Trong quá trình điều trị bệnh sỏi thận bằng thuốc và các phương pháp y khoa, nhiều bệnh nhân còn tìm đến các loại lá để nấu uống cho mau khỏi. Vậy bị sỏi thận nên uống lá gì cho mau hết?
Hiểu được tâm tư đó, Hello Bacsi xin gợi ý qua 6 loại nước mà bệnh nhân bị sỏi thân nên uống trong quá trình điều trị để mau khỏi bệnh.
Bị sỏi thận nên uống nước lá gì? Các loại thảo dược trị sỏi thận
Có rất nhiều cây thuốc nam được ứng dụng trong các bài thuốc điều trị sỏi thận. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:
1. Râu ngô
Theo y học cổ truyền, râu ngô là một trong những cây thuốc nam có công dụng lợi tiểu, thanh nhiệt giải độc, chống tiểu buốt tiểu rắt. Nhờ vào khả năng lợi tiểu, râu ngô giúp làm tăng lượng nước tiểu lên gấp 3-5 lần so với bình thường. Người bị sỏi mật, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang thường xuyên uống nước râu ngô sẽ giúp làm sạch chất cặn (tinh thể) cùng vi khuẩn trong thận và đường tiết niệu. Nếu viên sỏi có kích thước nhỏ thì có thể bị đẩy ra ngoài theo đường tiểu tiện.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy rằng trong râu ngô chứa nhiều vitamin A, B1, B2, B6, C, vitamin K, axit pantothenic, các steroid như sytosterol, sigmasterol, dầu béo và nhiều chất vi lượng khác nên rất tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý khi chọn lựa vị thuốc râu ngô cho việc hỗ trợ điều trị sỏi thận. Nên lựa chọn râu ngô an toàn, không có dư lượng hóa chất trừ sâu, bên cạnh đó bạn cũng không nên sử dụng râu ngô quá nhiều ngày, khi đang sử dụng thuốc lợi tiểu và cẩn thận khi sử dụng cho đối tượng là trẻ nhỏ.
Cách nấu nước râu ngô để trị sỏi thận
- Chuẩn bị khoảng 100g râu ngô loại già, vàng óng.
- Rửa sạch râu ngô với nước sạch.
- Nấu 1 lít nước đun sôi với râu ngô trong khoảng 10 phút.
- Lọc lấy nước, để nguội chia thành nhiều lần uống trong ngày. Nên uống trước bữa ăn khoảng 1 tiếng.
2. Bị sỏi thận nên uống nước là gì? Lá sa kê
Trong dân gian từ lâu người dân đã biết cách dùng lá sa kê già vàng mới rụng nấu nước uống để đẩy sỏi thận ra ngoài. Đây được xem là một phương thuốc tiêu sỏi hiệu quả.
Sở dĩ lá sa kê là một trong những đáp án hàng đầu cho câu hỏi “bị sỏi thận nên uống nước lá gì” bởi khả năng lợi tiểu và tiêu độc hiệu quả của loại thảo dược này. Nó bào mòn dần viên sỏi sau đó đẩy sỏi ra khỏi cơ thể theo nước tiểu. Trường hợp bị tiểu rắt, tiểu buốt do sỏi thận cũng được cải thiện khi uống nước lá sa kê.
Cách nấu nước lá sa kê để trị sỏi thận
- Chuẩn bị nguyên liệu: lá sa kê 100g, dưa chuột 100g, cỏ xước khô 50g.
- Thái nhỏ tất cả nguyên liệu, thêm 1 lít nước và nấu sôi 10 phút.
- Lọc lấy nước, chia thành nhiều lần uống trong ngày.
3. Nước ngò gai trị bệnh sỏi thận
Nước nấu từ lá ngò gai (mùi tàu) là một đáp án thường thấy cho câu hỏi “bị sỏi thận nên uống nước lá gì thì tốt”. Ngò gai không chỉ là một loại rau thơm xuất hiện phổ biến trong món ăn Việt mà mà theo y học cổ truyền, rau ngò gai vị cay, hơi đắng, thơm, tính ấm, có tác dụng sơ phong thanh nhiệt, kiện tỳ, hành khí tiêu thũng, giảm đau, làm tan chất nhầy giúp long đờm.
Nhờ vào thành phần apiozit dồi dào, ngò gai còn là một bài thuốc trị sỏi thận hay giúp lợi tiểu, hỗ trợ đào thải sỏi thận viên nhỏ ra ngoài theo đường tiết niệu. Đồng thời, nó giúp cải thiện tình trạng tiểu buốt tiểu rắt ở người bệnh sỏi thận.
Ngoài ra, nước ngò gai còn chứa nhiều chất xơ, canxi, sắt cùng nhiều dưỡng chất khác giúp tăng cường chuyển hóa, nâng cao chức năng thận.
Cách nấu nước ngò gai để trị sỏi thận
- Rửa sạch một nắm ngò gai, để ráo nước.
- Hơ lá ngò gai sơ qua trên lửa cho mềm.
- Nấu với 500ml nước cho đến khi cạn lại còn một nửa.
- Chia ra uống làm 3 lần trong ngày, trước bữa ăn khoảng 30 phút.
Lưu ý: Nếu trong quá trình uống nước lá ngò gai mà cơ thể bạn có xuất hiện bất kỳ dấu hiệu khác thường nào thì nên dừng uống ngay nhé.
4. Râu mèo
Đáp án tiếp theo cho câu hỏi bị sỏi thận nên uống nước lá gì cho mau hết thì đó là Râu mèo. Theo Đông y, râu mèo là một loại thảo dược có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát; có tác dụng lợi niệu, thanh nhiệt, trừ thấp, được dùng với tác dụng thuốc lợi tiểu mạnh, thông mật.
Râu mèo là một loại dược liệu được ứng dụng nhiều trong các loại chế phẩm trị sỏi thận nhờ vào tác dụng lợi tiểu mạnh. Nước râu mèo giúp chống lại tình trạng tiểu buốt, tiểu lắt nhắt khi bị sỏi thận đồng thời làm sạch các chất có nguy cơ gây sỏi như axit uric hay canxi.
Ngoài ra, râu mèo còn có công dụng làm giảm sưng đau ở thận, bảo vệ thận khỏi các tác nhân gây nhiễm khuẩn.
Cách dùng cây râu mèo để trị sỏi thận
- Rửa sạch 30-50g râu mèo, để ráo.
- Nấu sôi với lượng nước vừa đủ trong khoảng 15 phút rồi tắt bếp.
- Chia nước râu mèo thành 2-3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn khoảng 30 phút.
- Uống liên tục khoảng 10 ngày, nghỉ 3 ngày và sau đó uống trở lại.
5. Đánh tan sỏi thận nhờ nước ngò ôm
Bên cạnh ngò gai thì ngò ôm (ngò om hay rau ngổ) cũng là đáp án cho câu hỏi “bị sỏi thận nên uống nước lá gì”. Đây là một loại rau thơm được sử dụng trong bữa cơm thường ngày của người Việt. Theo Y học cổ truyền, rau ngò ôm là một loại thảo dược có vị hơi cay, mùi thơm đặc trưng, có tính mát, lợi tiểu.
Các nghiên cứu cho thấy, rau ngò ôm làm giãn mạch, tăng lọc ở cầu thận, tăng lượng nước tiểu, thúc đẩy quá trình đào thải sỏi ra ngoài nhờ đó giúp đẩy viên sỏi ra ngoài, đồng thời ngăn ngừa những biến chứng viêm nhiễm do sỏi thận gây ra. Song song đó, ngò ôm cũng giúp giảm co thắt cơ trơn đường tiết niệu, giảm đau cho người bệnh sỏi thận.
Cách nấu nước ngò ôm trị sỏi thận
- Chuẩn bị khoảng 50g ngò ôm.
- Rửa sạch, ngâm với nước muối loãng trong 15 phút, để ráo rồi xay nhuyễn với một ít muối.
- Vắt lấy nước cốt uống 2 lần một ngày, duy trì trong khoảng 7 ngày.
Lưu ý khi uống nước rau ngò om: Phụ nữ có thai không nên ăn nhiều rau ngò ôm vì tác dụng giãn cơ phủ tạng có thể gây sẩy thai.
6. Nước ép rau cần tây
Theo Y học cổ truyền, Cần tây có vị ngọt cay, tính mát, mùi thơm nồng đặc trưng có tác dụng thanh nhiệt, chỉ khái, kiện tỳ hòa vị, lợi niệu. Cần tây được ứng dụng trong điều trị các bệnh lý ho, lao, sỏi thận, sỏi niệu quản, tăng huyết áp, mỡ máu…
Dù có mùi hăng vị khó uống nhưng cần tây là một trong những “ứng cử viên” phù hợp trong trường hợp này. Thành phần cần tây rất giàu flavonoid, nhóm hoạt chất có khả năng phá vỡ các tinh thể canxi. Trong đó, Apigenin là một trong những loại flavonoid đặc trưng cho cần tây và cũng là hoạt chất thể hiện khả năng chống lại sỏi thận của loại rau này.
Cách dùng nước ép cần tây trị sỏi thận
- Chuẩn bị nguyên liệu: 500g cần tây, 1 thìa mật ong và 1 quả chanh tươi.
- Rửa sạch rau cần tây với nước muối loãng, thái nhỏ và cho vào cối xay nhuyễn cùng một ly nước lọc, lọc lấy nước cốt.
- Chanh cắt đôi và vắt lấy nước cốt. Cho nước cốt chanh và mật ong vào nước cốt cần tây.
- Uống trực tiếp hoặc cho thêm đá lạnh nếu thích. Hoặc có thể đong vào từng chai nhỏ để tủ lạnh và uống mỗi ngày.
Lưu ý: không dùng nước ép cần tây cho người huyết áp thấp, thể trạng yếu hay phụ nữ mang thai 3 tháng đầu.
Bị sỏi thận nên ăn gì, uống gì, kiêng gì?
Để quá trình điều trị được tăng thêm tính hiệu quả, người bị sỏi thận ngoài việc nên uống các loại nước lá, thì cũng nên biết là mình có thể ăn gì, uống gì và cần kiêng gì.
Bị sỏi thận nên ăn gì, uống gì, kiêng gì
- Nên ăn gì: Ăn nhiều hoa quả và các thực phẩm giàu canxi, vitamin D.
- Nên uống gì: Uống đủ nước, uống thêm nước hoa quả như cam, chanh, bưởi.
- Nên kiêng gì: Kiêng các thực phẩm nhiều nhiều muối, nhiều đạm và nhất là các chất kích thích như rượu, bia và thuốc lá.
Những lưu ý khi dùng các loại nước uống trị sỏi thận theo dân gian
Sau khi đã tự trả lời cho mình được câu hỏi “bị sỏi thận nên uống nước lá gì”, dưới đây là một số lưu ý bạn cần biết khi sử dụng các loại nước trị sỏi thận theo dân gian này:
- Không nên dùng quá nhiều loại rau trị sỏi thận trong cùng một lúc.
- Luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ bài thuốc trị sỏi thận nào.
- Tuân thủ chỉ dẫn điều trị của bác sĩ, bao gồm phẫu thuật, thuốc hay hướng dẫn về chế độ ăn uống và sinh hoạt sao cho phù hợp.
Hy vọng các thông tin trên đây đã giúp bạn giải đáp được câu hỏi “bị sỏi thận nên uống nước lá gì” và bỏ túi cho mình một số bài thuốc tiêu sỏi, giảm đau hiệu quả nhé!