backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Triệu chứng động kinh: Nhận diện các dạng điển hình

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Hồ Văn Hùng · Thần kinh · Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 18/03/2022

    Triệu chứng động kinh: Nhận diện các dạng điển hình

    Triệu chứng động kinh ở từng người bệnh có thể rất khác nhau. Một số người bị động kinh chỉ đơn giản là nhìn chằm chằm vào khoảng không trong vài giây nhưng cũng có nhiều người xuất hiện cơn co giật, co cứng dữ dội.

    Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về triệu chứng của các thể động kinh khác nhau qua những thông tin sau đây nhé!

    Triệu chứng động kinh cục bộ (khu trú)

    Cơn động kinh cục bộ thường xuất hiện do tổn thương chỉ xảy ra ở một vùng của não. Các cơn động kinh cục bộ thường được chia thành 2 loại: động kinh cục bộ đơn giản (cơn co giật cục bộ đơn giản, không gây mất ý thức) và động kinh cục bộ phức tạp (cơn co giật cục bộ kèm theo mất ý thức).

    1. Triệu chứng động kinh cục bộ đơn giản

    Một cơn động kinh cục bộ đơn giản có thể gây ra các biểu hiện như:

    • Tâm trạng lo lắng, sợ sệt một điều gì đó không thực.
    • Cảm giác khó chịu vùng bụng, ở vùng dạ dày như khi bị say xe.
    • Déjà vu – Hiện tượng mà một người cho rằng họ đã trải qua/sống trong trường hợp này ở quá khứ.
    • Ngửi thấy mùi hoặc miệng có vị bất thường.
    • Ngứa ran ở tay và chân.
    • Cảm thấy sợ hãi hoặc hưng phấn dữ dội.
    • Co cứng hoặc co giật một phần của cơ thể chẳng hạn cánh tay hay bàn tay.

    Trong cơn động kinh này, người bệnh vẫn có ý thức và nhận biết điều gì đang xảy ra. Đôi khi những cơn động kinh này được xem là dấu hiệu cảnh báo cho một cơn động kinh loại khác sắp xảy ra.

    2. Triệu chứng động kinh cục bộ phức tạp

    triệu chứng động kinh co giật

    Hầu hết người có cơn động kinh cục bộ phức tạp đều suy giảm hoặc mất đi ý thức, đồng thời thực hiện động tác lặp đi lặp lại. Chúng có thể là:

    • Động tác tự chuyển động cơ miệng (nhai, chép miệng, nuốt).
    • Động tác tự vận động tay, xoa tay.
    • Tạo ra các tiếng ồn, tạp âm ngẫu nhiên, không có nghĩa.
    • Nắm kéo quần áo hoặc liên tục loay hoay với những món đồ vật xung quanh.

    Trong cơn động kinh cục bộ phức tạp, bệnh nhân thường không thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào và sau đó, họ cũng không có kí ức gì về nó.

    Các cơn động kinh toàn thể

    Khi cơn động kinh xảy ra do tổn thương liên quan đến tất cả các vùng của não còn được gọi là cơn động kinh toàn thể. Động kinh toàn thể được chia thành 6 loại với các dấu hiệu nhận biết khác nhau.

    1. Triệu chứng động kinh cơn lớn (chứng co cứng – co giật toàn thân)

    triệu chứng động kinh cơn lớn

    Động kinh co cứng – co giật toàn thể hay còn được gọi là động kinh cơn lớn với 2 giai đoạn:

    • Giai đoạn co cứng. Người bệnh đột ngột mất ý thức và ngã vật xuống, có thể kèm theo tiếng la hét – không phải do đau đớn. Lúc này, người bệnh có thể không kiểm soát được cơ thể, răng cắn vào lưỡi, má làm máu chảy kèm theo nước bọt. Sau đó, các cơ co cứng mạnh.
    • Giai đoạn co giật tiếp nối sau giai đoạn co cứng, gây nên các cơn co giật cơ toàn thân, từ cơ mặt, cánh tay và chân, dần trở nên nhanh chóng và dữ dội. Sau trung bình 1-3 phút, cơn cơ co giật dần chậm lại và các cơ được “thả lỏng”, đến mức có thể mất kiểm soát ở bàng quang và ruột, gây nên triệu chứng đại, tiểu tiện không tự chủ.

    Sau giai đoạn co giật, bệnh nhân có thể bất tỉnh hay bước vào giấc ngủ sâu một vài phút trong lúc não hồi phục sau cơn động kinh. Sau đó, một số người bị đau đầu, mệt mỏi, bối rối và không nhớ những gì đã xảy ra.

    2. Triệu chứng của cơn động kinh vắng ý thức (Động kinh cơn nhỏ)

    Cơn động kinh vắng ý thức liên quan đến trạng thái mất ý thức ngắn, đột ngột và thường không gây tổn thương thực thể. Triệu chứng động kinh vắng ý thức đơn giản là người bệnh nhìn chằm chằm vào một khoảng trống trong vài giây – thường dễ nhầm lẫn với khi bạn bị mất tập trung. Họ cũng có thể:

    • Ngừng đột ngột các động tác đang thực hiện.
    • Chép môi.
    • Chớp mắt.
    • Nhai.
    • Xoa ngón tay hay các động tác chuyển động nhỏ lặp đi lặp lại ở tay.

    Cơn động kinh vắng ý thức thường chỉ kéo dài tối đa trong 15 giây và người bệnh thường không biết gì về chúng. Chúng có thể tái diễn nhiều lần trong ngày.

    3. Cơn động kinh giật cơ (Myoclonic seizure)

    Động kinh giật cơ là cơn co giật ở một hoặc một nhóm cơ trên cơ thể. Cơn co giật này có thể được mô tả như khi bị điện giật và chúng thường xảy ra ngay sau khi bạn thức dậy. Các cơn co giật cơ thường chỉ diễn ra rất ngắn, vài giây và người bệnh thường hoàn toàn tỉnh táo trong khoảng thời gian đó.

    4. Cơn động kinh co giật (Clonic seizure)

    Cơn động kinh co giật biểu hiện bởi các vận động của cơ thể nhanh, lặp đi lặp lại hoặc thành nhịp như trong cơn động kinh cơn lớn nhưng ở bạn không có triệu chứng co cứng như giai đoạn đầu của cơn động kinh co cứng – co giật. Cơn động kinh co giật thường kéo dài vài phút và người bệnh có thể bất tỉnh sau đó.

    5. Cơn co cứng cơ (clonic seizure)

    triệu chứng động kinh co cứng

    Triệu chứng động kinh co cứng là tất cả các cơ của người bệnh đột ngột căng cứng, giống như biểu hiện trong giai đoạn đầu của cơn động kinh cơn lớn. Điều này có nghĩa là người bệnh có thể mất thăng bằng và té ngã trong cơn động kinh co cứng.

    6. Cơn động kinh mất trương lực cơ (Atonic seizure)

    Ngược lại với cơn động kinh co cứng (tonic seizure), trong cơn động kinh mất trương lực, các cơ của bạn sẽ đột ngột giãn ra làm bạn mất thăng bằng và té ngã. Các cơn co giật này thường có xu hướng thoáng qua và bạn có thể đứng lên lại ngay lập tức sau đó.

    Bạn có thể xem thêm: Chữa bệnh động kinh bằng cách phẫu thuật: Làm càng sớm càng tốt

    Trạng thái động kinh

    Trạng thái động kinh chỉ bất kỳ cơn co giật nào kéo dài trên 5 phút hoặc có một loạt các cơn xảy ra liên tiếp nhau mà giữa các cơn người bệnh không tỉnh lại. Trường hợp này rất nguy hiểm, cần được cấp cứu ngay.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Hồ Văn Hùng

    Thần kinh · Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 18/03/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo