backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Nghiệm pháp bàn nghiêng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 24/02/2020

Nghiệm pháp bàn nghiêng

Tìm hiểu chung

Nghiệm pháp bàn nghiêng là gì?

Nghiệm pháp bàn nghiêng được sử dụng để đánh giá, chẩn đoán nguyên nhân chưa rõ gây ngất ở người bệnh.

Trong quá trình kiểm tra, người bệnh được đặt nằm trên một chiếc bàn đặc biệt có thể nâng lên từ 60 đến 80 độ trong khi y tá hoặc bác sĩ theo dõi huyết áp và nhịp tim.

Khi nào bạn cần tiến hành nghiệm pháp bàn nghiêng?

Bác sĩ sẽ đề xuất nghiệm pháp bàn nghiêng nếu bạn bị choáng váng, chóng mặt hoặc ngất xỉu nhiều lần mà không rõ nguyên nhân. Nghiệm pháp này có thể giúp xác định xem nguyên nhân có liên quan đến nhịp tim hoặc huyết áp của bạn hay không. Nghiệm pháp sẽ tạo điều kiện cho các dấu hiệu và triệu chứng của người bệnh xuất hiện, song song với theo dõi nhịp tim và huyết áp.

Nếu triệu chứng xuất hiện khi người bệnh ở tư thế thẳng đứng trên bàn nghiêng, hệ thống thần kinh sẽ đột ngột hạ thấp huyết áp và nhịp tim người bệnh trong khoảng thời gian ngắn. Lưu lượng máu đến não bị sụt giảm có thể khiến người bệnh ngất xỉu.

Quy trình thực hiện

Cần chuẩn bị gì cho nghiệm pháp bàn nghiêng?

Người bệnh có thể được yêu cầu không ăn hoặc uống từ 2 giờ trở lên trước khi tiến hành nghiệm pháp bàn nghiêng. Nếu đang điều trị bệnh, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc.

Trước khi tiến hành nghiệm pháp bàn nghiêng

Để tiến hành nghiệm pháp, các chuyên viên y tế sẽ:

  • Giúp người bệnh nằm thẳng trên bàn, đặt bàn chân vào bục kê chân, cài dây đai xung quanh cơ thể để giữ người bệnh đúng vị trí.
  • Đặt các miếng dán điện cực lên ngực, chân và cánh tay của người bệnh. Kết nối các điện cực với máy điện tâm đồ để theo dõi nhịp tim người bệnh.
  • Đặt máy đo huyết áp hoặc vòng bít trên ngón tay, cánh tay hoặc cả hai để kiểm tra huyết áp trong quá trình tiến hành nghiệm pháp.
  • Trong giai đoạn thứ hai của nghiệm pháp, các chuyên viên có thể đặt một đường truyền tĩnh mạch trong cánh tay người bệnh để dẫn thuốc.

Trong khi tiến hành nghiệm pháp bàn nghiêng

Người bệnh nằm ngửa trên một bàn được cơ giới hóa trong khoảng năm phút. Chiếc bàn sẽ được nâng lên đến vị trí gần như thẳng đứng và duy trì vị trí này từ 5 đến 45 phút, tùy thuộc vào lý do tiến hành. Người bệnh sẽ được yêu cầu giữ yên cơ thể và báo cáo các dấu hiệu hay triệu chứng như buồn nôn, đổ mồ hôi, chóng mặt hoặc nhịp tim không đều. Nếu cảm thấy không thoải mái, người bệnh nên thông báo ngay cho chuyên viên hoặc bác sĩ.

Trong trường hợp người bệnh không bị ngất hoặc có các triệu chứng khác sau 45 phút, người bệnh sẽ được tiêm tĩnh mạch thuốc isoproterenol trên cánh tay. Thuốc này có thể thúc đẩy phản xạ bất thường của hệ thần kinh, khiến người bệnh ngất xỉu. Sau đó, người bệnh vẫn giữ tư thế thẳng đứng trong 15 đến 20 phút nữa. Nhịp tim và huyết áp của người bệnh sẽ được theo dõi ở mỗi vị trí bàn để đánh giá phản ứng của tim mạch với từng sự thay đổi vị trí.

Sau khi tiến hành nghiệm pháp bàn nghiêng

Nếu người bệnh bị ngất trong khi bàn đang ở vị trí thẳng đứng, bàn sẽ được đưa về vị trí nằm ngang ngay lập tức để tiếp tục theo dõi. Hầu hết người bệnh đều lấy lại ý thức gần như ngay lập tức.

Trong một số trường hợp, nếu huyết áp và nhịp tim thay đổi cho thấy người bệnh sắp ngất, bàn sẽ được đưa trở lại vị trí nằm ngang để người bệnh không bị mất ý thức.

Khi nghiệm pháp hoàn tất, người bệnh có thể trở lại các hoạt động bình thường.

Nghiệm pháp bàn nghiêng có thể kéo dài khoảng 90 phút nếu người bệnh có thực hiện giai đoạn 2 (tiêm thuốc tĩnh mạch). Nếu chỉ thực hiện một giai đoạn, nghiệm pháp thường hoàn tất trong vòng 30 đến 40 phút.

Rủi ro và biến chứng

Rủi ro và biến chứng của nghiệm pháp bàn nghiêng là gì?

Nghiệm pháp bàn nghiêng nhìn chung là an toàn và hiếm có biến chứng. Tương tự nhiều thủ tục y khoa khác, nghiệm pháp này cũng mang một số rủi ro, chẳng hạn như:

  • Buồn nôn và nôn
  • Cảm giác yếu sức có thể kéo dài vài giờ
  • Huyết áp thấp kéo dài (hạ huyết áp) sau khi thử nghiệm

Những biến chứng này thường biến mất khi bàn được đưa trở lại vị trí nằm ngang.

Kết quả

Các kết quả của nghiệm pháp bàn nghiêng

Kết quả của nghiệm pháp bàn nghiêng dựa trên việc người bệnh có bị ngất khi tiến hành hay không, cũng như những thay đổi trong huyết áp và nhịp tim của người bệnh. Nghiệm pháp có kết quả âm tính (bình thường) là khi nhịp tim người bệnh chỉ tăng nhẹ, huyết áp không giảm đáng kể và không có dấu hiệu ngất xỉu.

Nếu huyết áp giảm trong quá trình thử nghiệm, người bệnh cảm thấy lâng lâng hoặc chóng mặt thì kết quả của nghiệm pháp là dương tính.

Tùy thuộc vào kết quả, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm bổ sung để loại trừ các nguyên nhân gây ngất khác. Ví dụ, khi người bệnh bị ngất do nhịp tim chậm, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng máy điều hòa nhịp tim.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 24/02/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo