backup og meta

Gãy nén đốt sống

Gãy nén đốt sống

Tìm hiểu chung

Gãy nén đốt sống là gì?

Gãy nén đốt sống (vertebral compression fractures), hay còn gọi là gãy xẹp đốt sống, là tình trạng các đốt sống trong cột sống bị nén ép sụp xuống, dẫn đến đau dữ dội, biến dạng và giảm mất chiều cao của đốt xương. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của cột sống nhưng thường thấy ở phần lưng dưới hay ở các đốt sống ngực (phần ở giữa cột sống).

Hầu hết gãy nén đốt sống xảy ra ở phần xương phía trước cờn phần xương ở mặt sau cứng hơn nên ít bị tác động và khiến đốt sống tạo thành hình cái nêm (hình lăng trụ tam giác). Điều này có thể làm cho người bệnh có tư thế còng lưng hay gù lưng.

gãy nén đốt sống
Nguồn: aans.org

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng gãy nén đốt sống

Các triệu chứng lâm sàng của gãy nén đốt sống có thể gồm một hoặc nhiều biểu hiện sau đây:

  • Đau lưng xảy ra đột ngột
  • Mức độ đau tăng lên khi đứng hoặc đi bộ
  • Cơn đau giảm bớt khi nằm ngửa
  • Khả năng vận động cột sống bị hạn chế
  • Giảm chiều cao tổng thể
  • Gây biến dạng cột sống hay khuyết tật
  • Cảm giác tê, ngứa ran và yếu ớt (do dây thần kinh tại vị trí gãy nén đốt sống bị chèn ép)
  • Tiểu/đại tiện không tự chủ hoặc bí tiểu (gãy nén đốt sống làm xương bị đẩy vào tủy sống)

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra về tình trạng đau lưng nếu:

  • Trên 65 tuổi hoặc nhỏ hơn 12 tuổi
  • Cơn đau trong lúc nghỉ ngơi cũng giống như trong khi hoạt động
  • Cơn đau trong khi ngủ còn nghiêm trọng hơn khi thức
  • Sụt cân ngoài mong muốn
  • Đã từng hoặc đang mắc bệnh ung thư

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây bên cạnh đau lưng, hãy tìm kiếm chăm sóc y tế ngay lập tức:

  • Mất kiểm soát ruột và bàng quang
  • Đau dữ dội, tê hoặc cảm thấy yếu ớt
  • Sốt cao (thân nhiệt trên 38ºC)

Nguyên nhân

Nguyên nhân gãy nén đốt sống là gì?

Nguyên nhân dẫn đến gãy nén đốt sống có thể là loãng xương, chấn thương và các bệnh lý gây ảnh hưởng đến xương (gãy xương bệnh lý).

Loãng xương

Đây là một căn bệnh về xương mà mật độ xương giảm thấp hơn bình thường. Loãng xương làm tăng khả năng xương sống bị gãy chỉ với một tác động nhỏ hoặc không có chấn thương.

Những người bị loãng xương nghiêm trọng (xương yếu, giòn), gãy nén đốt sống có thể được gây ra bởi những cử động vô cùng đơn giản như hắt hơi mạnh, nâng một đồ vật nhẹ… Ở người bị loãng xương vừa phải, lực tác động khiến đốt sống gãy do nén ép sẽ cần mạnh hơn, chẳng hạn như té ngã hoặc nâng đồ vật nặng.

Căn bệnh này thường phổ biến ở phụ nữ đã mãn kinh nhưng cũng gặp phải ở đàn ông lớn tuổi và những người sử dụng lâu dài các thuốc steroid như prednisolon.

Chấn thương

Chấn thương nghiêm trọng đủ để làm cho đốt sống gãy do nén ép thường là té ngã từ một độ cao đáng kể, khi mà người bệnh tiếp đất bằng chân hoặc mông. Ngoài ra, gãy nén đốt sống cũng có thể xảy ra trong một vụ tai nạn xe.

Gãy xương bệnh lý

Gãy xương bệnh lý là tình trạng gãy xương xảy ra ở đốt sống đã tồn tại một bệnh lý trước đó.

Phổ biến nhất là do ung thư xương – đa số là kết quả của tình trạng di căn từ ung thư ở một cơ quan khác như tuyến tiền liệt, vú hay phổi.

Gãy xương bệnh lý cũng có khi xảy ra với một số bệnh khác, chẳng hạn như bệnh Paget xương và nhiễm trùng xương (viêm tủy xương).

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán gãy nén đốt sống?

Bác sĩ có thể chẩn đoán bước đầu nhờ vào kiểm tra bệnh sử và thăm khám thực thể. Tuy nhiên, các xét nghiệm hình như như chụp X-quang, CT hay MRI có thể giúp đưa ra kết luận chính xác hơn, dự đoán tiên lượng bệnh và xác định phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.

  • Chụp X-quang: Tia X được sử dụng để tạo ra hình ảnh cấu trúc của đốt sống và những đường viền ở khớp. Hình ảnh thu được cũng cho thấy sự sắp xếp của xương, thoái hóa đĩa đệm và các gai xương có thể gây kích thích đến rễ dây thần kinh.
  • Chụp CT: Xét nghiệm hình ảnh này sẽ hiển thị được hình dạng và kích thước của ống sống, các cấu trúc bên trong và xung quanh nó.
  • Chụp MRI: Bác sĩ sẽ thấy hình ảnh ba chiều của các cấu trúc cơ thể, bao gồm tủy sống, rễ thần kinh cũng như tình trạng phì đại, thoái hóa và khối u.
  • Phép đo hấp thụ tia X năng lượng kéo (DXA hay DEXA) hoặc đo mật độ xương: Thử nghiệm này sẽ đo mật độ khoáng của xương để đánh giá xem bạn có bị loãng xương hay không. Quét DEXA có thể phát hiện được những thay đổi nhỏ trong xương và còn dùng được trong kiểm tra cột sống cũng như tứ chi. Thời gian quét cho cột sống, hông hay toàn bộ cơ thể sẽ mất ít hơn 4 phút.

Những phương pháp điều trị gãy nén đốt sống

Điều trị không phẫu thuật

Cơn đau thứ phát đến cấp tính do gãy đốt sống xuất hiện là do một phần đốt sống mất ổn định tại vị trí xương gãy do nén ép. Nếu để cơn đau liên quan đến gãy nén khỏi tự nhiên thì có thể mất đến 3 tháng. Tuy nhiên, mức độ đau sẽ giảm đáng kể trong vài ngày hoặc vài tuần.

Thông thường, cảm giác đau nghiêm trọng do gãy nén đốt sống được điều trị bằng cách giảm các hoạt động hiệu quả hơn việc sử dụng thuốc, dùng nẹp cột sống hay phẫu thuật.

Các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol và thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) đều cho thấy hiệu quả giảm đau cho trường hợp này. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thêm thuốc giãn cơ và thuốc điều trị đau thần kinh/xương. Nếu có sử dụng opioid (thuốc giảm đau gây nghiện) thì chỉ dùng trong thời gian rất ngắn (1–2 tuần) cho cơn đau cấp tính.

Nẹp cột sống lưng giúp hỗ trợ từ bên ngoài để hạn chế chuyển động tại các đốt sống bị gãy do nén ép, từ đó giảm bớt đau đớn.

Hơn nữa, việc ngăn ngừa tình trạng gãy nén tiếp tục xảy ra cũng rất quan trọng. Do đó, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc tăng cường sức mạnh xương như bisphosphonate để giúp ổn định hay phục hồi mật độ xương bị mất.

Khi các lựa chọn điều trị bảo tồn không có hiệu quả, hai thủ thuật xâm lấn tối thiểu giúp tạo hình thân đốt sống qua da là bơm xi măng sinh học không dùng bóng (vertebroplasty) và bơm xi măng sinh học dùng bóng (kyphoplasty) sẽ được cân nhắc thực hiện.

Điều trị bằng phẫu thuật

Bơm xi măng sinh học không dùng bóng (vertebroplasty) sẽ mất khoảng 1–2 giờ để thực hiện, tùy thuộc vào số lượng đốt sống cần điều trị. Người bệnh có thể được gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân. Bác sĩ sẽ tiêm xi măng sinh học vào đốt sống bị sụp do gãy nén. Sau đó, xi măng cứng lại trong vài phút, ổn định lại cấu trúc cho đốt sống bị gãy.

Bơm xi măng sinh học có dùng bóng (kyphoplasty) là một cải tiến từ thủ thuật trên, khi mà bác sĩ sử dụng thêm một quả bóng hỗ trợ để tăng chiều cao cho đốt sống bị sụp. Những khoảng không gian xung quanh quả bóng sẽ được lấp đầy bằng xi măng sinh học chuyên dụng.

Những trường hợp không nên thực hiện phẫu thuật gồm:

  • Gãy nén đốt sống có đáp ứng hiệu quả với các liệu pháp điều trị bảo tồn
  • Tình trạng gãy nén đốt sống tồn tại hơn 1 năm
  • Có hơn 80–90% đốt sống trong cột sống bị gãy nén
  • Cột sống cong như vẹo cột sống hoặc gù lưng do các nguyên nhân khác ngoài loãng xương
  • Hẹp ống sống hoặc thoát vị đĩa đệm có chèn ép dây thần kinh hay tủy sống mà không liên quan đến gãy nén đốt sống
  • Rối loạn đông máu chưa được điều trị
  • Viêm xương tủy (viêm ở xương và tủy xương, thường là do nhiễm khuẩn)
  • Viêm đĩa đệm (viêm không phải do vi khuẩn gây ra ở một đĩa đệm hoặc không gian của đĩa đệm)

Tỷ lệ biến chứng sau khi bơm xi măng sinh học không dùng bóng (vertebroplasty) và có dùng bóng (kyphoplasty) ước tính thấp hơn 2% cho trường hợp gãy nén đốt sống do loãng xương nhưng lên đến 10% đối với trường hợp gãy nén đốt sống liên quan đến khối u ác tính. Do đó, lợi ích của phẫu thuật phải luôn được cân nhắc cẩn thận trước những rủi ro có thể xảy ra. Nhiều người bệnh cho biết họ đã giảm đau đáng kể sau khi thực hiện phẫu thuật nhưng không có nghĩa phương pháp này hữu ích cho tất cả bệnh nhân.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa gãy nén đốt sống?

Cách phòng ngừa gãy nén đốt sống hàng đầu chính là ngăn ngừa loãng xương phát triển. Do đó, bạn nên:

  • Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, khỏe mạnh
  • Tập thể dục thường xuyên với các bài tập làm tăng sức mạnh của xương
  • Bỏ hút thuốc vì khói thuốc đã được chứng minh là làm xương suy yếu đi
  • Bổ sung canxi và vitamin D nếu có nguy cơ mắc bệnh loãng xương

Đối với phụ nữ mãn kinh, liệu pháp thay thế estrogen có thể giúp ngăn ngừa loãng xương. Các loại thuốc như alendronate và risedronate đã được chứng minh giúp làm giảm sự phát triển bệnh loãng xương khi dùng cùng với canxi và vitamin D ở liều thích hợp. Chúng cũng cho thấy tác dụng làm giảm tỷ lệ mất xương ở những người đang bị loãng xương.

Nếu bạn đang sử dụng steroid để điều trị một bệnh lý khác, hãy trao đổi với bác sĩ để giảm bớt liều lượng thuốc steroid hoặc thay thế bằng thuốc khác càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Vertebral Compression Fracture. https://www.emedicinehealth.com/vertebral_compression_fracture/article_em.htm#vertebral_compression_fracture_facts. Ngày truy cập 29/01/2020.

Vertebral Compression Fractures. https://www.aans.org/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatments/Vertebral-Compression-Fractures. Ngày truy cập 29/01/2020.

Causes of Spinal Compression Fractures. https://www.webmd.com/osteoporosis/guide/spinal-compression-fractures-causes##1. Ngày truy cập 29/01/2020.

Phiên bản hiện tại

24/11/2020

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: anh.nguyen


Bài viết liên quan

Top 4 Bệnh viện, Phòng khám Cơ xương khớp uy tín tại Hà Nội

Bí quyết giúp giảm đau cơ xương khớp ở người trẻ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 24/11/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo