Gãy xương là tình trạng phổ biến, xảy ra với hàng triệu người trên khắp thế giới mỗi năm. Nguyên nhân gãy xương rất đa dạng, không phải chỉ dừng lại ở va đập hay chấn thương mà còn rất nhiều yếu tố nguy cơ khác.
Gãy xương thường gây đau đớn và cần thời gian để chữa lành. Vì vậy, khi biết được những rủi ro có thể khiến xương bị gãy, bạn sẽ có cách phòng ngừa tình trạng này hiệu quả hơn.
Hãy nêu những nguyên nhân gãy xương
Nguyên nhân gãy xương là do chấn thương
Xương thường rất khỏe nhưng vẫn có thể bị gãy vì rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, thường gặp nhất là chấn thương. Lúc này, xương phải chịu một lực mạnh vượt quá sức chịu đựng dẫn đến bị gãy.
Nguyên nhân gãy xương do chấn thương phổ biến bao gồm:
- Té ngã: Đa số những cú té ngã có thể làm gãy một hoặc cả hai xương cẳng chân. Gãy xương đùi thì ít gặp hơn, thường gặp phải trong chấn thương nặng.
- Tai nạn giao thông: Va chạm do tai nạn giao thông là nguyên nhân gãy xương phổ biến nhất ở Việt Nam.
- Chấn thương khi chơi thể thao: Tập luyện quá sức, thi đấu hoặc chơi những môn thể thao có mức độ nguy hiểm nhất định cũng dễ gặp tình huống gãy xương.
- Ngược đãi trẻ em: Xương của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện và yếu hơn người lớn. Do đó có thể gãy do bạo hành hoặc lạm dụng sức lao động.
Gãy xương do mỏi
Ngoài ra, các tác động ngoại lực lặp đi lặp lại nhiều lần, chẳng như như chạy đường dài, người lính hành quân phải mang vác nặng hoặc chơi thể thao cũng có thể làm gãy xương. Bác sĩ thường gọi loại chấn thương này là gãy mỏi.
Loãng xương – Nguyên nhân gãy xương thường gặp ở người cao tuổi
Loãng xương là một căn bệnh thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi, khiến xương yếu đi và rất dễ gãy ngay cả khi không gặp chấn thương gì nghiêm trọng. Theo thống kê, có ít nhất một triệu ca gãy xương mỗi năm là do loãng xương.
Sự giảm mật độ xương tăng lên theo tuổi tác, gây suy yếu xương, kết hợp với nguy cơ bị té ngã nhiều hơn ở người cao tuổi khiến họ có nguy cơ cao gãy xương.
Ngoài những tình huống gây gãy xương đột ngột và rõ ràng thì những người này cũng có thể bị gãy từ từ các đốt sống do cột sống bị đè nén bởi trọng lượng cơ thể. Họ không đau đớn nhưng giảm chiều cao, còng lưng rất dễ nhận biết…
Vì vậy, người lớn tuổi đặc biệt là phụ nữ trên 50 tuổi cần được thăm khám và kiểm tra mật độ xương thường xuyên, cũng như có những biện pháp phòng ngừa loãng xương để tránh tình trạng gãy xương sau này.
Các yếu tố nguy cơ khác
Bất kỳ ai dù ở độ tuổi hay giới tính nào cũng có nguy cơ bị gãy xương, tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ dưới đây sẽ làm tăng khả năng bạn bị gãy xương:
Tham gia thể thao
Gãy xương do mỏi là hậu quả của việc xương phải chịu tác động lặp đi lặp lại hoặc bị sử dụng quá mức. Điều này xảy ra phổ biến ở những người tham gia các hoạt động thể chất với cường độ cao, chẳng hạn như:
- Chạy đường dài
- Múa ba lê
- Chơi bóng rổ
- Diễu hành
Ngoài ra, các môn thể thao thi đấu như chơi khúc côn cầu, bóng đá,… thường xuyên có va chạm mạnh và dẫn đến gãy xương.
Giới tính
Theo nhiều nghiên cứu, phụ nữ có nguy cơ bị gãy xương cao hơn nhiều so với nam giới. Trên thực tế, với độ tuổi trên 50 thì có 50% phụ nữ bị gãy xương trong đời, trong khi con số này ở phái mạnh chỉ là 25%. Điều này là do xương của phụ nữ (ngay cả khi ở độ tuổi tốt nhất 25–30 tuổi) nhỏ hơn và ít chắc khỏe hơn so với xương của nam giới. Ngoài ra, phụ nữ mất mật độ xương nhiều hơn nam giới khi họ già đi do giảm estrogen ở độ tuổi mãn kinh.
Có thể bạn quan tâm: Triệu chứng gãy xương: Nhận biết ngay kẻo muộn!
Hút thuốc lá
Đây là nguyên nhân gãy xương rất ít người ngờ tới. Nhưng hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng hút thuốc làm tăng nguy cơ gãy xương. Đó là vì nó tác động xấu đến mức độ hormone trong cơ thể và nhiều liên quan đến nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như người hút thuốc có xu hướng ít tập thể dục hơn, ăn uống kém khoa học và thường xuyên uống rượu bia.
Lạm dụng rượu bia
Nhiều nghiên cứu cho thấy uống nhiều rượu có thể làm giảm chất lượng xương và tăng nguy cơ mất xương, dẫn đến khả năng gãy xương cũng tăng cao. Đáng nói là điều này xảy ra trong năm đầu của một người uống nhiều rượu liên tục, sau đó dù họ đã ngừng rượu nhưng vẫn tiếp tục bị mất xương. Một giả thiết cho rằng uống quá 3 ly rượu mỗi ngày làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa vitamin D của cơ thể – mắt xích quan trọng trong việc tạo xương mới.
Sử dụng thuốc steroid
Thuốc steroid (corticosteroid) thường được kê đơn để điều trị các tình trạng viêm mãn tính. Tuy nhiên, việc phải sử dụng chúng với liều lượng cao trong thời gian dài có thể gây mất xương và gãy xương. Lý do là bởi steroid có thể cản trở hấp thu canxi ở đường tiêu hóa và làm mất canxi thông qua nước tiểu. Những tác dụng phụ không mong muốn này phụ thuộc vào liều lượng thuốc.
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp khiến cơ thể tấn công nhầm vào các tế bào và mô khỏe mạnh xung quanh khớp, dẫn đến mất xương khớp nghiêm trọng. Đồng thời, những cơn đau nhức và chức năng khớp kém làm giảm mức độ hoạt động, thúc đẩy nhanh quá trình mất xương và làm tăng nguy cơ gãy xương.
Bệnh tiểu đường
Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường type 1 từ khi còn trẻ tuổi thường có mật độ xương thấp mà không rõ vì sao. Ngoài ra, các vấn đề về thị lực và tổn thương thần kinh thường đi kèm với bệnh tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ bị té ngã và gãy xương.
Đối với bệnh tiểu đường type 2, bệnh nhân cũng thường có thị lực kém, bị tổn thương thần kinh và ít rèn luyện thể lực nên dễ té ngã và gãy xương. Bên cạnh đó, chất lượng xương có thể giảm do những thay đổi về trao đổi chất trong cơ thể khi đường huyết cao.
Biết nguyên nhân gãy xương để phòng ngừa hiệu quả
Gãy xương không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, những biện pháp sau đây có thể ngăn ngừa được một số nguyên nhân gãy xương:
- Tăng cường sức mạnh của xương. Hãy bổ sung vào chế độ ăn uống những loại thực phẩm giàu canxi, chẳng hạn như sữa, sữa chua và phô mai, để giúp xương chắc khỏe. Hãy đảm bảo cung cấp đủ từ 1200 đến 1500mg canxi mỗi ngày.
- Mang giày thể thao phù hợp. Chọn giày có kích thước phù hợp khi chơi thể thao hoặc vận động thể chất. Nên lưu ý thay giày thường xuyên nếu gót bị mòn hoặc cảm thấy không thoải mái khi mang.
- Mang đồ bảo hộ. Nhằm bảo vệ bạn khỏi những nguyên nhân gãy xương thường gặp nhất. Hãy sử dụng mũ bảo hiểm, miếng đệm khuỷu tay, miếng đệm đầu gối, miếng bảo vệ cổ tay và miếng đệm ống chân khi trượt tuyết, đạp xe đạp, trượt patin và tham gia các môn thể thao nguy hiểm.
- Phòng tránh té ngã. Không đứng trên cao hoặc trên bề mặt không chắc chắn. Loại bỏ thảm dễ trơn trượt và dây điện khỏi bề mặt sàn. Sử dụng tay vịn cầu thang và thảm không trượt trong bồn tắm để phòng tránh té ngã, đặc biệt là khi trong gia đình có trẻ em, người lớn tuổi.
- Đa dạng các hoạt động thể chất. Tham gia các hoạt động thể chất phù hợp có thể giúp xương dẻo dai hơn, ngăn ngừa gãy xương do căng thẳng. Bạn có thể lựa chọn bơi lội, đi bộ nhẹ hoặc đạp xe đạp. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn được bộ môn phù hợp với tuổi tác và tình trạng sức khỏe của bản thân.
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu rõ về các nguyên nhân gãy xương và cách phòng ngừa hiệu quả nhé!
[embed-health-tool-bmi]