bất thường vừa đề cập ở trên hay bất kỳ dấu hiệu lạ nào thì hãy đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Cuối cùng, luôn nhắc nhở người bệnh theo dõi chỉ số lipid máu thường xuyên, khoảng 6-8 tuần một lần. Đồng thời, thăm khám định kỳ theo lịch hẹn với bác sĩ để kịp thời phát hiện các biến chứng.

Rối loạn lipid máu không còn là căn bệnh hiếm gặp và phải kiểm soát dài hạn để tránh biến chứng. Vì vậy, người chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu hãy cùng đồng hành với họ trong quá trình điều trị, thật kiên trì để luôn có cuộc sống khỏe mạnh.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cách ngăn ngừa và điều trị rối loạn lipid máu. http://benhvien108.vn/cach-ngan-ngua-va-dieu-tri-roi-loan-lipid-mau.htm. Ngày truy cập: 20/12/2021

Dinh dưỡng cho người bệnh rối loạn Lipid máu đơn thuần. http://bvydhue.com.vn/c226/t226-1244/dinh-duong-cho-nguoi-benh-roi-loan-lipid-mau-don-thuan.html. Ngày truy cập: 20/12/2021

Factors Promoting Clinical Inertia in Caring for Patients with Dyslipidemia: A Consensual Study Among Clinicians who Provide Healthcare to Patients with Dyslipidemia. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30129490/. Ngày truy cập: 20/12/2021

Factors Promoting Clinical Inertia in Caring for Patients with Dyslipidemia: A Consensual Study Among Clinicians who Provide Healthcare to Patients with Dyslipidemia. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0027968417303346. Ngày truy cập: 20/12/2021

Management of Dyslipidemia in Adults. https://www.aafp.org/afp/1998/0501/p2192.html. Ngày truy cập: 20/12/2021

Gaps in Dyslipidemia Care Among Working‐Aged Individuals With Employer‐Sponsored Health Care. https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/JAHA.119.015807. Ngày truy cập: 20/12/2021

Phiên bản hiện tại

21/12/2021

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Giải pháp giúp người mắc mỡ máu cao ăn ngừa đột quỵ từ Lipidcleanz

Xây dựng chế độ ăn cho người tăng huyết áp và mỡ máu cao


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 21/12/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo