backup og meta

Suy thận độ 1 có nguy hiểm không, cần làm gì để đẩy lùi suy thận?

Suy thận độ 1 có nguy hiểm không, cần làm gì để đẩy lùi suy thận?

Khi được chẩn đoán suy thận độ 1, bạn có thể kiểm soát, thậm chí đẩy lùi bệnh nếu điều trị và chăm sóc sức khỏe theo đúng khuyến cáo của bác sĩ. Ngược lại, nếu chủ quan khi thấy bệnh chưa ảnh hưởng đến nhiều đến sức khỏe thì bệnh rất nhanh sẽ tiến triển sang các cấp độ nặng hơn, gây khó khăn cho điều trị.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về suy thận độ 1 và cách làm thế nào để bảo vệ sức khỏe thận tốt nhất.

1. Như thế nào là suy thận độ 1? 

Suy thận có 5 cấp độ. Để xác định bạn đang bị suy thận ở cấp độ nào, các bác sĩ thường dựa vào kết quả tính toán độ lọc cầu thận (eGFR) của bạn. Chỉ số này giúp ước tính mức độ hoạt động của thận.

Người bệnh suy thận độ 1 là khi có kết quả xét nghiệm cho thấy eGFR ở mức bình thường 90 mL/phút hoặc cao hơn, thận còn hoạt động tốt nhưng xuất hiện các dấu hiệu tổn thương thận. Các dấu hiệu này có thể là đạm niệu (có protein trong nước tiểu) hoặc có các tổn thương thực thể trên thận của người bệnh. 

Ai là người có nguy cơ cao bị suy thận mãn tính?

Suy thận độ 1 thường không biểu hiện triệu chứng, người bệnh chỉ vô tình phát hiện bệnh khi làm xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe. Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc phải bệnh suy thận thường cần được kiểm tra thường xuyên bao gồm:

  • Người bệnh cao huyết áp 
  • Người bệnh đái tháo đường 
  • Chấn thương thận cấp tính – tổn thương thận đột ngột làm chúng ngừng hoạt động bình thường 
  • Người bệnh tim mạch chẳng hạn như bệnh tim mạch vành và suy tim
  • Sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt, bệnh lupus. 
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh thận mạn tính tiến triển hoặc bệnh thận di truyền.  
  • Có đạm (protein) hoặc máu trong nước tiểu mà không rõ nguyên do.

Ngoài ra, những người phải dùng các loại thuốc chẳng hạn như NSAIDs, lithium, omeprazole lâu dài cũng cần thường xuyên kiểm tra chức năng thận.   

chẩn đoán suy thận độ 1

2. Làm thế nào để nhận biết suy thận độ 1?

Mặc dù khó để nhận biết dấu hiệu suy thận độ 1 nhưng một số triệu chứng dai dẳng sau đây có thể đang cảnh báo thận của bạn đang gặp vấn đề, cụ thể như: 

  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường, đặc biệt là vào ban đêm. Nước tiểu có thể lẫn máu. 
  • Mệt mỏi, hụt hơi khó thở. 
  • Sưng ở mắt cá chân, bàn chân, bàn tay. 
  • Giảm cân, ăn uống không ngon miệng. 

Để chẩn đoán xác định suy thận, bạn có thể cần thực hiện một số xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm máu để tính độ lọc cầu thận (eGFR). 
  • Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra sự có mặt bất thường của protein và máu; đánh giá nồng độ albumin và creatinin máu.
  • Các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT, chụp MRI hay sinh thiết thận khi cần thiết.  

3. Suy thận độ 1 có nguy hiểm không? 

Với bệnh nhân suy thận độ 1, thận gần như vẫn khỏe mạnh và hoạt động tốt, chưa tác động quá lớn đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, bạn không được chủ quan mà cần phải theo dõi chức năng thận, tránh để bệnh tiến triển nhanh chóng và dẫn đến suy giảm, thậm chí mất hoàn toàn chức năng thận. 

4. Cách để kiểm soát suy thận độ 1

Đối với suy thận độ 1, bệnh nhân không cần lọc máu nhân tạo hay ghép thận, chỉ cần kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh và kiểm soát các bệnh có thể làm suy thận nặng hơn như cao huyết áp hay đái tháo đường. 

Kiểm soát đường huyết nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường 

Lượng đường huyết cao kéo dài làm tổn thương các mạch máu nhỏ tại cầu thận, không thể hồi phục. Nếu tổn thương này không được kiểm soát sẽ tiến triển nhanh chóng thành suy thận.

Để kiểm soát lượng đường huyết, người bệnh đái tháo đường cần: 

  • Kiểm tra đường huyết định kỳ tại bệnh viện và bằng máy đo đường huyết tại nhà. Mức đường huyết mà người bệnh đái tháo đường cần duy trì thường ở giữa 80 mg/dL và 130 mg/dL trước khi ăn hay dưới 180 mg/dL khoảng 2 giờ sau khi ăn.
  • Sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Ăn kiêng và tập thể dục hằng ngày.

suy thận độ 1

Kiểm soát huyết áp 

Huyết áp cao gây hại cho các mạch máu ở thận, đồng thời nó cũng có thể là hậu quả của việc thận bị tổn thương. Hãy kiểm soát tốt huyết áp để tránh làm suy thận nặng hơn.

Huyết áp bình thường dưới 140/90 mmHg, bạn có thể thường xuyên kiểm tra mức huyết áp này bằng máy đo huyết áp tại nhà. Để ngăn ngừa suy thận độ 1 tiến triển do cao huyết áp, bạn cần dùng thuốc điều trị tăng huyết áp nếu bác sĩ có chỉ định. Bên cạnh đó, chế độ ăn lành mạnh cũng đóng vai trò quan trọng: 

  • Ăn ít natri bằng cách hạn chế thêm muối vào các món ăn, lựa chọn rau củ quả tươi thay vì đông lạnh. Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn. 
  • Ăn ít chất béo. Lựa chọn các loại thịt nạc, gia cầm loại bỏ da, cá, các loại dầu thực vật như dầu ô liu,… thay cho các món ăn có hàm lượng chất béo cao khác như thịt đỏ mỡ và nội tạng động vật, dầu đã qua chế biến nhiều lần, sốt mayonnaise, sữa nguyên chất… Bạn nên chế biến món ăn bằng cách luộc, hấp, nướng thay vì chiên xào.

suy thận độ 1 có nguy hiểm không

Kiểm soát cholesterol máu 

Khi mức cholesterol máu cao, bạn dễ mắc phải các bệnh về thận, bệnh về tim mạch hoặc đột quỵ. Đồng thời cũng làm tiến triển trầm trọng hơn tình trạng suy thận (nếu có). Để ngăn ngừa tăng lipid máu dẫn đến suy thận, hãy thực hiện những lời khuyên để kiểm soát huyết áp ở trên. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc hạ mỡ máu nếu cần thiết.  

Đi khám và uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ

Nếu bạn sĩ chẩn đoán suy thận độ 1 và chỉ định một số nhóm thuốc giúp bạn kiểm soát tốt hơn tình trạng này, hãy tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ. Điều này sẽ giúp bác sĩ giám sát mức độ suy giảm chức năng thận và điều chỉnh các bước điều trị nếu cần. 

Ngoài ra, tùy vào mức độ tiến triển của bệnh, bác sĩ sẽ có thêm lời khuyên về ăn uống để giúp bạn kiểm soát bệnh tốt nhất.

Bỏ hút thuốc lá giúp đẩy lùi suy thận độ 1

Hút thuốc lá làm tăng huyết áp và đường huyết, tăng hủy hoại mạch máu, từ đó làm trầm trọng hơn tình trạng suy thận độ 1. Bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ này. 

Tập thể dục thường xuyên 

Lời khuyên là bạn nên tập thể dục thường xuyên với mục tiêu là 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần. Các hoạt động thể chất đều đặn hằng ngày không chỉ giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn mà còn giúp kiểm soát cholesterol máu và huyết áp của bạn. Bạn có thể bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng: đi bộ, tập đi lên đi xuống cầu thang hay các môn thể thao mà bạn yêu thích. 

đi bộ giúp đẩy lùi suy thận độ 1

Hạn chế rượu bia

Uống nhiều rượu bia có thể làm tăng huyết áp và ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh thận. Với nam giới, không nên uống quá 2 ly mỗi ngày và không quá 1 ly mỗi ngày với phụ nữ. 

Có thể bạn quan tâm: 11 cách phòng ngừa suy thận không phải ai cũng biết

Qua các thông tin trên, ắt hẳn bạn đã có lời giải đáp cho câu hỏi suy thận độ 1 là gì, có nguy hiểm không và cách để đẩy lùi suy thận ở giai đoạn này. Quan trọng hơn hết là luôn theo dõi sức khỏe và thực hành các thói quen tốt ngay cả khi bạn không mắc bệnh, để nâng cao sức khỏe và hạn chế tối đa nguy cơ mắc phải các bệnh lý ở thận.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Chronic kidney disease – Diagnosis – NHS https://www.nhs.uk/conditions/kidney-disease/diagnosis/ Ngày truy cập: 5/1/2021

Eating Right for Chronic Kidney Disease | NIDDK https://www.niddk.nih.gov/health-information/kidney-disease/chronic-kidney-disease-ckd/eating-nutrition Ngày truy cập: 5/1/2021

Stages of Chronic Kidney Disease (CKD) https://www.kidneyfund.org/kidney-disease/chronic-kidney-disease-ckd/stages-of-chronic-kidney-disease/#stage-1-ckd Ngày truy cập: 5/1/2021

Kidney diet and foods for chronic kidney disease (CKD) https://www.kidneyfund.org/kidney-disease/chronic-kidney-disease-ckd/kidney-friendly-diet-for-ckd.html Ngày truy cập: 5/1/2021

High blood pressure – Causes for kidney disease, prevention and treatment https://www.kidneyfund.org/prevention/are-you-at-risk/high-blood-pressure.html Ngày truy cập: 5/1/2021

HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH VỀ THẬN – TIẾT NIỆU https://kcb.vn/wp-content/uploads/2016/01/ Ngày truy cập: 5/1/2021

Phiên bản hiện tại

15/01/2022

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Điều trị suy thận và những điều bạn nên biết

Nguyên nhân suy thận và bí quyết tránh nguy cơ chạy thận


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 15/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo