Hiện nay, “cách chữa liệt dây thần kinh số 7 theo Đông y” được nhiều người quan tâm. Theo chia sẻ của nhiều độc giả thì các phương pháp chữa liệt dây thần kinh số 7 của Đông y có hiệu quả rõ rệt trong việc đẩy nhanh quá trình hồi phục, cải thiện tình trạng bệnh…
Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu cách chữa liệt dây thần kinh số 7 theo Đông y qua chia sẻ của bác sĩ CKI Y học cổ truyền Võ Thị Nhung.
Liệt dây thần kinh số 7 là gì?
Trước khi tham khảo các cách chữa liệt dây thần kinh số 7 theo Đông y, chúng ta hãy cùng tìm hiểu tình trạng liệt dây thần kinh số 7 là gì?
Theo y học cổ truyền, liệt dây thần kinh VII ngoại biên có bệnh danh là “Khẩu nhãn oa tà”, mà chúng ta quen gọi là liệt dây thần kinh số 7. Bệnh thường khởi phát đột ngột, làm một số cơ ở nửa mặt bị liệt, mắt bên bệnh không nhắm kín được, ăn uống bị rơi vãi thức ăn và đồ uống.
[embed-health-tool-bmi]
Các dấu hiệu liệt dây thần kinh số 7 mà bạn có thể nhận biết
Nhiều người thường thắc mắc các dấu hiệu liệt dây thần kinh số 7 là gì, làm thế nào để dễ dàng nhận biết?
Các dấu hiệu liệt dây thần kinh số VII ngoại biên thường xảy ra đột ngột. Đối với nguyên nhân do lạnh thì thường gặp sẽ là xuất hiện đột ngột vào buổi sáng, bệnh nhân ngủ dậy với các triệu chứng:
- Mặt 2 bên không cân đối, các cơ mặt bị kéo về bên lành.
- Trán mất nếp nhăn, lông mày hơi sụp xuống, má hơi xệ.
- Mắt bên liệt nhắm không kín.
- Miệng méo sang bên liệt.
- Nhân trung méo sang bên lành.
- Rãnh mũi má bên liệt mờ hoặc mất, góc mép miệng bị xệ xuống.
Nguyên nhân liệt dây thần kinh số 7 là gì?
Nhiều người thường thắc mắc nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 là gì hay tại sao bị liệt dây thần kinh số 7? Theo y học cổ truyền, có 2 nhóm nguyên nhân gây ra tình trạng liệt dây thần kinh số VII:
- Ngoại nhân: Thường do phong hàn, phong nhiệt thừa lúc tấu lý sơ hở xâm nhập vào các kinh dương ở đầu và mặt.
- Bất nội ngoại nhân: Do chấn thương ở vùng đầu mặt, gây huyết ứ ở các kinh lạc.
Những nguyên nhân này dẫn sự lưu thông của kinh khí mất bình thường gây ra khí trệ huyết ứ, kinh cân thiếu nuôi dưỡng không co lại được mà gây liệt mặt.
Cách chữa liệt dây thần kinh số 7 theo Đông y
Ưu điểm của việc áp dụng cách chữa liệt dây thần kinh số 7 theo Đông y là điều trị theo nguyên nhân gây bệnh, từ đó, linh hoạt sử dụng phương pháp điều trị thích hợp như dùng thuốc, điện châm – cứu ngải, xoa bóp – bấm huyệt… Mục đích của các phương pháp này là cải thiện hiệu quả hoạt động của dây thần kinh, giúp phục hồi và trở lại trạng thái bình thường như trước kia.
Có 3 cách chữa liệt dây thần kinh số 7 theo Đông y cụ thể như sau:
1. Cách chữa liệt dây thần kinh số 7 theo Đông y bằng thuốc
Việc dùng thuốc y học cổ truyền điều trị liệt dây thần kinh số VII sẽ theo phân loại thể bệnh. Cụ thể:
- Đối với thể bệnh phong hàn: Người bệnh xuất hiện các triệu chứng liệt dây thần kinh số VII sau khi đi mưa lạnh về hoặc ra vào môi trường lạnh đột ngột. Bài thuốc sử dụng các vị thuốc mang tính nóng ấm với mục đích khu phong tán hàn, ôn thông kinh lạc.
- Đối với thể bệnh phong nhiệt: Người bệnh xuất hiện các triệu chứng liệt dây thần kinh số VII sau khi bị sốt cao, bệnh lý zona thần kinh. Bài thuốc sử dụng các vị thuốc có tính lương mát với mục đích khu phong thanh nhiệt, hoạt huyết.
- Đối với thể bệnh huyết ứ: Người bệnh xuất hiện các triệu chứng liệt dây thần kinh số VII sau khi gặp sang chấn hoặc sau khi phẫu thuật vùng hàm mặt, xương chũm… Bài thuốc sử dụng các vị thuốc có tính ấm, tác dụng hành khí hoạt huyết khứ ứ.
2. Cách chữa liệt dây thần kinh số 7 theo Đông y bằng điện châm – cứu ngải
- Điện châm các huyệt tại chỗ vùng mặt: Toản trúc, tình minh, ty trúc không, thừa khấp, nghinh hương, giáp xa, nhân trung, địa thương, thừa tương…
- Điện châm các huyệt toàn thân:
- Thể phong hàn: Hợp cốc bên đối diện, phong trì
- Thể phong nhiệt: Hợp cốc bên đối diện, phong trì, khúc trì, nội đình
- Thể huyết ứ: Hợp cốc bên đối diện, huyết hải, túc tam lý
- Cứu ngải được ứng dụng cho các bệnh nhân biệt liệt dây thần kinh số VII thể phong hàn, không áp dụng cho thể phong nhiệt và huyết ứ.
Hiện nay, để thay thế cho phương pháp điện châm – cứu ngải truyền thống, các bác sĩ có thể tư vấn cho người bệnh thực hiện phương pháp cấy chỉ. Phương pháp cấy chỉ với sự kết hợp của y học cổ truyền và y học hiện đại sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao với ưu điểm tiết kiệm thời gian cho cả bệnh nhân và bác sĩ.
3. Cách chữa liệt dây thần kinh số 7 theo Đông y bằng xoa bóp – bấm huyệt
Sử dụng các phương pháp xoa bóp bấm huyệt nhằm kích thích tăng lượng tuần hoàn máu huyết và kích thích các liên kết thần kinh giúp quá trình phục hồi nhanh hơn, giảm tình trạng tê bì, cứng đờ vùng mặt do liệt dây thần kinh sốVII gây ra.
Cách chữa liệt dây thần kinh số 7 theo Đông y và các thắc mắc thường
Ngoài việc tìm hiểu các cách chữa liệt dây thần kinh số VII theo Đông y thì nhiều người cũng quan tâm đến các vấn đề xoay quanh chứng bệnh này. Hello Bacsi đã tổng hợp các thắc mắc để bác sĩ Võ Thị Nhung giải đáp giúp bạn như sau:
1. Liệt dây thần kinh số 7 có nguy hiểm không? Bị liệt dây thần kinh số 7 có tự khỏi không?
Liệt dây thần kinh số 7 được chia làm 2 loại là liệt dây thần kinh số 7 trung ương và liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.
- Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên thường phổ biến hơn và gây các triệu chứng méo miệng, mắt nhắm không kín, rãnh mũi má mờ, nhân trung lệch…
- Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đa phần không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó làm ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ vùng mặt, cảm giác của da, lưỡi và giảm chức năng của mắt, miệng, biểu cảm vùng mặt.
- Trong một số trường hợp, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có thể tự khỏi và không để lại di chứng.
- Liệt dây thần kinh số 7 trung ương thường xuất hiện kèm theo triệu chứng của liệt nửa người cùng bên hoặc đối bên trong bệnh lý tai biến mạch máu não. Biểu hiện của liệt dây thần kinh 7 trung ương sẽ là méo miệng, mờ rãnh mũi má, mắt nhắm bình thường, vết nhăn trán rõ.
2. Châm cứu liệt dây thần kinh số 7 bao lâu thì khỏi?
Thời gian hồi phục bệnh lý liệt dây thần kinh số 7 phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây bệnh, thời gian mắc bệnh, độ tuổi người bệnh. Người bệnh nên được điều trị sớm bằng châm cứu và điều trị tích cực trong vòng 3 tuần đầu kể từ khi phát hiện bệnh.
3. Bị liệt dây thần kinh số 7 nên kiêng gì để nhanh hồi phục?
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh và thể bệnh, bệnh nhân cần kết hợp thêm các kiêng cữ tại nhà để quá trình lành bệnh được phục hồi nhanh hơn. Với liệt dây thần kinh số 7 thể phong hàn, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc môi trường lạnh như máy lạnh, quạt gió phà vào vùng mặt, uống nước đá lạnh. Nên rửa mặt bằng nước ấm, ăn uống ấm, giữ ấm cơ thể, mang khẩu trang, mắt kính khi đi ra ngoài.
Việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái, hạn chế stress, hạn chế sử dụng chất kích thích… mang lại lợi ích cho việc nâng cao sức khỏe nói chung và giúp nhanh chóng phục hồi bệnh lý liệt dây thần kinh số 7 nói riêng.
4. Chữa liệt dây thần kinh số 7 tại nhà cần lưu ý gì? Có nên áp dụng các mẹo dân gian chữa liệt dây thần kinh số 7?
Việc điều trị liệt dây thần kinh số 7 cần được theo dõi bởi bác sĩ, tuy nhiên người bệnh có thể kết hợp thêm các cách điều trị tại nhà để quá trình phục hồi được liên tục mà không gián đoạn.
Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng, trong 1 tuần đầu kể từ khi khởi phát bệnh, các triệu chứng thường sẽ chuyển biến xấu hơn (mắt nhắm không kín, miệng méo hơn, chảy nước mắt, ăn uống rơi vãi…) điều này là diễn tiến bình thường của quá trình bệnh lý. Người bệnh không nên nóng vội xoa bóp mạnh hoặc tập quá nhiều lần trong ngày hay quá căng thẳng bởi vì như vậy sẽ làm quá trình phục hồi trở nên khó khăn hơn.
5. Các bài tập chữa liệt dây thần kinh số 7 là các bài tập nào?
Ngoài việc áp dụng các cách chữa liệt dây thần kinh số 7 theo Đông y, người bệnh liệt dây thần kinh số 7 có thể tập ở nhà với các bài tập sau đây:
Tập nói trước gương
Để thực hiện bài tập này, người bệnh nhìn vào gương và tập đánh vần các chữ cái nhằm mục đích tăng vận động cho các cơ quanh môi và vùng mặt, kích thích phục hồi thần kinh.
Tập nhắm mắt và nhướn cung mày
Một trong các đặc điểm đặc trưng của tình trạng liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là người bệnh không nhướn mày được và mắt nhắm không kín.
- Với bài tập nhướn cung mày, người bệnh có thể tập ở tư thế nằm hoặc ngồi thẳng, cố gắng nhướn cung mày lên phía trên, mỗi lần tập giữ 5 giây, lặp đi lặp lại 10-15 lần. Bạn có thể dùng tay để hỗ trợ nâng cung mày lên ở thời gian đầu khi động tác chưa làm lộ rõ vết nhăn trán.
- Bài tập nhắm mắt cũng được thực hiện tương tự, người bệnh cố gắng nhắm kín mắt nhất có thể. Trong thời gian đầu, khi mắt nhắm chưa kín bạn có thể dùng tay hỗ trợ khép mí mắt trên xuống, mỗi lần tập giữ 5 giây, lặp đi lặp lại 10-15 lần. Việc mắt nhắm không kín có thể gây nên tình trạng viêm kết mạc kèm theo, để làm giảm triệu chứng này, người bệnh cần vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý để giảm khô mắt, đỏ mắt.
Xoa bóp vùng mặt bên liệt
Một trong các triệu chứng làm bệnh nhân khó chịu là cảm giác cứng đờ vùng mặt bên liệt. Việc tự xoa bóp sẽ làm tăng tuần hoàn máu nuôi, tăng kích thích thần kinh, giúp bệnh nhân giảm triệu chứng này và nhanh phục hồi.
Bài tập này rất đơn giản, bạn có thể thực hiện khi nằm thư giãn hoặc ngồi thẳng. Dùng 2 bàn tay của mình xoa ấm, kết hợp thêm dầu massage hoặc bột phấn rôm để làm giảm ma sát lên da.
Các bước thực hiện cụ thể như sau:
- Bước 1: Dùng bàn tay ấm xoa vùng trán bên liệt, chiều từ trong ra ngoài. Dùng 2 ngón tay trỏ và giữa di chuyển theo chiều kim đồng hồ từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Vuốt cung lông mày từ trong ra ngoài, lặp lại 15-20 lần.
- Bước 2: Dùng 2 ngón tay trỏ và giữa vuốt quanh mí mắt trên dưới theo chiều từ trong ra ngoài, lặp lại 15-20 lần.
- Bước 3: Dùng toàn bộ bài tay xoa vùng miệng, rãnh mũi má, má bên liệt theo chiều từ trong ra ngoài, lặp lại 15-20 lần.
- Bước 4: Bấm huyệt đạo: Toản trúc, Tình minh, ty trúc không, nghinh hương, thừa khấp, quyền liêu, nhân trung, thừa tương, giáp xa, địa thương.
Hello Bacsi hi vọng rằng qua những thông tin mà bác sĩ Võ Thị Nhung chia sẻ trong bài, các bạn đọc đã hiểu thêm về cách chữa liệt dây thần kinh số 7 theo Đông y. Từ đó, người bệnh có thể đưa ra lựa chọn điều trị phù hợp và hiệu quả với tình trạng của bản thân.