Bệnh xơ gan giai đoạn cuối có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tâm lý của bệnh nhân, từ đó làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Chỉ có ghép gan mới giúp điều trị khỏi xơ gan. Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn nhận được gan hiến tặng phù hợp. Khi không được ghép gan, thời gian sống của bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối rất ngắn. Vậy nên, việc chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối sao cho họ cảm thấy thoải mái hơn, khỏe hơn một chút là điều mà người thân nên làm.
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu về những điều nên làm khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối qua bài viết sau đây!
Xơ gan giai đoạn cuối là gì?
Để chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối được hiệu quả, trước tiên, bạn nên tìm hiểu xơ gan giai đoạn cuối là gì?
Bệnh xơ gan xảy ra khi nhu mô gan bị sẹo không hồi phục và xơ hóa. Theo thời gian, mô gan khỏe mạnh dần dần được thay thế bằng mô sẹo, cuối cùng phá vỡ cấu trúc và chức năng gan. Gan không thể thực hiện các chức năng quan trọng của nó là chuyển hóa, sản xuất protein (bao gồm các yếu tố đông máu), lọc thuốc và độc tố.
Khi bắt đầu khởi phát, bệnh xơ gan thường không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào vì có cơ chế bù trừ, tức là cơ thể sẽ tự điều chỉnh để bù đắp chức năng cho phần gan bị xơ. Tuy nhiên, bệnh có thể xấu đi nhanh chóng và phát triển thành xơ gan mất bù, tức là phần gan khỏe mạnh còn lại không đáp ứng đủ nhu cầu mà cơ thể cần nữa.
Khi chức năng gan suy giảm trầm trọng, bệnh đã ở giai đoạn cuối và gây ra các triệu chứng như tăng áp lực tĩnh mạch, xuất huyết nội tạng, phù nề, cổ trướng, da vàng, nước tiểu vàng đậm… Gan không loại bỏ được độc tố, khiến chúng tích tụ trong cơ thể (nhất là amoniac) và gây ra hội chứng não gan. Bệnh nhân sẽ mất định hướng, mất ý thức về hành vi hay lời nói, mắt mờ, yếu cơ và mệt mỏi. Lúc này, chỉ cần có một cơn co giật cũng đủ khiến người bệnh tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Tiên lượng của bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối
Xơ gan liên quan đến tình trạng sẹo vĩnh viễn ở gan và không thể phục hồi được. Mặc dù gan có khả năng tái sinh tuyệt vời, miễn là còn đủ phần mô gan khỏe mạnh. Thế nhưng, xơ gan giai đoạn cuối là giai đoạn bệnh mà gan không còn đủ tế bào khỏe mạnh để tự chữa lành nữa.
Nếu biết cách chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối, bạn có thể làm chậm hoặc ngăn chặn xơ gan tiến triển thêm. Điều này phụ thuộc vào nguyên nhân gây xơ gan, mức độ điều trị được nguyên nhân và mức độ đáp ứng với phương pháp điều trị.
Xơ gan giai đoạn cuối sống được bao lâu sẽ phụ thuộc vào việc:
- Bạn có thể gặp phải những biến chứng nào.
- Bệnh có thể điều trị hay không và hiệu quả của việc điều trị.
- Sức khỏe tổng thể của bạn hoặc các tình trạng bệnh lý khác mà bạn có thể mắc phải.
Các thống kê về tiên lượng bệnh xơ gan ước tính tỷ lệ sống sót sau 10 năm ở những bệnh nhân bị xơ gan giai đoạn cuối là 16%. Ở những bệnh nhân may mắn được ghép gan, tỷ lệ sống sót sau 1 năm và 5 năm kể từ khi được ghép gan lần lượt là khoảng 85% và 72%.
Chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối cần lưu ý gì?
Mặc dù những cách chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối không giúp họ khỏi bệnh, nhưng có thể ngăn ngừa hoặc ít nhất là làm chậm sự tiến triển của bệnh và làm giảm nhẹ triệu chứng. Khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối, hãy lưu ý những điều sau đây:
1. Chế độ ăn uống lành mạnh
- Ăn thực phẩm lành mạnh, nguyên chất và protein nạc. Điều này giúp bệnh nhân tránh được tình trạng suy dinh dưỡng.
- Giảm lượng muối trong chế độ ăn có thể giúp giảm nguy cơ tích nước gây sưng ở chân, bàn chân và bụng (cổ trướng).
- Tránh ăn hải sản sống và động vật có vỏ.
- Tổn thương gan có thể khiến gan không thể lưu trữ glycogen – một loại nhiên liệu mà cơ thể cần để tạo ra năng lượng. Khi điều này xảy ra, cơ thể sẽ phân giải mô cơ để tạo năng lượng giữa các bữa ăn, dẫn đến mất cơ và yếu cơ. Do đó, bệnh nhân cần được bổ sung thêm calo và protein trong chế độ ăn uống của mình. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ hướng dẫn hỗ trợ dinh dưỡng bằng các chất bổ sung calo và protein đường uống.
- Ăn đồ ăn nhẹ và lành mạnh giữa các bữa ăn chính, hoặc ăn 3 đến 4 bữa nhỏ mỗi ngày thay vì 1 hoặc 2 bữa lớn.
- Bạn hãy chú ý đến lượng thực phẩm mà bệnh nhân có thể ăn được, nếu ăn rất ít thì nên thông báo cho bác sĩ để họ xem xét sử dụng ống nuôi ăn, trực tiếp đưa thức ăn vào dạ dày.
2. Tránh xa những thứ có thể làm tổn thương gan
Rượu, hay các loại thức uống có cồn làm tổn thương gan và gây hại cho các mô khỏe mạnh còn lại trong mọi trường hợp bị xơ gan, khiến bệnh trở nặng nhanh chóng. Vì vậy, tốt nhất là khi chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối, bạn không nên cho họ uống bất kỳ loại đồ uống có cồn nào.
Thuốc lá cũng là tác nhân gây hại cho gan và tất cả mọi bộ phận trên cơ thể.
Bên cạnh đó, một số loại thuốc có thể tác động xấu đến gan, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc phiện hoặc thuốc an thần. Bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa được bác sĩ cho phép.
3. Bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây bệnh
Hãy cho bệnh nhân tiêm vắc-xin phòng ngừa viêm phổi, cúm và viêm gan B, C. Ngoài ra, quan hệ tình dục an toàn cũng là cách để tránh bị lây viêm gan B, C.
4. Chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối: Cho bệnh nhân dùng thuốc đúng chỉ dẫn của bác sĩ
Bệnh nhân nên dùng thuốc theo chỉ dẫn và trao đổi cụ thể tất cả các loại thuốc với bác sĩ. Một số bác sĩ sẽ khuyên người bệnh dùng thêm vitamin và vi chất bổ sung.
5. Tái khám đúng hẹn
Một điều không được phép bỏ qua khi chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối là động viên bệnh nhân, đưa họ đi khám sức khỏe định kỳ hoặc tái khám theo lịch hẹn. Bác sĩ sẽ theo dõi tiến triển bệnh để kịp thời đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và sàng lọc các biến chứng.
Khi thấy bệnh nhân nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu, bạn cần gọi cấp cứu ngay.
Trên đây là một số hướng dẫn giúp người thân chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối dễ dàng và hiệu quả hơn. Hi vọng đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích.
Có một điều bạn phải chấp nhận là dù chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối tốt đến đâu thì một số người bệnh nặng vẫn chỉ sống được một thời gian rất ngắn, không đợi được tới lúc ghép gan. Bạn nên lưu ý đến dấu hiệu của một người bệnh gan chuẩn bị qua đời (tương tự như dấu hiệu ung thư gan sắp chết) để sẵn sàng về mặt tinh thần và vật chất nhằm lo hậu sự cho họ được chu toàn.
[embed-health-tool-bmr]