backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Viêm họng mãn tính là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị, phòng ngừa

Thông tin kiểm chứng bởi: Lan Quan


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 22/12/2023

    Viêm họng mãn tính là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị, phòng ngừa

    Viêm họng là vấn đề phổ biến khiến nhiều người cảm thấy khó chịu. Nếu không được điều trị, tình trạng này kéo dài có thể tiến triển thành viêm họng mãn tính.

    Viêm họng mãn tính có thể do nhiều bệnh lý khác nhau gây ra. Do đó, điều quan trọng là cần xác định nguyên nhân càng nhanh càng tốt. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu rõ về tình trạng viêm họng mãn tính.

    Viêm họng mãn tính là gì?

    Viêm họng là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên phổ biến, xảy ra khi khu vực hầu họng bị viêm. Thông thường, bệnh có thể tự hết sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau họng kéo dài, viêm nhiễm tái phát thường xuyên thì được gọi là viêm họng mãn tính. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến viêm họng mãn tính.

    So với viêm họng cấp tính, viêm họng mãn tính ít phổ biến hơn. Việc điều trị viêm họng cấp tính tập trung vào việc điều trị các triệu chứng, giúp bệnh biến mất trong vòng khoảng 10 ngày. Trong khi đó, viêm họng mãn tính kéo dài lâu hơn nhiều, thường là vài tuần. Phương pháp điều trị thường liên quan đến việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ, khắc phục các triệu chứng và cải thiện sức khỏe tổng thể.

    Triệu chứng viêm họng mãn tính

    Nhìn chung, các triệu chứng viêm họng mãn tính cũng tương tự những dấu hiệu viêm họng cấp tính. Điểm khác biệt là các triệu chứng của bệnh mãn tính kéo dài hơn 10 ngày. Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình:

    • Đau hoặc ngứa ở cổ họng
    • Các tuyến ở cổ bị sưng
    • Khàn tiếng
    • Khó nuốt
    • Có cảm giác nhột hoặc ngứa trong cổ họng
    • Giọng nói nghe có vẻ mệt mỏi
    • Cảm giác như có vật gì đó mắc kẹt trong cổ họng.

    Ngoài ra, nếu bị đau họng kèm nhiễm trùng, bạn cũng có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:

    • Sốt
    • Nhức đầu
    • Buồn nôn và nôn mửa
    • Ho
    • Hắt xì.

    Nguyên nhân

    nguyên nhân viêm họng mãn tính

    Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất của cả viêm họng cấp tính và mãn tính. Tuy nhiên, một số yếu tố khác có thể dẫn đến viêm họng mãn tính, bao gồm:

    • Dị ứng: Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với một số chất thường vô hại, chẳng hạn như phấn hoa, lông động vật, bụi, nước hoa, nấm mốc… Tình trạng dị ứng dễ khiến người bệnh bị đau họng, viêm họng dai dẳng.
    • Hội chứng chảy dịch mũi sau: Hội chứng này khiến chất nhầy dư thừa chảy từ xoang vào phía sau cổ họng. Điều này có thể gây kích thích vùng hầu họng, dẫn đến đau và ngứa cổ họng dai dẳng.
    • Trào ngược dạ dày thực quản: Tình trạng này xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới yếu đi và không thể đóng chặt, khiến thức ăn chưa kịp tiêu hóa và dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Đôi khi, trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến đau họng. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, bạn có thể bị viêm họng dai dẳng.
    • Viêm amidan: Tình trạng viêm họng mãn tính còn có thể do nhiễm trùng amidan gây ra. Viêm amidan có thể tái phát nhiều lần trong năm, do đó mà tình trạng viêm họng cũng kéo dài và lặp đi lặp lại.
    • Thở bằng miệng: Một nguyên nhân khác gây viêm họng mãn tính là thói quen thở bằng miệng, nhất là khi ngủ. Thói quen này có thể dẫn đến chứng đau họng tái phát và thường xảy ra do nghẹt mũi, ngưng thở khi ngủ, phì đại vòm họng hoặc phì đại amidan. Cơn đau sẽ thuyên giảm sau khi bạn uống nước.
    • Môi trường bị ô nhiễm: Các chất gây ô nhiễm môi trường, chẳng hạn như khói và hóa chất, có thể khiến bạn bị viêm họng dai dẳng. 
    • Hút thuốc: Thói quen hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động có thể gây ngứa hoặc đau họng, cùng với bệnh hen suyễn, viêm phế quản
    • Nguyên nhân khác: Một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến viêm họng mãn tính là bệnh tăng bạch cầu đơn nhân, áp xe amidan, nhiễm trùng lậu ở cổ họng…

    Rất hiếm khi ung thư vòm họng có thể gây viêm họng mãn tính. Loại ung thư này bắt đầu ở hầu họng hoặc thanh quản, gây ra cơn đau họng kèm với khó thở, nổi khối u ở cổ hoặc chảy máu ở mũi, miệng.

    Chẩn đoán

    chẩn đoán viêm họng mãn tính

    Khi có các triệu chứng viêm họng kéo dài hơn 10 ngày, hoặc tái đi tái lại nhiều lần, bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để xem có bị viêm họng mãn tính hay không. Bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe tổng quát, hỏi thăm các triệu chứng thường gặp.

    Đôi khi, bác sĩ cũng có thể đề nghị xét nghiệm cấy dịch họng hoặc xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh chóng đối với bệnh viêm họng liên cầu khuẩn. Điều này thường xảy ra khi bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân gây viêm họng mãn tính không phải do virus.

    Phương pháp điều trị viêm họng mãn tính

    1. Điều trị nguyên nhân

    Việc điều trị viêm họng mãn tính phụ thuộc vào nguyên nhân gốc rễ gây ra vấn đề này. Do đó, bạn cần đi khám để biết được vì sao bị viêm họng dai dẳng.

    Đối với từng nguyên nhân khác nhau, phương pháp điều trị sẽ khác nhau:

    • Điều trị viêm họng mãn tính do viêm amidan tái đi tái lại nhiều lần: Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh. Nếu tình trạng không cải thiện, phẫu thuật cắt amidan có thể được thực hiện.
    • Điều trị viêm họng kéo dài do dị ứng: Thông thường, thuốc xịt mũi và các loại thuốc không kê đơn khác có thể điều trị hiệu quả bệnh viêm họng mãn tính do dị ứng.
    • Điều trị trào ngược axit gây viêm họng dai dẳng: Để khắc phục tình trạng này, bạn nên thay đổi lối sống sao cho khoa học, hạn chế căng thẳng, thay đổi chế độ và thói quen ăn uống. Việc dùng thuốc ức chế bơm proton cũng có thể giúp giảm triệu chứng.
    • Điều trị viêm họng mãn tính do ô nhiễm môi trường: Cách tốt nhất là bạn nên tránh mọi tình huống phải tiếp xúc với những tác nhân gây ô nhiễm hoặc hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc. 
    • Điều trị ung thư vòm họng gây viêm họng: Nếu bạn bị ung thư vòm họng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị. Phương pháp điều trị cụ thể phụ thuộc vào loại bệnh, giai đoạn ung thư và vị trí của khối u.

    Bạn có thể quan tâm:

    2. Điều trị triệu chứng

    điều trị viêm họng mãn tính

    Việc điều trị nguyên nhân gốc rễ là cách duy nhất để chữa tình trạng viêm họng mãn tính. Bên cạnh đó, bạn vẫn có thể kết hợp một số biện pháp chữa trị tại nhà để cải thiện tình trạng viêm họng:

    • Uống nhiều nước
    • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen
    • Súc miệng bằng nước muối ấm nhiều lần trong ngày
    • Kiêng hút thuốc và tránh hít khói thuốc lá thụ động.

    3. Điều trị toàn trạng

    Ngoài những biện pháp trên, bạn cũng cần tăng cường sức đề kháng tổng thể để hỗ trợ cơ thể chống lại tình trạng viêm họng mãn tính. Hãy áp dụng các biện pháp hỗ trợ sau:

    • Xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học
    • Ăn nhiều rau xanh và trái cây để bổ sung vitamin C, tăng sức đề kháng của cơ thể.
    • Nếu có thể, hãy thay đổi môi trường sống và làm việc theo hướng lành mạnh hơn. Nếu không, hãy cố gắng giữ gìn vệ sinh môi trường sinh hoạt.

    Phòng ngừa

    Thực tế, không thể phòng ngừa hoàn toàn tình trạng viêm họng mãn tính. Tuy nhiên, vẫn có một số cách giúp bạn giảm thiểu rủi ro mắc phải vấn đề này, chẳng hạn như:

    • Tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu của bệnh hô hấp
    • Không dùng chung đồ ăn, thức uống, dụng cụ ăn uống hoặc vật dụng cá nhân với bất kỳ ai
    • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn tay
    • Tăng cường sức đề kháng để chống lại bệnh tật.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng viêm họng mãn tính. Điều quan trọng là cần đi khám ngay khi nghi ngờ mắc bệnh, để bác sĩ tìm ra chính xác nguyên nhân, từ đó chữa bệnh hiệu quả và nhanh chóng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Lan Quan


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 22/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo