Chất độc ricin có trong hạt thầu dầu và cũng có thể được chiết xuất từ những phần thừa còn sót lại từ quá trình chế biến. Chúng có khả năng được sử dụng như một vũ khí sinh học hay gây ngộ độc nếu lỡ ăn phải quá nhiều loại hạt này.
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh
Chất độc ricin có trong hạt thầu dầu và cũng có thể được chiết xuất từ những phần thừa còn sót lại từ quá trình chế biến. Chúng có khả năng được sử dụng như một vũ khí sinh học hay gây ngộ độc nếu lỡ ăn phải quá nhiều loại hạt này.
Hạt thầu dầu là nguồn sản xuất ra dầu thầu dầu với rất nhiều lợi ích cho sức khỏe cũng như chăm sóc sắc đẹp. Tuy nhiên, trong hạt của loài cây này có chứa một chất độc nguy hiểm có thể gây chết người, đó chính là ricin.
Vậy chất độc ricin có những đặc tính gì mà có thể gây hại đến cơ thể? Những dấu hiệu khi ngộ độc ricin là gì? Cách điều trị khi lỡ tiếp xúc với chất độc này là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Ricin là một chất độc được tìm thấy trong hạt thầu dầu tự nhiên. Khi bạn nhai và nuốt hạt của loài cây này, ricin được giải phóng có thể gây tổn thương các tế bào. Ricin cũng được tạo nên từ vật liệu thừa còn sót lại từ quá trình chế biến hạt thầu dầu.
Bản chất của ricin là protein, khi xâm nhập vào trong tế bào của cơ thể sẽ ngăn chặn quá trình tạo ra protein cần thiết, từ đó giết chết tế bào đó. Các độc tố protein như vậy thường được thử nghiệm trong y học để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Chất độc này được nhà khoa học người Đức tên là Peter Hermann Stillmark, làm việc tại Nga phát hiện lần đầu tiên vào năm 1888. Qua nghiên cứu, ông đã kết luận rằng hạt thầu dầu có độc ricin.
Hợp chất này có thể ở dạng bột, khí dung hay viên uống, có thể hòa tan trong nước hoặc axit yếu. Chúng ổn định trong điều kiện bình thường nhưng bị bất hoạt ở nhiệt độ trên 80ºC.
Ricin rất độc. Sau khi xâm nhập vào bên trong cơ thể, chúng ngăn các tế bào tạo ra protein cần thiết, khiến tế bào chết dần. Điều này gây hại đến toàn bộ cơ thể, thậm chí gây tử vong.
Tương tự với hầu hết hóa chất khác, tình trạng ngộ độc ricin sẽ phụ thuộc vào mức độ phơi nhiễm, thời gian tiếp xúc, phương pháp tiếp xúc (hít, uống hay tiêm) và các yếu tố khác. Nhìn chung, với liều lượng bằng nhau thì tiếp xúc bằng đường tiêm có khả năng gây ngộ độc ricin cao nhất, sau đó là hít rồi đến uống.
Độ tinh khiết của ricin cũng ảnh hưởng nhiều đến tình trạng ngộ độc hợp chất này. Ví dụ, ricin sẽ có độc tính cao hơn nếu được tinh chế bằng các quy trình đặc biệt với kỹ thuật cao. Thêm vào đó, việc giữ được các tính chất vật lý của chất độc ricin qua quá trình chuyển đổi cũng rất phức tạp, do đó người dùng ít có khả năng bị ngộ độc chất này khi hít qua đường hô hấp.
Trên đây cũng chỉ là một số ví dụ về các yếu tố quan trọng hơn giúp dự đoán mức độ ngộ độc ricin có thể có sau khi tiếp xúc với chất độc này.
Nếu uống phải ricin, các triệu chứng ban đầu thường xảy ra trong vòng 6–12 giờ. Những triệu chứng ban đầu rất có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, gồm buồn nôn, nôn và đau bụng.
Các triệu chứng ngộ độc ricin sau đó có khả năng tiến triển nhanh chóng (thường là hơn 12–24 giờ) bao gồm các vấn đề nghiêm trọng hơn như mất nước, tổn thương thận và gan. Đôi khi, người bị trúng độc còn co giật, hạ huyết áp xuống thấp. Trong vài ngày, gan, lá lách và thận có thể ngưng hoạt động, dẫn đến tử vong.
Sự tiến triển nhanh chóng của các triệu chứng ngộ độc ricin thường khác biệt rõ rệt với hầu hết trường hợp ngộ độc do thực phẩm thường thấy. Tuy nhiên, chất độc ricin không phải là nguyên nhân tiềm ẩn duy nhất cho các triệu chứng này. Các trường hợp khác do ngộ độc hóa chất hay không phải do hóa chất (như nhiễm trùng) cũng có khả năng gây ra những dấu hiệu tương tự.
Nếu hít phải ricin, các triệu chứng ban đầu có thể xảy ra sớm nhất sau 4–6 giờ tiếp xúc. Các triệu chứng nghiêm trọng có khả năng xảy ra muộn hơn, tối đa là 24 giờ sau khi tiếp xúc.
Triệu chứng ban đầu thường ảnh hưởng đến hệ hô hấp, bao gồm khó thở, hơi thở ngắn, tức ngực và ho. Sau đó, triệu chứng ngộ độc ricin tiến triển nhanh chóng (thường là hơn 12–24 giờ), gồm những tình trạng nghiêm trọng hơn, phù phổi (dịch trong phổi) và cuối cùng là suy hô hấp.
Sự tiến triển nhanh chóng khi ngộ độc ricin cũng khác biệt với hầu hết bệnh cảm lạnh hay ho thông thường. Tuy nhiên, ricin không phải là nguyên nhân duy nhất có thể liên quan đến những triệu chứng trên.
Chất độc ricin không được hấp thụ qua da. Khi tiếp xúc với bột hoặc sản phẩm có chất độc này, mắt có thể bị đỏ và đau.
Nếu bạn để tay dính phải chất độc ricin rồi cầm thức ăn đưa vào miệng thì chúng cũng sẽ được hấp thu qua hệ tiêu hóa.
Ngộ độc ricin có thể gây chết người trong vòng 36–72 giờ sau khi tiếp xúc, tùy thuộc vào con đường phơi nhiễm (hít, uống, tiêm) và liều lượng mà cơ thể dung nạp.
Do không có thuốc giải độc đặc hiệu cho ricin nên tốt nhất là bạn cố gắng tránh tiếp xúc với chất độc này ngay từ đầu.
Nếu lỡ không may tiếp xúc, điều quan trọng nhất là loại bỏ chất độc này ra khỏi cơ thể càng nhanh càng tốt.
Triệu chứng ngộ độc ricin được điều trị bằng những phương pháp chăm sóc y tế hỗ trợ để giảm thiểu những ảnh hưởng của chất độc đến cơ thể. Các loại chăm sóc sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như con đường tiếp xúc (do hít phải, nuốt phải hay tiếp xúc với da, mắt).
Quá trình chăm sóc hỗ trợ có thể bao gồm:
Nói chung, không có tác động trực tiếp lâu dài nào được ghi nhận từ khi phơi nhiễm ricin mà không gây ra triệu chứng. Sau khi ngộ độc ricin nghiêm trọng, tổn thương ở các cơ quan có thể vĩnh viễn hoặc kéo dài.
Nếu lỡ tiếp xúc với chất độc ricin, hãy đến ngay bệnh viện gần nhất để được theo dõi và điều trị thích hợp. Bạn cũng cần cởi bỏ quần áo và cho vào bọc kín, tắm rửa sạch sẽ nếu chất độc dính vào cơ thể. Việc này cũng giúp giữ cho chất độc không phát tán đi những nơi khác.
Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Tham vấn y khoa:
Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh
Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!