backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

"Nóng gan" uống gì để giải nhiệt? 9 thức uống tiêu nhiệt, thải độc hiệu quả

Thông tin kiểm chứng bởi: Lan Quan


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 13/11/2023

    "Nóng gan" uống gì để giải nhiệt? 9 thức uống tiêu nhiệt, thải độc hiệu quả

    “Nóng gan” là một tình trạng khá phổ biến, nhất là ở những người hay uống rượu bia, ăn đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thức khuya, căng thẳng… Vậy, khi bị “nóng gan” uống gì để thanh nhiệt, giải độc?

    Khi bị “nóng gan”, cơ thể thường có những biểu hiện như nổi mụn, nổi mề đay, mẩn ngứa, nóng trong người, ợ nóng, táo bón… Để cải thiện những triệu chứng này, bạn có thể tìm hiểu những biện pháp làm mát gan bằng các loại thức uống quen thuộc. Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng đi tìm lời đáp cho thắc mắc “Nóng gan uống gì?” với 9 thức uống bổ dưỡng, thanh mát.

    “Nóng gan” là gì? Các triệu chứng của “nóng gan”

    Gan là cơ quan chịu trách nhiệm chuyển hóa thức ăn và đào thải độc tố. Đây cũng là một phần của mạng lưới kiểm soát căng thẳng của cơ thể. Sự tích tụ các chất độc có thể khiến gan bị quá tải và được xem là một dạng “nhiệt” trong Đông y, vì những căng thẳng này dễ dẫn đến tức giận.

    Theo y học cổ truyền Trung Hoa, “nóng gan” còn gọi là gan hỏa (gan ứ nhiệt), là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến ở gan. Thuật ngữ dân gian này thường được dùng để mô tả tình trạng gan bị rối loạn chức năng do tổn thương, gây ra các triệu chứng khó chịu như nổi mụn, táo bón, nổi mề đay…

    Người bị “nóng gan” thường xuất hiện các triệu chứng như:

    • Đau ngực
    • Khô miệng
    • Chóng mặt
    • Dễ tức giận hoặc thường xuyên ủ rũ, trầm cảm
    • Có các vấn đề về tiêu hóa như ợ hơi, chướng bụng, cảm giác có khối u trong cổ họng
    • Các triệu chứng trên da như nổi mụn, nổi mề đay
    • Các triệu chứng nghiêm trọng hơn là mắt đỏ ngầu, nhức đầu, mạch đập nhanh, mất ngủ, mặt đỏ bừng.

    Khi bị “nóng gan”, bạn nên tìm cách thanh nhiệt, giải độc, làm mát gan để bảo vệ sức khỏe. Một chế độ ăn uống với những thực phẩm có công dụng làm mát có thể giúp khắc phục tình trạng “nóng gan”. Vậy, “nóng gan” nên uống gì? Mời bạn đọc tiếp bài viết để có câu trả lời.

    “Nóng gan” uống gì để giải nhiệt? 9 thức uống thanh mát, tiêu nhiệt

    1. Trà Atiso

    bị nóng gan uống gì: trà atiso

    Câu trả lời đầu tiên cho thắc mắc “Gan nóng uống gì?” là trà atiso. Atiso chứa hai chất chống oxy hóa cynarin và silymarin giúp giảm độc tố, hạn chế stress oxy hóa, từ đó góp phần làm “mát gan”. Không những thế, những chất chống oxy hóa này còn thúc đẩy quá trình hồi phục các tế bào gan bị tổn thương trong cơ thể.

    Nguyên liệu làm trà atiso thải độc gan:

    • 2 búp atiso tươi
    • 3 lít nước.

    Cách thực hiện:

    • Bước 1: Cắt bỏ cuống dài, chẻ bông atiso làm 4 rồi rửa sạch. 
    • Bước 2: Cho hoa atiso và nước vào nồi, đun sôi rồi vặn nhỏ lửa, nấu đến khi atiso chín mềm.
    • Bước 3: Vớt hoa atiso ra và lấy nước uống.

    Khi uống, bạn có thể thêm nước đường phèn để dễ uống Ngoài ra, bạn có thể dùng hoa atiso để chế biến thành các món ăn dinh dưỡng nữa đấy.

    2. “Nóng gan” nên uống gì? Trà hoa cúc

    Trong y học cổ truyền, trà hoa cúc cũng là một thức uống giúp thanh nhiệt, mát gan. Hoa cúc có tính mát, giúp giải độc, giải cảm, làm dịu mẩn đỏ do “nóng” trong người. Hơn nữa, trà hoa cúc cũng có mùi thơm dịu nhẹ, giúp thư giãn tinh thần, cải thiện tình trạng mất ngủ do “nóng gan” gây ra.

    Nguyên liệu:

  • 10 bông hoa cúc khô
  • Nước sôi
  • Mật ong (liều lượng tùy khẩu vị).
  • Cách thực hiện:

    • Bước 1: Cho hoa cúc khô vào ấm trà thêm nước sôi cho ngập trà, lắc nhẹ rồi đổ bỏ nước. 
    • Bước 2: Cho 250ml nước sôi vào ấm, đậy nắp và đợi khoảng 5 phút là có thể thưởng thức.

    Khi uống, bạn rót ra tách rồi có thể thêm một ít mật ong là được.

    3. Nước chanh tươi

    bị nóng gan uống gì: nước chanh

    Nước chanh cũng là một lời đáp cho vấn đề “Bị nóng gan nên uống gì?”. Các nghiên cứu cho thấy, chất chống oxy hóa trong chanh có thể giúp giảm viêm, loại bỏ các gốc  tự do và cải thiện khả năng xử lý glucose của cơ thể. 

    Hơn nữa, nghiên cứu còn khẳng định rằng các chất dinh dưỡng từ chanh có thể làm giảm sự tích trữ chất béo trong gan và giảm tổn thương gan mãn tính do rượu gây ra. Các nhà khoa học giải thích rằng chanh có chứa vitamin C, flavonoid, carotenoid và các hợp chất hoạt tính sinh học khác có tác dụng chống lại tổn thương oxy hóa và bảo vệ gan. 

    Nguyên liệu:

    • 1 muỗng nước cốt chanh
    • 2 lát gừng tươi
    • 300ml nước ấm
    • 2 muỗng mật ong.

    Cách thực hiện:

    • Bước 1: Cho mật ong, nước cốt chanh và nước ấm vào ly, khuấy đều.
    • Bước 2: Thêm gừng cắt lát để uống cùng nếu như bụng bạn bị yếu.

    4. “Nóng gan” nổi mụn nên uống gì? Nước ép rau má

    Theo Đông y, rau má có vị ngọt đắng hòa quyện, tính mát, có tác dụng bổ gan tỳ, giải độc.

    Một nghiên cứu trên động vật vào năm 2017 đã chứng minh rằng rau má có khả năng làm giảm tác dụng phụ độc tố của kháng sinh isoniazid. Những con chuột bị nhiễm độc gan và thận sau khi dùng rau má có nồng độ độc tố giảm.

    Không những thế, rau má còn có công dụng làm đẹp da. Hàm lượng dinh dưỡng và tính mát của loại thảo dược này được cho là giúp dưỡng ẩm tự nhiên cho da, làm chậm quá trình lão hóa, cải thiện sẹo và tình trạng rạn da, hỗ trợ điều trị mụn trứng cá.

    Nguyên liệu:

    • 200g rau má
    • 1 lít nước đun sôi để nguội
    • Nước đường phèn (liều lượng tùy khẩu vị).

    Cách thực hiện:

    • Bước 1: Rửa sạch rau má rồi cho vào máy xay sinh tố, sau đó thêm nước và xay nhuyễn.
    • Bước 2: Lọc lấy nước, bỏ phần bã.

    Khi uống, bạn thêm nước đường và đá để tăng hương vị.

    5. Nước bí đao

    bị nóng gan uống gì: nước bí đao

    Nếu vẫn còn băn khoăn “nóng gan” uống gì, đừng bỏ qua nước bí đao. Bí đao có tính mát, vị ngọt thanh, thường được dùng trong dân gian để thanh nhiệt, giải độc. Không những thế, bí đao còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp khắc phục tình trạng stress oxy hóa gây căng thẳng và “nóng gan”. Ngoài ra, loại quả này còn có tác dụng chống viêm, rất tốt cho sức khỏe của gan nữa đấy!

    Nguyên liệu:

    • 500g bí đao
    • 80g đường phèn
    • 5 khúc mía lau
    • 3 muỗng cà phê hạt chia
    • 2 lít nước. 

    Cách thực hiện:

    • Bước 1: Rửa sạch bí đao rồi cắt khoanh dày 2cm, bỏ hạt.
    • Bước 2: Cho bí đao, mía lau và nước vào nồi, đun cho sôi rồi vặn nhỏ lửa đun tiếp.
    • Bước 3: Đến khi bí đao chín nhừ thì tắt bếp, lọc lấy nước, bỏ bã.
    • Bước 4: Đập nhỏ đường phèn rồi cho vào nước bí đao, khuấy cho tan.
    • Bước 5: Thêm hạt chia vào nước bí đao và thưởng thức.

    6. Bị “nóng gan” nổi mụn nên uống gì? Trà khổ qua (mướp đắng)

    Mướp đắng (khổ qua) là một loại thảo dược có đặc tính mát, giúp đào thải độc tố ra khỏi máu và gan, đồng thời hỗ trợ điều trị nhiều bệnh về gan. Nghiên cứu còn cho thấy, chiết xuất ethanol của mướp đắng có tác dụng có lợi đối với tình trạng gan nhiễm mỡ do rượu. Ngoài ra, các thành phần dinh dưỡng có trong mướp đắng còn giúp  làm giảm căng thẳng oxy hóa và phản ứng viêm.

    Thông thường, có hai loại trà từ cây trà mướp đắng: 

    Trà dây khổ qua

    Cây khổ qua đã rửa sạch phơi trong bóng râm thoáng mát hay dưới trời nắng dịu, cho thật khô, sau đó cắt vụn làm trà. Khi nấu, bạn lấy một lượng trà khổ qua vừa đủ cho vào ấm, thêm nước sôi và đợi trong khoảng 5 phút là có thể thưởng thức rồi đấy!

    Trà trái khổ qua

    Trà trái khổ qua là những lát khổ qua được bào mỏng rồi sấy/phơi khô. Khi dùng, bạn lấy 5g khổ qua sấy khô, pha cùng 300ml nước sôi là được.

    7. Nước đậu xanh

    bị nóng gan uống gì: nước đậu xanh

    Một câu trả lời không thể thiếu khi nhắc đến vấn đề “nóng gan” uống gì là nước đậu xanh. Đậu xanh được nhiều người biết đến nhờ đặc tính mát và công dụng giải nhiệt, thải độc gan hiệu quả. Nghiên cứu về tác dụng bảo vệ gan của đậu xanh trên chuột hamster cho thấy đậu xanh giúp tăng bài tiết cholesterol qua phân và giảm mức độ enzyme asparagine aminotransferase và alanine aminotransferase trong gan. Bên cạnh đó, tình trạng lắng đọng lipid trong gan cũng được giảm đáng kể.

    Từ đó, có thể thấy, việc sử dụng đậu xanh góp phần điều chỉnh quá trình chuyển hóa và tích tụ cholesterol ở gan. Không những thế, chất phytochemical trong đậu xanh còn có thể ngăn ngừa xơ hóa và tổn thương gan ở những người bị cholesterol cao và bệnh tim.

    Nguyên liệu:

    • 300g đậu xanh
    • 2 lít nước. 

    Cách thực hiện:

    • Bước 1: Rửa sạch đậu xanh rồi để ráo. 
    • Bước 2: Rang đậu xanh với lửa nhỏ trong 10 phút.
    • Bước 3: Cho đậu xanh đã rang và nước vào nồi, đun lửa nhỏ đến khi đậu xanh nở thì tắt bếp.

    Bạn có thể thêm đường và muối để tăng hương vị hoặc uống lạt vẫn thơm ngon, bổ dưỡng.

    8. “Nóng gan” uống gì cho mát? Trà bạc hà

    Bạc hà có vị cay nồng, tính mát, không độc và thường được sử dụng để giải nhiệt. Nhờ sự hiện diện của các loại tinh dầu và các dưỡng chất khác, bạc hà được đánh giá là có lợi đối với sức khỏe của gan. Hơn nữa, khi được sử dụng ở liều lượng vừa phải, bạc hà có thể làm giảm tác động của stress lên men gan. Ngoài ra, công dụng làm dịu và thư giãn của bạc hà cũng giúp giảm căng thẳng, hạn chế những cơn tức giận thất thường do “nóng gan” gây ra.

    Nguyên liệu:

    • 10 lá bạc hà tươi
    • 250ml nước
    • 1 muỗng nước cốt chanh
    • Mật ong

    Cách thực hiện:

    • Bước 1: Rửa sạch lá bạc hà rồi để ráo.
    • Bước 2: Giã sơ lá bạc hà, cho vào nồi, thêm nước, đun sôi trong khoảng 5 phút.
    • Bước 3: Tắt bếp, đổ ra ly, để nguội bớt rồi thêm nước cốt chanh và mật ong, khuấy đều là dùng được.

    9. Trà bồ công anh

    bị nóng gan uống gì: trà bồ công anh

    Vì sao nước bồ công anh lại là lời đáp cho thắc mắc “nóng gan” uống gì? Bồ công anh chứa nhiều loại chất chống oxy hóa khác nhau trong rễ, lá và hoa, giúp bảo vệ gan khỏi các gốc tự do làm hỏng các tế bào. Không những thế, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã phát hiện ra rằng các hợp chất trong bồ công anh có thể làm giảm tình trạng viêm. Các chiết xuất từ ​​​​rễ và lá bồ công anh cũng có thể làm giảm mức cholesterol một cách tự nhiên. Ngoài ra, loại dược liệu này còn giúp ngăn ngừa sự tích tụ mỡ và chất độc trong gan.

    Để nấu nước bồ công anh, bạn có thể làm theo hai cách sau:

    Cách 1: Nấu nước rễ bồ công anh

    Với cách này, bạn chỉ cần rửa sạch 30g rễ bồ công anh khô rồi cho vào nồi, thêm 360ml nước, 5g gừng cắt lát rồi đun sôi trong khoảng 5 phút. Sau đó, lọc lấy nước, thêm một ít mật ong là có thể thưởng thức ngay.

    Cách 2: Nấu nước bồ công anh từ hoa

    Bạn rửa sạch 5 hoa bồ công anh khô rồi cho vào ấm, thêm 200ml nước sôi và hãm như hãm trà trong khoảng 5 phút là được. Khi uống, bạn có thể thêm mật ong rồi thưởng thức.

    Bạn có thể quan tâm:

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được “nóng gan” nên uống gì để thanh nhiệt, giải độc, làm mát gan.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Lan Quan


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 13/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo