backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tiêu chảy có nên ăn sữa chua không? Khi nào nên và không nên?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 24/08/2023

    Tiêu chảy có nên ăn sữa chua không? Khi nào nên và không nên?

    Tiêu chảy là tình trạng đi phân lỏng nhiều hơn 3 lần trong một ngày, kèm theo đó là các triệu chứng khó chịu như đau bụng, buồn nôn và chuột rút. Nhìn chung, đối với quá trình điều trị tiêu chảy tại nhà, việc bạn ăn gì cũng có thể giúp làm dịu các triệu chứng hoặc ngược lại làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, xoay quanh vấn đề này nhiều người thường thắc mắc tiêu chảy có nên ăn sữa chua hay bị tiêu chảy ăn sữa chua được không?

    Câu trả lời cho vấn đề trên có thể không rõ ràng và đúng tuyệt đối. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần biết được khi nào nên và không nên ăn sữa chua khi bị tiêu chảy. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau từ Hello Bacsi bạn nhé! 

    Tiêu chảy có nên ăn sữa chua? Khi nào nên và không nên?

    Bệnh tiêu chảy là tình trạng rất phổ biến. Vì vậy, bạn có thể không tránh khỏi việc bị “tào tháo rượt” một vài lần trong năm vì những nguyên nhân như nhiễm khuẩn, nhiễm virus, ngộ độc thực phẩm… Đối với vấn đề bị tiêu chảy có nên ăn sữa chua không hay bị tiêu chảy ăn sữa chua được không? Một số người nhận thấy ăn sữa chua làm dịu các triệu chứng nhưng một số người lại bị tiêu chảy nặng hơn sau khi ăn. Vì vậy, điều quan trọng là bạn nên tham khảo thêm một số lời khuyên sau đây:

    1. Tiêu chảy có nên ăn sữa chua? Trường hợp bạn nên bổ sung

    tiêu chảy có nên ăn sữa chua

    Chắc hẳn bạn từng băn khoăn về việc bị tiêu chảy ăn sữa chua được không, trường hợp nào thì nên dùng?

    Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sữa chua là sản phẩm được tạo ra thông qua quá trình lên men các chủng vi khuẩn có lợi được thêm vào sữa bò tươi. Trong đó, các lợi khuẩn lên men sẽ giúp chuyển đổi lactose (đường sữa) thành axit lactic giúp sữa chua đặc lại. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng không phải loại sữa chua nào cũng được tạo ra theo một cách như nhau.

    Nếu sữa chua có chứa vi sinh vật sống là lợi khuẩn, còn được biết đến là men vi sinh hoặc probiotics thì việc dùng loại sữa chua này có thể giúp ngăn ngừa, giảm bớt tiêu chảy. Kết quả này cũng đã được chứng minh bởi vì men vi sinh có trong sữa chua có thể khôi phục, bổ sung lại các lợi khuẩn đường ruột đã đào thải ra ngoài khi bị tiêu chảy.

    Nhìn chung, tùy thuộc vào loại tiêu chảy mà bạn mắc phải, một số chủng men vi sinh có thể hỗ trợ giảm bớt các triệu chứng theo cơ chế bổ sung lợi khuẩn cần thiết cho đường ruột. Trong đó, các trường hợp tiêu chảy có thể ăn sữa chua bao gồm:

    • Tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn, nhiễm virus hoặc ký sinh trùng
    • Tiêu chảy do dùng thuốc kháng sinh gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột
    • Tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc viêm loét đại tràng.

    2. Tiêu chảy có nên ăn sữa chua? Trường hợp nào không nên?

    Trên thực tế, một số người sau khi ăn sữa chua sẽ bị tiêu chảy hoặc khiến tình trạng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn. Điều này thường đúng nếu bạn nhạy cảm hoặc không dung nạp đường sữa lactose. Trong đó, các triệu chứng của tình trạng này bao gồm đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng và buồn nôn.

    Trong hầu hết trường hợp, nếu bạn nhạy cảm hoặc không dung nạp lactose thì cách tốt nhất là bạn nên tránh sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua khi đang bị tiêu chảy.

    Ăn sữa chua khi bị tiêu chảy: Bạn nên ưu tiên chọn sữa chua như thế nào?

    Trên thực tế, không phải loại sữa chua nào cũng được xem là chứa men vi sinh và tốt cho người bị tiêu chảy. Bởi vì có những chủng vi khuẩn dùng để lên men làm sữa chua không tồn tại trong đường tiêu hóa nên sẽ không mang đến bất kỳ lợi ích nào cho đường ruột của bạn. Theo các chuyên gia, một loại sữa chua được đánh giá là có lợi cho đường ruột cần phải đáp ứng hai điều kiện sau:

    • Cung cấp hơn 10 tỷ đơn vị hình thành khuẩn lạc (CFU) men vi sinh trên mỗi khẩu phần
    • Chứa các chủng lợi khuẩn có thể tồn tại trong môi trường axit của đường ruột.

    Các chuyên gia cũng phát hiện ra rằng một số chủng vi khuẩn có tác dụng hỗ trợ điều trị hoặc ngăn ngừa tiêu chảy tốt hơn những chủng khác, bao gồm Bifidobacterium bifidum, Bifidobacterium lactis, Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus reuteri, Lactobacillus rhamnosus và Saccharomyces boulardii.

    Tuy nhiên, thực tế là gần như không có nhà sản xuất nào liệt kê tên các chủng lợi khuẩn được dùng cho sữa chua mà họ sản xuất. Điều này có thể khiến bạn khó chọn được sữa chua phù hợp cho người bị tiêu chảy. Mặc dù vậy, bạn đừng quá lo lắng về việc ăn sữa chua trong thời gian trải qua tình trạng này. Một số lời khuyên sau đây có thể giúp bạn chọn được loại sữa chua phù hợp, giúp ích cho việc giảm đi các triệu chứng của tiêu chảy:

    • Bạn nên ưu tiên chọn sữa chua nguyên chất, không chứa hương liệu, chất tạo màu
    • Sữa chua dành cho người bị tiêu chảy nên là loại sữa chua men sống, chứa trên 10 tỷ lợi khuẩn
    • Nếu bạn nhạy cảm với lactose thì nên chọn sữa chua không lactose
    • Bạn nên ưu tiên chọn sữa chua có hàm lượng đường thấp. Bởi vì sản phẩm chứa nhiều đường có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của tiêu chảy hoặc tình trạng mất nước.

    Nhìn chung, bạn nên có sự cân nhắc đối với vấn đề tiêu chảy có nên ăn sữa chua không hay tiêu chảy ăn sữa chua được không? Trường hợp nhạy cảm hoặc không dung nạp lactose thì bạn không nên dùng sữa tươi và sữa chua trong thời gian bị tiêu chảy. Bên cạnh đó, bạn nên ăn các món thanh đạm, uống nhiều nước, dùng thuốc không kê đơn hoặc dung dịch bù điện giải nếu cần thiết. Đối với một số trường hợp nghiêm trọng hơn như đau bụng dữ dội, tiêu chảy ra máu, sốt và có dấu hiệu mất nước thì bạn cần sớm nhập viện để được điều trị kịp thời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 24/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo