backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Điều trị gãy xương: Bảo tồn hay phẫu thuật?

Tham vấn y khoa: Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Vũ Xuân Thành · Chỉnh hình · Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh


Tác giả: Thư Phạm · Ngày cập nhật: 04/07/2021

    Điều trị gãy xương: Bảo tồn hay phẫu thuật?

    Gãy xương là một tai nạn xảy ra khá phổ biến. Đối với bệnh nhân gãy xương, tùy vào vị trí và mức độ tổn thương mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị gãy xương phù hợp, có thể là bảo tồn bằng cách dùng thuốc hỗ trợ, bó bột, phẫu thuật hoặc kết hợp nhiều phương pháp.

    Gãy xương là tình trạng xảy ra khi một trong các xương nứt hoặc gãy thành nhiều mảnh. Tình trạng này có thể do tai nạn, chấn thương hoặc bệnh lý làm xương trở nên giòn, dễ gãy. Mặc dù gãy xương không phải lúc nào cũng đe dọa đến tính mạng, nhưng nạn nhân cần phải được sơ cứu và điều trị ngay lập tức để giảm sự di lệch của đầu xương gãy, hạn chế tối đa biến chứng cũng như các tổn thương thứ phát khác tại vùng chấn thương.

    Vậy đâu là phương pháp điều trị gãy xương hiệu quả? Mời bạn cùng Hello Bacsi tham khảo bài viết sau.

    Các phương pháp can thiệp giúp điều trị gãy xương

    Bác sĩ sẽ dựa vào vị trí gãy xương, mức độ nghiêm trọng của chấn thương cũng như những triệu chứng xuất hiện để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp đối với mỗi bệnh nhân. Nhìn chung, nguyên tắc điều trị gãy xương cơ bản là những mảnh xương gãy được đưa trở về đúng vị trí ban đầu và ngăn di lệch cho đến khi các tế bào xương mới hình thành xung quanh phần bị gãy và làm lành xương.

    Ở trường hợp nhẹ nhất, điều trị đơn giản chỉ là nghỉ ngơi, dùng thuốc để giảm đau và chờ một khoảng thời gian để xương gãy tự phục hồi. Bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh bó bột, đeo nẹp hoặc sử dụng thiết bị hỗ trợ để cố định và điều trị vùng xương gãy hiệu quả nhất. Trong trường hợp nặng hơn, phẫu thuật có thể cần thiết để điều trị gãy xương.

    Các phương pháp can thiệp điều trị gãy xương bao gồm:

    Bó bột cố định

    bó bột để điều trị gãy xương

    Bó bột bằng thạch cao hoặc sợi thủy tinh là phương pháp điều trị gãy xương phổ biến nhất. Sau khi xương bị gãy, vị trí xương này cần được cố định và điều trị đúng cách để lành lại. Bác sĩ chỉnh hình thường dùng phương pháp bó bột để bảo vệ vị trí xương bị tổn thương. Đây là phương pháp nhằm bất động xương gãy, giữ cho xương không bị di lệch, thúc đẩy quá trình liền xương và hồi phục phần mềm, ngăn ngừa hoặc giảm các cơn co thắt cơ bắp, hạn chế tổn thương thêm. 

    Nẹp cố định

    Phương pháp nẹp có thể được sử dụng để hỗ trợ cố định một số loại gãy xương không di lệch, bao gồm trường hợp nghi ngờ gãy xương hoặc một số loại gãy xương nhanh liền chỉ cần bất động trong thời gian ngắn. Nẹp không gây chèn ép trong một số trường hợp chi bị sưng nề. Ngoài ra, đối với một số loại gãy xương cần thiết phải bó bột, bác sĩ có thể nẹp cố định tạm thời trước cho đến khi vùng chấn thương hết sưng nề.

    Kéo liên tục 

    Kéo liên tục là phương pháp tác dụng một lực kéo nhẹ, liên tục và ổn định lên chỗ gãy xương hoặc các mô xung quanh khu vực bị tổn thương để sắp xếp lại một hay nhiều xương. Phương pháp này chỉ là giai đoạn đầu của các phương pháp điều trị khác như bó bột hay phẫu thuật. Mục đích của kỹ thuật điều trị gãy xương này bao gồm:

    • Giúp cố định và sắp xếp xương trở về vị trí ban đầu
    • Giảm co cơ sau chấn thương hay ngăn ngừa co rút cơ làm đoạn xương gãy di lệch
    • Giảm đau do gãy xương trước khi phẫu thuật
    • Phòng ngừa hay điều chỉnh các cơ, khớp, gân hoặc da bị cứng và co thắt

    Vật lý trị liệu 

    Khi phải cố định xương trong một thời gian dài, người bệnh có thể bị cứng và yếu cơ ở những vùng bị chấn thương, thậm chí là khu vực xung quanh. Sau khi bó bột hoặc nẹp được tháo ra, bệnh nhân thường sẽ cần tập các bài tập phục hồi chức năng hoặc vật lý trị liệu để khôi phục cử động ở những vùng này. Vật lý trị liệu sẽ giúp phục hồi sức mạnh của cơ bắp và sự chuyển động linh hoạt của các khớp. Tuy nhiên, đối với những trường hợp gãy xương nghiêm trọng, người bệnh có thể mất đến vài tháng hoặc lâu hơn để khôi phục hoàn toàn các chức năng này. 

    Thủ thuật cố định ngoài giúp điều trị gãy xương

    Phương pháp cố định ngoài điều trị gãy xương

    Đối với thủ thuật cố định ngoài, bác sĩ thường đặt đinh kim loại hoặc ốc vít vào phía trên và dưới phần xương gãy. Các đinh hoặc ốc vít kết nối với nhau bằng một thanh kim loại bên ngoài da để giữ các xương ở vị trí thích hợp trong khi chúng tự lành. Trong trường hợp xuất hiện tổn thương nặng ở da và mô mềm xung quanh chỗ gãy, bác sĩ cũng có thể sử dụng các dụng cụ cố định bên ngoài tạm thời cho đến khi người bệnh có thể phẫu thuật được.

    Điều trị gãy xương bằng cách mổ hở và cố định trong 

    Mổ hở điều trị gãy xương
    Hình ảnh được cung cấp bởi TS. BS. Giảng viên Vũ Xuân Thành

    Mổ hở và cố định trong có thể được thực hiện nếu bệnh nhân bị gãy xương ở nhiều vị trí, ổ gãy không vững hoặc di lệch, có tổn thương các dây chằng xung quanh, các mảnh xương gãy có nguy cơ gây tổn thương khớp…

    Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ nắn các mảnh xương gãy về đúng vị trí ban đầu và sau đó giữ chúng kết nối với nhau bằng các loại ốc vít đặc biệt hoặc các tấm kim loại ở bề mặt ngoài xương. Bác sĩ cũng có thể cố định các mảnh vỡ bằng cách đặt một thanh kim loại vào lòng ống tủy xương.

    Bất cứ phẫu thuật điều trị gãy xương nào cũng sẽ tiềm ẩn những rủi ro và biến chứng nhất định. Bác sĩ sẽ thông báo cho người bệnh những nguy cơ có thể xảy ra để biết cách phòng ngừa và xử lý kịp thời.

    Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

    Sử dụng thuốc điều trị gãy xương

    Sử dụng thuốc điều trị gãy xương

    Phác đồ điều trị gãy xương không chỉ bao gồm những thủ thuật trên mà còn có cả phương pháp dùng thuốc hỗ trợ. Dựa vào mức độ khó chịu mà triệu chứng gây ra, độ tuổi và sức khỏe tổng thể, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị gãy xương nào. Một số loại thuốc điều trị gãy xương bao gồm:

    Thuốc giảm đau

    Gãy xương có thể gây ra các cơn đau kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như paracetamol, có thể giúp giảm bớt sự khó chịu này. Tuy nhiên, thuốc giảm đau không giúp xương lành lại nhanh hơn mà còn tiềm ẩn các tác dụng phụ như buồn nôn, phụ thuộc thuốc, thậm chí gây tổn thương gan. Do đó, cách tốt nhất là người bệnh nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hỗ trợ điều trị gãy xương nào.

    Thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất

    Vitamin và khoáng chất có thể giúp quá trình hồi phục xương gãy diễn ra nhanh hơn bằng cách hỗ trợ cơ thể sản sinh ra các tế bào xương mới. Bác sĩ có thể khuyến nghị người bệnh nên tăng cường bổ sung vitamin D, vitamin C hoặc canxi hàng ngày nếu xét nghiệm máu cho thấy hàm lượng thấp các dưỡng chất này trong cơ thể. Người bệnh có thể hấp thụ vitamin và khoáng chất từ các loại thực phẩm hàng ngày hoặc thuốc bổ sung.

    Thuốc đồng hoá

    Thuốc đồng hóa chẳng hạn như teriparatide, là một dạng tổng hợp của hormone tuyến cận giáp, làm tăng tốc độ hình thành xương và có thể giúp các vết gãy xương nhanh lành lại. Loại thuốc điều trị gãy xương này có thể tăng tốc độ chữa lành vết gãy bằng cách tăng nồng độ canxi trong máu và kích thích phát triển tế bào xương mới. 

    Thuốc teriparatide có dạng tiêm và được sử dụng dưới sự giám sát của các bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên viên y tế. Thời gian để thuốc phát huy hiệu quả có thể mất khoảng 6-12 tháng tuỳ theo mức độ nghiêm trọng và vị trí gãy xương. 

    Tránh dùng thuốc chống viêm

    Tình trạng viêm trong thời gian ngắn đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể tự phục hồi sau khi gặp chấn thương. Mặc dù các loại thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen, naproxen và aspirin, có thể giúp giảm đau, ngăn chặn tình trạng viêm nhưng đồng thời cũng gây cản trở quá trình xương gãy lành lại.

    Thuốc chống viêm, chẳng hạn như corticosteroid, còn có nguy cơ làm chậm lưu lượng máu và ảnh hưởng đến quá trình liền xương. Các bác sĩ khuyến nghị người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc chống viêm để hỗ trợ điều trị gãy xương.

    Gãy xương đòi hỏi quá trình điều trị kịp thời, đúng cách. Nếu không hiểu biết hay chủ quan trong vấn đề chữa trị, phục hồi sau gãy xương có thể dẫn đến các biến chứng, dị tật không mong muốn. Do đó, để việc điều trị đạt kết quả tốt, người bệnh cần tuân thủ phương pháp điều trị gãy xương của bác sĩ, không được tự ý vận động mà không có sự đồng ý của bác sĩ. Hơn nữa, người bệnh cũng cần nghỉ ngơi, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và sử dụng các thiết bị hỗ trợ khi di chuyển, tránh dồn lực lên ổ gãy sớm khi chưa được phép để quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn. Ngoài ra, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, bạn cần đi khám để có biện pháp điều trị tốt nhất.

    Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về các phương pháp cũng như các loại thuốc hỗ trợ điều trị gãy xương hiện nay.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Vũ Xuân Thành

    Chỉnh hình · Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh


    Tác giả: Thư Phạm · Ngày cập nhật: 04/07/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo