Hạnh phúc là điều mà mọi người luôn tìm kiếm và mong muốn đạt được trong cuộc sống. Ngoài yếu tố từ bên ngoài, các nội tiết tố bên trong cơ thể cũng góp phần tạo nên cảm giác tích cực, muốn yêu thương và gắn kết. Chúng được gọi chung là các hormone hạnh phúc.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Tâm lý học (Psychological Science) cho thấy một số gen di truyền góp phần vào 50% cảm giác hạnh phúc cho con người. Đó là lý do nhiều người sinh ra luôn có năng lượng cao và vui vẻ mọi lúc. Tuy nhiên, ngay cả khi lượng hormone hạnh phúc được sản xuất do di truyền không cao, bạn vẫn có thể đưa ra những lựa chọn giúp bản thân trải nghiệm một cuộc sống tươi sáng và hạnh phúc hơn.
Các loại hormone cảm xúc đóng vai trò là hormone hạnh phúc
Hormone hạnh phúc là gì? Có rất nhiều hormone và chất dẫn truyền thần kinh giúp điều tiết cảm giác hạnh phúc ở con người. Điển hình nhất là 5 loại sau:
1. Hormone hạnh phúc dopamin là gì?
Hóc môn hạnh phúc này là một chất dẫn truyền thần kinh có vai trò điều khiển hệ thống khen thưởng trong não bộ. Khi bạn được khen ngợi hoặc tán dương, nồng độ dopamin sẽ tăng lên và làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc và tràn đầy động lực. Hormone này cũng thúc đẩy hành vi tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống.
Bạn có thể gia tăng dopamin bằng cách đặt những mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như dọn dẹp bàn làm việc hay thực hiện đúng kế hoạch học tập, sau đó thưởng cho mình một phần quà nho nhỏ… để có cảm giác vui mừng khi hoàn thành chúng. Bên cạnh đó, hãy tìm kiếm và trải nghiệm những hoạt động lành mạnh như nấu ăn, làm đồ thủ công, vẽ tranh… hoặc giúp đỡ mọi người.
2. Serotonin là gì?
Serotonin cũng là một trong các loại hormone cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng tâm trạng của con người. Hormone hạnh phúc này cũng điều tiết sự thèm ăn, chức năng vận động và nhận thức.
Serotonin được biết đến qua nhóm thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), giúp làm tăng nồng độ serotonin trong não để bệnh nhân tích cực, vui vẻ và nhanh chóng thoát khỏi cảm giác tồi tệ. Bạn có thể tự tăng hormone hạnh phúc này trong não bộ một cách tự nhiên thông qua việc tập thể dục hàng ngày. Đây chính là lý do giải thích tại sao hoạt động đi bộ nhanh có thể giúp tâm trạng tốt lên.
3. Oxytocin – hormone gắn kết
Oxytocin không chỉ là hóc môn hạnh phúc thông thường, nó còn thường được gọi là hormone tình yêu. So với đàn ông, ở nữ giới thì vai trò của hormone này trong sinh lý và hạnh phúc rõ ràng hơn. Khi có nhiều oxytocin, con người sẽ muốn gắn kết với nhau nhiều hơn.
Đại học Claremont, California, Hoa Kỳ cũng đã có nghiên cứu chứng minh mối liên hệ chặt chẽ giữa việc giải phóng oxytocin và mức độ hài lòng trong cuộc sống. Việc dành thời gian cho những người thân yêu và cư xử tử tế với người khác sẽ kích thích cơ thể tiết ra oxytocin. Đặc biệt, phụ nữ mới sinh khuyên nên cho con bú mẹ để tăng lượng hormone này.
4. Hormone hạnh phúc Estrogen
Estrogen giúp hình thành nên serotonin và bảo vệ bạn khỏi tình trạng lo lắng hay cáu kỉnh, giữ cho tâm trạng ổn định hơn.
Nồng độ estrogen sẽ giảm do một số yếu tố trong lối sống như hút thuốc lá, luyện tập thể dục quá mức, dinh dưỡng nghèo nàn hoặc khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh bị mất cân bằng giữa estrogen và progesterone. Bên cạnh đó, khi cơ thể bị stress sẽ tiết ra cortisol, làm giảm estrogen trong cơ thể.
Để cân bằng hormone này, bạn nên có lối sống lành mạnh và quản lý tốt tình trạng căng thẳng để tâm trạng của bạn có thể ổn định trở lại.
5. Progesterone
Nội tiết tố này giúp bạn ngủ ngon và đẩy lùi những lo lắng, khó chịu hay sự thay đổi tâm trạng.
Biết cách chăm sóc bản thân và ăn uống khoa học, hợp lý là biện pháp đầu tiên để cân bằng hormone trước khi thử các liệu pháp hormone thay thế, bao gồm progesterone và estrogen sinh học. Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ để tìm hiểu thêm về vấn đề trên.
Những cách tự nhiên giúp tăng các hormone hạnh phúc
Các hormone và chất dẫn truyền thần kinh có vai trò quan trọng trong việc cân bằng và thúc đẩy những cảm xúc tích cực. Có nhiều cách tự nhiên giúp bạn tăng nồng độ hóc môn hạnh phúc trong cơ thể, từ đó giúp ổn định tâm trạng và khiến bạn vui vẻ hơn.
Âm nhạc
Nghe nhạc là một cách tuyệt vời giúp làm tăng nồng độ dopamin trong não. Theo một nghiên cứu năm 2011 được đăng trên tạp chí Nature Neuroscience, các nhà khoa học cho rằng nghe thể loại nhạc mà bạn yêu thích, đặc biệt khi chúng khiến bạn thư giãn và chill, sẽ làm tăng hoocmone hạnh phúc dopamin.
Thực phẩm có carbohydrate giúp tăng hormone hạnh phúc
Carbohydrate giúp làm tăng nồng độ dopamin. Điều này cũng lý giải nguyên nhân vì sao mọi người thường cảm thấy thèm đồ ngọt, tinh bột khi chán nản hoặc suy sụp. Để vừa cải thiện tâm trạng vừa hạn chế hấp thu quá nhiều carbohydrate, hãy chọn các nguồn carbohydrate giàu chất xơ và lành mạnh như bánh mì ngũ cốc nguyên hạt hay hạt yến mạch (quinoa).
Dành thời gian cho những người thân yêu
Bạn có thể tăng nồng độ oxytocin trong cơ thể bằng việc thực hiện những điều thú vị hay dành thời gian quan tâm tới bạn đời, con cái, thú cưng hay bạn bè thay vì “đắm chìm” vào các trò chơi game điện tử hoặc trên các trang mạng xã hội. Đó là chưa kể ánh sáng mạnh, tín hiệu điện tử có thể kích thích bộ não và khiến bạn trở nên hung hăng, dễ cáu gắt hơn.
Giảm bớt căng thẳng để não bộ tiết hormone hạnh phúc
Các hoạt động giúp giảm bớt căng thẳng như yoga, thiền, tắm nước nóng… đều có khả năng làm tăng hàm lượng estrogen. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể giữ progesterone ở mức tối ưu bằng cách ăn uống lành mạnh, tránh các chất béo bão hòa và đường, tập thể dục thường xuyên cũng như tránh các yếu tố gây căng thẳng.
5 loại hormone hạnh phúc trên đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa tâm trạng cũng như giúp bạn cảm thấy vui vẻ hơn. Có rất nhiều cách đơn giản giúp tăng nồng độ các hormone hạnh phúc này trong cơ thể. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, khi thực hiện những phương pháp, đừng quên tự nhắc nhở bản thân rằng dù là ai, bạn vẫn luôn xứng đáng được hạnh phúc!
[embed-health-tool-bmi]