Trong quá trình xạ hình xương, một chất đánh dấu (chất phóng xạ) được tiêm vào máu của người bệnh. Hình ảnh xạ hình làm nổi bật các khu vực hiện diện những bất thường liên quan đến bệnh tật hoặc chấn thương như gãy xương.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng lực nam châm mạnh, sóng radio và một máy tính để hiển thị hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể. MRI được ưu tiên trong nhiều trường hợp vì không có nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ, tiết kiệm thời gian hơn và tốt hơn trong chẩn đoán các bất thường về xương hoặc mô mềm.
Những phương pháp nào điều trị gãy xương do mỏi?
Nếu các triệu chứng của bạn phù hợp với tình trạng gãy xương do mỏi, hãy đến bệnh viện kiểm tra để được chẩn đoán và làm theo hướng dẫn điều trị mà bác sĩ đưa ra. Đừng nhịn đau vì tình trạng có thể diễn tiến tệ hơn, gây ra những vấn đề nghiêm trọng khác về sức khỏe. Bên cạnh đó, người từng bị gãy xương do mỏi có xu hướng dễ bị gãy xương về sau.
Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện các phương pháp sau:
- Dừng các hoạt động gây đau đớn
- Sử dụng túi chườm lạnh lên vùng xương bị đau sưng
- Nghỉ ngơi trong 1–6 tuần, sau đó người bệnh có thể thực hiện các hoạt động nhẹ để kiểm tra có còn bị đau hay không rồi tăng dần cường độ tập
- Khi nằm, nâng chân bị gãy lên cao hơn so với ngực
- Sử dụng giày phù hợp cho loại hình vận động để giảm áp lực lên chân hoặc bàn chân
- Bác sĩ có thể bó bột để cố định xương bị gãy. Một số trường hợp gãy xương do mỏi cần phẫu thuật và sử dụng ốc, vít cố định lại.
- Người bệnh có thể cần sử dụng nạng để nâng đỡ trọng lượng cơ thể cho đến khi xương lành
Nếu người bệnh bị đái tháo đường, hãy nhanh chóng đến bệnh viện khi xương bị đau hoặc gặp các vấn đề khác với chân, mắt cá chân hoặc ngón chân.
Phải mất 6–8 tuần để một vết nứt xương do mỏi lành lại, vì vậy việc ngừng thực hiện các hoạt động có thể tăng nguy cơ gãy xương là điều quan trọng. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ hoạt động thể chất nào cần sử dụng bàn chân hoặc mắt cá chân bị thương.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa gãy xương do mỏi?
Bạn có thể thực hiện các biện pháp đơn giản để ngăn ngừa gãy xương do mỏi, chẳng hạn như:
- Thay đổi từ từ. Với bất kỳ bộ môn hay bài tập thể dục mới, hãy bắt đầu từ từ và tăng dần cường độ.
- Sử dụng giày dép phù hợp. Hãy bảo đảm mình mang giày vừa vặn và phù hợp với hoạt động. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ nếu mắc những bệnh lý về chân.
- Tập luyện chéo (cross-training). Đây là thuật ngữ chỉ việc thực hiện một số bài tập khác nhau nhằm bổ trợ và có liên quan đến hình thức tập luyện chính, rất cần thiết cho các vận động viên. Nó giúp cơ thể có thể duy trì được thể lực cao khi tập luyện lâu dài, tránh tạo áp lực lên 1 vùng liên tục.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý. Để giữ cho xương chắc khỏe, hãy đảm bảo một chế độ ăn uống đầy đủ canxi, vitamin D cũng như các chất dinh dưỡng khác.
Tiên lượng bệnh
Nếu không điều trị, gãy xương do mỏi có ảnh hưởng như thế nào?
Một số trường hợp gãy xương do mỏi nếu không lành đúng cách có thể gây ra các vấn đề mạn tính. Khi không được thăm khám, chữa trị kịp thời hay quan tâm khắc phục nguyên nhân, tình trạng gãy xương do mỏi có thể xảy ra liên tục, tồi tệ hơn, dễ gây tàn tật. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị viêm khớp.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.