Xương ngành ngồi mu là một phần của khung xương chậu – bộ khung nâng đỡ cả trong lượng của cơ thể và bảo vệ nội tạng ở vùng chậu. Khi xương ngành ngồi mu bị tổn thương dẫn đến gãy vỡ, nhiều người quan tâm rằng gãy xương ngành ngồi mu bao lâu mới lành và đi lại bình thường được? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay qua những thông tin dưới đây nhé!
Gãy xương ngành ngồi mu có tự lành được không?
Các trường hợp gãy xương ngành ngồi mu nhẹ có thể tự lành mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng cần dành thời gian nghỉ ngơi và hạn chế tác động lên xương chậu để vết gãy có đủ thời gian lành lại. Điều quan trọng là nhanh chóng đi khám bác sĩ để được để được lên kế hoạch điều trị phù hợp ngay sau khi gãy xương.
Vậy nếu để vết gãy tự lành thì gãy xương ngành ngồi mu bao lâu mới lành? Câu trả lời là trong khoảng 4-8 tuần. Đặc biệt vết gãy sẽ nhanh chóng lành lại nếu bạn còn trẻ tuổi, khỏe mạnh và không mắc các bệnh lý khác ảnh hưởng đến quá trình liền xương.
Gãy xương ngành ngồi mu bao lâu mới lành phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Khác với trường hợp gãy xương ngành ngồi mu nhẹ có thể tự lành kể trên, một số trường hợp gãy xương ngành ngồi mu nặng (có thể di lệch) sẽ cần mất nhiều thời gian hơn mới có thể lành lại. Trung bình cần từ 8-12 tuần để vết gãy xương chữa lành hoàn toàn. Nhưng cũng có thể mất nhiều thời gian hơn. Điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố như phương pháp điều trị mà bạn lựa chọn (gồm điều trị bảo tồn hay phẫu thuật) và cách bạn chăm sóc vết gãy xương.
Bên cạnh chỉ định điều trị từ bác sĩ, gãy xương ngành ngồi mu bao lâu mới lành còn phụ thuộc vào cách chăm sóc của bạn. Đặc biệt là ở bệnh nhân cần phẫu thuật để điều trị gãy xương chậu – mu thì chăm sóc hậu phẫu càng đóng vai trò quan trọng để giúp vết thương mau lành.
Vận động sớm sau phẫu thuật
Hầu hết bác sĩ đều khuyến cáo bệnh nhân sớm vận động nhẹ nhàng lại sau phẫu thuật, điển hình như đi bộ với một số dụng cụ hỗ trợ như nạng. Đồng thời, thực hiện các bài tập chân càng sớm càng tốt.
Vật lý trị liệu
Các bài tập cụ thể sẽ được hướng dẫn để giúp bạn lấy lại sự linh hoạt và biên độ chuyển động của các khớp hông. Từ đó giúp bạn nhanh chóng khôi phục nhịp sinh hoạt hằng ngày.
Ngăn ngừa cục máu đông
Mặc dù được khuyến khích vận động lại sớm nhưng sau phẫu thuật, đa số bệnh nhân vẫn gặp khó khăn trong vấn đề này. Vì vậy, để ngăn ngừa cục máu đông tụ lại trong các tĩnh mạch sâu ở chân, bác sĩ có thể kê đơn một số thuốc làm loãng máu, kháng đông cho bạn.
Giảm trọng lượng lên chân
Bác sĩ khuyến khích bạn tập đi lại với sự hỗ trợ của nạng (để giảm tải trọng lực lên chân) cho đến khoảng 3 tháng sau phẫu thuật, hoặc khi kiểm tra cho thấy xương của bạn đã lành lại hoàn toàn.
Sử dụng thuốc giảm đau
Một số loại thuốc giảm đau hậu phẫu sẽ được kê đơn ngắn hạn cho bạn. Đặc biệt với thuốc giảm đau opioid – thuốc có tính chất gây nghiện, bạn cần ngừng dùng ngay khi cơn đau được cải thiện. Nếu như vài ngày sau phẫu thuật, cơn đau vẫn dai dẳng dù đã dùng thuốc, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.
Những biến chứng có thể xảy ra sau gãy xương chậu – mu
Bên cạnh câu hỏi “gãy xương ngành ngồi mu bao lâu mới lành”, nhiều người cũng lo lắng liệu vết gãy xương ở chậu – mu có để lại di chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động hay các cơ quan ở vùng chậu không.
Dưới đây là một số biến chứng do có thể xảy ra do gãy ngành ngồi mu:
- Đau liên tục, phát triển thành cơn đau mãn tính cần điều trị đặc biệt từ bác sĩ.
- Bước đi khập khiễng thường do các cơ xung quanh vết gãy xương cũng bị tổn thương. Biến chứng này có thể kéo khoảng 1 năm sau khi gãy xương ngành ngồi mu.
- Khớp háng kém linh hoạt nếu vết gãy chạy qua hốc hông và cần phải phẫu thuật điều trị thêm
- Hư hỏng các dây thần kinh và mạch máu liên quan đến khoái cảm tình dục dẫn đến rối loạn chức năng tình dục.
- Nếu vị trí gãy xương ở vùng chậu có tổn thương dây thần kinh thì có thể ảnh hưởng đến chức năng vận động của bạn về lâu dài.
Hy vọng các thông tin trên đã giúp bạn có được lời giải đáp cho câu hỏi gãy xương ngành ngồi mu bao lâu mới lành và đi lại được nhé!
[embed-health-tool-bmi]