Nấm họng là bệnh viêm họng do vi nấm phát triển ở trong họng miệng gây ra, khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu, ăn uống khó khăn. Vậy tại sao lại bị mắc bệnh này và làm thế nào để điều trị hiệu quả?
Mời bạn tham khảo những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau đây.
Bệnh nấm họng là gì?
Bệnh nấm họng (bệnh nấm amidan, nhiễm nấm họng, viêm họng do nấm, viêm amidan nấm, nhiễm nấm họng, tưa miệng) là một tình trạng viêm ở niêm mạc họng do vi nấm gây ra.
Thủ phạm gây bệnh thường là loại nấm men hơn là loại nấm mốc. Những người có nguy cơ mắc bệnh cao thường là những người có sức đề kháng kém, chẳng hạn như đang sử dụng kháng sinh phổ rộng và dài ngày, đang bị bệnh lao phổi, bị bệnh tiểu đường, đang bị bệnh rối loạn chuyển hóa, thiếu vitamin, đang điều trị bằng hóa chất, đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, đang bị HIV.
Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh nấm họng là gì?
Theo các chuyên gia, khi bị nấm họng, ngoài những khó chịu như viêm họng thông thường, người bệnh thường có các triệu chứng sau:
- Cảm giác cộm vướng ở họng
- Cảm giác ngứa, bỏng rát
- Khô họng dai dẳng
- Tăng cảm họng, buồn nôn
- Đau nhức lan lên tai hoặc xuống quai hàm, nhất là khi nuốt
Cơn đau thường tăng lên khi ăn uống các loại thực phẩm, gia vị có tính kích thích.
Người bệnh thường hâm hấp sốt, ăn không ngon, suy nhược, nhức đầu, khó ngủ, bứt rứt, khó chịu, hay bực bội, cáu gắt nhất là khi bệnh lan ra cả miệng và lưỡi. Bệnh có thể thấy ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất vẫn là ở người già và trẻ em.
Về lâm sàng, có thể bệnh đang ở trong giai đoạn cấp tính hoặc mãn tính. Tổn thương ở vùng amidan, thành sau họng, vòm miệng, mặt trong má, lưỡi và nướu răng. Ban đầu, người bệnh thường thấy cảm giác ngứa rát râm ran trong hầu họng, đây là điểm rất đặc trưng để nghĩ đến viêm họng này là do nấm.
Khi nhìn vào trong họng miệng, thường gặp nhất là tổn thương dạng giả mạc, nó giống như lớp váng trắng mỏng lắng cặn, có mùi chua, tuy dễ lấy nhưng bề mặt niêm mạc có thể bị rớm máu. Ta cũng có thể gặp dạng tăng sản dày cộm lên thành từng mảng, khó bóc ra. Trong một số trường hợp cũng có thể thấy tổn thương dạng xuất tiết, hồng ban, trong đó không thấy các mảng bám, chỉ thấy niêm mạc phẳng và bóng đỏ bất thường. Đôi khi gặp tổn thương dạng vết lở loét chảy máu trên niêm mạc mà không thấy mảng bám. Các tổn thương có thể lan xuống hạ họng, thanh quản, thực quản làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh. Mảng nấm có thể có màu trắng đục, vàng, nâu đen. Khi gỡ, có thể dễ dàng hoặc khó khăn do bám dính, gây rỉ máu trên bề mặt niêm mạc. Khi chẩn đoán, phải loại trừ với bệnh bạch hầu.
Khi nào bạn cần phải đi khám?
Nguyên nhân gây bệnh nấm họng
Theo kết quả từ một số nghiên cứu cho thấy, các loại giống như nấm men, thuộc chi Candida được coi là tác nhân gây bệnh chính (như C. albicans, C. tropicalis, C. krusei, C. glabrata, C. parapsilosis…). Các loại nấm mốc (aspergillus, penicillins, geotrichum) đôi khi cũng là tác nhân gây bệnh.
Ở trẻ nhỏ, do hệ miễn dịch còn non nớt nên dễ mắc bệnh, nhất là khi trẻ bị suy giảm miễn dịch. Bệnh lây qua nước bọt nên người lớn cũng cần phải chú ý đề phòng cho trẻ. Ở những trẻ mà sức đề kháng tốt thì rất khó bị lây nhiễm.
Chẩn đoán nấm họng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Bệnh nấm cổ họng được chẩn đoán dựa trên việc khai thác những triệu chứng chủ quan của bệnh nhân, các dấu hiệu khách quan khi thăm khám nhận diện những tổn thương tại chỗ. Nếu chưa rõ, thì các bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm bệnh phẩm từ họng miệng. Thông thường chỉ cần soi tươi dưới kính hiển vi đã có thể thấy được nấm. Tuy ở người khỏe mạnh bình thường thì trong họng miệng cũng có nấm nhưng số lượng rất ít chứ không sinh sôi nhiều như khi nó đang gây bệnh. Kỹ thuật nuôi cấy nấm chỉ làm khi chưa xác định rõ chủng loại hoặc khi cần tìm ra loại thuốc kháng nấm hiệu quả nhất, trong trường hợp bệnh nặng, dai dẳng, kháng trị với điều trị theo kinh nghiệm. Các thông tin mà thông thường bạn cần phải cung cấp cho bác sĩ khi được thăm khám bao gồm:
- Thời điểm bạn nhận thấy các dấu hiệu khó chịu
- Mô tả các triệu chứng mà bạn cảm thấy
- Tiền sử những lần viêm họng trước đây
- Các loại kháng sinh đã hoặc đang sử dụng, khoảng thời gian sử dụng
- Có hay không việc sử dụng Corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác
- Có hay không có bệnh ung bướu mà đang phải hóa trị
- Có bị mắc các bệnh như lao, đái tháo đường, béo phì, bệnh tuyến giáp, viêm gan siêu vi B hoặc C không
- Tiền sử dị ứng nếu có
- Điều kiện sống và làm việc…
Khi khám xét, các bác sĩ cũng thực hiện chẩn đoán phân biệt với các bệnh có thể gây nhầm lẫn khác như giả mạc trong bệnh bạch hầu, các vết loét trong bệnh giang mai, bệnh lao, loét hoại tử do khối u ác tính…
Điều trị nấm họng
Thuốc điều trị nấm họng có rất nhiều loại. Tùy theo loại mầm bệnh, tình trạng và giai đoạn bệnh cũng như độ tuổi, các bệnh kết hợp, tình trạng chức năng gan thận, mức độ dung nạp và các phản ứng phụ trên từng người bệnh cụ thể mà các bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc điều trị. Thuốc có thể dùng theo đường tại chỗ hoặc toàn thân hoặc kết hợp. Các loại thường được kê đơn để trị nấm như nystatin, leporinum, dequalinium clorua, gentian 1%, dung dịch natri tetraborat 10% trong glycerol, dung dịch iốt lugol, fluconazole, itraconazole, ketoconazole, amphotericin B…
Lưu ý rằng một số loại thuốc có thể gây độc cho gan thận nên không tự ý điều trị mà phải tuyệt đối tuân thủ theo đơn của bác sĩ.
Phòng tránh bệnh nấm họng
Vì bệnh nấm họng chỉ xảy ra khi cơ thể suy giảm sức đề kháng, cho nên, cần phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, thực hiện lối sống và chế độ sinh hoạt lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực, điều trị tích cực các bệnh nền khác… Để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh nấm họng ở con trẻ, bạn cần hướng dẫn cho bé:
- Rửa tay kỹ lưỡng và thường xuyên, đặc biệt là sau khi sử dụng nhà vệ sinh và trước khi ăn
- Tránh dùng chung thực phẩm hoặc đồ dùng với người khác
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào khác, xin vui lòng tham vấn bác sĩ để có được sự hỗ trợ tốt nhất.
[embed-health-tool-heart-rate]