Trong những trường hợp hiếm gặp hơn, tình trạng đau ở vùng yết hầu có thể do có khối u hoặc u nang dịch ở lân cận xung quanh yết hầu hoặc ở trong lòng thanh quản ngay sau yết hầu hoặc ở vùng sau nữa như xoang lê, miệng thực quản. Ung thư tuyến giáp cũng có thể dẫn đến các cơn đau ở khu vực này nên cần cẩn trọng. Vì vậy, bạn cần chú ý đến các triệu chứng sau đây để đi khám kịp thời:
- Có khối u dưới yết hầu
- Đau ở yết hầu
- Khó nuốt thức ăn
- Ho nhiều, ho ra máu
- Khàn giọng
- Sụt cân
- Đôi khi đau ở hàm và tai.
Ngoài ra, một số trường hợp viêm thanh quản, ung thư thanh quản… cũng có thể gây đau ở vùng yết hầu. Đáng sợ nhất là những bệnh lý gây bít tắc đường thở ở thanh quản, đe dọa tính mạng như sưng phù cấp, khối u lớn chèn ép…
Cảm giác đau ngay tại yết hầu do chính bệnh lý của nó thì rất hiếm, tuy nhiên nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là chấn thương sụn giáp. Chấn thương có thể gây đụng giập, nứt vỡ sụn giáp, gây cảm giác đau nhói khi chạm vào. Sụn giáp cũng có thể bị tổn thương do xạ trị vùng cổ. Ngoài ra, màng sụn giáp cũng có thể bị viêm, mô sụn giáp cũng có thể bị viêm trong bệnh lý viêm đa sụn, một loại bệnh tự miễn rất hiếm gặp.
Bạn nên làm gì nếu ấn vào yết hầu thấy đau?

Trong hầu hết trường hợp, cơn đau ở vùng yết hầu có thể được điều trị bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà, tuy nhiên cũng tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Bạn có thể không cần nhập viện nếu xác định được nguyên nhân đau trái cổ là do những bệnh không nghiêm trọng lắm như viêm họng hoặc trào ngược axit dạ dày… Lúc này, bạn có thể áp dụng một số giải pháp sau đây để “đối phó”:
- Nếu đau do nhiễm trùng đường hô hấp trên, bạn hãy thử súc họng bằng nước muối.
- Sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm nếu đau do chấn thương “sơ sơ” ở vùng cổ.
- Chườm ấm tại chỗ cũng có thể giúp giảm đau.
- Trường hợp đau yết hầu liên quan đến trào ngược axit dạ dày thì nên hạn chế việc ăn uống ít nhất là 2 giờ trước khi đi ngủ; tránh dùng thức ăn cay, rượu bia; ăn chậm nhai kỹ; hạn chế và bỏ hút thuốc lá (nếu có)… song song với việc dùng thuốc được kê đơn từ bác sĩ để điều trị đạt hiệu quả.
Nếu tình trạng đau liên quan đến các vấn đề về tuyến giáp, chẳng hạn như viêm tuyến giáp, hoặc nghi ngờ do những bệnh lý nghiêm trọng hơn thì bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh chủ quan mà tự ý điều trị tại nhà.
Nhìn chung, đau yết hầu thường không nguy hiểm nếu do những nguyên nhân “phổ thông đại chúng”, tuy nhiên nó có thể khiến bạn có đôi chút khó chịu và lo lắng, nhất là khi bạn chưa rõ nguyên nhân. Cho nên, “cẩn tắc vô áy náy”, nếu tự cảm thấy có gì đó không ổn, nên tới gặp bác sĩ cho “chắc ăn” bạn nhé.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!