backup og meta

Tai chảy mủ có nguy hiểm không? Lỗ tai bị chảy mủ phải làm sao?

Tai chảy mủ có nguy hiểm không? Lỗ tai bị chảy mủ phải làm sao?

Tai chảy mủ là do đâu? Cách chữa bệnh chảy mủ tai bằng thuốc như thế nào và chăm sóc tại nhà ra sao cho đúng?

Hãy theo dõi những thông tin được bác sĩ Vũ Hải Long tư vấn về tình trạng tai chảy mủ trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi nhé!

Tai chảy mủ là hiện tượng gì?

Chảy mủ tai là một hiện tượng thường gặp ở những người có bệnh lý viêm nhiễm ở tai, cả người lớn và trẻ nhỏ. Dịch chảy ra từ ống tai có thể nhầy trong như nước hay ngả vàng như mủ và đôi khi lẫn máu.

Một tình trạng viêm cấp tính gây chảy mủ tai thoáng qua rồi tự khỏi thì không vấn đề gì, nhưng nếu thấy chảy mủ tai dai dẳng hoặc hay tái đi tái lại thì rất có thể viêm đã lan vào sâu, trở nên mạn tính, thậm chí gây tổn hại chức năng nghe và đe dọa biến chứng nội sọ nguy hiểm. Do đó, người bị chảy mủ tai không nên chủ quan mà phải được thăm khám và săn sóc cẩn thận.

Dấu hiệu nhận biết 

tai chảy mủ

Khi có dịch chảy ra từ ống tai hoặc thấy ống tai luôn ướt, có mùi hôi. Người lớn thì có thể tự phát hiện những bất thường trên cơ thể, nhất là ở những vùng nhạy cảm thuộc về các giác quan trên vùng mặt.

Còn ở trẻ nhỏ, những triệu chứng ban đầu của viêm tai giữa sẽ rất kín đáo vì bé chưa có khả năng diễn đạt. Cho nên cha mẹ cần phải để ý đến những bất thường trong biểu hiện ở trẻ qua các biểu cảm khó chịu và hành vi “kỳ lạ”:

  • Quấy khóc, khó chịu, bỏ chơi và ngủ không yên
  • Thường đưa tay lên vùng tai, cào móc hoặc nắm vành tai
  • Có nóng hoặc sốt
  • Chảy dịch ra cửa tai (thường thấy khi ổ mủ làm thủng màng nhĩ và chảy tràn ra ống tai. Lúc này bé đã hết sốt và không còn khó chịu nhiều nữa).

Nhiễm trùng tai ở trẻ là tình trạng không hiếm gặp, tuy nhiên, nếu “lơ là” bỏ qua mà không có thăm khám để điều trị nguyên nhân một cách triệt để thì nguy cơ bệnh không lành, diễn biến mạn tính hay tái diễn… sẽ làm hư hại sức nghe của trẻ, khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và giao tiếp. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể biến chứng lên trên sọ não, đe dọa tính mạng.

Nguyên nhân dẫn đến chảy mủ tai

Vành tai và ống tai là bộ phận ngoài cùng của cơ quan thính giác, tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài và được “bịt đáy” bởi màng nhĩ. Do đó, tự thân nó đã có một hàng rào bảo vệ vô cùng chắc chắn để chống lại và bài thải những tác nhân không “hữu hảo” lắm như bụi bẩn và vi khuẩn. Hệ thống lông mịn ở cửa tai và chất sáp ráy sinh lý chính là những cấu trúc của “hệ thống phòng thủ” đó.

Ở trạng thái bình thường, ống tai luôn “khô ráo và thoáng đãng”. Khi thấy có dịch chảy ra thì đó là dấu hiệu bất thường. Nguồn gốc của chất dịch ấy có thể là do bệnh ở ngay tại ống tai hoặc có thể ở sâu hơn, mà ống tai chỉ là con đường “mượn” để qua đó, dịch thoát ra ngoài khi màng tai bị thủng. Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp như:

  • Nhiễm trùng tai giữa: Nếu bạn thắc mắc tai chảy mủ là bệnh gì, rất có thể là bạn đã bị nhiễm trùng tai giữa, hay còn gọi là viêm tai giữa cấp tính hoặc mạn tính. Những viêm nhiễm này thường từ mũi họng đi lên qua đường vòi nhĩ, tức là đường thông từ mũi lên tai và tác nhân gây viêm thường do virus, vi khuẩn. Cho nên, mỗi khi bị cảm cúm, bị viêm mũi xoang, viêm họng thì hay có cảm giác tai cũng “có vấn đề” như ù tai, đau trong tai, giảm thính lực. Nếu như viêm lan đến tai giữa, tích tụ dịch mủ, phá thủng màng nhĩ thì dịch sẽ thoát ra, tràn qua ống tai để chảy ra ngoài. Nếu như viêm không dừng lại ở tai giữa mà lan tới vùng xương chũm thì lúc đó tình trạng bệnh đã khá nặng nề và được gọi tên là “Viêm tai xương chũm“. Khi đã đến mức này thì sức nghe sẽ bị “tàn phá”, thậm chí gây nên những biến chứng viêm nhiễm nội sọ đe dọa tính mạng.
  • Chấn thương tai có thể gây trầy xước, đứt rách da ống tai hoặc “tệ” hơn khi xương đá bị vỡ, làm rò dịch não tủy qua tai. Tùy từng giai đoạn, ta có thể thấy chảy máu, chảy dịch trong ra ngoài hoặc chảy mủ khi bị viêm nhiễm. Một khi tai đã “thông lên sọ” thì đây sẽ là một dấu hiệu vô cùng nguy hiểm, đe dọa tính mạng khi nhiễm trùng “đánh ngược” từ dưới lên.
  • Viêm tai ngoài tức là viêm da ống tai ngoài, do tác nhân gây hại “chọc thủng” được hàng rào bảo vệ để xâm nhập vào tổ chức da ống tai. Tác nhân gồm có vi khuẩn, vi nấm. Điều kiện thuận lợi cho chúng “tung hoành” là tai bị ngấm nước, ráy tai bị tích tụ hoặc ráy tai bị lấy đi hết do vệ sinh quá “sạch sẽ”. Lưu ý, thói quen ngoáy tai giống như việc phải làm để vệ sinh hàng ngày, cũng như thói quen ngoáy tai để… “cho sướng”, nhất là khi dùng dụng cụ không sạch sẽ là “điều tệ hại” cho sức khỏe ống tai.

Phương pháp điều trị tai chảy mủ

Viêm tai giữa được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chảy mủ trong tai ở cả người lớn và trẻ em. Kiểm soát triệu chứng và giải quyết các tác nhân gây viêm nhiễm là hai mục tiêu chính trong chữa trị nguyên nhân gây ra chảy mủ tai, bao gồm:

1. Thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn

Lỗ tai bị chảy mủ phải làm sao? Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và trẻ lớn hơn đều có thể sử dụng acetaminophen hay ibuprofen để làm giảm triệu chứng sốt và đau khi bị viêm tai. Lưu ý, tránh dùng aspirin cho trẻ em vì có thể gây ra hội chứng Reye ở trẻ, ảnh hưởng không tốt lên gan và não.

2. Liệu pháp kháng sinh

Chỉ dùng liệu pháp kháng sinh khi các bác sĩ xác định tình trạng viêm hiện tại là do vi khuẩn. Đa số các trường hợp viêm tai giữa có xuất phát điểm là do nhiễm siêu vi đường mũi họng. Những tình trạng “cảm cúm” thông thường này sẽ tự khỏi sau vài ngày. Nếu không khỏi mà diễn biến tăng nặng thì tức là đã chuyển qua giai đoạn viêm bội nhiễm vi khuẩn với biểu hiện dịch mũi đục, vàng, xanh.

Trong tai giữa cũng vậy, viêm do vi khuẩn bội nhiễm sẽ gây tụ mủ và phá thủng màng nhĩ để chảy ra ngoài. Việc chỉ định đúng thời điểm phải dùng kháng sinh, nếu có, sẽ giúp tránh lạm dụng kháng sinh không cần thiết, tránh được hiện tượng kháng thuốc đang có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi khi được chẩn đoán chảy mủ tai do viêm tai giữa cấp thì cần được xem xét điều trị sớm với kháng sinh để tránh biến chứng.

Dùng kháng sinh có thể bằng đường uống hoặc nhỏ trực tiếp vào tai bị viêm nhiễm. Tùy vào tình trạng bệnh cụ thể của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định cách dùng.

Lưu ý

Các loại thuốc kháng sinh nhỏ tai đều có những chỉ định nghiêm ngặt. Một vài loại rất độc với cơ quan nghe ở tai trong nếu nó lọt qua lỗ thủng ở màng nhĩ, cho nên, nếu không muốn bị “điếc oan” thì cần tuân thủ theo bác sĩ và theo hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất, không “tự mua, tự xài” một cách chủ quan.

3. Thủ thuật dẫn lưu dịch, mủ

Khi tai giữa bị viêm sẽ có dịch hoặc mủ. Nếu cơ thể “mạnh”, được điều trị kịp thời và hiệu quả thì bệnh sẽ thoái lui và dịch mủ sẽ bị hấp thu, tai sẽ thông thoáng bình thường trở lại. Nếu sức đề kháng kém, không được điều trị triệt để, dịch sẽ tích tụ và tồn tại lâu dài, tổn hại cơ quan dẫn truyền âm thanh.

Trường hợp màng nhĩ “tự vỡ” để giải phóng dịch thì sẽ để lại dấu tích là một lỗ thủng tròn. Lỗ thủng này có thể tự lành hoặc không. Trong giai đoạn chưa muộn, tức màng nhĩ chưa thủng hoặc đã thủng rồi mà chưa đủ rộng để dẫn lưu dịch mủ thì bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật rạch màng nhĩ chủ động, có “quy hoạch” để tạo dẫn lưu cho dễ dàng hơn.

Tùy đánh giá và theo dõi, bác sĩ có thể gợi ý đặt một “cái cống” để giữ cho cái miệng lỗ thủng đủ rộng trong một thời gian, tránh lỗ thủng bị hẹp lại tự nhiên, nhằm dẫn lưu triệt để dịch, phục hồi cho tai bệnh. Sau khi mục đích điều trị đã đạt được, cái “cống” này sẽ được lấy bỏ và màng nhĩ sẽ tự lành lại.

Mách bạn các biện pháp chăm sóc tại nhà khi bị chảy mủ tai

chua-tai-chay-mu-bang-toi

Ngoài việc dựa chủ yếu vào các liệu trình điều trị của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, bạn cũng có thể kết hợp với cách chữa bệnh chảy mủ tai tại nhà cho cả người lớn và trẻ nhỏ như:

  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh và các tác nhân gây kích ứng như bụi, khói.
  • Sử dụng tinh dầu tràm trà hay dầu oliu để nhỏ vào tai để khống chế nhiễm trùng tai. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng tại nhà.
  • Chườm ấm bằng khăn hay gạc lên tai bị nhiễm trùng trong vòng 20 phút hoặc lâu hơn để làm dịu cơn đau, hỗ trợ giảm viêm.
  • Bôi một vài giọt dung dịch (cồn và giấm tỷ lệ 1:1) vào tai có vẻ khá hiệu quả trong các trường hợp viêm tai ngoài do ngâm nước lâu hay do nước bẩn ứ đọng ở tai (Cồn giúp bay hơi nước và giấm giúp hạn chế lây lan vi khuẩn).
  • Sử dụng dầu tỏi hay nước ép hành tây: Đây là những thứ thuộc nhóm “rau sát khuẩn” được dân gian “tin dùng” trong điều trị nhiễm trùng tai từ “xưa thật là xưa”.
  • Chữa viêm tai tại nhà bằng giấm táo: Cũng là một mẹo nên thử do tính năng kháng khuẩn, hạn chế viêm nhiễm.

Những thông tin được Hello Bacsi cung cấp trên đây có thể giúp bạn thêm kiến thức nhằm xử lý “chữa cháy” khi tai bị đau, lỗ tai chảy mủ “bất ngờ” gây phiền toái mà chưa thể “thổ lộ” và “diện kiến” bác sĩ tai mũi họng, nhất là đang trong thời kỳ dịch bệnh này.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ear infections https://www.nhs.uk/conditions/ear-infections/ Ngày truy cập: 31/08/2023

Ear Infection (Otitis Media) https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8613-ear-infection-otitis-media Ngày truy cập: 31/08/2023

Ear Infection (Middle Ear) https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/ear-infection-middle-ear Ngày truy cập: 31/08/2023

Ear Infection | Antibiotic Use https://www.cdc.gov/antibiotic-use/ear-infection.html Ngày truy cập: 10/09/2021

Ear infection (middle ear) – Diagnosis and treatment https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/diagnosis-treatment/drc-20351622 Ngày truy cập: 10/09/2021

3 Home Remedies for an Ear Infection – Cleveland Clinic https://health.clevelandclinic.org/3-home-remedies-for-an-ear-infection/ Ngày truy cập: 10/09/2021

Otitis Media With Effusion: Treating Fluid in the Ear https://www.verywellhealth.com/diagnosis-and-treatment-for-fluid-in-the-ear-1192211 Ngày truy cập: 10/09/2021

What Are Some Home Remedies for Ear Infections? https://www.everydayhealth.com/ear-infection/home-remedies/ Ngày truy cập: 10/09/2021

Ear Infection in Adults: Symptoms, Causes, Diagnosis & More https://www.healthline.com/health/ear-infection-adults#treatment Ngày truy cập: 10/09/2021

Phiên bản hiện tại

31/08/2023

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKII Vũ Hải Long

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Các phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa

Biến chứng viêm tai giữa nghiêm trọng hơn bạn nghĩ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKII Vũ Hải Long

Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 31/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo