backup og meta

Nhiễm trùng tai: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Nhiễm trùng tai: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Nhiễm trùng tai có thể do virus hoặc vi khuẩn, và thường khởi nguồn từ viêm mũi họng. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể ảnh hưởng đến sức nghe, thậm chí có thể gây biến chứng nguy hiểm ở ốc tai, tiền đình, não và màng não.

Nhiễm trùng có thể ở tai ngoài, tai giữa, tai trong. Ở tai ngoài, nhiễm trùng có vẻ như không “đe dọa’ lắm vì nó được “chặn đứng’ bởi màng nhĩ nên khó vào sâu được. Nhiễm trùng tai giữa được quan tâm nhất vì nó “sát sàn sạt’ với tai trong và não bộ. Hơn nữa, do nó “thông thương’ với mũi-họng nên hay bị “liên lụy’ khi mũi họng có vấn đề. Chính vì thế, bệnh viêm tai giữa trở nên phổ biến ở “phân khúc’ nhiễm trùng tai và bài viết dưới đây chủ yếu đề cập tới nhiễm trùng ở tai giữa.

Nhiễm trùng tai là gì?

Nhiễm trùng tai thường xảy ra sau khi bạn bị cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi xoang, viêm họng… Tác nhân gây bệnh “luồn lách’ theo đường vòi nhĩ để xâm nhập vào tai giữa.

Khi viêm, niêm mạc sung huyết, phù nề gây cản trở dẫn lưu dịch và cản trở lưu thông khí qua vòi nhĩ dẫn đến ứ đọng dịch và mất cân bằng áp suất trong tai giữa, tạo điều kiện cho vi khuẩn bội nhiễm. Đó là “kịch bản’ của bệnh viêm tai giữa cấp.

Trong giai đoạn viêm này, tai thường đau nhiều nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Nếu bệnh không tự khỏi hoặc có điều trị nhưng không dứt điểm, cứ tái đi tái lại hoài thì sẽ trở thành mãn tính. Lúc này, tai không còn đau, các triệu chứng diễn tiến âm thầm, dễ bị bỏ qua. Hậu quả là tai giữa và thậm chí là tai trong bị tổn thương, khó mà hồi phục.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng tai và yếu tố nguy cơ

bệnh nhiễm trùng tai

1. Những nguyên nhân gây bệnh nhiễm trùng tai

Như đã nói ở trên, tác nhân gây bệnh là virus hoặc vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn Streptococcus pneumoniae và Haemophilus influenzae. Khi viêm, vòi nhĩ bị bít tắc nên càng tạo điều kiện cho viêm nhiễm nặng hơn. Cái vòng luẩn quẩn “viêm tắc, tắc viêm’ cũng thể hiện rõ nét ở đây.

Cũng cần lưu ý đến một số những nguyên nhân khác có thể làm cản trở lưu thông vòi nhĩ dẫn đến viêm tai giữa ngoài nhiễm trùng mũi và viêm xoang như:

  • Viêm tổ chức lympho ở vòm và quanh vòi
  • Dị ứng mũi
  • Khói thuốc lá
  • Nhiều chất nhầy mũi đặc bám bít cửa vòi
  • Sự thay đổi khí áp đột ngột.

2. Yếu tố nguy cơ 

Trẻ em là đối tượng dễ bị viêm tai giữa. Chính bản thân cái lứa tuổi “lúa non’ này là một yếu tố nguy cơ rất “tiềm năng’, bởi vì, trong giai đoạn này, vòi nhĩ của các bé vừa ngắn, vừa hẹp nên vi trùng xâm nhập nhanh hơn trong khi tai giữa được dẫn lưu kém hơn. Thêm vào đó, do hệ miễn dịch chưa được “tôi luyện’ nên khả năng chống đỡ còn “rất đuối’.

Yếu tố nguy cơ cũng tăng lên ở những bé sinh non, thiếu cân, suy dinh dưỡng, dị tật hở hàm ếch, thường bú bình, “nghiện’ núm vú giả và những bé đang đi nhà trẻ nhưng thiếu sự chăm sóc.

Ngoài ra, còn có những yếu tố nguy cơ chung như ô nhiễm môi trường, thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm, thay đổi độ cao…


Để hạn chế bệnh nhiễm trùng tai, nên cố gắng giảm thiểu các yếu tố nguy cơ nhất có thể.

Triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tai

Ở người lớn, nhiễm trùng tai gây viêm tai giữa thường có các biểu hiện như sau:

  • Đau nhẹ trong tai
  • Cảm giác nặng tai, ù tai
  • Chảy dịch tai nhầy mủ nếu màng nhĩ bị thủng
  • Giảm khả năng nghe

Những triệu chứng trên có thể ở 1 hoặc 2 bên tai. Nó có thể tự khỏi hoặc tồn tại dai dẳng. Nếu có hiện tượng nhiễm trùng kép, tức là có bội nhiễm vi khuẩn sau khi nhiễm siêu vi thì triệu chứng đau có thể tăng lên. Khi bệnh thành mãn tính thì các triệu chứng trên sẽ bớt rầm rộ và như vậy, nó hay bị “phớt lờ’, dễ dẫn đến những tổn hại khó lường.

Ở trẻ em, các triệu chứng của nhiễm trùng tai gây viêm tai giữa thường bao gồm:

  • Bé hay có hành động dùng tay nắm, kéo, phẩy mạnh vào bên tai bệnh
  • Khó chịu, bồn chồn, quấy khóc
  • Chán ăn, bỏ bú (vì khi nuốt làm áp lực trong tai thay đổi, dẫn đến đau tăng lên)
  • Ngủ không yên giấc
  • Kém phản ứng với âm thanh
  • Sốt
  • Tai chảy dịch nhầy mủ (khi có thủng nhĩ)

Các triệu chứng trên thường thì chỉ kéo dài trong vài ba ngày nhưng đôi khi cũng mất cả tuần. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi thì hay bị sốt cao, do đó bạn nên đưa bé đi khám nếu thấy bé không hạ sốt, đau tai, quấy khóc nhiều.


Nhìn chung các bệnh nhiễm trùng tai thường ít để lại hậu quả lâu dài. Tuy nhiên, nếu để tình trạng viêm nhiễm trở thành mãn tính, có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề như giảm thính lực, đặc biệt là ở trẻ em, sẽ tác hại rất nhiều nếu đang trong giai đoạn hình thành và phát triển ngôn ngữ.

Hơn nữa, tình trạng viêm mãn tính ở tai giữa có thể lan vào xương chũm, lan lên não-màng não, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức nghe lâu dài gây khiếm thính, thậm chí, đe dọa tính mạng.

Khi nào người bị nhiễm trùng tai cần gặp bác sĩ?

Nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu thấy các triệu chứng trên kéo dài hơn 1 ngày; đau nhức tai không giảm; tai chảy nhiều dịch, mủ, máu; trẻ dưới 6 tháng tuổi; trẻ bứt rứt, quấy khóc nhiều sau khi bị viêm hô hấp trên.

Chẩn đoán

khám bệnh nhiễm trùng tai

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử, các triệu chứng chủ quan mà người bệnh cảm thấy. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng những dụng cụ chuyên dụng để tìm kiếm những dấu hiệu khách quan.

  • Đèn soi tai có phóng đại hoặc nội soi sẽ thấy màng nhĩ bị sung huyết, căng phồng khi tụ dịch, tính chất dịch chảy ra hoặc tình trạng lỗ thủng.
  • Dùng bơm khí sẽ thấy màng tai di động kém.
  • Đo nhĩ lượng đồ, đo phản xạ sẽ thấy được tình trạng của màng nhĩ và tai giữa, kiểm tra thính lực sẽ cho thấy có suy giảm về dẫn truyền âm thanh…

Ngoài ra, tùy tình trạng mà bác sĩ sẽ cho xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng miễn dịch, cấy mủ tai để tìm độ nhạy của kháng sinh đối với vi khuẩn gây bệnh, cho chụp CT-scan nếu nghi ngờ có biến chứng não…

Lưu ý


Trẻ đang trong độ tuổi hình thành và phát triển ngôn ngữ, nếu bị viêm tai giữa dai dẳng sẽ ảnh hưởng tới khả năng nghe và nói. Vì vậy, cần đưa trẻ đến các chuyên gia về thính học, thanh học và phát triển tư duy để làm các bài kiểm tra nghe, nói, hiểu hoặc khả năng phát triển nhận thức, tư duy. Từ đó sẽ có những kế hoạch huấn luyện để trẻ có thể “theo kịp bạn bè cùng trang lứa’.

Điều trị nhiễm trùng tai

1. Giảm viêm, giảm đau

Đầu tiên, bác sĩ sẽ điều trị cho hết tình trạng viêm cấp trong tai giữa, sau đó sẽ có kế hoạch để loại bỏ những nguyên nhân gây nhiễm trùng tai nhằm tránh tình trạng viêm tái phát hoặc viêm dai dẳng. Nhiễm trùng tai giữa cấp, phần lớn khởi đầu là do virus nên chỉ điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ sốt, vệ sinh mũi họng.

2. Kháng sinh

Nếu bác sĩ đánh giá có nguy cơ hoặc có bằng chứng bị nhiễm vi khuẩn, thuốc kháng sinh sẽ được dùng. Thuốc có thể được dùng theo đường tại chỗ hoặc toàn thân.

3. Loại bỏ dịch trong tai

Khi dịch tích tụ nhiều, bác sĩ có thể làm thủ thuật chích rạch màng nhĩ để dẫn lưu. Thông thường, màng nhĩ sẽ tự lành khi hết dịch, tuy nhiên, nếu màng nhĩ lành lại quá sớm, khi mà quá trình viêm chưa hết hẳn thì sẽ bị “tái viêm’.

Do đó, tùy nhận định mà bác sĩ có thể “chèn’ một ống thông vào màng nhĩ để dẫn lưu dịch và tái lập lại thông khí. Nó cũng có tác dụng giảm đau, cải thiện sức nghe và làm giảm tần suất tái viêm. Thông thường, ống này sẽ tự rớt ra ngoài sau chừng 6-18 tháng, nếu không, bác sĩ sẽ lấy bỏ khi ống thông đã “hoàn thành nhiệm vụ’.

Lưu ý


Cần phải tuân thủ nghiêm liệu trình điều trị để bệnh khỏi hẳn, tránh tiến triển thành mãn tính hoặc tái phát, tránh tình trạng vi khuẩn phát triển khả năng kháng lại thuốc kháng sinh. Trong quá trình điều trị, nếu thấy có dấu hiệu bất thường thì cần báo ngay cho bác sĩ.

Phòng ngừa bệnh nhiễm trùng tai

Để có thể phòng ngừa, hạn chế nguy cơ mắc bệnh, cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Rửa tay thường xuyên để tránh nhiễm trùng từ tay
  • Tránh khu vực đông người để hạn chế nguy cơ mắc phải các bệnh lây truyền qua đường hô hấp
  • Hạn chế cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dùng núm vú giả
  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài ít nhất đến khi trẻ được 18 tháng tuổi để trẻ được cung cấp đủ dinh dưỡng và kháng thể từ sữa mẹ
  • Tránh môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá
  • Tiêm chủng đầy đủ nhất là với các vaccine phòng bệnh hô hấp.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về bệnh nhiễm trùng tai, từ đó có phương pháp điều trị, phòng ngừa hiệu quả.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ear infections https://www.nhs.uk/conditions/ear-infections/ Ngày truy cập: 17/07/2023

Ear Infection https://www.cdc.gov/antibiotic-use/ear-infection.html Ngày truy cập: 17/07/2023

Ear infections https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/ear-infections Ngày truy cập: 17/07/2023

Ear Infection (Otitis Media)

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8613-ear-infection-otitis-media Ngày truy cập 18/10/2022

What Is an Ear Infection?

https://kidshealth.org/en/kids/ear-infection.html Ngày truy cập 18/10/2022

Ear infection (middle ear). http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/home/ovc-20199482. Ngày truy cập 04/09/2016.

Phiên bản hiện tại

17/07/2023

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKII Vũ Hải Long

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | 7 Mẹo hay giúp đẩy nước khỏi tai nhanh chóng

Viêm tai giữa là gì, có gây ảnh hưởng đến thính giác không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKII Vũ Hải Long

Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 17/07/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo