backup og meta

Cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo

Tìm hiểu chung

Cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo là gì ?

Cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo là một loại phẫu thuật được thực hiện trên tuyến tiền liệt để làm giảm các triệu chứng vừa và nặng ở đường tiết niệu gây ra bởi tình trạng tuyến tiền liệt phì to lên (tình trạng phì đại tuyến tiền liệt lành tính).

Cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất để điều trị các triệu chứng tiết niệu do phì đại tuyến tiền liệt lành tính gây ra. Để xác định xem cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo có phù hợp với bạn hay không, bác sĩ sẽ xem xét mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, những bệnh khác bạn đang mắc kèm theo và kích thước, hình dạng của tuyến tiền liệt.

Khi nào bạn nên thực hiện phẫu thuật cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo?

Cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo cũng có thể được thực hiện để điều trị hoặc ngăn ngừa các biến chứng do dòng nước tiểu bị nghẽn, chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu tái diễn
  • Tổn thương bàng quang hoặc thận
  • Không có khả năng để kiểm soát tiểu tiện (tiểu không kiểm soát)
  • Sỏi bàng quang
  • Máu trong nước tiểu.

Mặc dù có nhiều phương pháp để điều trị phì đại tuyến tiền liệt lành tính, nhưng cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo là phương pháp thường được thực hiện nhất.

Điều cần thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo?

Trên thực tế, các bác sĩ hiếm khi sử dụng thuốc điều trị phì đại tiền liệt tuyến lành tính như một giải pháp lâu dài. Phẫu thuật này có thể làm giảm các triệu chứng của bạn trong khoảng từ 7 đến 15 năm trong hầu hết các trường hợp. Sau phẫu thuật, điều quan trọng là bạn phải được bác sĩ thăm khám trực tràng mỗi năm một lần để kiểm tra tuyến tiền liệt của bạn cũng như tầm soát ung thư tuyến tiền liệt.

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Liệu có nguy hiểm nào có thể xảy ra hay không?

Những biến chứng bạn có thể gặp phải bao gồm:

  • Chảy máu nặng: là trường hợp một số người bị mất máu nhiều trong khi làm phẫu thuật và cần phải được truyền máu. Biến chứng này khá hiếm gặp, thường những người có tuyến tiền liệt lớn hơn bình thường thì sẽ có nguy cơ chảy máu cao hơn.
  • Natri trong máu thấp: biến chứng hiếm gặp này được gọi là hội chứng cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo, xảy ra khi cơ thể hấp thụ quá nhiều các chất lỏng mà đã được dùng để rửa khu vực phẫu thuật trong suốt quá trình phẫu thuật. Hội chứng này có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị. Bác sĩ sẽ dùng phương pháp phẫu thuật lưỡng cực sử dụng nước muối để rửa, từ đó làm giảm nguy cơ bạn mắc phải hội chứng cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo.
  • Khó khăn tạm thời khi đi tiểu: bạn có thể gặp khó khăn khi tiểu tiện (bí tiểu) một vài ngày sau khi mổ và cần phải sử dụng một ống luồn qua dương vật để mang nước tiểu ra khỏi bàng quang (ống thông tiểu) cho đến khi bạn tiểu tiện bình thường trở lại.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: nhiễm trùng đường tiết niệu là một biến chứng có thể xảy ra sau bất kỳ ca mổ tuyến tiền liệt nào. Nếu ống thông được đặt trong dương vật càng lâu thì khả năng bị nhiễm trùng tiểu càng cao, bạn cần phải dùng kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng. Một số người sau phẫu thuật có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái đi tái lại.
  • Khó giữ nước tiểu: là biến chứng hiếm gặp, mất kiểm soát bàng quang (sự không kìm lại được) là một biến chứng lâu dài của phẫu thuật này.
  • Cực khoái khô: phẫu thuật cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo có thể gây xuất tinh ngược dòng, có nghĩa là tinh dịch được giải phóng khi đạt cực khoái (xuất tinh) đi ngược vào bàng quang của bạn thay vì thoát ra ngoài dương vật như bình thường. Xuất tinh ngược dòng thường không ảnh hưởng đến khoái cảm tình dục của bạn. Nhưng nó có thể cản trở khả năng sinh sản của bạn. Tác dụng phụ lâu dài này xảy ra trong khoảng 75% những người đàn ông thực hiện phẫu thuật.
  • Rối loạn chức năng cương dương: mất khả năng duy trì sự cương cứng là một tác dụng phụ lâu dài có thể có của phẫu thuật này, mặc dù khá hiếm gặp.
  • Cần điều trị lại: một số nam giới cần được điều trị theo dõi sau khi phẫu thuật do các triệu chứng trở lại theo thời gian hoặc vì triệu chứng của họ không giảm nhiều. Tình trạng này này thường hiếm gặp.

Bạn có thể giảm nguy cơ biến chứng bằng cách cẩn thận làm theo hướng dẫn của bác sĩ để chuẩn bị cho ca phẫu thuật, chẳng hạn như nhịn ăn và ngưng uống một số thuốc nhất định.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biến chứng có thể xảy ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

 

Quy trình thực hiện

Bạn nên làm gì trước khi thực hiện cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo?

Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật nội soi bàng quang để quan sát hình dạng bên trong niệu đạo và bàng quang. Xét nghiệm này giúp cho bác sĩ biết được kích thước của tuyến tiền liệt và tình trạng hiện tại của đường tiểu. Sau đó bác sĩ sẽ cho bạn làm một số xét nghiệm khác, ví dụ như xét nghiệm máu hoặc những xét nghiệm chuyên biệt hơn để đo kích thước tuyến tiền liệt và lưu lượng dòng nước tiểu.

Bạn phải báo với bác sĩ về các loại thuốc gần đây bạn đang hoặc đã uống, tình trạng dị ứng và những bệnh trước đây bạn mắc phải  trước khi thực hiện phẫu thuật, bạn sẽ gặp bác sĩ gây mê và lên kế hoạch gây mê cho phẫu thuật. Điều quan trọng là phải thực hiện theo các hướng dẫn về vấn đề khi nào ngừng ăn và uống trước khi phẫu thuật.

Quy trình thực hiện cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo là gì?

Các ca mổ cắt đốt tuyến tiền liệt được thực hiện dưới hình thức gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống (thuốc gây tê được tiêm vào tủy sống của bạn để ức chế toàn bộ cảm giác từ vùng thắt lưng trở xuống). Phẫu thuật này thường kéo dài ít hơn một giờ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đặt một ống soi có gắn camera vào niệu đạo của bạn và tiến hành cắt bỏ bớt mô tuyến tiền liệt để giảm sự đè nén của chúng lên niệu đạo.

Hồi phục sức khỏe

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo?

Bạn sẽ có thể được về nhà sau ba đến bốn ngày và sẽ cảm thấy đau nhức trong vài lần đi tiểu đầu tiên. Bạn sẽ có thể trở lại làm việc sau 4–6 tuần tùy vào tình trạng sức khỏe của mình. Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn sớm trở lại hoạt động bình thường. Trước khi bạn bắt đầu thực hiện, bạn hãy hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc nhân viên y tế những bài tập nào là thích hợp cho bạn.

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Transurethral resection of the prostate (TURP). http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/turp/home/ovc-20211753. Ngày truy cập 26/10/2015

 

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Xuất hiện nước tiểu màu cam có đáng lo ngại? Nguyên nhân & Cách điều trị

Nước tiểu thấy nóng báo hiệu bệnh gì?


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo