backup og meta

Trị nghẹt mũi bằng tỏi: Liệu có an toàn, hiệu quả?

Trị nghẹt mũi bằng tỏi: Liệu có an toàn, hiệu quả?

Nghẹt mũi là tình trạng khiến không ít người khổ sở vì phải chịu đựng cảm giác không thể thở một cách thoải mái. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể thoát khỏi tình trạng này bằng cách trị nghẹt mũi bằng tỏi.

Viêm mũi thường gây nhiều triệu chứng khó chịu, gây ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hằng ngày. Có khá nhiều biện pháp giúp giảm nghẹt mũi dành cho người lớn và trẻ nhỏ, trong đó nhiều người truyền tai nhau là nhét tỏi vào mũi, nhỏ nước tỏi vào mũi hoặc thậm chí rửa mũi bằng nước muối tỏi.

Thế nhưng, liệu những phương pháp này có an toàn? Trị nghẹt mũi bằng tỏi có hiệu quả? Bạn hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp bài viết dưới đây để phần nào có lời giải đáp những vấn đề trên nhé!

Dùng tỏi để trị nghẹt mũi: Liệu có hiệu quả?

Tìm hiểu nguyên nhân nghẹt mũi sẽ giúp bạn hiểu được cách chữa nghẹt mũi hiệu quả. Mũi là nơi làm ấm và lọc bụi khi không khí đi vào cơ thể. Tuy nhiên khi mũi bị viêm, nó sẽ sưng lên, làm tăng tiết nhầy, khiến bạn bị sụt sịt mũi cũng như gây nghẹt mũi, sổ mũi. Có nhiều cách chữa nghẹt mũi tại nhà được nhiều người chia sẻ, trong đó trị nghẹt mũi bằng tỏi là cách chữa nghẹt mũi được cho là có hiệu quả nhanh.

Thực tế, tỏi có nhiều đặc tính giúp trị sổ mũi, nghẹt mũi như:

  • Chứa allicin và scordinin, hai chất kháng khuẩn, kháng virus và kháng nấm, giúp cơ thể chống lại các vi sinh vật gây bệnh.
  • Giảm hiện tượng viêm và sung huyết, giảm tiết nhầy, nhờ vậy mũi bạn sẽ thông thoáng hơn và giảm nghẹt.
  • Nhiều vitamin C, enzyme, selen, sulfur và những vi chất khác có lợi cho hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại mầm bệnh.
  • Tính kháng viêm của tỏi còn giúp giảm sưng và đau của mũi.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là chữa hắt hơi sổ mũi bằng tỏi không phải là nhét tỏi vào mũi hay nhỏ nước tỏi vào mũi. Đây là những phương pháp trị nghẹt mũi bằng tỏi không an toàn, có thể dẫn đến một số rủi ro như kích ứng, nhiễm trùng hoặc tỏi bị mắc kẹt trong đường thở. Thay vào đó, bạn chỉ nên xông mũi bằng tỏi hoặc dùng thức uống có tỏi để đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Phương pháp trị nghẹt mũi bằng tỏi đúng cách, an toàn

Dù không có dữ liệu cụ thể nào về số lượng tỏi bạn cần dùng để trị nghẹt mũi nhưng bạn có thể dùng 3 – 5 tép tỏi mỗi ngày nhưng không dùng quá 10 ngày. Dưới đây là một số mẹo trị nghẹt mũi bằng tỏi an toàn bạn có thể tham khảo:

1. Xông hơi với tỏi

Xông hơi với tỏi có thể giúp làm thông thoáng đường hô hấp rất hiệu quả. Bạn có thể thực hiện các cách xông mũi bằng tỏi sau:

  • Đun nước sôi lượng vừa đủ. Khi đun nước sôi, thêm vào 3 – 5 tép tỏi giã nát
  • Để sôi vài phút rồi nhấc khỏi bếp
  • Cúi người về phía nồi nước sôi, đừng gần quá để tránh bị bỏng
  • Hít hơi nước bốc lên thật sâu và thở đều trong vài phút
  • Thực hiện 2 lần một ngày để giảm nghẹt mũi
  • Xông hơi tỏi trước khi ngủ sẽ giúp ngủ ngon hơn.

2. Trị nghẹt mũi bằng tỏi và nghệ

trị nghẹt mũi bằng tỏi

Nghệ có tính kháng khuẩn, do đó trị nghẹt mũi bằng tỏi kết hợp với nghệ cũng sẽ đem lại kết quả tốt. Bạn có thể trị nghẹt mũi bằng tỏi và nghệ theo công thức sau:

  • Đầu tiên, để nồi lên bếp với lửa nhỏ
  • Thêm 1 cốc nước vào và đun với lửa vừa
  • Thêm 2 – 4 tép tỏi vào nước sôi và đun trong 2 – 3 phút
  • Thêm 1/2 thìa súp bột nghệ và khuấy đều
  • Tắt bếp và đổ hỗn hợp vào cốc
  • Uống hỗn hợp trên để trị nghẹt mũi
  • Thường xuyên uống hỗn hợp tỏi và nghệ sẽ giúp bạn giảm triệu chứng.

3. Tỏi và nước cà chua

Phương pháp này không chỉ giảm nghẹt mũi và còn giúp phục hồi lớp nhầy trong khoang mũi:

  • Đổ 1 cốc nước cà chua vào nồi và đun sôi trong vài phút
  • Thêm 1 thìa súp tỏi băm nhỏ, 1 thìa súp nước cốt chanh, 1/2 thìa cà phê tương ớt và một nhúm muối
  • Trộn đều và để hỗn hợp sôi trong vài phút
  • Tắt bếp và đổ hỗn hợp vào ly
  • Uống hỗn hợp trên khi còn ấm
  • Lặp lại 2 lần mỗi ngày để giảm viêm mũi nhanh chóng.

4. Hít tỏi trị nghẹt mũi

Ngoài các cách chữa ngạt mũi bằng tỏi kể trên, bạn cũng có thể thử phương pháp hít tỏi trị nghẹt mũi. Quá trình này giúp giảm viêm sưng mũi, nhờ đó bạn dễ thở hơn.

  • Thêm 4 – 6 tép tỏi vào 1/2 cốc nước
  • Để yên trong 7 – 10 phút
  • Giã nhuyễn tỏi tạo thành hỗn hợp sệt
  • Để tỏi nhuyễn gần mũi bạn và hít thở sâu
  • Lặp lại việc này vài lần
  • Thực hiện đều đặn sẽ giúp bạn nhanh hết nghẹt mũi

4. Cách chữa nghẹt mũi bằng tỏi và mật ong

Mật ong cũng có tính kháng khuẩn và kháng viêm, giúp bạn giảm nhanh các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi khó chịu:

  • Giã nhuyễn 3 – 5 tép tỏi
  • Thêm 1 – 2 thìa cà phê mật ong vào và trộn đều
  • Ăn hỗn hợp trên trước bữa ăn, lặp lại đều đặn cho đến khi hết nghẹt mũi.

5. Trị nghẹt mũi bằng tỏi, mật ong và dầu ô liu

Sự kết hợp của 3 thành phần trên sẽ giúp bạn giảm triệu chứng viêm cùng những vấn đề khác như cảm lạnh và cảm cúm. Các bước chữa nghẹt mũi bằng tỏi, mật ong và dầu oliu sẽ bao gồm:

  • Lột vỏ 3 – 4 tép tỏi, giã nhuyễn
  • Để ngoài không khí 15 phút để kích hoạt enzyme allicin
  • Thêm một chút mật ong và dầu ô liu vào hỗn hợp tỏi giã nhuyễn và trộn đều
  • Cho hỗn hợp vào bánh mì để ăn
  • Lặp lại đều đặn để giảm nghẹt mũi.

6. Chữa nghẹt mũi bằng tỏi, dầu ô liu và muối biển

Nếu muốn ngăn ngừa viêm nhiễm lây lan và giảm hiện tượng chảy nước mũi đi kèm với nghẹt mũi, bạn có thể:

  • Lột vỏ, giã nhuyễn 2 tép tỏi
  • Thêm vài giọt dầu ô liu và một ít muối biển (sea salt) vào
  • Trộn đều và ăn đều đặn để giảm viêm và nhanh hết nghẹt mũi.

7. Uống nước ép tỏi – Cách trị nghẹt mũi bằng tỏi an toàn

Sử dụng nước ép tỏi hằng ngày không chỉ tăng cường hệ miễn dịch mà còn giúp ngăn ngừa viêm mũi. Bên cạnh đó, nước ép tỏi còn giúp trị các vấn đề về hô hấp khác như viêm phế quản, lao và nhiều vấn đề khác. Thay vì mua nước ép tỏi, bạn có thể tự làm tại nhà bằng cách sau:

  • Lột khoảng vài trăm tép tỏi
  • Xay nhuyễn các tép tỏi trên
  • Cho tỏi xay nhuyễn vào bọc vải và vắt lấy nước
  • Cho nước ép tỏi vào ly đậy kín và bảo quản trong tủ lạnh
  • Thêm 1/2 thìa cà phê nước ép tỏi vào salad để tăng hương vị và tăng lợi ích cho sức khỏe.

8. Trà tỏi

tỏi trị nghẹt mũi

Trà tỏi sẽ giúp bạn giảm đau đầu, nghẹt mũi và nhiều triệu chứng khác khi bị viêm xoang. Bạn chỉ cần:

  • Băm nhuyễn vài tép tỏi
  • Thêm 2 lít nước vào trộn đều
  • Đun sôi hỗn hợp trên trong một giờ không cần khuấy đều
  • Sau đó đổ nước vào trong ly
  • Thêm một ít muối và khuấy đều
  • Uống một ít nước này trước khi ăn, thực hiện đều đặn để ngừa viêm mũi.

9. Dầu tỏi

Dầu tỏi có khá nhiều tác dụng tốt. Do đó, đừng bỏ qua việc trị nghẹt mũi bằng tỏi đã được chế biến thành dầu nhé.

  • Cho 1 ly dầu ô liu vào nồi và 2 – 3 thìa súp tỏi băm nhuyễn
  • Đặt nồi lên bếp và đun với lửa vừa
  • Để sôi trong vài phút rồi tắt bếp
  • Để dầu nguội dần trong vài phút
  • Đổ dầu vào hũ kín khí
  • Bôi lượng dầu vừa đủ lên mũi, trước trán và ngực
  • Lặp lại mỗi ngày sẽ giúp bạn nhanh hết nghẹt mũi.

10. Cách làm sốt tỏi

trị nghẹt mũi bằng tỏi

Bạn có thích các công thức làm sốt chấm? Dưới đây là công thức thú vị bạn có thể thử thực hiện trong các bữa ăn hằng ngày, đồng thời giúp làm giảm nghẹt mũi:

  • Băm nhỏ tỏi và trộn với quả bơ nghiền nhuyễn
  • Trộn đều và dùng chung với bánh mì
  • Ăn hỗn hợp trên thường xuyên.

11. Tỏi và giấm táo

Giấm táo chứa nhiều vitamin, khoáng chất, kali và magiê giúp trị nghẹt mũi. Đồng thời giấm còn giúp cân bằng độ pH, ổn định lớp màng nhầy và làm thoáng đường thở. Tham khảo công thức sau để nắm rõ cách trị nghẹt mũi bằng tỏi cùng giấm táo:

  • Đun sôi 2 cốc nước rồi tắt bếp
  • Thêm 4 tép tỏi băm và 1 thìa cà phê giấm táo vào nồi
  • Trộn đều và hít sâu hơi nước bốc lên
  • Lặp lại quá trình trên thường xuyên.

12. Nước nhỏ mũi

Biện pháp này giúp giảm sưng và phù nề niêm mạc, giảm viêm và giảm tiết nhầy.

  • Ép lấy nước 1 củ tỏi và thêm vào cốc nước sôi
  • Thêm một ít muối và để hỗn hợp nguội
  • Cho hỗn hợp vào bình rửa mũi (neti pot)
  • Nghiêng đầu, đổ hỗn hợp trên vào một bên mũi
  • Lặp lại với mũi còn lại
  • Thực hiện lại nếu cần.

13. Ăn tỏi sống

tỏi trị nghẹt mũi

Ăn tỏi sống hằng ngày sẽ giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch cũng như ngăn ngừa và điều trị nghẹt mũi hoặc các triệu chứng viêm xoang.

Viên thuốc tỏi trị nghẹt mũi

Nếu không thể chịu được mùi, bạn có thể dùng thuốc bổ sung từ tỏi. Thuốc giúp bạn giảm triệu chứng, giảm nghẹt mũi hiệu quả. Bạn có thể mua sản phẩm này ở những nhà thuốc uy tín.

Bạn uống 2 viên mỗi ngày sau khi ăn cơm cho đến khi hết triệu chứng. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc nhé.

Tỏi giúp trị nghẹt mũi ở trẻ

Nghẹt mũi thường gặp ở trẻ nhỏ. Vì thế, hãy cân nhắc thêm một chút tỏi vào khẩu phần ăn hàng ngày của bé. Bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng một số phương pháp trị nghẹt mũi cho bé bằng tỏi sau đây để giúp con nhanh chóng thở được như bình thường:

  • Thêm 1 tép tỏi băm nhuyễn vào một tô lớn nước sôi, thêm một vài giọt tinh dầu tràm trà và dầu khuynh diệp
  • Trộn đều và để trẻ hít hơi nước bốc lên
  • Để trẻ hít trong vài phút và thư giãn
  • Thực hiện đều đặn, đặc biệt là trước khi đi ngủ để giúp trẻ ngủ ngon hơn.

Khi thực hiện biện pháp này, bạn chú ý để tránh gây bỏng và khó chịu cho trẻ. Một lưu ý là khi trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, bà bầu bằng tỏi, tốt nhất bạn nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ.

Có thể bạn quan tâm: Trị nghẹt mũi khó thở với các loại thảo mộc quý

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Home Remedies for Sinus Drainage https://www.healthline.com/health/cold-flu/remedies-for-sinus-drainage ngày truy cập 11/06/2018

How to Get Rid of Sinus Infection Quickly with Garlic https://homeremediesforlife.com/garlic-for-sinus-infection/ ngày truy cập 11/06/2018

Garlic: a review of potential therapeutic effects

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4103721/ Truy cập ngày 26/04/2022

Can Putting Garlic in Your Nose Relieve Congestion?

https://health.clevelandclinic.org/putting-garlic-in-nose-to-clear-sinuses/#:~:text=Some%20TikTokkers%20say%20putting%20a,may%20even%20make%20it%20worse. Truy cập ngày 26/04/2022

Mẹo chữa ngạt mũi bằng tỏi đơn giản, hiệu quả

https://www.thuocdantoc.org/chua-ngat-mui-bang-toi.html Truy cập ngày 26/04/2022

Phiên bản hiện tại

17/03/2023

Tác giả: Thanh Thảo

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Hướng dẫn cách hút mũi cho trẻ sơ sinh bằng ống bơm

Những nguyên nhân gây ra vấn đề khó thở ở trẻ sơ sinh


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thanh Thảo · Ngày cập nhật: 17/03/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo