backup og meta

Tất tần tật thông tin cần biết về bệnh gan nhiễm mỡ

Tất tần tật thông tin cần biết về bệnh gan nhiễm mỡ

Hiện nay, việc nhận chẩn đoán bị gan nhiễm mỡ không còn quá xa lạ với nhiều người. Gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến các vấn đề về gan nghiêm trọng hơn chẳng hạn như xơ gan hay thậm chí là ung thư gan. Vậy gan nhiễm mỡ là gì? Làm thế nào để điều trị gan nhiễm mỡ hiệu quả?

Bệnh gan nhiễm mỡ là một tình trạng phổ biến do chất béo được tích tụ dư thừa trong gan. Hầu hết người bị gan nhiễm mỡ không có triệu chứng và bệnh không gây ra vấn đề nghiêm trọng.  Tuy nhiên, trong một số trường hợp, gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến tổn thương gan. Tin tốt là bạn có thể ngăn ngừa hoặc thậm chí đảo ngược bệnh gan nhiễm mỡ bằng cách thay đổi lối sống theo hướng tích cực. Nếu cũng có cùng mối quan tâm kể trên, mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết sau đây của Hello Bacsi.

Chức năng của lá gan 

Trước khi tìm hiểu về bệnh gan nhiễm mỡ là gì, mời bạn cùng tìm hiểu về chức năng của lá gan để hiểu rõ vai trò của bộ phận này đối với cơ thể.

Gan là một cơ quan thiết yếu với nhiều chức năng hỗ trợ sự sống cho cơ thể như:

  • Sản xuất mật, giúp tiêu hóa thức ăn
  • Nơi dự trữ khoáng chất sắt cho cơ thể
  • Chuyển hóa các chất dinh dưỡng thành năng lượng
  • Tạo ra các chất giúp đông máu
  • Giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng bằng cách tạo ra các yếu tố miễn dịch và loại bỏ vi khuẩn và đào thải độc tố ra khỏi máu…

Bệnh gan nhiễm mỡ là gì?

bệnh gan nhiễm mỡ là gì

1. Bệnh gan nhiễm mỡ là gì?

Nhiều người khi nhận chẩn đoán bị gan nhiễm mỡ thường đưa ra thắc mắc với bác sĩ rằng bệnh gan nhiễm mỡ là gì, gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không? Theo các chuyên gia sức khỏe, việc cơ thể chuyển hóa chất béo không đúng cách dẫn đến tình trạng hàm lượng chất béo tích tụ trong gan cao hơn bình thường có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ ở giai đoạn đầu là không gây hại, tuy nhiên, nếu không sớm được can thiệp kịp thời, vấn đề sức khỏe này có khả năng làm suy giảm chức năng gan, thậm chí dẫn đến bệnh xơ gan.

2. Gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?

Như trên đã đề cập, trong hầu hết các trường hợp, bệnh gan nhiễm mỡ không gây ra bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào hoặc ngăn cản hoạt động bình thường của lá gan. Nhưng các chuyên gia sức khỏe ước tính có khoảng 7 – 30% những người mắc bệnh này, tình trạng gan nhiễm mỡ của họ có xu hướng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Các chuyên gia phân loại tình trạng sức khỏe này thành 3 cấp độ khác nhau, bao gồm:

  • Gan nhiễm mỡ độ 1: xảy ra khi hàm lượng chất béo chỉ chiếm 5-10% tổng trọng lượng của gan. Đây là giai đoạn đầu của bệnh, vì vậy thường nhẹ và không gây nguy hiểm tới sức khỏe. Để điều trị gan nhiễm mỡ độ 1, bạn cần thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường vận động và kết hợp với phác đồ điều trị của bác sĩ.
  • Gan nhiễm mỡ độ 2: Khi lượng chất béo chiếm 10-25% trọng lượng của gan sẽ dẫn đến gan nhiễm mỡ độ 2. Vậy dấu hiệu gan nhiễm mỡ mức độ 2 bao gồm những gì? Câu trả lời là lúc này, các triệu chứng vẫn chưa rõ ràng nên ít người phát hiện bản thân mình mắc bệnh.
  • Gan nhiễm mỡ độ 3: Đây là giai đoạn cuối cùng và nguy hiểm nhất của bệnh lý này. Khi đã tiến triển đến giai đoạn 3, tình trạng gan nhiễm mỡ rất khó điều trị và phục hồi. Không những thế, bệnh còn dễ dẫn đến các biến chứng về gan như xơ gan, ung thư gan và thậm chí gây tử vong.

Triệu chứng và dấu hiệu gan nhiễm mỡ

Những dấu hiệu gan nhiễm mỡ là gì?

Dấu hiệu và triệu chứng gan nhiễm mỡ là gì?

Dấu hiệu và triệu chứng gan nhiễm mỡ

Nguồn: dlife.com

Nhiều người thường thắc mắc dấu hiệu gan nhiễm mỡ là gì, triệu chứng bệnh gan nhiễm mỡ bao gồm những gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, hầu hết người bị gan nhiễm mỡ hoặc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH) không biết họ mắc bệnh bởi gan nhiễm mỡ thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, ở một số người, gan nhiễm mỡ có thể gây ra các triệu chứng sau:

  • Đau bụng hoặc cảm giác đầy ở phía trên bên phải của bụng
  • Buồn nôn , chán ăn hoặc sút cân không rõ lý do
  • Vàng da và vàng lòng trắng mắt
  • Sưng bụng và phù chân
  • Mệt mỏi cực độ hoặc rối loạn tâm thần…

Khi nào bạn cần đi khám?

Hãy đi khám nếu bạn thấy xuất hiện các dấu hiệu và dấu hiệu như mệt mỏi, đau hay khó chịu ở vùng bụng kéo dài dai dẳng. Trong trường hợp bị sụt cân đột ngột cũng có thể là dấu hiệu bạn đang có các vấn đề về gan, hãy đi khám ngay.

Nguyên nhân gan nhiễm mỡ

nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ là gì

Nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ

Nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ là gì? Gan nhiễm mỡ là một bệnh phổ biến và có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Tuy nhiên, bạn có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ cao hơn nếu:

  • Người thừa cân, béo phì, có lượng mỡ bụng cao
  • Người có thói quen uống rượu bia nhiều
  • Đã bước sang thời kỳ mãn kinh
  • Bị huyết áp cao, đái tháo đường hoặc cholesterol cao
  • Người mắc bệnh đái tháo đường
  • Dùng một số loại thuốc theo toa, chẳng hạn như amiodarone (Cordarone®), diltiazem (Cardizem®), tamoxifen (Nolvadex®) hoặc steroid.

Các dạng của bệnh gan nhiễm mỡ là gì?

Có hai dạng chính của bệnh gan nhiễm mỡ:

Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu

Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu xuất hiện ở những người có thói quen uống rượu thường xuyên. Khoảng 5% người dân ở Hoa Kỳ mắc dạng bệnh gan này.

Bệnh gan nhiễm mỡ không liên quan đến rượu

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH) thường gặp nhất ở trẻ vị thành niên và là nguyên nhân cao thứ ba gây ra bệnh gan ở người lớn. Theo ước tính tình trạng này ảnh hưởng đến 1/3 người lớn và 1/10 trẻ em ở Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của bệnh gan nhiễm mỡ không liên quan đến rượu. Một số yếu tố, chẳng hạn như béo phì và tiểu đường, có thể làm tăng nguy cơ măc bệnh.

2. Nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ

Ngoài các nguyên nhân kể trên thì yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ là gì? Câu trả lời là một loạt các bệnh và yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bao gồm:

  • Suy giáp
  • Suy tuyến yên
  • Từng phẫu thuật dạ dày
  • Ngừng thở khi ngủ
  • Hội chứng chuyển hóa
  • Lượng triglyceride trong máu cao
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Là người gốc Tây Ban Nha hoặc châu Á

Bệnh gan nhiễm mỡ được chẩn đoán và điều trị như thế nào?

1. Bệnh gan nhiễm mỡ được chẩn đoán như thế nào?

xét nghiệm máu bệnh gan nhiễm mỡ

Hầu hết bệnh nhân thường không có triệu chứng gì và bệnh thường được phát hiện một cách tình cờ khi đi khám sức khỏe. Nồng độ men gan cao hơn (men gan tăng cao) trong kết quả xét nghiệm máu có thể dấu hiệu cho thấy gan đang bị tổn thương. Để có thể chẩn đoán chính xác hơn, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một vài xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm chức năng gan
  • Siêu âm tổng quát bụng hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để có được hình ảnh của gan.
  • Sinh thiết gan (mẫu mô) để xác định mức độ tiến triển của bệnh gan…

Các cách điều trị gan nhiễm mỡ là gì?

Bệnh gan nhiễm mỡ được điều trị như thế nào hay cách điều trị gan nhiễm mỡ là gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, giảm cân, tránh uống rượu (nếu có) thay đổi lối sống theo hướng tích cực hơn là những cách tốt nhất để điều trị gan nhiễm mỡ.

Nếu mắc bệnh NASH và béo phì hay tiểu đường hoặc có nồng độ cholesterol cao, bạn nên giảm cân và kiểm soát lượng đường trong máu cũng như độ lipid bằng cách ăn chế độ ăn uống thích hợp và tập thể dục đều đặn.

Bác sĩ có thể kê các loại thuốc trị gan nhiễm mỡ. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyên bạn nên chủng ngừa viêm gan A và viêm gan B để giúp bảo vệ bạn khỏi virus có thể gây tổn thương gan.

Thói quen sống cho người mắc gan nhiễm mỡ

Các cách hạn chế diễn tiến của bệnh gan nhiễm mỡ 

Ngoài việc đi tìm câu trả lời cho các thắc mắc dấu hiệu gan nhiễm mỡ hay điều trị gan nhiễm mỡ như thế nào để chăm sóc sức khỏe tốt hơn, nhiều người cũng băn khoăn về việc làm thế nào để ngăn chặn diễn tiến của bệnh. Theo các chuyên gia sức khỏe, bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình nếu lưu ý và tuân thủ vài điều sau:

  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe
  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê
  • Tập thể dục thường xuyên hơn
  • Kiểm soát bệnh đái tháo đường (nếu có)
  • Luôn hỏi bác sĩ về các loại thuốc có thể làm tổn thương gan, chẳng hạn như acetaminophen và một số thuốc được sử dụng cho bệnh đái tháo đường và cholesterol cao.
  • Giảm cân nếu bạn bị thừa cân/béo phì.

Bị gan nhiễm mỡ nên ăn gì?

gan nhiễm mỡ nên ăn gì?

Gan nhiễm mỡ là một căn bệnh thường liên quan đến chế độ ăn uống và  thói quen sinh hoạt. Do đó, bạn cần thực hiện theo một chế độ ăn uống cân bằng để giảm cân từ từ nhưng đều đặn. Theo các chuyên gia sức khỏe, việc giảm cân cấp tốc thực sự có thể làm cho bệnh gan nhiễm mỡ trở nên tồi tệ hơn. Các bác sĩ thường khuyến nghị chế độ ăn Địa Trung Hải với nhiều rau củ, trái cây và chất béo tốt. Hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ điều trị để có được lời khuyên tốt nhất. Ngoài ra, để mau phục hồi sức khỏe và tăng hiệu quả điều trị bệnh, bạn có thể bổ sung một số thực phẩm dưới đây vào thực đơn hàng ngày của mình.

  • Rau củ quả: Một số loại rau củ quả rất tốt cho tình trạng gan nhiễm mỡ vì có tác dụng làm giảm cholesterol. Chẳng hạn như ngô, nấm hương, rau cần, cải xanh, cải cúc…
  • Dầu thực vật: Các loại dầu thực vật có chứa các axit béo không no, có tác dụng làm giảm cholesterol
  • Cá: Cá tươi có khả năng hạn chế cholesterol cũng như củng cố chức năng gan.
  • Hoa atiso: Hoa atiso có chứa rất nhiều dinh dưỡng và tốt cho gan.

Bị gan nhiễm mỡ không nên ăn gì?

Trong quá trình điều trị gan nhiễm mỡ, bạn cũng cần lưu ý hạn chế hoặc tạm thời loại bỏ một số thực phẩm ra khỏi khẩu phần ăn của mình. Chúng bao gồm:

  • Mỡ động vật: Gan nhiễm mỡ cần hạn chế mỡ động vật, để tránh làm gánh nặng cho gan. Thay vì dùng mỡ động vật, bạn có thể dùng dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu olive…
  • Thực phẩm giàu cholesterol: Cholesterol cao có thể dẫn đến rất nhiều bệnh, trong đó có gan nhiễm mỡ. Những thực phẩm có nhiều cholesterol như nội tạng động vật, da động vật, lòng đỏ trứng…
  • Thịt: Thịt, đặc biệt là thịt đỏ, có chứa nhiều protein sẽ được chuyển hóa ở gan nên cơ quan này phải làm việc nhiều hơn. Thay vì ăn thịt, bạn hãy ăn nhiều cá sẽ tốt cho sức khỏe hơn.
  • Gia vị cay nóng: Một số loại gia vị ảnh hưởng xấu đến gan như tiêu, ớt, tỏi, gừng, củ riềng… Vì vậy bạn nên hạn chế ăn những loại gia vị này khi bị bệnh.
  • Rượu, bia và chất kích thích: Nếu bị gan nhiễm mỡ và bạn vẫn duy trì thói quan uống rượu bia, bạn sẽ có nguy cơ cao bị xơ gan và ung thư gan.

Hello Bacsi hy vọng rằng với những thông tin được cung cấp trong bài, bạn đã hiểu hơn về tình trạng gan nhiễm mỡ, biết cách chăm sóc và bảo vệ lá gan của mình tốt hơn.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Fatty Liver Disease

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15831-fatty-liver-disease Ngày truy cập 21/11/2022

Fatty Liver Disease

https://medlineplus.gov/fattyliverdisease.html Ngày truy cập 21/11/2022

Non-alcoholic fatty liver disease (NAFLD)

https://www.nhs.uk/conditions/non-alcoholic-fatty-liver-disease/#:~:text=Non%2Dalcoholic%20fatty%20liver%20disease%20(NAFLD)%20is%20the%20term,cirrhosis%2C%20if%20it%20gets%20worse. Ngày truy cập 21/11/2022

Liver – fatty liver disease

https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/liver-fatty-liver-disease Ngày truy cập 21/11/2022

Nonalcoholic fatty liver disease.

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nonalcoholic-fatty-liver-disease/symptoms-causes/syc-20354567. Ngày truy cập 27/10/2015

Nonalcoholic fatty liver disease.

https://www.webmd.com/hepatitis/fatty-liver-disease#1  Ngày truy cập 06/09/2018

Nonalcoholic fatty liver disease. https://www.healthline.com/health/fatty-liver#symptoms

Ngày truy cập 06/09/2018

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản in. Trang 289

Porter, R. S., Kaplan, J. L., Homeier, B. P., & Albert, R. K. (2009). The Merck manual home health handbook. Whitehouse Station, NJ, Merck Research Laboratories. Trang 221

Phiên bản hiện tại

28/06/2023

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Người bị trĩ nhẹ có tự khỏi được không?

Chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối cần lưu ý gì?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 28/06/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo