Viêm thanh quản là tình trạng dây thanh âm bị viêm do chịu tác động kích thích, hoạt động quá mức hoặc nhiễm trùng. Triệu chứng chủ yếu của viêm thanh quản là khàn giọng. Nếu không có triệu chứng nào khác quá nghiêm trọng, bạn có thể áp dụng những bài thuốc dân gian chữa viêm thanh quản tại nhà để điều trị bệnh.
Tuy nhiên, khi khàn giọng kéo dài hơn 1 tuần, bạn cần đi khám để được bác sĩ kiểm tra, đánh giá tình trạng cổ họng và sức khỏe của mình.
12 cách chữa viêm thanh quản hiệu quả tại nhà
Các cách trị viêm thanh quản tại nhà là gì hay các bài thuốc dân gian chữa viêm dây thanh quản là gì? Hãy khám phá 12 cách chữa viêm thanh quản tại nhà mà Hello Bacsi tổng hợp được dưới đây:
1. Hạn chế việc nói để chữa viêm thanh quản, khản tiếng
Khi bị viêm thanh quản phải làm sao để nhanh giảm nhẹ triệu chứng? Câu trả lời là bạn nên hạn chế nói nếu có thể. Nguyên nhân là bởi khi bị viêm thanh quản, các dây thanh âm của bạn sẽ bị sưng và trở nên nhạy cảm. Lúc này, điều quan trọng nhất là phải cho thanh quản của bạn có thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi. Do đó, bạn cần cố gắng tránh những tình huống đòi hỏi nói nhiều, nói lớn tiếng hoặc la hét.
Trong các trường hợp buộc phải nói chuyện, chẳng hạn như trong một cuộc họp hoặc phát biểu trước đám đông, bạn có thể sử dụng micro hoặc các thiết bị khuếch đại âm thanh khác để tránh việc nói to, gây tác động đến dây thanh quản.
Ca hát sẽ làm cho dây thanh âm của bạn bị viêm và sưng nhiều hơn. Vì vậy, hãy tạm nghỉ hát một vài ngày. Hạn chế nói nhất có thể và chỉ nói ở mức âm lượng mà bạn thấy dễ chịu.
2. Súc miệng bằng nước muối ấm
Một cách trị viêm thanh quản tại nhà đơn giản, hiệu quả mà bạn có thể áp dụng ngay là súc miệng bằng nước muối ấm.
Theo các chuyên gia sức khỏe, bạn có thể làm dịu cơn đau rát cổ họng bằng cách súc miệng với nước muối ấm. Hãy hòa tan 1/4 đến 1/3 thìa cà phê muối vào 240ml nước ấm. Nhấp một ngụm, ngửa cổ lên và khò họng, cố gắng súc xung quanh phần phía sau cổ họng, sau đó nhổ ra. Lặp lại việc này thường xuyên để tăng hiệu quả chữa trị viêm thanh quản. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu chữa viêm thanh quản tại nhà cho bé.
3. Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí để chữa viêm thanh quản
Việc hít thở không khí khô có thể gây kích thích cổ họng gây ngứa họng và góp phần gây viêm dây thanh âm. Điều này đặc biệt phổ biến trong mùa đông, khi các thiết bị điều hòa lưu chuyển không khí khô vào nhà hoặc vào văn phòng của bạn. Việc dùng máy tạo độ ẩm hoặc máy phun sương sẽ làm tăng độ ẩm trong không khí, giúp hạn chế kích thích cổ họng và làm lỏng đờm.
Nếu bạn không có máy tạo độ ẩm, hãy tắm nước ấm hoặc ngâm mình trong bồn tắm với nước ấm hoặc ngồi trong nhà tắm đóng kín cửa và xả nước ấm.
4. Sử dụng viên ngậm trị viêm họng
Dùng viêm ngậm chữa viêm thanh quản khản tiếng có hiệu quả không? Câu trả lời là viên ngậm trị viêm họng có tác dụng bổ sung độ ẩm cho cổ họng giúp giảm đau và giảm ho. Bạn có thể dễ dàng tìm mua các loại viêm ngậm với nhiều hương vị khác nhau tại các hiệu thuốc Tây.
5. Giấm táo
Nhiều người thường thắc mắc cách trị viêm thanh quản tại nhà với giấm táo có hiệu quả như lời đồn không, thực hiện như thế nào?
Bạn có biết giấm táo có đặc tính kháng khuẩn, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng? Để pha chế dung dịch giấm táo chữa viêm thanh quản, bạn đổ 1 đến 2 thìa súp giấm táo thô, chưa lọc vào một cốc nước nhỏ. Thêm vào cốc 1 thìa cà phê mật ong rối khuấy đều. Uống dung dịch này một hoặc hai lần mỗi ngày để chữa trị viêm thanh quản.
6. Cách chữa viêm thanh quản bằng mật ong và trà ấm
Cách chữa viêm thanh quản khản tiếng bằng mật ong được thực hiện như thế nào? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây!
Việc nhấm nháp một tách trà ấm sẽ nhanh chóng làm dịu cổ họng bị kích thích của bạn. Các loại trà thảo dược, chẳng hạn như trà hoa cúc, có chứa chất chống oxy hóa, có thể giúp chống viêm và tăng cường hệ miễn dịch.
Bên cạnh đó, việc kết hợp trà và mật ong sẽ giúp tăng hiệu quả chữa trị viêm thanh quản. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mật ong có tác dụng trị ho và đờm tương tự các loại thuốc không kê đơn trên thị trường. Vì vậy, cách chữa viêm thanh quản bằng mật ong là hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học.
7. Trà cây du trơn với chanh
Bị đau họng, khản tiếng do viêm thanh quản uống gì? Gợi ý là bạn có thể uống trà cây du trơn với chanh.
Trà cây du trơn được làm từ rễ và vỏ thân khô của cây du trơn. Loại trà này đã được sử dụng từ lâu trong Đông y và thảo dược Ấn Độ để điều trị bệnh viêm đường hô hấp trên. Uống trà cây du trơn sẽ làm dịu cổ họng bị đau, giúp bạn nói chuyện dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc cho thêm chanh vào trà có thể giúp tăng cường miễn dịch và từ đó giúp mau chóng lành bệnh.
8. Chữa viêm thanh quản bằng gừng
Gừng là một vị thuốc quý đã được sử dụng trong y học cổ truyền từ hàng ngàn năm nay. Tác dụng của gừng bao gồm việc ức chế các cơn ho khan, giảm cảm giác khó chịu và giúp điều trị nhiễm trùng cổ họng. Do vậy, bạn có thể áp dụng cách chữa viêm thanh quản bằng gừng nhằm giảm các triệu chứng của bệnh. Đây là một bài thuốc dân gian chữa viêm dây thanh quản mà mọi người thường truyền tai nhau.
Thực tế, gừng có thể được sử dụng để chữa viêm thanh quản theo nhiều cách khác nhau. Bạn có thể thêm một vài lát gừng tươi đã gọt vỏ vào sinh tố và nước ép hoặc cắt nhỏ nó và thêm vào món xào như một loại gia vị. Bạn cũng có thể pha trà gừng mật ong để uống, vừa thơm ngon vừa có công dụng chữa bệnh hiệu quả.
9. Cách chữa viêm dây thanh quản bằng tinh dầu
Sử dụng tinh dầu thiên nhiên cũng là một lựa chọn điều trị viêm thanh quản đơn giản và hiệu quả. Chẳng hạn, tinh dầu khuynh diệp có tác dụng làm lỏng đờm và làm dịu kích ứng. Bạn có thể cho 4-5 giọt tinh dầu vào máy khuếch tán/máy tạo độ ẩm hoặc thoa một ít tinh dầu lên gối vào ban đêm. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không nuốt tinh dầu vì nó có thể gây ra những triệu chứng nguy hiểm.
10. Bài thuốc dân gian chữa viêm thanh quản bằng tỏi tươi
Khi nhắc đến bài thuốc dân gian chữa viêm dây thanh quản hiệu quả tại nhà, không thể không nhắc đến tỏi tươi. Đặc tính kháng khuẩn của tỏi có thể giúp bạn chống lại các tình trạng nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm xoang, viêm phế quản và viêm thanh quản.
Tỏi tươi cực kỳ đa năng và dễ sử dụng. Hãy thêm một vài tép tỏi vào khi chế biến nước chấm, các món xào hoặc salad để món ăn thêm ngon miệng và cơ thể thêm khỏe mạnh.
11. Súc miệng bằng dung dịch giấm pha loãng
Súc miệng bằng dung dịch giấm pha loãng cũng là một cách chữa viêm dây thanh quản tại nhà rất đáng thử. Trộn một đến hai thìa súp giấm táo hoặc giấm trắng vào một cốc nước, sau đó súc miệng và nhổ ra. Phương pháp này cũng có thể được áp dụng để chữa viêm thanh quản tại nhà cho bé.
12. Uống nhiều nước và chất lỏng
Ngoài các cách trị viêm thanh quản tại nhà kể trên thì khi bị viêm thanh quản cần phải làm gì? Câu trả lời là hãy uống đủ nước.
Khi bị viêm thanh quản, việc uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây, nước dùng và trà ấm sẽ giúp bạn bổ sung chất lỏng làm lỏng đờm và giảm nghẹt mũi. Tuy nhiên, bạn nên tránh các chất lỏng có chứa caffeine vì chúng có thể gây ra tình trạng mất nước.
Những điều cần tránh khi bị viêm thanh quản
Trong quá trình điều trị viêm thanh quản, bạn cần cố gắng tránh những điều sau đây:
- Hát và la hét: Hát hoặc la hét sẽ gây ra những tác động và kích thích không cần thiết đến dây thanh âm của bạn. Điều này chỉ làm tình trạng viêm trở nên nặng hơn và mất nhiều thời gian để phục hồi bệnh.
- Nói thì thầm: Nghe có vẻ vô lý, nhưng thực chất việc nói thì thầm sẽ khiến cho dây thanh âm của bạn bị căng thẳng nhiều hơn là nói bình thường.
- Uống rượu bia và thức uống có cồn: Tránh uống rượu, thức uống có cồn trong quá trình chữa viêm thanh quản, vì thói quen xấu này có thể gây mất nước.
- Sử dụng thuốc thông mũi: Các loại thuốc điều trị bệnh cảm lạnh không kê đơn có chứa thuốc thông mũi có thể làm khô cổ họng của bạn, gây ra nhiều kích ứng hơn.
- Hút thuốc, kể cả hút thuốc thụ động: Việc dùng bất kỳ loại thuốc lá nào, kể cả thuốc lá điện tử, cũng có thể gây kích ứng cổ họng, gây ho và kéo dài thời gian chữa khỏi bệnh.
Viêm thanh quản: Khi nào cần đi khám?
Đa số trường hợp viêm thanh quản cấp tính thường tự khỏi sau khoảng một tuần nếu áp dụng đúng các phương pháp khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh cần dùng thuốc chữa viêm thanh quản, khản tiếng. Vậy, người bị viêm thanh quản uống thuốc gì? Nếu bạn là ca sĩ hoặc người thường xuyên phải sử dụng giọng nói của mình, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc corticosteroid để giảm viêm ở dây thanh âm.
Nếu tình trạng khàn giọng kéo dài hơn một vài tuần, bạn có thể đã bị viêm thanh quản mãn tính. Lúc này, bạn nên đến thăm khám tại bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng vì triệu chứng khàn giọng có thể do trào ngược axit hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra.
[embed-health-tool-heart-rate]