backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Hỏi đáp bác sĩ: Bệnh tim có di truyền không?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 30/03/2023

    Hỏi đáp bác sĩ: Bệnh tim có di truyền không?

    Bạn đọc hỏi:

    Xin chào Bác sĩ. Vợ tôi năm nay 28 tuổi. Tôi mới biết vợ mình bị bệnh tim từ cách đây vài năm. Hiện tại chúng tôi muốn sinh con nhưng lo ngại không biết bệnh tim có di truyền không. Xin tư vấn giúp tôi!

    Tô Âu Linh (32 tuổi)

    Bác sĩ trả lời:

    Chào bạn,

    Với câu hỏi “Bệnh tim có di truyền không?”, Thạc sĩ – Bác sĩ CKI – Ngô Võ Ngọc Hương (Chuyên khoa Nội Tim mạch, BV Nhân dân 115) giải đáp như sau:

    Mang thai luôn gây ra những căng thẳng nhất định cho tim và hệ tuần hoàn. Dù vậy, nhiều phụ nữ mắc bệnh tim vẫn có thể sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh. Như trong trường hợp của vợ anh, nếu biết các rủi ro và cách để có một thai kỳ an toàn như tư vấn của bác sĩ sau đây, gia đình vẫn có thể tự tin đón một em bé chào đời mà vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe cho người mẹ.

    Bệnh tim có di truyền không?

    Theo câu hỏi của anh, bác sĩ không biết chính xác bệnh tim vợ anh mắc phải là gì để trả lời bệnh tim có di truyền không. 

    Trong y khoa, khái niệm “di truyền” có nghĩa là khả năng thế hệ sau có thể nhận được từ thế hiện trước thông qua bộ gen. Khi một bào thai hình thành, mã di truyền của cha mẹ được sao chép vào mọi tế bào của cơ thể trẻ nhỏ trong quá trình phát triển. Bất kỳ đột biến trong một gen đều có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển bệnh tim di truyền. Vì vậy, nếu vợ anh đã được chẩn đoán mắc bệnh tim, tốt nhất là cần thăm khám kỹ lưỡng để xác định liệu bệnh tim đó có di truyền không; từ đó sẽ có cách điều trị và lập kế hoạch mang thai phù hợp.

    Bị bệnh tim có di truyền không

    Các bệnh lý tim có tính di truyền đã được ghi nhận bao gồm:

    Nếu một trong số cha mẹ có gen bị lỗi thì đứa trẻ sinh ra có 50% khả năng có thể thừa hưởng gen đó và mắc bệnh. Tương tự như vậy, nếu đứa trẻ này lớn lên, khả năng bệnh lý tim di truyền cho đời cháu cũng là 50%. 

    Lời khuyên cho phụ nữ mắc bệnh tim khi mang thai, sinh con

    Nếu vợ anh đã được chẩn đoán mắc bệnh tim, bao gồm cả bệnh tim có di truyền hay không di truyền, trước khi cố gắng thụ thai, hãy lên lịch hẹn với bác sĩ tim mạch và cả bác sĩ sản khoa chuyên về những trường hợp mang thai có nguy cơ rất cao. Các bác sĩ sẽ giúp đánh giá mức độ bệnh tim của vợ anh, khả năng đang kiểm soát tình trạng tim, lựa chọn thời điểm đủ điều kiện mang thai cũng như xem xét những thay đổi điều trị có thể cần trước khi mang thai. Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh về tim có thể không được sử dụng trong thời kỳ mang thai. 

    So với thai phụ khỏe mạnh, vợ anh sẽ cần phải chăm sóc sức khỏe của mình thường xuyên khi mang thai hơn. Cân nặng và huyết áp sẽ luôn được kiểm tra mỗi lần khám; hơn nữa, có thể cần làm cả xét nghiệm máu và nước tiểu thường xuyên.

    Ngoài ra, còn có một số xét nghiệm nhất định cần thực hiện để đánh giá chức năng tim của vợ anh khi mang thai, như siêu âm timđiện tâm đồ. Song song đó, khám siêu âm định kỳ cũng nhằm để theo dõi sự phát triển của em bé và phát hiện sớm các bất thường về tim thai, chuẩn bị cho con điều kiện chào đời tốt nhất. 

    Bên cạnh đó, vợ anh cũng cần phải biết cách chăm sóc bản thân tốt, nhất là khi đang mắc bệnh tim. Đây cũng là cách tốt nhất để chăm sóc tim cho thai nhi, bao gồm:

    • Thường xuyên thăm khám theo hẹn của bác sĩ tim mạch và bác sĩ sản khoa trong suốt thai kỳ.
    • Uống thuốc theo chỉ định.
    • Nghỉ ngơi nhiều. Ngủ trưa hàng ngày và tránh các hoạt động thể chất gắng sức.
    • Theo dõi sự tăng cân. Tăng cân đúng mức hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của bé. Tăng cân quá nhiều sẽ gây thêm căng thẳng cho tim của sản phụ.
    • Đừng lo lắng về chuyện bệnh tim có di truyền không, luôn giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ.
    • Không hút thuốc, uống rượu, cà phê và dùng chất kích thích.
    • Khi có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào bất thường, cần thăm khám lại sớm, đặc biệt là Khó thở, khi gắng sức hoặc cả khi nghỉ ngơi; tim đập nhanh, tức ngực và ho ra máu hoặc ho về đêm

    Bệnh tim có di truyền không và cách chăm sóc

    Đến khi sinh, vợ anh có thể được hướng dẫn đến các bệnh viện chuyên về các trường hợp mang thai có nguy cơ cao do mắc bệnh tim. Nhịp thở, nồng độ oxy trong máu và nhịp tim luôn cần được theo dõi trong suốt quá trình chuyển dạ và sinh nở. Nếu có lo ngại về chức năng tim hoặc tuần hoàn, cuộc sinh có thể cần đến sự hiện diện của cả bác sĩ tim mạch.

    Các cơn co tử cung và nhịp tim thai nhi sẽ được theo dõi liên tục. Thay vì nằm ngửa, sản phụ có thể được yêu cầu nằm nghiêng và thu một đầu gối về phía ngực. Để giảm căng thẳng do đau, bác sĩ có thể khuyên nên gây tê ngoài màng cứng để kiểm soát cơn đau. Không phải tất cả phụ nữ mắc bệnh tim luôn cần phải sinh mổ. Nếu bác sĩ cho phép, vợ anh vẫn có thể sinh con qua đường âm đạo, bác sĩ đỡ sinh có thể hạn chế việc rặn đẻ bằng cách sử dụng kẹp hoặc máy hút chân không để giúp sinh con, giảm áp lực cho tim.

    Hy vọng câu trả lời cho câu hỏi bệnh tim có di truyền không và những lời khuyên trên đây sẽ giúp cho vợ chồng anh lên kế hoạch mang thai toàn vẹn nhất, mẹ tròn con vuông và mau chóng đón được bé yêu như ý.

    Bạn có thể muốn xem thêm:

    Những điều bạn cần biết để giữ gìn sức khỏe tim mạch

    10 dấu hiệu cho thấy bạn cần đi khám tim mạch

    Trân trọng!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

    Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


    Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 30/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo