Nguyên nhân trào ngược dạ dày có thể đơn giản là do thói quen sống nhưng đôi khi cũng có thể rất phức tạp vì các bệnh lý khác. Khi hiểu được tại sao bị trào ngược dạ dày, bạn sẽ tìm ra cách chữa trị hiệu quả hơn.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu bạn không điều trị đúng cách. Cơn đau dạ dày ban đầu sẽ dẫn đến những vấn đề ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như viêm loét, xuất huyết hay ung thư thực quản. Vì thế, bạn cần nhận biết sớm nguyên nhân trào ngược dạ dày để kịp thời phòng ngừa và điều trị càng sớm càng tốt.
15 nguyên nhân trào ngược dạ dày phổ biến
Nguyên nhân trào ngược dạ dày có thể do một hay nhiều yếu tố gây ra bao gồm:
1. Rối loạn chức năng cơ thắt thực quản dưới
Cơ thắt thực quản dưới (LES) có vai trò đóng và mở đầu dưới của thực quản. Cơ này đóng vai trò như một hàng rào ngăn cách giữa thực quản và dạ dày. Nếu LES bị suy giảm chức năng sẽ không đóng hoàn toàn sau khi thức ăn đi vào dạ dày, khiến axit dạ dày có thể trào ngược vào thực quản. Điều này thường do cấu trúc hoặc cũng có thể do một số loại thực phẩm, đồ uống, thuốc và các yếu tố khác làm suy giảm chức năng của LES.
2. Béo phì – nguyên nhân gây trào ngược dạ dày tiềm ẩn
Tình trạng béo phì làm tăng áp lực lên dạ dày, khiến các triệu chứng trào ngược dạ dày trở nên trầm trọng hơn. Béo phì được coi là nguyên nhân trào ngược dạ dày tiềm ẩn ít người chú ý tìm hiểu nhưng lại là nguyên nhân không thể xem thường.
3. Căng thẳng có thể gây trào ngược
Áp lực và căng thẳng tăng cao sẽ kích thích cơ thể tiết ra hormone cortisol. Cortisol là yếu tố làm tăng lượng axit HCl và pepsine gây ra trào ngược axit dạ dày. Ngoài ra, chất này còn tạo áp lực lên cơ thắt thực quản khiến thực quản suy yếu, không có khả năng chống lại thức ăn trào ngược.
4. Thuốc men cũng là nguyên nhân gây trào ngược dạ dày
Có nhiều loại thuốc có thể là nguyên nhân trào ngược dạ dày và khiến các triệu chứng nặng hơn bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Những loại thuốc chống viêm không steroid có thể kể đến là aspirin, ibuprofen, naproxen… Những thuốc này thường có tác dụng phụ phổ biến là gây ảnh hưởng xấu đến đường tiêu hóa. Một số ảnh hưởng xấu của thuốc là gây loét dạ dày, gây triệu chứng ợ nóng và kích thích thực quản bằng cách làm suy yếu hoặc giãn cơ thắt thực quản dưới.
- Thuốc chẹn kênh canxi: Dùng để điều trị huyết áp cao và bệnh tim.
- Thuốc kháng cholinergic: Được sử dụng trong các loại thuốc điều trị rối loạn đường tiết niệu, dị ứng và tăng nhãn áp.
- Thuốc chủ vận beta-adrenergic: Được sử dụng cho bệnh hen suyễn và các bệnh phổi tắc nghẽn.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Gồm amitriptyline, imipramine và nortriptyline.
- Thuốc kháng histamine: Được sử dụng trong các trường hợp dị ứng.
- Thuốc giảm đau: Như codeine, thuốc chứa acetaminophen và hydrocodone.
- Quinidine: Để điều trị rối loạn nhịp tim và sốt rét.
- Theophylline: Được dùng làm giãn phế quản cho bệnh hen suyễn, viêm phế quản mãn tính và các bệnh phổi khác.
- Diazepam: Được sử dụng để điều trị co giật.
- Dopamine: Được sử dụng trong bệnh Parkinson.
- Bisphosphonates: Dùng để điều trị loãng xương.
- Kháng sinh: Tetracycline.
- Chất bổ sung: Kali, sắt.
5. Ăn quá no gây các vấn đề dạ dày
Việc ăn quá no có thể làm căng dạ dày và ruột cũng như làm giảm khả năng tiêu hóa của dạ dày. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, dạ dày sẽ luôn rơi vào trạng thái căng phồng, niêm mạc sẽ khó hồi phục và bị phá hủy. Điều này sẽ gây ra bệnh đau dạ dày với các triệu chứng như khó tiêu hóa, viêm loét hay trào ngược.
6. Tại sao bị trào ngược dạ dày? Hút thuốc lá là một nguyên do
Việc hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc lá cũng được coi là yếu tố nguy cơ và nguyên nhân trào ngược dạ dày. Thói quen hút thuốc có thể gây giảm sản xuất nước bọt, làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày và tạo ra nhiều axit dạ dày. Ngừng hút thuốc là một trong những cách tốt nhất bạn cần làm để giảm bớt các triệu chứng hoặc giảm nguy cơ phát triển trào ngược dạ dày.
7. Suy giảm chức năng dạ dày
Chức năng thần kinh hoặc cơ bắp dạ dày bất thường là nguyên nhân trào ngược dạ dày, làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày, tăng áp lực và tăng nguy cơ trào ngược axit dạ dày.
8. Co thắt dạ dày bất thường
Trong quá trình tiêu hóa bình thường, thức ăn được di chuyển qua đường tiêu hóa bằng các cơn co thắt nhịp nhàng gọi là nhu động. Ở những người có vấn đề về hệ tiêu hóa, những cơn co thắt này sẽ trở nên bất thường do các nguyên nhân:
- Cơ co thắt trong dạ dày
- Dây thần kinh hoặc hormone kiểm soát các cơn co thắt của cơ bắp.
9. Hen suyễn là nguyên nhân gây trào ngược dạ dày
Nghiên cứu cho thấy có hơn 75% người mắc bệnh hen suyễn mắc phải trào ngược dạ dày. Các cơn ho kèm theo hen có thể dẫn đến thay đổi áp lực ở ngực, gây ra trào ngược. Bên cạnh đó, một số loại thuốc hen suyễn làm giãn đường thở, thư giãn LES cũng có thể gây trào ngược dạ dày. Việc điều trị GERD thường có thể giúp giảm các triệu chứng hen suyễn.
10. Tiêu thụ một số loại thực phẩm
Bạn cần lưu ý tránh một số nhóm thực phẩm có thể làm giãn cơ thắt thực quản dưới và kích thích sản xuất axit, từ đó làm tăng nguy cơ mắc phải trào ngược dạ dày như:
- Bạc hà
- Chocolate
- Bơ thực vật
- Sốt kem, mayonnaise
- Thịt nhiều mỡ, chất béo
- Các sản phẩm sữa nguyên chất
- Thực phẩm chiên, nhiều dầu mỡ, cay
11. Dùng cà phê gây kích thích và trào ngược dạ dày
Cà phê có tính axit cao, có thể gây kích thích dạ dày và gây đau. Caffeine trong cà phê cũng có thể khiến dạ dày sản xuất axit quá mức nên gây viêm loét và làm các triệu chứng dạ dày trầm trọng hơn. Vì thế bạn không nên dùng cà phê lúc đói và chỉ nên uống một ít vào lúc no.
12. Mang thai gây trào ngược dạ dày
Sự gia tăng hormone estrogen và progesterone trong khi mang thai làm giãn cơ thắt thực quản dưới, cùng với trạng thái bụng nở rộng hơn sẽ gây thêm áp lực lên dạ dày. Đây cũng chính là nguyên nhân trào ngược dạ dày. Vì thế, ở phụ nữ mang thai thường gặp phải triệu chứng ợ nóng.
13. Uống rượu – nguyên nhân trào ngược dạ dày phổ biến
Thói quen uống rượu là một trong những nguyên nhân trào ngược dạ dày đang ngày càng trở nên phổ biến. Rượu cũng có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của trào ngược dạ dày và ợ nóng bằng cách tăng axit dạ dày, làm giãn cơ thắt thực quản dưới và làm suy yếu khả năng tự làm sạch axit của thực quản. Các nghiên cứu có kiểm soát cũng cho thấy việc uống rượu hoặc bia làm tăng các triệu chứng trào ngược dạ dày hơn so với uống nước thường.
14. Ăn đêm khiến dạ dày không được nghỉ ngơi
Thông thường người bệnh có thói quen ăn đêm rồi nằm ngủ ngay nên việc ăn đêm dễ trở thành nguyên nhân trào ngược dạ dày. Thói quen ăn đêm khiến dạ dày hoạt động không ngừng nghỉ, nếu tình trạng này kéo dài và thường xuyên sẽ làm suy yếu dạ dày, chức năng tiêu hóa kém.
15. Nguyên nhân trào ngược dạ dày: Thoát vị hiatal
Thoát vị hiatal, hay còn gọi là thoát vị dạ dày xảy khi phần trên của dạ dày nằm trên cơ hoành, phần cơ ngăn cách dạ dày với ngực. Chứng này gây ra triệu chứng ợ nóng, khó chịu ở bụng, kích thích cổ họng, ợ hơi và nôn mửa. Thoát vị hiatal thường xảy ra người trên 50 tuổi.
Các nguyên nhân trào ngược dạ dày chủ yếu là do bạn chưa biết cách kiểm soát bệnh sao cho hiệu quả. Các bước điều trị thường khá đơn giản, nhưng đòi hỏi bạn kiên trì quyết tâm thực hiện đến cùng.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: 5 bí quyết giúp bạn chữa trào ngược dạ dày hiệu quả
Giải pháp giúp bạn điều trị trào ngược dạ dày
Các cách chữa nguyên nhân trào ngược dạ dày tập trung vào các yếu tố thay đổi lối sống và sử dụng thuốc theo chỉ định.
1. Điều chỉnh lối sống lành mạnh
Bạn cần thay đổi lối sống sao cho lành mạnh hơn để có thể giảm nhẹ triệu chứng trào ngược dạ dày.
- Ăn uống hợp lý: Bạn nên ăn những thực phẩm nhiều chất xơ, chất béo tốt và lợi khuẩn như rau củ, các loại đậu, yến mạch, óc chó, hạnh nhân, sữa chua… Bạn hãy lưu ý ăn chậm, nhai kỹ, chia nhỏ các bữa ăn và tránh nằm ngay sau khi ăn.
- Tập luyện đều đặn: Bạn nên duy trì cân nặng phù hợp bằng cách tập luyện mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn hãy hỏi bác sĩ về chế độ tập luyện hợp lý để tránh làm trầm trọng hơn bệnh trào ngược dạ dày. Bạn bắt đầu bằng những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga… và tránh tập ngay sau khi ăn hoặc bụng vẫn còn no.
- Tinh thần thoải mái: Căng thẳng là một trong những nguyên nhân trào ngược dạ dày phổ biến. Vì thế, bạn nên hạn chế ôm đồm công việc hay học tập căng thẳng mà hãy thư giãn cơ thể bằng cách nghe nhạc, đọc sách, làm việc mình thích hay trò chuyện cùng người thân.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Người bị trào ngược dạ dày nên ăn gì mới tốt
2. Áp dụng phương pháp Tây y
Thông thường, bệnh trào ngược dạ dày sẽ được điều trị bằng thuốc Tây y trước khi thử các dòng điều trị khác. Một số nhóm thuốc có thể bao gồm:
- Nhóm thuốc ức chế tiết axit dạ dày: Thuốc kháng histamine H2, thuốc ức chế bơm proton.
- Nhóm thuốc bảo vệ dạ dày: Thuốc trung hòa axit dạ dày, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Nhóm thuốc đưa thức ăn xuống ruột: Thuốc làm tăng tốc độ làm rỗng dạ dày.
Việc dùng thuốc Tây y có thể gây một số tác dụng phụ như giảm hấp thu dinh dưỡng, rối loạn tinh thần, nhịp tim chậm, hạ huyết áp… Vậy nên, bạn không nên tự ý mua thuốc mà hãy thăm khám bác sĩ để được đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Bên cạnh việc dùng thuốc, một số phương pháp điều trị phẫu thuật có thể bao gồm:
- Phẫu thuật fundoplication: Bác sĩ phẫu thuật khâu phần trên của dạ dày xung quanh thực quản giúp cho phần dưới của thực quản được thắt chặt và củng cố hơn. Phẫu thuật có tỷ lệ thành công cao trong việc giảm trào ngược.
- Quy trình nội soi: Đây là một loạt các quy trình bao gồm khâu nội soi, sử dụng các mũi khâu để thắt chặt cơ thắt và tần số vô tuyến, sử dụng nhiệt để tạo ra các vết bỏng nhỏ giúp làm săn chắc cơ thắt thực quản.
Phương pháp phẫu thuật điều trị nguyên nhân trào ngược dạ dày thường được áp dụng khi việc thay đổi lối sống không cải thiện được các triệu chứng hoặc sử dụng thuốc không mang lại tác dụng mong muốn.
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp sử dụng các thảo dược Đông y để hỗ trợ quá trình điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại thảo dược hay thực phẩm bổ sung nào, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Để điều trị tận gốc bệnh, bạn cần xác định được nguyên nhân trào ngược dạ dày là gì để có phương pháp điều trị hợp lý. Việc điều trị không chỉ đơn giản là dùng thuốc. Bạn hãy thay đổi lối sống lành mạnh để nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
[embed-health-tool-bmr]