Người ta thường nói “ngứa chỗ nào thì gãi chỗ đó”, nhưng đối với ngứa cổ họng thì… không thể gãi được. Ngứa trong cổ họng thường dẫn đến ho, gây cảm giác khó chịu, làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. Nếu đang gặp tình trạng này, bạn sẽ phải làm gì? Hãy tham khảo những thông tin mà chuyên gia tai mũi họng của Hello Bacsi chia sẻ trong bài viết sau bạn nhé!
Tình trạng ngứa cổ họng không ho hoặc có ho có thể là triệu chứng sớm hoặc là một trong một nhóm các triệu chứng của những bệnh lý khác nhau. Trong đó, có những bệnh nhẹ, có những bệnh đáng lưu tâm, thậm chí có những bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Để biết mình ngứa cổ họng do đâu, thì những gợi ý sau đây có thể giúp bạn “đọc vị” được những chứng bệnh có thể gây ra tình trạng này, từ đó có biện pháp khắc phục hiệu quả.
Điểm mặt 7 nguyên nhân gây ngứa cổ họng thường gặp
Triệu chứng ngứa rát cổ họng hay cảm giác ngứa cổ họng có thể do những nguyên nhân dưới đây:
1. Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến bạn bị ngứa cổ họng.
Viêm mũi dị ứng xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với một dị nguyên nào đó xâm nhập vào đường hô hấp, làm giải phóng histamine gây ra tình trạng dị ứng. Các tác nhân phổ biến bao gồm mạt bụi nhà, phấn hoa, khói thuốc lá hoặc khí thải giao thông, khí thải công nghiệp.
Cùng với cảm giác ngứa ở cổ họng hay ho ngứa họng, bạn thường gặp thêm các triệu chứng khác như: Chảy nước mũi trong, nghẹt mũi, hắt xì từng tràng, mệt mỏi, mắt ngứa, đỏ, sưng, chảy nước mắt sống.
2. Dị ứng thực phẩm
Nhiều người thường thắc mắc ngứa cổ họng có phải là triệu chứng của dị ứng thực phẩm không? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây!
Ở nhiều người, cơ thể có thể không dung nạp, dị ứng với một số thực phẩm nhất định và có thể gây ra triệu chứng nhẹ như bị ngứa cổ họng. Phản ứng dị ứng thường bộc phát trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau khi ăn một thực phẩm nào đó. Những thực phẩm thường có nguy cơ gây dị ứng cao là đậu phộng, hải sản, trứng, sữa và lúa mì…
Cùng với triệu chứng ho ngứa cổ họng hay ngứa họng, bạn thường gặp thêm các triệu chứng khác như: Ngứa trong miệng, ngứa da, nổi mẩn, phát ban, đau bụng, tiêu chảy… Trong một số trường hợp, dị ứng thực phẩm gây ra các tình trạng trầm trọng như phù nề đồng loạt môi, lưỡi, hạ họng, thanh quản có thể đe dọa bít tắc đường thở và nguy hiểm tính mạng.
3. Nguyên nhân ngứa cổ họng: Dị ứng thuốc
Uống thuốc xong bị ngứa rát cổ họng là do đâu? Câu trả lời là có thể bạn đã bị ứng thuốc. Theo các chuyên gia sức khỏe, một số người bị dị ứng với một vài loại thuốc, điển hình như với penicillin và các loại kháng sinh khác. Biểu hiện đầu tiên có thể thấy là ngứa họng hay cổ họng bị ngứa sau khi dùng thuốc.
Nếu bị dị ứng với thuốc, ngoài triệu chứng ngứa họng, bạn có thể gặp thêm các dấu hiệu khác như: Tê môi, phát ban, đỏ vùng da quanh mắt, ngứa tai, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, đau bụng, sưng môi, lưỡi, cổ họng, khó thở, khó nuốt… Đáng chú ý, triệu chứng nguy hiểm nhất là sốc phản vệ, gây trụy tim mạch, tụt huyết áp, mất ý thức, hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được chăm sóc y tế kịp thời.
4. Nhiễm vi khuẩn và virus gây ngứa cổ họng
Việc bị cảm lạnh thông thường hoặc cảm cúm do virus đều có thể gây ngứa cổ họng. Ngoài ra, người bị viêm họng do vi khuẩn cũng có thể bị ngứa họng khi mới phát bệnh. Tình trạng ngứa cổ họng do nhiễm trùng thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Ngoài cảm giác ngứa cổ họng, bạn cũng có thể gặp phải các triệu chứng sau: Nếu do cảm lạnh, bạn sẽ cảm thấy cơ thể uể oải nhẹ. Còn bị nhiễm cúm, bạn thường ngứa cổ họng kèm theo sốt, đau mỏi cơ, yếu người, nhức đầu, ho, tức ngực, nghẹt mũi, mệt mỏi nhiều…
Vậy ngứa cổ họng, ho phải làm sao? Khi xuất hiện bội nhiễm, tình trạng ho ngứa cổ họng nặng lên, bạn cần đến bác sĩ để khám. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cho bạn dùng kháng sinh và những thuốc kèm theo khác. Bạn cần lưu ý uống đúng và đủ liều theo liệu trình mà bác sĩ chỉ định.
5. Mất nước
Ngoài 4 nguyên nhân kể trên thì ngứa cổ họng là do đâu? Câu trả lời là rất có thể bạn đang bị mất nước.
Bạn có thể bị mất nước do chảy nhiều mồ hôi khi thời tiết nóng, sau khi tập thể dục hoặc khi bị sốt cao, tiêu chảy. Tình trạng mất nước có thể gây khô môi, khô miệng và khô họng. Khi niêm mạc họng bị khô có thể gây cảm giác ngứa cổ họng.
Ngoài bị ngứa cổ họng, bạn còn có cảm giác: Khát, khô da, khô môi miệng, khô cổ họng, nuốt vướng, nước tiểu ít, đậm màu.
6. Ngứa cổ họng là bệnh gì? Trào ngược dạ dày thực quản
Một số người bị trào ngược dạ dày thực quản mạn tính thường gặp các vấn đề về cổ họng. Dịch dạ dày có tính axit, vượt qua van tâm vị, trào lên trên qua thực quản đến họng.
Ở một số người, bệnh trào ngược có thể là thủ phạm “giấu mặt”, tức là các triệu chứng không điển hình và chỉ có một biểu hiện duy nhất là ngứa rát cổ họng. Những trường hợp này, nếu nghi ngờ có trào ngược, bác sĩ phải làm thử nghiệm đo độ pH của họng và thực quản để xác định.
Một số triệu chứng khác có thể đi kèm với ngứa họng như: Khó nuốt hoặc đau khi nuốt, cảm giác nóng rát ở ngực hoặc cổ họng, viêm thanh quản, mòn men răng, viêm nướu, miệng có vị lạ…
7. Tác dụng phụ của thuốc
Tại sao uống thuốc bị ngứa họng? Một số loại thuốc như thuốc ức chế men chuyển (ACE) dùng cho người bị bệnh tăng huyết áp có thể có tác dụng phụ là gây ho khan và ngứa họng mà không phải do phản ứng dị ứng. Rất nhiều người không biết, tưởng mình bị viêm họng và đi khám. Cũng có trường hợp bác sĩ cho toa viêm họng nhiều lần mà bệnh nhân vẫn không hết ho. Do đó, khi đi khám, bạn cần phải nói rõ cho bác sĩ biết là mình đang bị bệnh gì và các loại thuốc đang dùng.
Mách bạn cách trị ngứa cổ họng tại nhà
Ngoài việc dùng thuốc, giảm các yếu tố kích thích gây ngứa cổ họng như đã đề cập ở trên thì làm sao để hết ngứa họng?
Ngứa họng nên làm gì hay ngứa họng thì làm gì? Làm sao để hết ngứa họng hoặc làm thế nào để hết ngứa họng? Mời bạn tham khảo cách trị ngứa cổ họng dưới đây.
Nhiều bài thuốc dân gian “tỏ ra” khá hiệu nghiệm trong việc trị ngứa cổ họng dù chưa được kiểm chứng rõ ràng bằng y học hiện đại. Vì vậy, để giảm ngứa họng hay chữa ngứa họng, hãy áp dụng cách trị ngứa cổ họng sau đây:
Với những nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm, thậm chí là có sẵn trong vườn nhà, trong gian bếp, trong tủ lạnh, bạn đã có thể trở thành thầy thuốc cho chính mình hoặc cho người thân với cách chữa ngứa họng này. Nếu muốn chắc chắn hơn, bạn có thể hỏi bác sĩ của mình để có được lời khuyên tốt nhất nhé. Sau đây là một số mẹo trị ngứa cổ họng mà bạn có thể áp dụng để giảm ngứa họng hay chữa ngứa họng:
- Ngậm một thìa mật ong nguyên chất
- Súc họng bằng nước muối ấm
- Ngậm kẹo “chuyên dụng” cho họng và uống sirô ho
- Dùng trà nóng với chanh và mật ong
- Uống thuốc chống dị ứng nếu có và xịt mũi bằng nước biển sâu.
Phòng ngừa ngứa cổ họng
Có một số cách mà bạn có thể thực hiện để ngăn chặn cơn ngứa cổ họng, chẳng hạn như:
- Bỏ hút thuốc (nếu có), giảm thiểu tối đa nguy cơ hút thuốc thụ động
- Uống nhiều nước
- Tránh thức uống có caffeine và rượu bia
- Rửa tay, đeo khẩu trang thường xuyên để tránh lây nhiễm trong mùa mà nhiều người bị cảm lạnh và cúm (tháng 10 đến tháng 5).
Ngứa cổ họng: Khi nào cần đi khám?
Không phải lúc nào, cứ thấy ngứa cổ họng là bạn phải đến ngay bác sĩ để được thăm khám. Trong thực tế, bạn có thể tự chăm sóc cho mình khi thấy ngứa cổ họng bằng những cách đã giới thiệu ở trên. Tuy nhiên, bạn nên đến bác sĩ để khám nếu các triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày và có xu hướng tăng lên hoặc việc tự chăm sóc không đem hiệu quả. Thậm chí, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay khi thấy có các triệu chứng sau:
- Khó thở
- Thở rít, khò khè
- Phát ban
- Sưng mặt
- Đau họng nghiêm trọng
- Sốt
- Khó nuốt.
Những biểu hiện trên cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức. Tùy theo từng loại bệnh và diễn tiến, bác sĩ sẽ có phương án điều trị riêng, kịp thời và phù hợp với bạn.
Ngứa cổ họng gây ho dẫn đến nhức đầu có bình thường không?
Nhiều người thường thắc mắc ngứa cổ họng ho nhiều dẫn đến đau đầu là do đâu, có bình thường không? Cơn nhức đầu xảy ra ngay sau khi ho, thường kéo dài vài giây đến vài phút, có khi kéo dài đến hai giờ. Người bệnh có thể thấy đau nhói hai bên thái dương và đau nhiều hơn ở phía sau đầu. Cơn đau cũng có thể âm ỉ trong nhiều giờ.
Cơ chế gây đau đầu có thể do việc nén hơi khi ho làm tăng đột ngột áp lực lên các tĩnh mạch vùng đầu cổ, dẫn tới tăng áp lực tĩnh mạch não. Giống như máu tĩnh mạch đầu cổ bị chặn đường đi xuống trong một khoảnh khắc. Người ta thường nói “ho nổ đom đóm mắt” là có thật.
Khó có thể trả lời rằng nhức đầu do ho có bình thường không. Nếu chỉ bị nhức đầu khi ho còn không ho thì không làm sao cả, bạn có thể yên tâm về vấn đề này. Nhưng, nếu bạn bị đau đầu đột ngột sau khi ho, đặc biệt, cơn đau đầu kéo dài hoặc tăng lên hoặc có các triệu chứng khác kèm theo như mất thăng bằng, nhìn mờ hoặc nhìn đôi… thì bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám. Có thể bác sĩ sẽ đề nghị bạn làm thêm các xét nghiệm cần thiết như chụp MRI hoặc CT não để xác định những nguyên nhân tiềm ẩn có thể gây nguy hiểm như phình mạch não….
[embed-health-tool-heart-rate]