backup og meta

Đau dạ dày có nên ăn chuối? Top 3 món ăn dành cho người đau dạ dày

Đau dạ dày có nên ăn chuối? Top 3 món ăn dành cho người đau dạ dày

Chuối là một trong những loại trái cây phổ biến và vừa ngon lại vừa cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra trong việc đau dạ dày có nên ăn chuối? 

Phần lớn ý kiến cho rằng nên ăn để hỗ trợ tiêu hóa, ngược lại, cũng nhiều ý kiến bảo rằng không nên vì có thể ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Vậy rốt cuộc đâu là đáp án đúng, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua những thông tin được tổng hợp trong bài viết bên dưới nhé. 

Nguyên nhân gây đau dạ dày

Đau dạ dày là tình trạng dạ dày phổ biến, do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm: 

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) gây ra. Xuất phát điểm của nguyên nhân này có thể do di truyền, dạ dày dễ bị tổn thương đối với vi khuẩn hơn người khác. 
  • Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng thói quen ăn uống thất thường, căng thẳng kéo dài hoặc hút thuốc cũng gia tăng nguy cơ bị viêm dạ dày. 
  • Sử dụng thường xuyên các loại thuốc giảm đau như ibuprofen, aspirin, naproxen sodium cũng là nguyên nhân gây viêm vì những loại này có thể bào mòn dần lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày. 
  • Người lớn tuổi có nguy cơ bị viêm dạ dày cao hơn vì niêm mạc dạ dày có xu hướng mỏng dần theo tuổi tác và do người lớn tuổi có nhiều nguy cơ bị nhiễm H. pylori hoặc rối loạn tự miễn dịch hơn người trẻ tuổi.
  • Thức uống có cồn (rượu, bia) có thể gây kích ứng, ăn mòn niêm mạc dạ dày và khiến dạ dày dễ bị ảnh hưởng bởi dịch tiêu hóa. Do đó, thói quen sử dụng rượu bia quá mức sẽ gia tăng nguy cơ bị viêm dạ dày cấp tính.

Ăn chuối tốt cho sức khỏe như thế nào? 

Chuối cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe nên không quá khó hiểu khi chuối thường xuyên góp mặt trong các thực đơn dinh dưỡng. Sau đây là một số lợi ích sức khỏe mà việc ăn chuối mang đến: 

1. Tăng cường sức khỏe tim mạch

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), tất cả mọi người nên cắt giảm lượng muối tiêu thụ, đồng thời tăng cường thực phẩm có chứa kali vì khoáng chất này có thể giúp kiểm soát huyết áp và giảm căng thẳng cho hệ thống tim mạch. Mà chuối là nguồn thực phẩm giàu kali, một quả chuối cỡ trung bình (126 gram) sẽ cung cấp 10% lượng kali theo mức khuyến nghị hàng ngày.

Mặt khác chuối cũng chứa nhiều chất xơ, giúp tăng cường hỗ trợ sức khỏe tim. Theo kết quả nghiên cứu năm 2017, những ai ăn theo chế độ nhiều chất xơ sẽ có ít nguy cơ bị bệnh tim và có mức độ lipoprotein – cholesterol xấu – mật độ thấp (LDL).

2. Duy trì trí nhớ và điều chỉnh tâm trạng

Chuối là nguồn cung tryptophan, một axit amin có thể giúp duy trì trí nhớ, tăng cường khả năng học và ghi nhớ mọi thứ của một người. Ngoài ra, tryptophan cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng của hệ thống thần kinh trung ương. 

3. Hỗ trợ giảm cân

Chuối thường có mặt trong các thực đơn giảm cân vì chúng tương đối ít calo nhưng bổ sung nhiều dinh dưỡng. Đặc biệt, chuối xanh có chứa nhiều tinh bột đề kháng, giúp tạo cảm giác no lâu hơn và giảm cảm giác thèm ăn ở những ai đang có ý định giảm cân. 

4. Thuyên giảm nguy cơ mắc ung thư

đau dạ dày có nên ăn chuối

Trong chuối có chứa lectin, một protein có thể giúp ngăn chặn các tế bào bệnh bạch cầu phát triển. Lectin hoạt động như một chất chống oxy hóa, giúp loại bỏ các gốc tự do gây hại cho cơ thể, hạn chế nguy cơ tiến triển thành ung thư. 

5. Nâng cao sức khỏe thận 

Ngoài việc hỗ trợ sức khỏe tim mạch thì kali còn cần thiết để duy trì hoạt động của thận khỏe mạnh và điều hòa huyết áp. Một nghiên cứu gồm hơn 5.000 người bị bệnh thận mãn tính giai đoạn đầu, kali đã ổn định huyết áp và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh thận. 

Tuy nhiên, một lưu ý là bổ sung kali thông qua chuối chỉ phù hợp ở những ai bệnh thận nhẹ, còn đối với những ai có bệnh giai đoạn cuối hoặc đang chạy thận nhân tạo cần hạn chế lượng kali nạp vào cơ thể. 

Đau dạ dày có nên ăn chuối hay không?

Trái ngược với nhiều lời đồn thổi rằng ăn chuối sẽ khiến tình trạng đau dạ dày nặng hơn, sự thật là chuối rất được khuyến khích trong các bữa ăn của người bị đau dạ dày vì những lý do sau: 

  • Chuối có tính kiềm giúp trung hòa axit bằng cách tiết ra chất nhầy bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày bị kích thích. 
  • Chuối giàu pectin, một loại chất xơ hòa tan, có vai trò giúp thức ăn lưu thông tốt qua đường tiêu hóa, giúp thức ăn tiêu hóa dễ dàng hơn.
  • Chuối giúp bổ sung chất điện giải cho cơ thể như kali khi bị tiêu chảy hoặc nôn mửa, các triệu chứng đi kèm khi đau dạ dày. 
  • Tinh bột đề kháng trong chuối đóng vai trò là thức ăn cho sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa và có thể hỗ trợ chữa lành đường ruột.
  • Chuối có khả năng bảo vệ và chữa lành vết loét do viêm dạ dày gây ra, từ đó, giúp ngăn chăn sự xâm nhập của vi khuẩn HP

Vì thế, không quá khó hiểu khi chuối là thành phần chính trong chế độ ăn uống BRAT (từ viết tắt của Bananas, Rice, Applesauce, Toast), một chế độ ăn nhạt, dễ tiêu dành cho những bị bị bệnh dạ dày. Tuy nhiên, một số lưu ý khi ăn chuối dành cho bệnh nhân như sau: 

  • Ăn chuối sau bữa ăn khoảng 10 đến 20 phút và không ăn vào lúc đói.
  • Nên ăn chuối chín và hạn chế ăn chuối xanh vì chúng có thể chứa quá nhiều lượng pectin cần thiết, gia tăng tình trạng co thắt dạ dày và gây khó chịu hơn. 
  • Ăn chuối vừa đủ, khoảng 1 đến 2 trái mỗi ngày, tránh lạm dụng sẽ gây ra tác dụng phụ không đáng có. 

Tìm hiểu thêm Ăn chuối có tác dụng gì: 10 lợi ích to lớn trong loại trái cây giá rẻ 

Top 3 loại thực phẩm giúp bạn giải đáp thắc mắc đau dạ dày nên ăn gì?

Đến đây, hẳn bạn đã có câu trả lời rõ ràng cho việc đau dạ dày có nên ăn chuối và ăn như thế nào để tốt cho sức khỏe. Vậy ngoài chuối, người bị đau dạ dày nên ăn gì để giảm nhẹ triệu chứng? Mời bạn cùng tìm hiểu!

1. Thực phẩm giàu chất xơ

đau dạ dày có nên ăn chuối

Chất xơ có thể giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hỗ trợ hấp thụ axit dạ dày, những nguyên nhân chính gây đau. Hơn nữa, ăn nhiều chất xơ cũng góp phần bảo vệ cơ thể trước những tác nhân gây ung thư. Một lưu ý nhỏ đối với những chế độ ăn giàu chất xơ là nên uống nhiều nước để các lợi ích được phát huy tốt hơn. 

2. Sữa chua

Hoạt động như một chất đệm bao phủ dạ dày tạm thời, ngăn cho cơ thể không cảm thấy axit đang kích thích lớp niêm mạc và làm dịu các triệu chứng do đau dạ dày gây ra. Một gợi ý khi lựa chọn sữa chua là nên chọn những loại tách béo hoặc ít béo vì các thực phẩm béo có thể mở cơ ngăn cách thực quản và dạ dày, cho phép axit đi ngược lên trên và tăng nguy cơ trào ngược. 

3. Trà gừng

Một thức uống nhẹ nhàng như trà gừng sẽ bổ sung tính kiềm để trung hòa axit và có tác dụng kháng viêm, giúp giảm kích ứng và làm dịu dạ dày. Gừng cũng có thể giúp giảm buồn nôn, một triệu chứng do trào ngược axit gây ra. 

Áp lực cuộc sống ngày càng nhiều, kết hợp với lối sống ăn uống thất thường, thức khuya… là những lý do khiến tình trạng đau dạ dày ngày càng phổ biến. Nhưng may mắn là hầu hết các trường hợp đều có dấu hiệu cải thiện khi bạn thay đổi chế độ ăn uống và vận động thích hợp. Hy vọng các thông tin trong bài viết trên sẽ giúp bệnh nhân xây dựng được chế độ ăn phù hợp để cải thiện bệnh tình. 

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bananas

https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/food-features/bananas/ Ngày truy cập 12/4/2022

Gastritis Diet: What to Eat and What to Avoid

https://www.healthline.com/health/gastritis-diet Ngày truy cập 12/4/2022

Role of gastric antioxidant and anti-Helicobactor pylori activities in antiulcerogenic activity of plantain banana (Musa sapientum var. paradisiaca)

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/12019769/ Ngày truy cập 12/4/2022

Gastrointestinal bleeding

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gastrointestinal-bleeding/diagnosis-treatment/drc-20372732 Ngày truy cập 12/4/2022

Benefits and health risks of bananas

https://www.medicalnewstoday.com/articles/271157 Ngày truy cập 12/4/2022

5 Foods to Fight Acid Reflux and Heartburn

https://www.aarp.org/health/conditions-treatments/info-2017/foods-help-acid-reflux-fd.html Ngày truy cập 12/4/2022

Phiên bản hiện tại

23/04/2022

Tác giả: Nhi Bui

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Bạn có biết đau dạ dày nên ăn hoa quả gì?

Người bị đau dạ dày nên làm gì: 8 cách giảm đau dạ dày nhanh, an toàn


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 23/04/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo