backup og meta

11 cách phòng ngừa suy thận không phải ai cũng biết

11 cách phòng ngừa suy thận không phải ai cũng biết

Mục đích chung của các biện pháp phòng ngừa suy thận là tập trung vào việc ngăn chặn ngay từ đầu những yếu tố nguy cơ gây phát sinh bệnh, ví dụ như đái tháo đường hay tăng huyết áp.

Tình trạng thận mất khả năng hoạt động có thể ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của một người, bao gồm:

  • Những vấn đề sức khỏe liên quan đến tim mạch, xương khớp, thần kinh…
  • Mất khẩu vị, suy dinh dưỡng
  • Khó ngủ
  • Trầm cảm

Bên cạnh đó, việc điều trị suy thận không phải là điều dễ dàng. Thẩm tách hay chạy thận nhân tạo là phương pháp phổ biến nhất. Tuy nhiên, nếu lựa chọn liệu trình này, bạn sẽ phải áp dụng nó cho đến cuối đời.

Mặt khác, ghép thận lại là biện pháp mang lại nhiều triển vọng hơn. Tuy vậy, thủ thuật cấy ghép nội tạng đòi hỏi rất nhiều yêu cầu trước và sau khi được thực hiện.

Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, bạn nên tìm cách phòng ngừa suy thận ngay từ đầu. Vậy làm thế nào để ngăn ngừa bệnh suy thận, hãy cùng tham khảo 11 phương pháp sau đây nhé!

1. Kiểm soát tốt đường huyết

Các chuyên gia đánh giá đái tháo đường là nguyên nhân suy thận hàng đầu. Điều này chủ yếu liên quan đến mức đường huyết tăng cao bất thường.

Hàm lượng đường trong máu cao khiến mao mạch bị tắc nghẽn, gây cản trở cho quá trình lưu thông của hồng cầu. Từ đó, thận sẽ không thể nhận đủ chất dinh dưỡng cũng như oxy để tiếp tục hoạt động. Tình trạng này kéo dài rất dễ dẫn đến suy thận.

Ngoài ra, tắc nghẽn mạch máu còn là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, một nguyên nhân suy thận thường gặp khác.

Xây dựng một lối sống lành mạnh là biện pháp đơn giản cũng như hiệu quả nhất để kiểm soát tốt mức đường huyết, bao gồm:

  • Thường xuyên rèn luyện thể chất
  • Tăng cường chất xơ trong thực đơn hàng ngày
  • Cân nhắc lượng tinh bột tiêu thụ qua mỗi bữa ăn

2. Cẩn thận với chỉ số huyết áp

Khi áp lực máu tăng cao, các mao mạch có xu hướng phình lên. Nếu giãn nở quá mức, mạch máu có thể vỡ và gây xuất huyết.

Ở người bệnh tăng huyết áp, bất kỳ mao mạch nào cũng có nguy cơ chịu thương tổn, bao gồm cả những mạch máu ở thận. Khi tình trạng này phát sinh, thận có thể ngưng công việc lọc thải độc tố và loại bỏ nước dư thừa. Sau đó, sự tích tụ của hai thành phần này lại tiếp tục cản trở hồng cầu lưu thông, khiến huyết áp tăng lên.

Do đó, để giữ chỉ số huyết áp ổn định trong phạm vi cho phép, bạn nên:
  • Uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ
  • Áp dụng chế độ ăn DASH
  • Theo dõi chỉ số đo huyết áp thường xuyên
  • Tránh xa thức uống chứa cồn
  • Bỏ thuốc lá

3. Kiểm soát cân nặng để phòng ngừa suy thận

Ngày nay, không ít nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa béo phì và nguy cơ phát triển suy thận.

Mặc dù cơ chế gây suy giảm chức năng thận của tình trạng thừa cân vẫn chưa được kết luận rõ ràng, nhưng các chuyên gia đã chứng minh vấn đề sức khỏe này là yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp và đái tháo đường, hai nguyên nhân suy thận hàng đầu.

Vì vậy, để phòng ngừa suy thận phát sinh, bạn nên thường xuyên để ý đến cân nặng của mình. Nếu bạn có xu hướng béo phì, hãy tham vấn ý kiến bác sĩ về một liệu pháp giảm cân an toàn.

4. Chú trọng vấn đề dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh là cách để phòng ngừa suy thận
Thực đơn hàng ngày góp phần rất lớn vào quá trình phòng ngừa suy thận.

Một chế độ dinh dưỡng khoa học cũng có thể trở thành biện pháp phòng ngừa suy thận hiệu quả nếu bạn biết cách áp dụng.

Thay đổi thói quen ăn uống chưa bao giờ là điều dễ dàng. Tuy nhiên, nếu làm được, bạn sẽ có cơ hội cải thiện đáng kể sức khỏe của mình.

Bởi vì cao huyết áp và suy thận có mối liên hệ mật thiết với nhau, nên một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim cũng góp phần bảo vệ sức khỏe thận trước những nguy cơ phát sinh thương tổn.

Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, sự góp mặt của những loại thực phẩm sau đây có khả năng tăng cường sức khỏe lâu dài cho tim mạch cũng như thận, bao gồm:

  • Rau củ quả
  • Trái cây
  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Các loại đậu
  • Sữa ít béo và các sản phẩm làm từ nó
  • Quả hạch
  • Thịt gia cầm

Ngoài ra, họ còn khuyến nghị bạn nên:

  • Ăn cá ít nhất hai lần mỗi tuần, đặc biệt là loại cá béo giàu omega-3
  • Tránh xa thực phẩm cũng như thức uống chứa nhiều đường
  • Cắt giảm lượng muối tiêu thụ trong mỗi bữa ăn
  • Lượng rau xanh và trái cây nên chiếm một nửa khẩu phần ăn
  • Hạn chế uống bia rượu

5. Giảm lượng muối hấp thụ

Muối là gia vị vô cùng quen thuộc với tất cả mọi người, có thể xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm hoặc được thêm vào trong quá trình chế biến món ăn.

Sự góp mặt của muối giúp bạn cảm thấy ngon miệng khi ăn. Tuy nhiên, hấp thụ quá nhiều muối có nguy cơ khiến nước bị tích tụ trong cơ thể, từ đó gây tăng huyết áp và tăng nguy cơ phát sinh những vấn đề liên quan đến tim mạch cũng như thận.

Vì vậy, khi nói đến cách phòng ngừa suy thận, không ít người đề cập đến biện pháp cắt giảm muối trong khẩu phần ăn hằng ngày. Thay vào đó, nếu bạn cảm thấy lạt miệng khi không sử dụng muối, hãy thử thay thế với những gia vị từ thảo mộc khác như nghệ, quế…

6. Bổ sung đủ nước

Hơn một nửa trọng lượng cơ thể đến từ nước. Toàn bộ các tế bào đều cần nước để hoạt động, bao gồm cả tế bào thận. Do đó, có thể nói đây chính là yếu tố thiết yếu để duy trì sự sống cho cơ thể, đồng thời tăng cường khả năng hoạt động hiệu quả của thận.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết uống nước quá nhiều cũng có nguy cơ gây tổn thương thận, thậm chí là dẫn đến suy giảm chức năng của bộ phận này. Vì vậy, để ngăn ngừa suy thận hiệu quả, bạn nên cân nhắc lượng nước tiêu thụ mỗi ngày.

Uống nước lượng vừa đủ
Đừng quên uống đủ nước mỗi ngày để duy trì sức khỏe thận.

Mặc dù các chuyên gia thường khuyến nghị mọi người nên uống tám ly nước (khoảng 2 lít nước) mỗi ngày nhưng đây chỉ là con số chung. Lượng nước cần thiết cho từng cá thể được xác định dựa trên những yếu tố sau:

  • Giới tính
  • Tuổi tác
  • Mức độ hoạt động trong ngày
  • Một số điều kiện đặc biệt khác, ví dụ như phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú

Người trưởng thành

Đối với những người từ 19 tuổi trở lên, nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích mỗi ngày bạn nên hấp thụ:

  • Nam giới: 3,87 – 4 lít (13 ly)
  • Nữ giới: 2,8 – 3 lít (9 ly)

Trẻ nhỏ

Lượng nước cần thiết cho trẻ em chủ yếu liên quan đến độ tuổi, chẳng hạn như:

  • Trẻ từ 4 – 8 tuổi nên uống khoảng 1,2 lít nước (5 ly) mỗi ngày.
  • Bé từ 9 – 13 tuổi: nên uống 1,7 – 1,9 lít nước (tầm 7 – 8 ly).
  • Trẻ vị thành niên trong độ tuổi 14 – 18: uống khoảng 2 – 2,6 lít nước (8 – 11 ly).

7. Bỏ thuốc lá: Cách hữu hiệu để ngăn ngừa suy thận

Mọi người thường nghe về tác hại của thuốc lá đối với gan và tim. Tuy vậy, rất ít người biết rằng thận cũng có nguy cơ chịu thương tổn bởi thói quen hút thuốc lá. Nguyên nhân có thể xuất phát từ:

  • Khả năng tương tác với thuốc điều trị tăng huyết áp.
  • Cản trở lưu lượng máu đến thận, khiến tình trạng sức khỏe của cơ quan này trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Gây tác động tiêu cực đến đái tháo đường, cũng là một nguyên nhân phổ biến khác gây suy giảm chức năng thận.

Do đó, nếu bạn có thói quen xấu này, hãy nhờ bác sĩ tư vấn cách bỏ thuốc lá hiệu quả nhằm bảo vệ sức khỏe toàn diện nói chung cũng như phòng ngừa suy thận nói riêng.

8. Hạn chế thức uống chứa cồn

Mặc dù một số nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích sức khỏe do rượu vang đỏ mang lại, nhưng nếu so với ảnh hưởng của những thức uống có cồn đến sức khỏe tổng thể, các ích lợi trên rất “nhỏ bé”.

Tương tự thuốc lá, bên cạnh gan và tim, thức uống chứa cồn (bia, rượu…) cũng có nguy cơ gây tổn hại cho thận, ví dụ như:

  • Lượng calo trong rượu chỉ đứng hai, sau chất béo. Trong khi đó, lượng calo của bia tương tự nước ngọt chứa nhiều đường. Chính vì vậy, những người thường xuyên tiêu thụ các loại thức uống này sẽ có xu hướng thừa cân.
  • Liên tục uống nhiều bia rượu trong thời gian ngắn rất dễ gây nên các bệnh tim mạch, yếu tố nguy cơ kéo theo tình trạng chức năng thận suy giảm.

Vì vậy, hạn chế bia rượu cũng được đánh giá là cách phòng ngừa suy thận hiệu quả.

9. Không lạm dụng thuốc không kê đơn

Lạm dụng thuốc hoặc sử dụng thuốc sai chỉ định của bác sĩ là tác nhân điển hình gây tổn hại cho sức khỏe của bạn. Đặc biệt, việc uống thuốc quá liều rất dễ gây suy giảm chức năng thận.

Ví dụ cụ thể nhất là nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs): ở liều cao, các loại thuốc như aspirin, ibuprofen và naproxen đều có nguy cơ làm cắt giảm lưu lượng máu đến thận.

10. Giải tỏa áp lực, căng thẳng

Căng thẳng là nguyên nhân tăng huyết áp hàng đầu. Trong khi đó, huyết áp cao rất dễ gây tổn thương các tế bào ở thận, từ đó gây suy giảm chức năng tại đây.

Do đó, một số biện pháp phòng ngừa suy thận đơn giản khác mà bạn nên áp dụng là:

  • Thường xuyên hoạt động thể chất
  • Cắt giảm caffeine
  • Viết nhật ký
  • Dành thời gian cho người thân và bạn bè
  • Cười nhiều hơn
  • Tham gia các khóa yoga
  • Thiền
Tránh căng thẳng cũng giúp phòng ngừa suy thận
Cởi mở hơn với những người xung quanh cũng là cách giúp bạn đẩy lùi căng thẳng.

11. Tập thể dục thường xuyên

Nâng cao sức khỏe tổng thể là lợi ích lớn nhất mà bạn nhận được từ việc chăm chỉ rèn luyện thể chất. Cụ thể hơn, thói quen này giúp bạn tăng cường tuần hoàn máu cũng như khả năng hoạt động của các tế bào bạch cầu. Do đó, mọi bộ phận trong cơ thể đều khỏe mạnh hơn, bao gồm cả thận.

Tuy vậy, bạn cũng cần lưu ý không lạm dụng việc tập dục, vì điều này có thể gây phản tác dụng. Nếu chưa biết làm thế nào để tập luyện đúng cách, bạn có thể tham vấn ý kiến bác sĩ về những bài tập phù hợp với thể trạng hiện tại của mình.

Thực tế, những cách phòng ngừa suy thận chủ yếu xoay quanh việc xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh. Do đó, hầu hết mọi người sẽ không gặp khó khăn gì khi thực hiện các phương pháp trên. Song song đó, thực hành lối sống lành mạnh cũng sẽ giúp bạn tăng cường sức khỏe nói chung

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Diabetes and kidney failure. https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/diabetes-and-kidney-failure. Ngày truy cập 14/11/2019.

High Blood Pressure & Kidney Disease. https://www.niddk.nih.gov/health-information/kidney-disease/high-blood-pressure. Ngày truy cập 14/11/2019.

Kidney diseae – Prevention https://www.nhs.uk/conditions/kidney-disease/prevention/ Ngày truy cập 30/12/2022

7 golden rules of kidney disease prevention https://www.kidney.org/prevention/7-golden-rules-of-prevention Ngày truy cập 30/12/2022

Prevention Risk – Kidey Disease https://www.cdc.gov/kidneydisease/prevention-risk.html Ngày truy cập 30/12/2022

How to Prevent Kidney Failure. https://www.healthline.com/health/kidney-health/how-to-prevent-kidney-failure. Ngày truy cập 14/11/2019.

Phiên bản hiện tại

30/12/2022

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Vi Quỳnh


Bài viết liên quan

Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt ảnh hưởng đến đời sống tình dục như thế nào?

Chẩn đoán suy thận cấp bao gồm những xét nghiệm gì?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 30/12/2022

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo