Chẩn đoán thiếu máu não: Cần thực hiện những xét nghiệm gì?

Thông tin kiểm chứng bởi Tố Quyên


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 28/09/2022

    Chẩn đoán thiếu máu não: Cần thực hiện những xét nghiệm gì?
    Quảng cáo

    Đánh giá và chẩn đoán thiếu máu não nhanh chóng là nền tảng để khắc phục thành công tình trạng thiếu máu lên não. Vậy cần làm xét nghiệm gì để biết thiếu máu não? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua những thông tin sau đây nhé!

    Hiểu rõ về thiếu máu não

    Não là một cơ quan đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động của cơ thể. Bất kỳ những tổn thương nào ở não đều có nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng. Trong đó, thiếu máu não là tình trạng thiếu máu cung cấp cho tế bào não, dẫn đến thiếu oxy gây chết não, nhồi máu não hoặc đột quỵ thiếu máu não.

    Thiếu máu não có thể biểu hiện qua những triệu chứng như: thường xuyên hoa mắt, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, tê bì chân tay, nhìn mờ, rối loạn vận động,… Trường hợp một người có những triệu chứng này nên nhanh chóng đi khám bác sĩ để chẩn đoán thiếu máu não hoặc loại trừ các bệnh lý khác để bắt đầu điều trị thích hợp, ngăn ngừa đột quỵ và các tổn thương não nặng nề khác.

    làm xét nghiệm gì để biết thiếu máu não? chẩn đoán thiếu máu não

    Làm xét nghiệm gì để biết thiếu máu não? Phương pháp chẩn đoán thiếu máu não

    Để chẩn đoán thiếu máu não, trước tiên bác sĩ sẽ dựa trên triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh và bệnh học gia đình của người bệnh. Dựa trên các triệu chứng và tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, bác sĩ có thể đề nghị tiến hành một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cho phép quan sát bên trong mạch máu để tìm vị trí tắc nghẽn (nếu có) và xác định xem đột quỵ đã xảy ra hay chưa. Các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sau đây có thể được chỉ định:

    Các xét nghiệm chẩn đoán thiếu máu não

    • Xét nghiệm thời gian prothrombin đo tốc độ máu chảy.
    • Xét nghiệm CBC (công thức máu hoàn chỉnh).
    • Điện tâm đồ (ECG) có thể được yêu cầu để kiểm tra nhịp tim bất thường.
    • Xét nghiệm men tim được đánh giá để xem liệu bạn có bị nhồi máu cơ tim không.
    • Xét nghiệm glucose máu thường được chỉ định ở những người rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng, nói đớ để loại trừ nguyên nhân liên quan đến đường huyết tăng cao (nếu có).
    • Đo nồng độ BUN và creatinin huyết thanh có thể được chỉ định để loại trừ suy thận. Vì suy thận có ảnh hưởng đến việc điều trị thiếu máu não.
    • Nồng độ các chất điện giải trong huyết thanh. Vì những triệu chứng thần kinh có thể bị nhầm lẫn với thiếu máu não.

    chẩn đoán thiếu máu não

    Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chẩn đoán thiếu máu não

    • Siêu âm là một kỹ thuật chẩn đoán không xâm lấn nhằm xác định xem có cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu hay không. Trong đó, siêu âm doppler xuyên sọ là một trong các phương pháp chẩn đoán thiếu máu não không xâm lấn hiệu quả.
    • Siêu âm tim cũng có thể được chỉ định để xác định các vấn đề về tim (nếu có).
    • Chụp X-quang giúp xác định tắc nghẽn và tổn thương mạch máu (nếu có).
    • Chụp CT não giúp xác định xuất huyết não hoặc các khối u ở não – cũng là những nguyên nhân có thể gây chết mô như thiếu máu lên não.
    • Chụp MRI (cộng hưởng từ) va CT mạch máu giúp bác sĩ có thêm nhiều góc quan sát, để quan sát mạch máu một cách chính xác hơn.
    • Chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) mang đến những hình ảnh chi tiết về mạch máu não, giúp hỗ trợ chẩn đoán thiếu máu não chính xác hơn.

    Sau khi thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận cho tình trạng sức khỏe của bạn, liệu có phải là thiếu máu não hay không và từ đó có cách điều trị thích hợp. Thông thường, người bệnh thiếu máu não cần giải quyết nguyên nhân gây ra tình trạng này đồng thời chăm sóc để hạn chế các biến chứng nguy hiểm khác do tổn thương não gây ra.

    Hy vọng các thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cách chẩn đoán thiếu máu não. Một trong những lưu ý sau cùng là cần nâng cao cảnh giác và ý thức bảo vệ sức khỏe của mỗi người, nhanh chóng đi khám bác sĩ khi có các dấu hiệu bất thường để kịp thời can thiệp nếu có thiếu máu lên não, bạn nhé!

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi

    Tố Quyên


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 28/09/2022

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo