Viêm khớp háng hay thoái hóa khớp háng là một trong những tình trạng viêm xương khớp phổ biến, với tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo thời gian lão hóa của cơ thể. Tình trạng gây đau khớp háng dữ dội này có thể được kiểm soát tốt và không cần phẫu thuật nếu điều trị sớm.
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về viêm khớp háng qua các thông tin sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Viêm khớp háng là gì?
Viêm khớp háng hay thoái hóa khớp háng là một trong các vấn đề thường gặp ở người lớn tuổi (ở độ tuổi từ 50 trở lên), tuy hiếm gặp nhưng nó cũng xảy ra ở người trẻ tuổi.
Theo thời gian, sụn ở khớp háng sẽ mòn dần kèm theo là quá trình tăng sinh xương phản ứng tái cấu trúc làm xơ hóa xương dưới sụn và hình thành gai xương hình thành tiếng lộp cộp khi vận động.
Viêm khớp háng thường phát triển từ từ, cơn đau mà nó gây ra sẽ tăng dần theo thời gian và biên độ vận động giảm dần theo thời gian ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây viêm khớp háng thường gặp là gì?
Dù không có nguyên nhân nhất định gây ra viêm khớp háng, những yếu tố sau đây có thể dẫn tới nhiều khả năng phát triển bệnh hơn, bao gồm:
- Tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ bị viêm xương khớp càng cao.
- Tiền sử gia đình có người bị thoái hóa khớp háng.
- Tiền sử chấn thương khớp háng trước đây.
- Béo phì.
- Chứng loạn sản khớp háng bẩm sinh.
Lưu ý rằng bạn vẫn có thể mắc phải viêm khớp háng dù không thuộc bất kỳ đối tượng nguy cơ nào kể trên!
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp háng
Triệu chứng phổ biến nhất là đau khớp háng. Chứng đau khớp này có thể bộc phát đột ngột hoặc phát triển từ từ theo thời gian. Cụ thể những mô tả về triệu chứng của viêm khớp háng bao gồm:
- Đau khớp háng hoặc đùi có dấu hiệu lan đến mông và đầu gối.
- Cơn đau bùng phát dữ dội khi phải vận động mạnh.
- Cứng khớp gây khó khăn trong việc di chuyển và cúi người.
- Tiếng lốp cốp hoặc răng rắc trong khi vận động do các mảnh sụn rời và các mô xương xung quanh cản trở chuyển động của khớp háng.
- Giảm biên độ vận động của khớp háng, trường hợp nặng có thể gây khập khiễng khi đi lại.
- Đau khớp háng đặc biệt nặng hơn khi trời mưa.
- Cứng khớp buổi sáng kéo dài vài phút (<30 phút) và giảm dần theo thời gian hoặc cử động.
Đau và cứng khớp nhiều hơn khi đứng dậy, sau khi ngồi hoặc nằm quá lâu. Dần dần theo thời gian lão hóa, thoái hóa khớp háng sẽ gây đau nhiều hơn kể cả khi nghỉ ngơi và đi ngủ.
Chẩn đoán và điều trị
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán viêm khớp háng?
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng để đánh giá:
- Vị trí đau quanh khớp háng và hông
- Biên độ vận động của khớp
- Tiếng lốp cốp hoặc răng rắc khi cử động.
- Đau tăng khi ấn vào khớp háng
- Tư thế di chuyển bất thường
- Các dấu hiệu chấn thương đối với cơ, dây chằng xung quanh hông.
Sau đó, một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như X-quang khớp hoặc chụp CT, MRI có thể được chỉ định để xác định tình trạng xương và mô mềm ở khu vực háng.
Những phương pháp điều trị viêm khớp háng
Mặc dù không có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn thoái hóa khớp háng nhưng một số lựa chọn điều trị có thể giúp làm giảm triệu chứng, bảo tồn và cải thiện chức năng khớp.
Điều trị bảo tồn
Cũng như các dạng viêm xương khớp khác, điều trị viêm khớp háng ban không cần phẫu thuật. Bác sĩ có thể đề nghị một số phương pháp sau:
- Thay đổi các hoạt động tập luyện thông thường. Tránh các hoạt động làm bùng phát các cơn đau khớp háng như chạy, nhảy và các bài tập thể dục mạnh, đồng thời chuyển qua các bài tập tác động ít đến khớp háng như bơi, đạp xe đạp
- Điều chỉnh thói quen sinh hoạt (hạn chế đi bộ lâu, leo cầu thang,…) và giảm cân (nếu cần thiết) để làm giảm áp lực lên khớp háng.
- Nghỉ ngơi là đặc biệt quan trọng trong giai đoạn bệnh đang bùng phát. Thông thường, nên tránh các hoạt động hoặc cử động gây ra những cơn đau dữ dội. Nếu không thể tránh các hoạt động này, hãy giảm bớt hoặc tranh thủ để khớp nghỉ ngơi.
- Nhiệt sẽ làm cho mạch máu giãn nở, còn được gọi là sự giãn mạch. Giãn mạch sẽ giúp lấy đi những yếu tố làm đau cơ và khớp, đồng thời cũng giúp cho cơ được nghỉ ngơi. Những túi chườm nóng, miếng dán nóng, và khăn ấm là những cách hiệu quả nhất của nhiệt trị liệu. Nhiệt trị liệu thường liên quan đến chườm nóng vào vùng bị đau trong khoảng thời gian từ 15 đến 20 phút. Chậu ngâm tay chân hoặc bồn tắm nước nóng đặc biệt hữu dụng cho các khớp tay hoặc chân. Khi đó bệnh nhân sẽ thấy đỡ đau và linh hoạt hơn sau khi được chườm nóng.
- Thực hành một số bài tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng, tăng biên độ chuyển động, linh hoạt và các cơ xung quanh khớp háng.
- Sử dụng một số thiết bị hỗ trợ đi lại như nạng, gậy hoặc khung tập đi để cải thiện khả năng vận động và tự lập trong sinh hoạt hằng ngày.
- Đệm sưởi có thể giúp làm dịu các triệu chứng của viêm khớp háng.
- Thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs) không kê đơn có thể được dùng trong điều trị viêm khớp háng bao gồm ibuprofen và naproxen.
- Thuốc tiêm giảm đau khớp như corticosteroid, HA hoặc các thuốc chứa tế bào gốc khác cũng có thể được dùng giảm đau do viêm khớp háng.
Điều trị phẫu thuật
- Phẫu thuật thay khớp háng là thủ thuật thay thế toàn bộ khớp háng là phương pháp hiện nay dành cho người điều trị không phẫu thuật thất bại và suy giảm chức năng nghiêm trọng.
- Phẫu thuật tái tạo bề mặt khớp háng là thủ thuật thay thế một phần khớp háng bị tổn thương ( ổ cối và chỏm xương đùi), phẫu thuật phù hợp với nhóm trẻ tuổi và có xương đùi lớn thay thế cho việc phẫu thuật thay khớp háng hoàn toàn.
- Phẫu thuật nối khớp háng là thủ thuật để nối các xương khớp háng lại với nhau. Đây từng là lựa chọn phẫu thuật đầu tay trước khi có thủ thuật thay khớp háng. Đây là biện pháp cuối cùng vì gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động.
Sau khi thực hiện phẫu thuật khắc phục viêm khớp háng, bệnh nhân cần có thời gian tập đi lại với dụng cụ hỗ trợ như nạng, gậy hoặc khung tập đi. Thời gian phục hồi là khác nhau ở mỗi người và mỗi loại phẫu thuật. Bên cạnh đó, vật lý trị liệu cũng đóng vai trò cần thiết giúp phục hồi chức năng vận động cho người bệnh.
Trên đây là toàn bộ thông tin cần biết về viêm khớp háng, hy vọng chúng sẽ giúp bạn vượt qua các cơn đau háng do viêm khớp một cách nhẹ nhàng!
[embed-health-tool-bmi]