Cách sơ cứu người bị cao huyết áp theo từng trường hợp
Triệu chứng nhẹ, người bệnh còn tỉnh táo
Đối với những bệnh nhân bị cao huyết áp mãn tính, có đôi khi họ gặp phải tình trạng tăng huyết áp khẩn cấp, tức là huyết áp tăng lên 180/120mmHg nhưng không có biểu hiện tổn thương cơ quan đích. Một số triệu chứng họ thường gặp do huyết áp tăng cao là cảm thấy đau nhức vùng cổ, gáy hay choáng váng, chóng mặt và không thể đứng vững nhưng vẫn còn khả năng nhận thức, tỉnh táo và có thể nói chuyện được.
Trong trường hợp này, các bác sĩ tim mạch vẫn khuyên rằng không nên xem nhẹ mà hãy cho bệnh nhân nằm lên giường và nghỉ ngơi, hạn chế đi lại, tránh kích động âm thanh, ánh sáng. Sau đó, tiến hành đo huyết áp 15 phút một lần và liên hệ ngay với bác sĩ để họ hướng dẫn dùng thuốc phù hợp. Nếu do quên uống thuốc huyết áp trong ngày thì cần cho bệnh nhân uống thuốc, huyết áp sẽ mau chóng cải thiện, rất hiếm khi nào bệnh nhân phải nhập viện điều trị.
Bệnh nhân bị bất tỉnh hoặc đột quỵ
Một số bệnh nhân cao huyết áp đột ngột có thể xuất hiện các triệu chứng tổn thương não, bao gồm xây xẩm, chóng mặt, thậm chí cả bất tỉnh. Cách cấp cứu cao huyết áp tại nhà lúc này là hãy để bệnh nhân nằm yên tại chỗ, nghiêng người qua một bên và nâng đầu lên cao khoảng 30 độ để giảm nguy cơ trào ngược và nôn mửa, hít sặc vào phổi. Cần tránh việc lay gọi hay di chuyển bệnh nhân bởi dễ làm cho huyết áp càng tăng và nguy cơ xảy ra đột quỵ cũng cao hơn.
Cuối cùng là gọi xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện một cách an toàn.
Cấp cứu cao huyết áp tại nhà khi bệnh nhân bị khó thở, đau tức ngực

Khi huyết áp tăng quá đột ngột, bệnh nhân có thể bị tổn thương tim, dẫn tới suy tim cấp, nhồi máu cơ tim với các triệu chứng như đau tức ngực, khó thở và vã mồ hôi, tay chân lạnh. Việc sơ cứu người cao huyết áp lúc này vẫn là để bệnh nhân nằm yên tại chỗ, tránh tiếng ồn. Người thân không nên xoa bóp ngực hay nắn bóp tay chân. Đồng thời hãy giúp bệnh nhân nới lỏng quần áo và gọi cấp cứu để đưa đến bệnh viện gần nhất.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!