backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nguyên nhân rối loạn lipid máu: Hiểu rõ để phòng ngừa

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 16/01/2023

    Nguyên nhân rối loạn lipid máu: Hiểu rõ để phòng ngừa

    Sự dư thừa triglycerid (chất béo trung tính) và LDL cholesterol (chất béo xấu) trong máu, cũng như thiếu hụt HDL cholesterol (chất béo tốt) có thể gây nên các triệu chứng rối loạn lipid máu và dẫn đến rất nhiều vấn đề về sức khỏe khác. Trong đó, chế độ ăn nhiều chất béo không phải là nguyên nhân rối loạn lipid máu duy nhất mà còn những “thủ phạm giấu mặt” khác mà bạn chưa biết đến.

    Bệnh rối loạn lipid máu ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Việc tìm hiểu rõ nguyên nhân gây rối loạn lipid máu sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong việc quan tâm đến sức khỏe, thay đổi lối sống và chế độ ăn uống để phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này.

    Nguyên nhân rối loạn lipid máu là do đâu?

    Do di truyền

    Di truyền được xem là nguyên nhân rối loạn lipid máu nguyên phát, ít phổ biến nhưng không phải là không thể xảy ra. Một số người có tiền sử gia đình từng gặp tình trạng này có thể thừa hưởng những đột biến gen làm thay đổi việc sản xuất và/hoặc thanh thải các thành phần lipid trong máu. Cụ thể là sản xuất quá mức, không thanh thải hiệu quả triglycerid và LDL cholesterol trong máu hoặc sản xuất quá ít, thanh thải quá mức HDL cholesterol.

    Rối loạn lipid máu do di truyền thường xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi, bao gồm các trường hợp sau:

    • Tăng triglycerid tiên phát. Nguyên nhân là do di truyền theo gen lặn và người bệnh thường không bị béo phì
    • Tăng lipid máu hỗn hợp. Bạn sẽ có nguy cơ mắc dạng rối loạn lipid này cao nếu trong gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh, có thể do tăng tổng hợp và giảm ly giải lipoprotein (dạng lipid liên kết với protein để có thể di chuyển tự do trong máu). Tình trạng này thường kèm theo béo phì.

    Nguyên nhân rối loạn lipid máu do lối sống

    Những nguyên nhân thứ phát này góp phần gây rối loạn lipid máu ở nhiều mức độ khác nhau.

    1. Chế độ ăn uống kém khoa học

    nguyên nhân rối loạn lipid máu là do chế độ ăn uống

    Nguyên nhân rối loạn lipid máu phổ biến nhất chính là do chế độ ăn uống kém khoa học trong một thời gian dài. Việc tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa, cholesterol xấu, chất béo chuyển hóa từ các món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thịt đỏ, mỡ động vật hoặc thực phẩm chế biến sẵn sẽ làm hàm lượng LDL cholesterol xấu và triglycerid trong máu tăng cao.

    Đồng thời, chế độ ăn ít các loại chất béo không bão hòa lành mạnh (thường có trong các loại dầu thực vật, cá béo), ăn quá ít trái cây, rau củ quả tươi cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa lipid máu.

    2. Thừa cân, béo phì

    Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có chỉ số BMI từ 30 trở lên hoặc số đo vòng eo lớn (phụ nữ từ 89cm, nam giới từ 102cm trở lên) sẽ có nguy cơ mắc bệnh rối loạn lipid máu cao hơn người có chỉ số BMI và vòng eo nằm trong mức cho phép.

    Điều này chứng minh rằng thừa cân, béo phì chính là yếu tố nguy cơ rối loạn lipid máu làm gia tăng khả năng mắc bệnh.

    3. Lười vận động

    Duy trì tình trạng lười vận động kéo dài chẳng những gây tăng cân, là nguyên nhân tăng lipid máu mà còn dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

    4. Hút thuốc lá

    Các nhà khoa học đã chứng minh rằng trong thuốc lá có hơn 100 chất hóa học độc hại có thể làm giảm hàm lượng HDL cholesterol tốt trong máu. Ngoài ra, hít quá nhiều khói thuốc chủ động và cả thụ động có thể làm hỏng thành mạch máu, kết hợp với mỡ máu cao sẽ dẫn tới biến chứng xơ vữa động mạch kèm theo rất nhiều vấn đề sức khỏe khác.

    5. Mắc các bệnh lý khác

    nguyên nhân rối loạn lipid máu là do béo phì

    Những người mắc các bệnh lý sau đây sẽ có nguy cơ bị rối loạn lipid máu:

    • Bệnh tiểu đường (đặc biệt là tiểu đường type 2)
    • Bệnh thận mãn tính như suy thận, hội chứng thận hư
    • Các bệnh lý về gan như xơ gan, bệnh gan ứ mật
    • Suy giáp (lượng hormone tuyến giáp thấp)
    • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
    • Hội chứng chuyển hóa
    • Hội chứng Cushing.

    Ngoài ra, sử dụng một số loại thuốc cũng có thể là nguyên nhân rối loạn lipid máu như: thiazide, thuốc chẹn beta giao cảm, retinoid, corticoides, thuốc kháng retrovirus hoạt tính cao, cyclosporin, tacrolimus, estrogen, progestin và glucocorticoid…

    Các yếu tố nguy cơ rối loạn lipid máu

    Bên cạnh các nguyên nhân rối loạn lipid máu đã được đề cập ở trên, bạn có thể có nguy cơ cao mắc bệnh rối loạn lipid máu, nếu:

    • Tiền sử gia đình bị rối loạn lipid máu
    • Hút thuốc lá
    • Uống nhiều rượu
    • Tuổi tác cao
    • Sử dụng estrogen trong thời gian dài, đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh hoặc đang mang thai.

    Hiểu nguyên nhân rối loạn lipid máu để biết cách phòng ngừa

    nguyên nhân rối loạn lipid máu và cách phòng ngừa

    Sau khi tìm hiểu về nguyên nhân rối loạn lipid, bạn cũng nên biết thêm về cách phòng ngừa căn bệnh này. Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có thể giúp kiểm soát mức cholesterol và phòng ngừa bệnh hiệu quả.

    Cụ thể như sau:

    • Thay đổi chế độ ăn uống. Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, tiêu thụ ít chất béo bão hòa, giảm muối và đường tinh luyện, bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, cá, thịt nạc và ngũ cốc nguyên hạt.
    • Tập thể dục hàng ngày. Đi bộ, đạp xe, chạy bộ hoặc các bài tập đơn giản có thể giúp bạn duy trì mức cholesterol trong máu trong mức cho phép và tránh thừa cân.
    • Giảm cân thông qua chế độ ăn uống và luyện tập.
    • Bỏ thuốc lá
    • Hạn chế bia rượu
    • Kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tiến hành xét nghiệm mức lipid máu và kiểm tra sức khỏe định kỳ nếu bạn bị thừa cân, béo phì, mắc bệnh tiểu đường hoặc trong gia đình có người từng bị rối loạn lipid máu để được chẩn đoánđiều trị sớm.

    Tóm lại, chỉ có một số ít nguyên nhân rối loạn lipid máu không thể thay đổi được, như di truyền, còn lại, các nguyên nhân do lối sống và chế độ ăn uống thì bạn hoàn toàn có thể chủ động thay đổi để phòng ngừa bệnh. Hãy quan tâm hơn đến sức khỏe của mình bạn nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

    Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 16/01/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo