backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh huyết áp thấp có nguy hiểm không?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 06/02/2023

    Bệnh huyết áp thấp có nguy hiểm không?

    So với huyết áp cao, tình trạng huyết áp thấp không được quan tâm nhiều bởi mọi người ít biết đến những biến chứng của nó. Vậy, bệnh huyết áp thấp có nguy hiểm không? Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây nhé!

    Huyết áp thấp là gì?

    Huyết áp thấp hay hạ huyết áp là tình trạng chỉ số huyết áp tâm thu dưới 90 milimét thủy ngân (mmHg) và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg.

    Tụt huyết áp nguy hiểm khi gây ra các triệu chứng:

    • Tầm nhìn mờ hoặc thị lực giảm dần
    • Chóng mặt hoặc lâng lâng
    • Ngất xỉu
    • Mệt mỏi, suy nhược trí não
    • Nhầm lẫn, khó tập trung
    • Buồn nôn hoặc nôn ói
    • Tim đập nhanh, hồi hộp
    • Thay đổi hành vi, dễ kích động.

    Những triệu chứng này tưởng không đáng ngại nhưng lại có thể gây ảnh hưởng rất lớn tới khả năng tự chăm sóc bản thân, nấu ăn, làm việc hay di chuyển.

    Huyết áp thấp có nguy hiểm không?

    Huyết áp thấp có nguy hiểm không tùy cơ địa

    Huyết áp thấp có nguy hiểm không tùy thuộc vào thể trạng và sức khỏe tổng thể của từng bệnh nhân. Huyết áp thấp đối với một người có thể không gây ra triệu chứng nào và được xem là bình thường. Do đó, tình trạng này sẽ không được phát hiện ra hay tự nhận biết được. Tuy nhiên, đối với một số người khác, tình trạng này lại là nguy hiểm bởi có thể gây chóng mặt và ngất xỉu, thậm chí là đe dọa tính mạng nếu không được khắc phục kịp thời.

    Trong một vài trường hợp, huyết áp thấp có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn, đặc biệt là khi huyết áp giảm đột ngột hoặc gây ra các triệu chứng đáng ngại khác.

    Huyết áp thấp có nguy hiểm không cũng phải kể đến các biến chứng sau đây:

    • Té ngã và chấn thương. Đây là biến chứng đáng chú ý nhất đối với bệnh nhân hạ huyết áp. Huyết áp giảm gây chóng mặt và ngất xỉu, dễ dẫn tới té ngã và chấn thương, đặc biệt là người lớn tuổi. Hậu quả có thể là gãy xương hông, gãy xương sống và các chấn thương nghiêm trọng khác, làm ảnh hưởng đến khả năng di chuyển hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng.
    • Sốc. Khi huyết áp thấp nghiêm trọng và xảy ra đột ngột sẽ làm giảm lượng máu giàu oxy đến các cơ quan trong cơ thể. Điều đó có thể gây tổn thương tim, não và những cơ quan nội tạng khác. Cơ thể bạn bắt đầu ngừng hoạt động do lưu lượng máu cung cấp và oxy bị hạn chế. Các triệu chứng của sốc do hạ huyết áp bao gồm:
      • Lú lẫn, đặc biệt là ở người lớn tuổi
      • Da lạnh, ẩm
      • Da xanh xao
      • Thở nhanh, nông
      • Mạch yếu và nhanh, nhẹ khó bắt
      • Đau thắt ngực.

    Nếu bạn có các triệu chứng của huyết áp cực thấp hoặc sốc, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức bởi nếu không điều trị kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng.

    • Tổn thương tim hoặc đột quỵ. Huyết áp thấp khiến các cơ quan trở nên bị thiếu máu cục bộ, tim sẽ cố gắng bù đắp bằng cách co bóp bơm máu nhanh và mạnh hơn. Tình trạng này kéo dài dễ gây suy tim, nhồi máu cơ tim cấp tính hoặc tổn thương tim vĩnh viễn. Nếu thiếu máu nuôi trên não sẽ gây đột quỵ não, người bệnh tê yếu nửa thân người, méo miệng, nói đớ, nuốt sặc.

    tụt huyết áp có nguy hiểm không? biến chứng là gì?

    Huyết áp thấp có nguy hiểm không tùy thuộc vào cách điều trị

    Huyết áp thấp có nguy hiểm không còn tùy vào việc người bệnh có chú trọng điều trị sớm hay không. Hạ huyết áp không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ hiếm khi cần điều trị. Nếu bạn có chỉ số huyết áp thấp kéo dài nhưng vẫn cảm thấy khỏe mạnh, thực hiện mọi sinh hoạt thông thường, bác sĩ có thể chỉ cần yêu cầu người bệnh tự theo dõi huyết áp tại nhà thường xuyên hơn và kiểm tra sức khỏe định kỳ.

    Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hạ huyết áp rất nguy hiểm. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng. Nếu huyết áp thấp gây ra các triệu chứng nặng thì cần bắt đầu phác đồ điều trị sớm.

    Khi xác định được nguyên nhân hạ huyết áp, giải pháp đầu tiên là cần giải quyết các vấn đề nền tảng này. Ví dụ, nếu thuốc gây ra huyết áp thấp, bác sĩ có thể đề nghị ngừng dùng thuốc hoặc giảm liều. Tuy nhiên, người bệnh cao huyết áp đừng tự ý thay đổi hoặc ngừng dùng thuốc của mình mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

    Nếu không rõ nguyên nhân gây ra huyết áp thấp thì mục tiêu điều trị là làm tăng huyết áp, giảm các triệu chứng. Tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe và loại huyết áp thấp, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân:

    • Sử dụng nhiều muối ăn trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày nhiều hơn định mức thông thường nhưng vẫn đảm bảo liều lượng phù hợp
    • Uống nhiều nước, hạn chế rượu bia
    • Mang vớ nén áp lực cho hai chân
    • Không thay đổi tư thế đột ngột
    • Không đứng hay ngồi quá lâu một tư thế, không ngồi vắt chéo chân
    • Sử dụng các thuốc điều trị huyết áp thấp theo chỉ định của bác sĩ
    • Ăn các bữa phụ xen kẽ giữa ba bữa chính
    • Đảm bảo uống đủ nước hằng ngày, tăng lượng nước uống và chú ý bổ sung điện giải khi vã mồ hôi nhiều, lao động ngoài trời hay thời tiết nắng nóng
    • Tập thể dục đều đặn hằng ngày với các dạng bài tập phù hợp.

    Hy vọng bài viết này đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích và giúp bạn hiểu rõ hơn vấn đề huyết áp thấp có nguy hiểm không. Đừng lơ là, bỏ qua những triệu chứng tụt huyết áp âm thầm mà không thăm khám với bác sĩ, bởi đây có thể dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý tiềm ẩn cần được điều trị ngay cũng như hoàn toàn có thể phòng tránh được.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

    Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 06/02/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo